09/06/2016

Chữa ngập úng cho TP Hà Nội

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Lê Văn Thịnh – chuyên gia xây dựng cho rằng, TP Hà Nội cần khắc phục bài toán thoát nước chung cũng như mạnh dạn sửa những bất cập của DA thoát nước thải, để tránh ngập úng trong những ngày mưa bão.

Nhìn lại trận mưa lớn gây ngập lụt nhiều quận ngoại thành của TP Hà Nội, ông lý giải thế nào về hiện tượng đường Hoa Bằng song song với sông Tô Lịch, chỉ cách sông Tô Lịch khoảng 20m nhưng bị ngập sâu trong biển nước?

– Tôi cho rằng, nguyên lý thoát nước của DA thoát nước Hà Nội có nhiều bất cập và không phù hợp với “cơ địa” của TP Hà Nội. DA thoát nước này được thiết kế, xây dựng trên cơ sở nguyên lý tự chảy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Như vậy, nước ở sông Tô Lịch không thể chảy đi đâu khi mà mực nước sông Nhuệ còn cao hơn cả mực nước sông Tô Lịch. Và chính trong những ngày mưa to thì đập Thanh Liệt nằm trên sông Tô Lịch phải kéo lên để nước sông Nhuệ chạy ngược lại sông Tô Lịch nhằm tránh ngập cho vùng phía Tây của TP. Bên cạnh đó, vì không có hệ thống thoát nước ngang mà lại thoát nước theo tuyến (nước đổ đến cuối tuyến mới ra ngoài sông) nên mặc dù đường Hoa Bằng và sông Tô Lịch ở khoảng cách rất gần nhau nhưng nước không thể chảy ngay sang sông Tô Lịch mà cứ phải dồn đến cuối tuyến mới chảy được.

Sau khi TP.HCM làm DA thoát nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì chúng ta mới có dịp để nhìn lại công nghệ xây dựng hệ thống thoát nước của TP Hà Nội. DA thoát nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè làm hệ thống giếng thoát nước với đường kính 10m, sâu 35 – 55m. Các giếng nối với nhau bằng một đường ống có đường kính 3m. Hệ thống giếng có chức năng chứa toàn bộ nước thải, sau đó chuyển về nhà máy xử lý nước thải. Toàn bộ kênh đều được đóng cừ, kè thẳng góc nhằm mở rộng diện tích dòng chảy. Nước thải sinh hoạt được tách riêng ra khỏi nước mặt nên mặc dù chưa có nhà máy xử lý nước thải nhưng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải thiện rất lớn.

Còn DA xử lý nước thải của TP Hà Nội, tất cả các loại nước thải (nước mặt, nước thải công nghiệp, nước sinh hoạt) đều đổ chung vào một chỗ. Các sông chứa nước thải đều thiết kế theo kiểu taluy làm mất nhiều diện tích đất, thu hẹp diện tích mặt cắt ngang và hạn chế diện tích dòng chảy. Có thể thấy, với DA thoát nước của TP Hà Nội “thua thiệt” đủ điều cả về mặt công nghệ cũng như tốc độ dòng chảy.

Theo ông có cách nào khắc phục những điểm yếu của DA này không?

– Thứ nhất, cần mạnh dạn “sửa sai”, nên học tập DA của Nhiêu Lộc – Thị Nghè, làm hệ thống giếng thô chứa nước thải, tách toàn bộ hệ thống nước mặt ra khỏi nước sinh hoạt. Thứ hai, mạnh dạn thay toàn bộ mái dốc của kênh bằng cừ hoặc mái thẳng đứng. Thứ ba, đường thoát nước ngắn nhất là đường vuông góc thì DA không có nên cần bổ sung thật nhiều hệ thống thoát nước ngang cho cả nước mặt và nước sinh hoạt. Nếu hệ thống thoát ngang mà tốt thì đường Hoa Bằng vừa rồi hoàn toàn có thể thoát nước. Thứ tư, cao độ của sông Tô Lịch là quá thấp, nên nhân tiện cần phai làm sâu cao độ này hơn nữa để nước mưa mới hoàn toàn thoát được. Thứ năm, bổ sung khoảng 10 trạm bơm thoát nước có công suất như trạm bơm Yên Sở, công suất 90m3/s. Thứ sáu, cần có hệ thống đập thoát nước. Pha 2, giai đoạn 1 của DA thoát nước Hà Nội mới chỉ quan tâm đến hệ thống thoát nước từ nội thành (4 quận nội thành cũ), mà chưa quan tâm đến hệ thống thoát nước của những quận mới như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm – những khu vực đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh, nên nước mưa chỉ ngập ở những khu mới, nếu không thoát nước kịp thời thì đến ngay cả Sân vận động Mỹ Đình cũng ngập. Thứ bảy, hệ thống cống chính xuyên trục chính phải là cống hộp, đường ống sâu ít nhất 2m (cống hộp bê tông cốt thép). Thứ tám, cương quyết không cống hoá hệ thống mương hở. Minh chứng là TP.HCM sau khi cống hoá hệ thống kênh Hàng Bàng đã phải đào lên để làm lại thành hệ thống mương hở. TP Seoul (Hàn Quốc) đã biến toàn bộ hệ thống sông thối đã cống hoá thành mương hở, có nhà máy xử lý nước thải, trở thành dòng suối trong lành, chảy giữa Thủ đô Seoul.

Giải pháp lâu dài, TP Hà Nội phải đặt ra những vấn đề cốt lõi gì đối với vấn đề thoát nước, thưa ông?

– Đối với bài toán thoát nước chung và lâu dài cho TP Hà Nội, chúng ta càng cải tạo càng tắc nếu như không có một quy hoạch tổng thể của đô thị Hà Nội, trong đó có cả quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật và trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải có quy hoạch hệ thống thoát nước và hệ thống cấp nước. Đặc biệt, quy hoạch này phải bao gồm cả những vấn đề về thủy lợi. Bởi ngay cái tên của Thủ đô Hà Nội đã biểu hiện rất rõ. Hà Nội là trong sông, cho nên công tác thuỷ lợi, trị thuỷ đối với Hà Nội rất là quan trọng.

Chúng ta vẫn tự hào là Thủ đô có diện tích, quy mô lớn trên thế giới, thì đừng hi vọng nó thoát nước trực tiếp được, mà phai nghĩ đến biện pháp trữ nước thoát, sau đó khi hết cơn mưa mới bơm đi. Nhân thể chúng ta đang chuẩn bị làm hệ thống tàu điện ngầm, thì nên làm hệ thống tàu điện ngầm thông minh như của Malaysia, tầng cuối là tầng trữ nước. TP Hà Nội cũng buộc phải làm những hồ chứa nước ngầm như ở Nhật Bản, phía trên là siêu thị thì phía dưới phải là bể chứa nước ngầm. Đối với những hồ hiện hữu của TP, cương quyết không cho lấp và cũng không cho cống hoá trở thành đường để thu nước tự nhiên nhanh và sự cân bằng hệ vi sinh vật.

Như vậy, áp lực về nguồn tài chính sẽ quá lớn cho TP Hà Nội, thưa ông?

– Đầu tư cho hạ tầng là tốn kém nhất, đặc biệt là khi đầu tư vào hạ tầng thoát nước thì không sinh lời. Bởi vậy, đã đến lúc cần thực thi các biện pháp nhằm tạo nguồn lực cho đầu tư hạ tầng như các nước trên thế giới đã làm. Những người thụ hưởng hệ thống thoát nước là những người thụ hưởng vấn đề cấp nước thì phải trả phí thoát nước, không chỉ người dân mà cả các nhà đầu tư (các khu đô thị, chung cư…). Làm được điều này sẽ giúp TP có một khoản thu rất lớn đầu tư cho hạ tầng thoát nước. Bên cạnh đó, hệ thống các DN thoát nước phải là DN có hoạt động kinh doanh, để tạo động lực cho DN hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như xứng đáng với chi phí mà người dân chi trả.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)/Báo Xây dựng