IFC – WB khuyến khích công trình xanh với chứng chỉ EDGE
Để đạt Chứng chỉ EDGE, các chủ đầu tư sẽ phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu ít nhất là 20% so với một công trình điển hình.
Dự án Ecolife Capitol được tổ chức tài chính quốc tế IFC – Worlbank tư vấn chứng chỉ xanh EDGE
Hệ thống chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của IFC là hệ thống chứng chỉ tự nguyện mang tính toàn cầu cho công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đưa đến những giải pháp kỹ thuật xanh, đồng thời có khả năng giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm của công trình. Được công nhận và triển khai ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, EDGE khuyến khích áp dụng các giải pháp thiết kế kỹ thuật hiệu quả cho công trình với những tính toán chi phí đầu tư và mức tiết kiệm tương ứng để chủ đầu tư lựa chọn mức độ “xanh” của công trình.
Còn quá ít công trình xanh tại Việt Nam
Theo tính toán của IFC, các tòa nhà hiện đang tiêu tốn tới hơn 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở những nền kinh tế của tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam lại đang là một trong các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Đây là một trong những lý do Việt Nam trở thành thị trường đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được triển khai hệ thống EDGE.
Hiện tại, những công trình đạt chứng chỉ xanh trên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những tòa nhà văn phòng, siêu thị.
Lý giải về điều này, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta chưa quan tâm đến việc xây dựng công trình xanh để tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Về mặt cơ chế chính sách, Bộ cũng đã ban hành QC 09 nhưng phần lớn chưa được tuân thủ, công tác thanh kiểm tra cũng hạn chế. Năng lực quản lý của các sở còn rất yếu, nhiều sở còn chưa nắm được những quy định này để cấp phép.
Toàn bộ nước thải của dự án Ecolife Capitol được thu gom, xử lý để sử dụng tưới cây tự động
Ông Trần Như Trung, PTGĐ Capital House phân tích : Mấu chốt nằm ở ý thức cộng đồng, ở nước ngoài những dự án có chứng nhận xanh sẽ thu hút nhiều người vào ở, tăng được giá trị đầu tư… Còn ở Việt Nam, cả chủ đầu tư và người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ vấn đề này. Khách hàng chưa quan tâm đến chất lượng công trình tiết kiệm năng lượng. Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta nâng cao ý thức cộng đồng cũng như có những khuyến khích cụ thể cho các chủ đầu tư?
Bên cạnh các chương trình truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, lựa chọn các giải pháp xanh cho ngôi nhà của mình, các chủ đầu tư dự án bất động sản phải là những người tiên phong đầu tư các công trình xanh. Đây cũng chính là lý do để Capital House đặt mục tiêu xây dựng các công trình xanh đạt chứng chỉ EDGE như EcoLife Capitol và EcoHome Phúc lợi.
Người mua nhà hưởng lợi trước tiên
Ngày 16/6/2016 Capital House đã ký Hợp đồng với SGS tư vấn đánh giá chứng chỉ EDGE cho dự án EcoLife Capitol và EcoHome Phúc lợi. Ecolife Capitol áp dụng những công nghệ mới giúp tòa nhà thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước… Tòa nhà áp dụng giải pháp tiên tiến để cách nhiệt mái với thiết kế hướng tới thông gió tự nhiên và cấp gió tươi. Đồng thời sử dụng hệ thống đèn LED cả không gian nội và ngoại thất; Sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng công cộng và hệ thống điều khiển thông minh (BMS) cho tòa nhà; Sử dụng các hệ thống sen-vòi vừa sang trọng vừa tiết kiệm nước…
Chứng chỉ ADGE được xem là cú hích cho các công trình xanh, bởi EDGE đơn giản hơn các tiêu chuẩn LEED, LOTUS khi đưa vào triển khai, các tiêu chí xanh đánh giá phù hợp với chi phí của doanh nghiệp. Để được cấp chứng nhận, dự án đạt tiêu chuẩn EDGE phải cải thiện ít nhất 20% mức tiêu thụ năng lượng, nước, vật liệu so với các công trình điển hình.
Công ty SGS Việt Nam – đơn vị kiểm định và cấp chứng nhận EDGE kỳ vọng trong 6 năm tới sẽ có khoảng 70.000 đơn vị nhà được xây mới được cấp chứng nhận EDGE, sẽ giảm 19.000 tấn khí nhà kính phát thải mỗi năm, tiết kiệm được 43.500MW/giờ điện mỗi năm, tương đương 8 triệu USD.
Đầu tư công trình xanh đòi hỏi suất đầu tư cao hơn, vì vậy trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình rất hiếm chủ đầu tư quan tâm, mặc dù đây là phân khúc tiêu tốn nhiều năng lượng nhất và ảnh hưởng tới môi trường nhiều nhất. Tuy vậy vẫn có những điểm sáng như Capital House với việc áp dụng các giải pháp xanh vào trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình – hướng đi mà Công ty kiên trì theo đuổi với các mục tiêu dài hạn. Theo ông Trần Như Trung, khách hàng là người đầu tiên hưởng lợi khi sở hữu căn hộ xanh, vì họ giảm được các hóa đơn năng lượng và được sống trong không gian xanh trong lành. Chủ đầu tư không phải “mất mát” do đầu tư cao hơn, họ sẽ nhận được nhiều hơn bởi uy tín với khách hàng của mình, thông qua việc xây dựng những công trình xanh, tạo nên cộng đồng phát triển bền vững, hài hòa và bảo vệ môi trường sống.
Sơn Thủy/Báo Xây dựng