Đi tìm giải pháp cho mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh”
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Việt Nam hiện nay đã có hàng chục khu đô thị sinh thái cũng hình thành song tính chất và quy mô khác nhau như: Ecopark Hà nội, Ecopark Hưng Yên, ven sông Hòa Xuân, Thiên Tân; Vinhomes Riverside Phú Quốc, Golden Hills; Xuân Phương Tasco; Bảo Thọ Quốc tế Hòa Bình,Việt Âu; Sunrise River, khu đô thị sinh thái Lakeview City và Cồn Ấu Green Island Golf Novaland; Trên thực tế có nhiều khu đô thị quảng bá là khu đô thị sinh thái nhưng thực chất chưa đạt chuẩn đô thị sinh thái đúng nghĩa. Khái niệm đô thị xanh ở Việt Nam cũng đã được quan tâm song còn có nhiều khái niệm khác nhau và chưa có đô thị nào được công nhận là đô thị xanh. Đà Lạt thí điểm xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” là hoàn toàn mới mẻ. Cần tìm kiếm thông tin và khai thác kinh nghiệm quốc tế để xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” tại Đà Lạt cho hiệu quả và bản sắc.
Thành phố Đà Lạt có tính đặc thù bởi di sản kiến trúc, điều kiện tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Đà Lạt là một trong những thành phố trẻ có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển toàn diện kinh tế – xã hội với tốc độ cao hơn. Song, quy mô TP Đà Lạt hiện hữu còn nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ, nhất là về quy hoạch và cơ chế chính sách để chủ động hội nhập quốc tế. Do đó việc mở rộng quy mô phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận là yêu cầu tất yếu. Xuất phát từ yêu cầu thực tế và kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2014 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha. Trong đó, TP Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440 ha.
Với tính chất đến năm 2030, TP Đà Lạt là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại và dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Với mục tiêu phát triển, xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 1528/ QĐ-Ttg ngày 03 tháng 09 năm 2015 về việc Ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo đó UBND tỉnh Lâm Đồng được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng với kết nối giao thông công cộng của thành phố Đà Lạt…; được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt, đã được đưa vào danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhiều cơ chế đặc thù khác tạo cơ hội tốt cho TP Đà Lạt phát triển theo đúng mục tiêu trong tương lai….
Một nội dung có tính đột phá và tính mới, tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” (green village) tại TP Đà Lạt theo Đồ án quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Từ khái niệm đô thị sinh thái đến đô thị xanh và làng đô thị xanh tại Việt Nam
Trên thế giới, một số quốc gia đã xây dựng thành công các đô thị xanh, đô thị sinh thái, chính thức ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 20 như: Curitiba (Brazil), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ), Bali ( Indonesia)… đô thị xanh được xem là một sự lựa chọn cho các mô hình phát triển đô thị hiện nay tại nhiều thành phố, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hoá và sự phát triển đô thị đang diễn ra mạnh mẽ và biến đổi khí hậu.
Đô thị sinh thái: Khái niệm đô thị sinh thái được Tổ chức Sinh thái đô thị của Úc định nghĩa thì “Một thành phố sinh thái là thành phố đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên”. Ở Việt Nam hiện nay đã có hàng chục khu đô thị sinh thái cũng hình thành song tính chất và quy mô cũng khác nhau như: Ecopark Hưng Yên, Thiên Tân; Vinhomes Riverside Phú Quốc, Golden Hills; Xuân Phương Tasco; Bảo Thọ Quốc tế Hòa Bình,Việt Âu; Sunrise River, khu đô thị sinh thái Lakeview City và Cồn Ấu Green Island Golf Novaland; trên thực tế có nhiều khu đô thị quảng bá là khu đô thị sinh thái nhưng thực chất chưa đạt chuẩn đô thị sinh thái đúng nghĩa.
Đô thị xanh: Khái niệm Đô thị xanh ở Việt Nam trong những năm qua luôn được các Bộ, ngành và các địa phương quan tâm, song còn có nhiều khái niệm khác nhau. Bước đầu thông qua các hội thảo khoa học cũng có nhiều nhà khoa học đưa ra đưa ra tiêu chí đô thị xanh. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đề xuất đô thị xanh ở Việt Nam cần có 7 tiêu chí, bao gồm: (1) Không gian xanh; (2) Công trình xanh; (3) Giao thông xanh; (4) Công nghiệp xanh; (5) Chất lượng môi trường đô thị xanh; (6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) Cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường và thiên nhiên.
Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay chưa có đô thị nào được công nhận đô thị xanh. Như vậy việc Đà Lạt thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” là hoàn toàn mới trong điều kiện ở Việt Nam trên cả cơ sở pháp lý và thực tiễn; hiện tại nếu tìm kiếm các nguồn thông tin tham khảo về “Làng đô thị xanh” thì hoàn toàn chưa có khái niệm, tiêu chí cụ thể hoặc thông tin bình luận phân tích trên cơ sở khoa học về “làng đô thị xanh”.
Từ phân tích nêu trên có thể đưa ra khái niệm: Làng đô thị xanh là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý; Có kết cấu phức hợp của một đô thị song có tất cả các đặc điểm của làng; Không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình thí điểm làng đô thị xanh tại Đà Lạt
Từ khái niệm trên, chúng tôi đề xuất mô hình thí điểm “làng đô thị xanh” ở Đà Lạt theo các nội dung sau đây:
Về Quy mô: Các mô hình thí điểm cần có quy mô khoảng 200 ha, bởi vì nếu quá lớn thì các điều kiện cần và đủ nguồn lực để thực hiện kết cấu phức hợp sẽ khó thỏa mãn yêu cầu “làng đô thị xanh”. Ngược lại nếu quy mô quá nhỏ sẽ khó xử lý mối quan hệ giữa kiến trúc, hệ sinh thái đô thị và môi trường đô thị để đạt mục tiêu thân thiện với môi trường.
Nguyên tắc thí điểm vừa nâng cấp đô thị hiện có vừa quy hoạch mới, để từ đó trong quá trình thí điểm có cơ sở khoa học đúc kết kinh nghiệm để phát triển nhân rộng trong tương lai. Do đó vị trí thí điểm mô hình “làng đô thị xanh” Đà Lạt, có thể đề xuất trên cơ sở nâng cấp đô thị tại làng Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt và đô thị Finôm tại huyện Đức Trọng; quy hoạch “làng đô thị xanh” mới tại thị trấn Nam Ban (03 mô hình thí điểm);
Sự đồng đều về kiến trúc: Sự đồng đều kiến trúc tùy thuộc rất lớn về tập quán dân cư, lịch sử kiến trúc và điều kiện khí hậu thời tiết, trong điều kiện thực tế tại Đà Lạt cần sử dụng sự đồng đều kiến trúc dạng nhà biệt lập và liền kề, thiết kế nhà một trệt, một lầu hoặc một trệt hai lầu, mái nhà chữ A trên 70%; còn lại 30% kiến trúc không đồng đều trong quá trình thí điểm kết cấu kiến trúc theo hướng hiện đại phân bố hài hòa với không gian quy hoạch, chủ yếu các công trình dịch vụ cao cấp như khu vui chơi giải trí công cộng hoặc trung tâm thương mại tiện ích để tạo điểm nhấn không gian “Làng đô thị xanh”;
Mật độ xây dựng: Ưu tiên đất dành cho đường đi bộ, sau đó đến giao thông công cộng, công trình nhà ở, các công trình dịch vụ, mật độ xây dựng công trình có mái che và không có mái che không quá 30%. Đối với mô hình thí điểm nâng cấp đô thị (phường 12, Đà Lạt và đô thị Finôm,Đức Trọng) do hiện trạng mật độ xây dựng khá cao, do đó cần chỉnh trang đô thị phù hợp, sắp xếp lại hệ thống nhà kính trồng rau hoa một cách khoa học; quy hoạch lại các công trình công cộng hợp lý, nâng cấp hạ tầng giao thông đồng bộ và bổ sung lượng lớn trồng cây xanh;
Sự đồng bộ về hạ tầng: Đường giao thông đối nội kết nối thông suốt với đường giao thông đối ngoại chỉ tập trung một đầu mối chính, phân cấp đường rõ ràng; hạ tầng đồng bộ, khuyến khích người dân đi bộ trong làng đô thị, sử dụng phương tiện xe công cộng giảm khí thải nhà kính, sử dụng xe điện, xe đạp… Hệ thống điện sinh hoạt được thiết kế thân thiện, khoa học, ưu tiên sử sụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió), dây điện sinh hoạt và dây điện thoại được chôn ống ngầm; hệ thống cung cấp nước sạch đến từng gia đình 100%;
Hệ thống dịch vụ tiện ích: Có trung tâm thương mại hiện đại; Ứng dụng tổng hợp các loại công nghệ tiên tiến và hiện đại, then chốt là công nghệ công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực phổ biến như: Cảnh báo giao thông, dự báo thời tiết, mạng internet không dây – wifi… đảm bảo tối đa phục vụ nhu cầu đời sống – xã hội của người dân;
Đảm bảo không gian vui chơi giải trí và thể dục thể thao: Dành khoảng không gian phù hợp thiết kế thảm cỏ,vườn hoa, vườn cây kiểng; Khuyến khích hàng rào quanh nhà là trồng cây xanh phù hợp; Có khu vui chơi giải trí và khu thể dục, thể thao công cộng tiện nghi đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và thể dục, thể thao cho mọi lứa tuổi của người dân;
Phát triển kinh tế: Song song với giải quyết việc làm thông qua dịch vụ tổng hợp và văn phòng ngay trong lòng đô thị như các đô thị khác; Song tính khác biệt cơ bản của “Làng đô thị xanh” là không thể thiếu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tuy nhiên yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hạn chế tối đa và tuyệt đối không phát triển chăn nuôi; Khuyến khích phát triển làng nghề; Khai thác tối đa du lịch canh nông.
Có giải pháp bảo vệ và xử lý môi trường: Có hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường; Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải phải đạt 100% khối lượng rác thải mỗi ngày. Trong “Làng đô thị xanh” nhất thiết phải có hồ cảnh quan để người dân hàng ngày tập thể dục quanh hồ, đồng thời hồ cảnh quan cũng đóng vai trò như lá phổi điều tiết không khí trong lành và cải thiện môi trường sinh thái.
Làm giàu hệ sinh thái đô thị: Trong quy hoạch cần dành diện tích đất nhất định để trồng thảm cỏ; Trồng cây xanh đủ lượng theo quy mô quy hoạch ngay từ đầu nếu đó là mô hình thí điểm khởi công mới hoặc có giải pháp làm giàu hệ sinh thái đô thị bằng cách trồng bổ sung cây xanh nếu đó là mô hình thí điểm nâng cấp từ các khu đô thị hiện có; Đồng thời hàng năm phải tái tạo trồng cây xanh liên tục để làm giàu sự đa dạng hệ sinh thái đô thị góp phần cải thiện môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị bền vững.
An sinh xã hội và đạo đức công dân: Đây là nội dung rất quan trọng của “Làng đô thị xanh” nhằm đảm bảo sự cân bằng trong quá trình phát triển đô thị song xã hội phải văn minh; Do đó làng đô thị xanh phải đảm bảo ba không: Không có hộ nghèo, không có tệ nạn xã hội và không có hộ gia đình vi phạm pháp luật; Nếu công dân vi phạm một trong ba không nêu trên thì “Làng đô thị xanh” dù có hiện đại và thân thiện môi trường đến mấy cũng đều vô nghĩa. Các hoạt động dịch vụ và quản trị “làng đô thị xanh” phải đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân luôn luôn được nâng cao. Trong mọi hoạt động đời sống xã hội của tất cả công dân phải giữ được bản sắc văn hóa con người Việt Nam, sống có trách nhiệm, sống có tính cộng đồng cao, từ đó mọi công dân sinh sống trong “Làng đô thị xanh” họ có quyền tự hào là công dân đẳng cấp chất lượng cao.
Từ các nội dung trên chúng tôi đề xuất một “làng đô thị xanh” cần hội đủ 5 tiêu chí sau, theo nguyên tắc: dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
1/ Quy mô diện tích khoảng 200 ha;
2/ Sự đồng đều về kiến trúc trên 70%;
3/ Mật độ xây dựng công trình mái che và không mái che không quá 30%;
4/ Hệ thống hạ tầng đồng bộ, các hoạt động kinh tế, dịch vụ và giải trí của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường;
5/ An sinh xã hội tiến bộ, đạo đức công dân luôn giữ bản sắc văn hóa con người Việt Nam./.
Ts Phạm S
Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM