10/05/2016

Vai trò cực tăng trưởng khu kinh doanh trung tâm và thành phố trung tâm

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Nước ta đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh. Đô thị đóng góp phát triển đất nước nhờ sự khác biệt về năng suất lao động giữa thành thị và nông thôn và tốc độ tăng năng suất nhanh hơn, nhờ sự “tụ tập” mà thu ngắn khoảng cách vận chuyển và giao dịch (hiệu ứng tiết kiệm do tụ tập) và “quy mô lớn” của sản xuất và dịch vu mà hạ được giá thành (hiệu ứng tiết kiệm do quy mô). Tuy vậy, các hoạt động kinh tế chỉ tập trung chủ yếu vào một số không gian thị trường (market-areas) trong đô thị chứ không phải chia đều cho toàn không gian đô thị, đặc biệt tập trung tại “Khu kinh doanh trung tâm” (Central Business District – CBD). Cường độ hoạt động kinh tế cũng không đồng đều giữa các đô thị trong một vùng, mà chủ yếu tập trung vào đô thị lớn nhất trong số đó, gọi là “thành phố trung tâm” (central city). Chính vì vậy, phát huy vai trò cực tăng trưởng khu kinh doanh trung tâm và TP. HCM cho định hướng phát triển trên thế giới có thể coi là kinh nghiệm quý.

Khu trung tâm dịch vụ và hành chính Khu ĐTM Phú Mỹ Hưng, TP HCM

Khu trung tâm dịch vụ và hành chính Khu ĐTM Phú Mỹ Hưng, TP HCM

Khái niệm và mô hình thực tiễn trên thế giới
Cực tăng trưởng
Khái niệm “cực tăng trưởng” do Perroux (1955) đưa ra khi nghiên cứu kết cấu không gian vùng. Ông cho rằng một ngành công nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp có thể đóng vai trò chủ đạo và trở thành “cực tăng trưởng” có tác động thúc đẩy nhiều ngành nghề khác thông qua sự tụ tập và liên kết, bao gồm “liên kết phía sau” như doanh nghiệp luyện gang thép quan hệ với mỏ quặng sắt, nhà máy luyện than cốc, và “liên kết phía trước” với các nhà máy sử dụng nhiều kim loại này như đóng tàu, chế tạo ô tô. Tiếp đó, Boudeville (1966) định nghĩa “cực tăng trưởng” là kết quả tổng hợp của sự mở rộng không ngừng các hoạt động kinh tế trong đô thị tác động đến hoạt động kinh tế cả vùng, khiến đô thị trở thành không gian tụ tập có tác động lan tỏa, gọi là “cực tăng trưởng” hay “trung tâm tăng trưởng”. Theo Porter (1990) thì sự tụ tập tạo điều kiện thuận lợi hình thành “chuỗi giá trị” và nâng cao năng lực cạnh tranh của nơi chốn.
“Đô thị – cực tăng trưởng” trở thành “đô thị – trung tâm vùng” khi có tác động lan tỏa ra một vùng trên một số mặt hay nhiều mặt. Hiển nhiên phạm vi lan tỏa của mỗi loại thị trường hàng hóa hay dịch vụ có thể khác nhau, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin và giao thông cao tốc, chẳng hạn các dịch vụ y tế, học tập thậm chí có thể lan tỏa rộng ra ngoài biên giới quốc gia. Thế nhưng dù sao tác động lan tỏa trong phạm vi gần vẫn có cường độ mạnh hơn và tạo ra “Vùng đô thị lớn” (Metropolis) nhiều triệu dân như Vùng Thủ đô Hà Nội hiện nay, rồi có thể lớn lên thành “Siêu vùng đô thị lớn” (Megalopolis) hàng chục triệu dân như Vùng TP Hồ Chí Minh.
Cơ chế hình thành vùng đô thị lớn được giải thích như sau: đô thị hạt nhân phát triển đến mức độ nhất định thì sự tụ tập lại làm nẩy sinh hiệu quả xấu, như môi trường ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn, giá đất quá cao, tiền công lao động tăng vì giá sinh hoạt tăng…khiến năng lực cạnh tranh giảm sút, dẫn đến một phần hoạt động kinh tế và dân số phải phân tán ra miền đất xung quanh. Công năng của đô thị hạt nhân và vùng phụ cận có sự điều chỉnh: các hoạt động buôn bán, dịch vụ tập trung vào đô thị hạt nhân, còn hoạt động sản xuất công nghiệp phân bố theo vành đai trong vùng phụ cận, kéo theo sự phát triển của các trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo, khu nhà ở và khu bán lẻ. Mạng lưới giao thông được mở mang để kết nối toàn vùng. Vùng đô thị lớn không có địa giới rõ ràng. Nhật Bản đưa ra nguyên tắc phải có ít nhất 15% lao động trong vùng vào làm việc tại thành phố trung tâm. Có nước đưa ra khái niệm “vùng đô thị thường ngày” dựa trên quy tắc 1 giờ đi làm từ ngoại vi xa nhất đến trung tâm.
Khu kinh doanh trung tâm
Khu kinh doanh trung tâm (Châu Âu gọi là CBD, Hoa Kỳ gọi là Downtown) thường ở trung tâm đô thị, nơi mọi người dân tiện đường đến các cửa hàng và cơ sở giải trí lớn, các doanh nghiệp đến giao dịch với ngân hàng, khách vãng lai tìm nơi ở thuận tiện, công dân đến giao thiệp với cơ quan chính quyền…Tóm lại, CBD tập trung thể hiện các chức năng “đô” (trung tâm hành chính) và “thị” (trung tâm kinh tế) trong lịch sử hình thành đô thị. Ở nước ta, khu vực kinh doanh quanh Hồ Hoàn Kiếm ở Thủ đô Hà Nội và tại Quận I TP Hồ Chí Minh là những nơi có đầy đủ các đặc điểm của CBD hình thành từ thời chế độ thực dân và được nâng cấp dần qua thời gian.
CBD hoàn chỉnh hiện diện tại các thành phố lớn, còn các đô thị nhỏ thường chỉ có một số đường phố buôn bán tương đối nhộn nhịp tại nút giao thông chính và thực hiện một số chức năng của CBD. Nói chung, CBD của thành phố hiện đại có các loại công trình sau đây:
1) Cơ quan hành chính đô thị (không nhất thiết);
2) Siêu thị, cửa hàng lớn, cửa hàng chuyên trách như cửa hàng thời trang, trang sức đắt tiền;
3) Nhà văn phòng, cơ quan tài chính ngân hàng;
4) Công trình văn hóa, giải trí; bảo tàng và di sản văn hóa – lịch sử;
5) Khách sạn, nhà hàng.
Do CBD là nơi có mật độ xây dựng cao, tập trung các nhà nhiều tầng và cao tầng, nơi thu hút nhiều người dân đô thị và khách vãng lai đến cả ngày lẫn đêm nên phải có khả năng tiếp cận dễ dàng; giao thông nội khu thuận tiện, chủ yếu là đi bộ, vì vậy cần phải dễ định hướng và an toàn; các hoạt động ít chịu ảnh hưởng biến động thời tiết; ban đêm được chiếu sáng tốt; trật tự an ninh được bảo đảm. CBD cần được trang bị đầy đủ hạ tầng như:
Giao điểm các tuyến giao thông công cộng từ ngoại thành vào và các nơi đỗ xe nhiều tầng cho các phương tiện giao thông cá nhân;
Vỉa hè là không gian công cộng quan trọng, có nhà vệ sinh, nơi tạm nghỉ và giải khát, nhà bên hè có mái hiên rộng che mưa nắng;
Quảng trường, công viên, vườn hoa, phố đi bộ;
Hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng công trình, chiếu sáng lễ hội;
Không gian ngầm đa chức năng.
Về kinh tế, CBD tạo ra nhiều việc làm, cung cấp nguồn thu lớn cho ngân sách đô thị, tạo thương hiệu đô thị, nhưng giá đất thì cao bất thường. Sức mạnh kinh tế của CBD tại các thành phố-đô thị hạt nhân của vùng và siêu vùng đô thị lớn còn có thể lan tỏa ảnh hưởng ra cả bên ngoài phạm vi quốc gia trong bối cành toàn cầu hóa.
Trong quá trình phát triển thành phố dần dần hình thành một số CBD thứ cấp, khiến thành phố từ “đơn tâm” trở thành “đa tâm”.
Nên chú ý rằng các hoạt động về đêm tại CBD có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo bản sắc đô thị và đóng góp đáng kể cho kinh tế đô thị. Có thể tham khảo kinh nghiệm của chính quyền Luân Đôn năm 2007 ban hành văn kiện “Quản lý nền kinh tế ban đêm” đem lại nhiều hiệu quả, và nhờ đó Luân Đôn trở thành đô thị kiểu mẫu về đêm của cả nước Anh.

Thành phố trung tâm
Mỗi vùng kinh tế – xã hội đều có một hệ thống đô thị vùng có cấu trúc theo thứ bậc, đứng đầu là đô thị trung tâm đóng vai trò cực tăng trưởng có tác động lan tỏa ra toàn vùng. Ở nước ta, 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều là các thành phố trung tâm vùng, riêng hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội còn là cực tăng trưởng cấp quốc gia. Ngoài ra, 58 thành phố tỉnh lỵ khác là đô thị trung tâm cấp tỉnh.

Thành phố trung tâm vùng có tác động lan tỏa chủ yếu theo các “trục phát triển” trải dọc các tuyến giao thông ven biển, sông lớn, quốc lộ và đường sắt xuyên vùng. Khi xuất hiện thêm thành phố trung tâm nữa thì đoạn trục nối hai thành phố trung tâm tạo ra “hành lang phát triển”. Khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các trục và hành lang phát triển được nối thành “mạng”, gồm các nút, miền (phạm vi ảnh hưởng của nút) và lưới (tuyến lưu thông của hàng hóa, tiền vốn, kỹ thuật, thông tin, sức lao động v.v.).
Tóm lại, tác động lan tỏa của thành phố trung tâm gắn với sức mạnh kinh tế của CBD, với sự thông suốt của các cửa ngõ thành phố, với tốc độ di chuyển trên các tuyến giao thông hướng tâm và các vành đai, và với khả năng hạn chế ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Nếu có hệ thống giao thông liên vùng thuận lợi thì tác động đó còn có khả năng mở rộng ra các vùng lân cận, trước hết là các dịch vụ tài chính, y tế và giáo dục đào tạo.

Định hướng phát triển vai trò cực tăng trưởng TP HCM – Thành phố toàn cầu
Saskia Sassen (1991) đưa ra khái niệm “thành phố toàn cầu” (global city) để chỉ các Siêu vùng đô thị, vì chúng là những “nút” quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Ngày nay có nhiều quan điểm khác nhau về các đặc trưng của thành phố toàn cầu, nhưng nói chung được đồng thuận cao là bao gồm:
• Dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, chứng khoán);
• Trụ sở tập đoàn đa quốc gia và tổ chức quốc tế;
• Vai trò chủ đạo trong thương mại và nền kinh tế khu vực;
• Các khu công nghiệp lớn với cảng công ten nơ và dịch vụ kho vận lớn;
• Sân bay quốc tế;
• Trung tâm thông tin và truyền thông tham gia mạng quốc tế;
• Các cơ sở giáo dục chất lượng cao có nhiều sinh viên quốc tế, và các cơ sở nghiên cứu chuyên sâu;
• Lao động dịch vụ và công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ cao;
• Hệ thống hạ tầng đô thị chất lượng tốt và đa chức năng; tư vấn pháp luật, các cơ sở y tế và giải trí có chất lượng cao.
Công ty tư vấn quản lý quốc tế A. T. Kearney có trụ sở chính ở Chicago, từ năm 2008 lập ra danh sách thành phố toàn cầu. Danh sách năm 2008 mới bao gồm 40 thành phố, trong đó Đông Nam Á có Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur, nhưng đến năm 2010 thì trong tổng số 65 thành phố toàn cầu, ASEAN đã có thêm Manila, Jakarta và TP Hồ Chí Minh. Số thành phố toàn cầu tăng nhanh, năm 2015 đã là 125 thành phố.
Trong vai trò thành phố toàn cầu, TP HCM nên tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu với 5 độ đo chủ yếu như sau:
• Hoạt động kinh doanh quốc tế (trụ sở tập đoàn, thị trường tài chính, hội chợ quốc tế, sân bay và cảng biển quốc tế);
• Nguồn nhân lực (trình độ học vấn và ngoại ngữ; đại học danh tiếng, số lượng sinh viên);
• Trao đổi thông tin (mạng Internet, truyền thông đại chúng);
• Sinh hoạt giải trí, thi đấu thể thao, bảo tàng, triển lãm, du khách quốc tế;
• Hoạt động chính trị quốc tế (hội nghị, hội thảo, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, trung tâm hội nghị-triển lãm quốc tế).
Đại hội X (nhiệm kỳ 2015-2020) của Đảng bộ Thành phố đã đưa ra mục tiêu “sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. Điều quan trọng bây giờ là tìm hiểu kỹ các đối tác cạnh tranh và hợp tác trong khu vưc (ASEAN hiện tập trung 6 thành phố toàn cầu), đánh giá kỹ thực lực bản thân để định ra “cây mục tiêu” rồi xây dựng Chương trình Hành động cụ thể. Đây là công việc phức tạp đòi hỏi nhiều công sức. Tiếp theo là công tác tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh Chương trình Hành động một cách nhất quán và linh hoạt.
TP HCM đề xuất mô hình đô thị mới của Thành phố gồm đô thị trung tâm và 4 đô thị vệ tinh hình thành “chuỗi đô thị”, trong đó “thành phố trung tâm” là khu vực đã đô thị hóa, còn “4 thành phố vệ tinh” liền kề thuộc khu vực đang đô thị hóa. Theo hướng này, nội dung Chương trình hành động của Thành phố cần được phân bổ cụ thể cho từng thành phố thành viên của chuỗi đô thị./.

TS Phạm Sỹ Liêm
Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng và đô thị

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM