Tháng Kiến trúc (5/2016): Kiến trúc hiện đại
Ở đầu thế kỷ 20, lịch sử kiến trúc xuất hiện một trường phái kiến trúc mới lấy tên gọi “Kiến trúc hiện đại“. Nó sinh ra trong một bối cảnh mà xã hội và kỹ thuật công nghệ đang thay đổi một cách sâu sắc tại châu Âu và Mỹ. Nó cũng đánh dấu sự chuyển biến ngày càng phát triển từ làng quê thành đô thị dưới áp lực của nền công nghiệp hoá.
Các kiến trúc sư thời kỳ này thường là những người lý tưởng hoá. Họ muốn cải thiện điều kiện sống của con người ở mọi tầng lớp khi sử dụng nền kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt họ muốn thay đổi hình thái kiến trúc hoàn toàn mới lạ, khi phản đối kịch liệt nền kiến trúc thế kỷ 19 mang thuyết “chiết trung” (eclecticism) không có sự sáng tạo đột phá. Đó chỉ là sự ghép nối, nhại lại những trường phái kiến trúc trước đây.
Nhưng cũng vì thế mà “Kiến trúc hiện đại” hay bị phán xét như một thể loại kiến trúc “ngoại bang”, chối từ nguồn gốc bản địa, và những nền chính trị độc tài ở những thập niên 30 – 40 coi nó không mang tính dân tộc chủ nghĩa…! Thực ra nếu chỉ nhìn vào “hình thái” mà đánh giá kiến trúc thì hơi vội vã dẫn đến sai lầm. Chính những kiến trúc sư hiện đại sâu sắc nhất lại là những người thấm đẫm truyền thống. Tất nhiên họ không đi sao chép những “hình thái” của kiến trúc truyền thống mà chỉ bảo tồn những “ý nghĩa” sâu sắc nhất của nó.
Từ ngày 7/5 đến 28/5, lần đầu tiên Ashui.com tổ chức chuỗi hoạt động có tên gọi “Tháng Kiến trúc” với chủ đề “Kiến trúc hiện đại” tại không gian Heritage Space – Hà Nội, gồm các nội dung chính sau:
1. Triển lãm Kiến trúc hiện đại Việt Nam và ASEAN
– Thực hiện: Ashui.com, Heritage Space, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), Dự án Hợp tác Phát triển đô thị IMV (Ile-de-France / Hà Nội).
– Địa điểm: Heritage Space Gallery / Dolphin Plaza
– Thời gian: từ ngày 7/5 đến 28/5/2016
– Khai mạc: 5pm, ngày 7/5/2016 (thứ Bảy)
– Nội dung: Trưng bày phần triển lãm kiến trúc hiện đại của 10 nước Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức ICOMOS (International Council on Monuments and Sites) thuộc UNESCO, diễn ra tại Fukuoka (Nhật Bản) tháng 10/2015; đồng thời triển lãm kiến trúc Pháp thuộc ở Hà Nội. (tiếp tục cập nhật)
2. Mở cửa Thư viện Kiến trúc-Xây dựng Ashui.com
– Thực hiện: Ashui.com, Heritage Space, TOTO Publishing, 303 Library
– Địa điểm: Heritage Space Library / Dolphin Plaza
– Thời gian: từ ngày 7/5/2016, 5pm
– Nội dung: thư viện gồm các đầu sách và tạp chí chuyên ngành kiến trúc-xây dựng
3. Chiếu phim “Le Corbusier – hiện đại hoàn toàn hiện đại”
– Thực hiện: Câu lạc bộ Điện ảnh Kiến trúc (phụ trách bởi Ashui.com và VUUV)
– Địa điểm: Heritage Space / Dolphin Plaza (Hà Nội) + Salon Văn hóa Cà phê thứ bảy (19B Phạm Ngọc Thạch, P.6, Quận 3, TPHCM)
– Thời gian: 3pm, ngày 7/5/2016 (thứ Bảy)
– Nội dung: (xem giới thiệu ở dưới)
– https://www.facebook.com/events/567675283392974/
4. Chiếu phim “My Architect – Louis Kahn”
– Thực hiện: Câu lạc bộ Điện ảnh Kiến trúc (phụ trách bởi Ashui.com và VUUV)
– Địa điểm: Heritage Space / Dolphin Plaza (Hà Nội) + Salon Văn hóa Cà phê thứ bảy (19B Phạm Ngọc Thạch, P.6, Quận 3, TPHCM)
– Thời gian: 3pm, ngày 21/5/2016 (thứ Bảy)
– Nội dung: (tiếp tục cập nhật)
5. Tọa đàm về Di sản kiến trúc hiện đại
– Thực hiện: Ashui.com, Heritage Space, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), Dự án Hợp tác Phát triển đô thị IMV (Ile-de-France / Hà Nội)
– Địa điểm: Heritage Space / Dolphin Plaza
– Thời gian: 9am-12am, ngày 14/5/2016 (thứ Bảy)
– Nội dung: bàn về di sản kiến trúc hiện đại tại Việt Nam, hướng tới việc thành lập ICOMOS Việt Nam. (tiếp tục cập nhật)
NỘI DUNG GIỚI THIỆU PHIM “LE CORBUSIER – HIỆN ĐẠI HOÀN TOÀN HIỆN ĐẠI”:
Để mở đầu cho chuỗi phim về những kiến trúc sư trong trào lưu “Kiến trúc hiện đại“, CLB Điện ảnh Kiến trúc xin giới thiệu tới các bạn một trong những gương mặt đại diện chính của trào lưu này, kiến trúc sư Le Corbusier (1887-1965). Người ta thường nói khối lượng công việc mà ông đã làm phải mất nhiều cuộc đời mới có thể làm hết. Sự sáng tạo không ngừng mệt mỏi của ông bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Từ thiết kế những đồ vật sử dụng, các thể loại công trình kiến trúc đến quy hoạch những thành phố lớn. Nhưng không chỉ dừng ở đó, những công việc này lại được nuôi dưỡng bởi những niềm đam mê khác.
Le Corbusier còn là một hoạ sĩ. Đúng ra ông là hoạ sĩ trước khi trở thành kiến trúc sư. Đến xưởng vẽ vào buổi sáng và chỉ tới văn phòng kiến trúc vào buổi chiều. Ông là một trong hai người sáng lập ra trường phái hội hoạ “purisme” tôn vinh vẻ đẹp của những đồ vật có hình dạng đơn giản. Hình thái kiến trúc của ông ảnh hưởng trực tiếp từ sự “nghiên cứu” hội hoạ.
Le Corbusier là một nhà phê bình lý luận, có lẽ ông là kiến trúc sư viết nhiều nhất ở thế kỷ 20. Rất nhiều các luận điểm như “Ngôi nhà Domino”, “Năm điểm của kiến trúc hiện đại”, “Ngôi nhà như cỗ máy để ở”, “Tỷ lệ vàng”… đã được ông phân tích thành lý thuyết từ những kinh nghiệm xây dựng thực tế của mình. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra tạp chí “Tinh thần mới” (Esprit nouveau) đăng và bình luận nhiều ngành nghệ thuật khác nhau.
Le Corbusier là một nhà hoạt động xã hội. Không chỉ hài lòng ngồi trong văn phòng của mình, ông tham gia đóng góp trong nhiều cuộc hội thảo ở nhiều ngành nghệ thuật. Chính ông cũng đi diễn thuyết ở nhiều nơi trên thế giới. Ông trở thành một gương mặt điển hình tại Paris, thành phố hội tụ nhiều tinh hoa văn hoá nhất châu Âu ở những thập niên 20 – 30.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là con người xuất chúng như vậy lại không hề có bằng cấp. Phản đối cách dạy học của học viện “Beaux-arts” vào thời điểm đó, Le Corbusier tự học kiến trúc một mình. Trước tiên phải biết rằng ông là người ham đọc, sau đó Le Corbusier học qua con đường thực hành. Ông có cơ hội thực tập trong hai văn phòng của hai kiến trúc sư được coi là khai sáng ra nền kiến trúc hiện đại, Auguste Perret ở Paris và Peter Behrens tại Berlin. Nhưng bài học đắt giá nhất đối với ông chính là những chuyến tham quan ở nhiều thành phố trên thế giới. Ông muốn đi tìm cuội nguồn của kiến trúc, để học bắt đầu từ đây. Khi đến thành cổ Acropolis ở thành phố Athens, Hy Lạp, ông nhận ra vẻ đẹp vĩnh cửu lại đến từ những hình học đơn giản. Còn khi tới thành phố Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông khám phá ra sự di chuyển trong kiến trúc Ả Rập, mà sau này ông đặt tên là “Hành trình kiến trúc” (promenade architecturale). Các bố cục của không gian, điểm nhìn được phát triển linh hoạt khi ta di chuyển theo một chặng đường. Rất nhiều những kinh nghiệm như thế là những bài học được ông ứng dụng trong kiến trúc của mình. Ý nghĩa được bảo tồn, nhưng được ông thể hiện trên hình thái kiến trúc hoàn toàn hiện đại.
Sẽ còn rất nhiều các chi tiết thú vị khác nói về cuộc đời người kiến trúc sư đầy tài năng này. Các bạn sẽ khám phá thông qua cuốn phim tài liệu “Le Corbusier, hiện đại hoàn toàn hiện đại” (Le Corbusier, modern absolument modern) được thực hiện bởi đạo diễn Yvan Demeulandre. Năm ngoái rất nhiều nơi tổ chức các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông. Nhiều luận điểm của ông vẫn là những bài học có giá trị, nhưng cũng có những luận điểm khác bị phê phán. Nhưng cõ lẽ một trong những điều thành công nhất của người làm công tác sáng tạo, đó là tác phẩm của họ luôn được mang ra để tranh luận. Và chắc chắn rằng người ta vẫn còn nói tới ông trong nhiều năm nữa!
Địa chỉ diễn ra chuỗi sự kiện:
Heritage Space / Dolphin Plaza – 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Các buổi chiếu phim đồng thời diễn ra tại TP.HCM và Vũng Tàu:
TP.HCM: Salon Văn hóa Cà phê thứ bảy – 19B Phạm Ngọc Thạch, P.6, Quận 3
Vũng Tàu: Phòng trà Sen Quê – 69/24C Lê Hồng Phong, phường 7.