Hà Nội: Nguy cơ phá vỡ kiến trúc bởi siêu dự án
Hà Nội đang gặp khó trong kiểm soát sự phát triển của Thành phố, có nhiều nguy cơ phá vỡ kiến trúc bởi những siêu dự án.
Đó là khẳng định của KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam, cùng với đó là dự báo tác động lớn đến dân cư, hạ tầng xã hội, tại buổi gặp mặt, ngày 11/6.
Theo KTS Vạn, thành phố phấn đấu giảm 2 vạn dân khu vực nội đô nhưng thực tế lại tăng lên, chính vì thế, ngay từ đầu phải kiểm soát tốt việc phát triển của các dự án xây dựng đô thị, nhà ở.
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước hiện tại của Thành phố được thiết kế với quy mô 2 triệu dân, nhưng, hiện nay Thành phố có gần 10 triệu dân đang sinh sống, chính vì thế, cần ưu tiên nguồn lực, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước để Thành phố không còn bị ngập úng.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội. |
Ngoài ra, vị kiến trúc sư này cũng kiến nghị Hà Nội nên có cơ chế khuyến khích các công trình, kiến trúc xanh, như khen thưởng những kiến trúc sư thiết kế dự án xanh, cấp giấy chứng nhận, giảm thuế cho các công trình xanh; nâng tỷ lệ cây xanh trong các công viên của Thành phố, đồng thời khuyến khích, đi tiên phong trong phát triển nghệ thuật kiến trúc hiện đại.
Trong khi đó, cũng tại buổi gặp mặt, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội – ông Phạm Quang Nghị, sau khi đánh giá những thành tựu mà Hà Nội đã làm được sau 30 năm đổi mới, từ đời sống văn hóa, văn minh đô thị , cho đến xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ.
Đã khẳng định, Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn đặc thù trong quá trình phát triển, với khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu cấp bách như tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, cơ sở hạ tầng quá tải và chưa đồng bộ….
Chính vì thế, Bí thư thành ủy mong muốn, sau hội nghị, các đại biểu tiếp tục gửi cho Thành phố những kiến nghị, đề xuất để Thủ đô phát triển, gương mẫu, đi đầu.
“Lãnh đạo Thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ và chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Bản thân ông biết, thời gian qua chưa tận dụng được nhiều ý kiến phản biện của đội ngũ nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức, vì vậy trong thời gian tới, sẽ chỉ đạo để các đề án, dự án, công trình của Thành phố sẽ được lấy ý kiến rộng rãi hơn.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng cho biết, trong kế hoạch sắp tới, thành phố sẽ khắc phục ô nhiễm của 7 hồ chứa và phát triển thêm 25 hồ chứa mới.
Cùng với việc xây dựng các công viên lớn gấp 4-6 lần công viên Thống Nhất (200-300 ha), thành phố xác định tận dụng mọi quỹ đất có thể để phát triển khu vui chơi, khu sinh hoạt của người dân.
Bí thư Thành ủy nói: “Chúng ta đều biết là nếu không làm thì vĩnh viễn chúng ta sẽ mất những khoảng không gian đó.”
Đặc biệt, theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội sẽ chủ động làm sống lại 9 dòng sông trên địa bàn với nguồn kinh phí dự kiến cho cho việc này khoảng 20.000 tỷ đồng.
“Trung ương đã đầu tư tiến hành khắc phục ô nhiễm sông Nhuệ- sông Đáy. Nhưng quan điểm của lãnh đạo thành phố là Hà Nội phải chủ động làm”, ông Hải khẳng định.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, quy hoạch thoát nước của thành phố sắp tới cũng sẽ được tính toán với khả năng đáp ứng cao hơn, đối với với những trận mưa lớn hơn thời gian qua.
Trước đó, rất nhiều dự án đã được đề xuất như xây dựng bãi xe ngầm trong công viên Thống Nhất, đặt nhà ga C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng, khu Hồ Gươm.
Tuệ Lâm (Tổng hợp)/Báo Đất Việt