28/03/2016

Để Cần Thơ xứng tầm đô thị động lực vùng

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là đô thị hạt nhân trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm thứ IV của cả nước – vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để phát triển đô thị Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL cần có những định hướng khoa học và một lộ trình thực hiện sát thực tiễn và hợp lý. Trong đó, phát triển hệ thống hạ tầng khung liên vùng và nội thị là cơ sở cần thiết, cần được thực hiện đi trước một bước.

Trục đường 30/4 trung tâm đô thị Cần Thơ

Trục đường 30/4 trung tâm đô thị Cần Thơ

Hiện tại, Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là đô thị hạt nhân trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm thứ IV của cả nước – vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chiến lược phát triển đô thị xác định rõ Cần Thơ trong tương lai sẽ trở thành một cực của tam giác phát triển trong vùng Đông Nam Á: TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Phnôm Pênh (Campuchia) với quan hệ chặt chẽ với các vùng kinh tế phát triển, các đô thị lớn trong vùng ASEAN. Do đó, cần hoạch định những định hướng – kế hoạch phát triển đô thị bài bản và một chiến lược đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng khung – công trình đầu mối với tầm nhìn dài hạn cho từng giai đoạn cụ thể, là cú hích phát triển toàn diện đô thị Cần Thơ đến năm 2030.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020 TẦM NHÌN 2030
Ngày 17/2/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW trong đó xác định xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; Là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá; Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; Là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của Vùng ĐBSCL và của cả nước; Cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020; Là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

Trên cơ sở đó, TP. Cần Thơ đã tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP Cần Thơ đến 2020, định hướng đến 2030; Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… nhằm phát triển đô thị Cần Thơ theo hướng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng; Phù hợp với các định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, chương trình phát triển đô thị quốc gia; Đảm bảo yêu cầu về quản lý đầu tư phát triển đô thị phù hợp định hướng quy hoạch.
Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung các đô thị trực thuộc thành phố Cần Thơ đã xây dựng chương trình phát triển đô thị, trong đó chỉ định ra mục tiêu, lộ trình phát triển, từng bước thực hiện quy hoạch chung thành phố đã duyệt, nâng cấp đô thị, nâng loại đô thị thành phố đến năm 2020, phù hợp và cụ thể hóa các quy hoạch liên quan, đảm bảo phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực của thành phố Cần Thơ nói chung và các quận, huyện nói riêng; Đưa ra từng bước đi cụ thể cho cả hệ thống đô thị và tạo cơ sở quan trọng để thành lập kế hoạch đầu tư xây dựng từng năm và 5 năm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, nhằm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị tinh hoa, bản sắc đô thị. Đồng thời, kiểm soát phát triển hệ thống đô thị và từng đô thị theo phân loại. Từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch chung thành phố đã phê duyệt, nâng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Các đô thị được phân bố và phát triển hợp lý theo vị trí, tính chất và chức năng; đồng thời, phát huy đầy đủ các thế mạnh và vai trò hạt nhân của thành phố Cần Thơ trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP. Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển đô thị thành phố, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của các huyện, QHC xây dựng các thị trấn và thực trạng phát triển các đô thị, phát triển đô thị Cần Thơ cần thực hiện đồng bộ theo các nhóm đề xuất như sau:
Với đô thị lõi
Đô thị lõi của TP Cần Thơ bao gồm các quận nội thành, định hướng thực hiện khắc phục các tiêu chí còn thiếu và yếu theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ và Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng, trong đó song song với việc triển khai các dự án cấp đô thị, cần lưu ý rà soát cụ thể hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thu hẹp chênh lệch về mức độ phát triển đô thị, khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị với cơ sở hạ tầng cấp đơn vị ở tại các khu vực mới nâng cấp từ xã lên phường trong quá trình đô thị hóa nông thôn. Giai đoạn 2021-2030: Xây dựng, phát triển đô thị hoàn thiện theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Với các thị trấn.
Trong tương lai, Thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) sẽ tiến tới quy hoạch phát triển và công nhận thành lập quận Phong Điền thuộc đô thị Cần Thơ vào năm 2028; các thị trấn như Thới Lai (huyện Thới Lai), Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ), Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh), Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) sẽ quy hoạch nâng cấp lên đô thị loại IV và trở thành hệ thống các đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm.
Xây dựng lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị và nội dung của chương trình phát triển đô thị đến năm 2030. Đối với đô thị trung tâm (bao gồm khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy, khu đô thị công nghiệp Cái Răng, khu đô thị công nghiệp Trà Nóc, khu đô thị sinh thái Phong Điền) sẽ được triển khai nghiên cứu chương trình phát triển đô thị riêng, trên cơ sở đó lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị cho khu vực trung tâm; Với 4 thị trấn đô thị loại V (bao gồm thị trấn Cờ Đỏ, Thới Lai, Thạnh An, Vĩnh Thạnh) được lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trong đó lồng ghép các nội dung của chương trình phát triển đô thị. Lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị được phân theo 03 giai đoạn 05 năm, dự kiến như sau:
Giai đoạn 1 (2015-2020): Định hướng tập trung phát triển khu đô thị trung tâm theo phân vùng chức năng, khai thác tiềm năng lợi thế mỗi khu vực; từng bước nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng khung, các động lực tạo thị khu vực ngoại thành.
Giai đoạn 2 (2021-2025): Định hướng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khung thiết yếu, kết nối thuận lợi các khu vực phát triển đô thị, công nghiệp; Mở rộng phạm vi phát triển các đô thị (chủ yếu về phía Nam), hướng tới tiêu chí sinh thái, bền vững, có bản sắc riêng (ở sinh thái, mật độ thấp, mô hình nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, vành đai xanh gắn với hệ thống kênh rạch, giới hạn phát triển đô thị…).
Giai đoạn 3 (đến 2030): Định hướng hoàn thiện không gian, chức năng đô thị theo mô hình chuỗi đô thị tập trung, đa trung tâm vùng đô thị nội thành và các đô thị trung tâm huyện, kết nối các tuyến giao thông cấp Quốc gia, khai thác, quản lý hiệu quả không gian xanh, mặt nước đặc trưng, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG HẠ TẦNG KHUNG VÀ CÔNG TRÌNH ĐẦU MỐI HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Trên cơ sở những lợi thế và tiềm năng quy hoạch phát triển đô thị Cần Thơ đến năm 2030, hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị được coi là điều kiện tiên quyết làm cơ sở để tận dụng tối ưu các nguồn lực, tạo nên cú hích và động lực phát triển đô thị. Về cơ bản, đối với riêng đô thị Cần Thơ, cần chú trọng tới hai nhóm dự án bao gồm ở hai cấp độ quốc gia và vùng ĐBSCL, cấp độ đô thị để có những nhóm chính sách phát triển đồng bộ và phù hợp trong các giai đoạn tiếp theo.
Nhóm dự án cấp quốc gia và vùng ĐBSCL.
Thành phố Cần Thơ được xác định là đô thị hạt nhân, trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; Là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá; Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; Là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của Vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Do đó, có rất nhiều dự án hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia và vùng ĐBSCL trên địa bàn TP Cần Thơ. Các dự án này khi được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho TP. Cần Thơ mà còn cho cả vùng ĐBSCL.
Nhóm dự án về hạ tầng giao thông: Các dự án kết nối TP. Cần Thơ với các đầu mối kinh tế lớn như: Dự án đường cao tốc Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc (An Giang) sẽ đảm bảo kết nối nhanh chóng hiệu quả giữa tỉnh Sóc Trăng với thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang, đặc biệt là kết nối các tỉnh mà tuyến đường đi qua với vùng thành phố Phnôm Pênh (Campuchia);Tiếp theo là các dự án kết nối TP. Cần Thơ với các tỉnh trong vùng ĐBSCL như: Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, đoạn Lộ Tẻ – Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống kết nối TP. Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang; Dự án QL Nam sông Hậu, nâng cấp QL91, 91B kết nối TP. Cần Thơ với các tỉnh dọc theo sông Hậu như An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng; Dự án mở rộng QL1A kết nối Cần Thơ với các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Bên cạnh đó, còn có các dự án phát triển vận tải đường thủy như: Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia, Cảng container Thốt Nốt. Đây là các dự án động lực thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường thủy từ đầu mối Cần Thơ đi Campuchia và các tỉnh trong vùng ĐBSCL, góp phần xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm về thương mại – dịch vụ của vùng ĐBSCL.
Nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật khung khác: Bên cạnh đó, các dự án xây dựng các công trình đầu mối như: Dự án nhà máy tuốc bin khí chu trình hỗn hợp (TBKHH) Ô Môn 3, nhà máy TBKHH Ô Môn 4, khi hoàn thành góp phần ổn định nguồn cung cấp điện cho khu vực ĐBSCL nói riêng và lưới điện quốc gia nói chung; Nhà máy nước sông Hậu 1 phục vụ cho TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, hành lang Tây sông Hậu và hỗ trợ cho các tỉnh phía Bắc sông Hậu (Bến Tre, Trà Vinh).
Nhóm dự án về thương mại – dịch vụ: Việc xây dựng Trung tâm thương mại vùng ĐBSCL, Chợ nông sản đầu mối cấp vùng và Chợ thủy sản đầu mối cấp vùng sẽ tạo cho Cần Thơ có các công trình tầm cỡ cấp quốc gia, cấp vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL, đưa TP. Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ của vùng ĐBSCL.
Nhóm dự án về văn hóa – thể dục thể thao: Để trở thành trung tâm văn hóa, thể dục thể thao của vùng ĐBSCL, thành phố cần xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao vùng ĐBSCL để tổ chức các hoạt động văn hóa, các giải thi đấu lớn cấp quốc gia và vùng, có điều kiện đào tạo, xây dựng các vận động viên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thể thao thành tích cao.
Nhóm dự án cấp thành phố.
Các dự án hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp thành phố là những dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn thành phố, liên kết đô thị lõi với các thị trấn và giữa các thị trấn với nhau, gắn với phát triển các ngành kinh tế chủ đạo (thương mại-dịch vụ-du lịch, công nghiệp – xây dựng), là động lực thúc đẩy hình thành, phát triển các khu vực phát triển đô thị, khu đô thị và dân cư, khắc phục các chỉ tiêu còn yếu, còn thiếu của các đô thị, trên cơ sở đó tăng trưởng tích cực kinh tế xã hội toàn thành phố.
Nhóm dự án về hạ tầng giao thông: Nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các đô thị, hình thành các hành lang phát triển kinh tế cho từng đô thị, việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh như 917, 918 (nối quận Bình Thủy – Ninh Kiều – Phong Điền), 920 (nối quận Ô Môn – Thốt Nốt), 921 (nối quận Thốt Nốt – TT. Cờ Đỏ), 922 (nối quận Ô Môn – TT. Thới Lai), 923 (nối quận Ô Môn – H. Phong Điền) là cần thiết, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn ngắn hạn (2016 – 2020). Đồng thời với hệ thống đường, cần thiết xây dựng đồng bộ các công trình đầu mối, bến bãi, giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu vận tải nội thị, liên tỉnh, luân chuyển linh hoạt giữa các loại hình giao thông. Xây dựng cảng khách Cần Thơ trên cơ sở bến phà Cần Thơ cũ. Xây dựng các bến – bãi xe bus và điểm đầu cuối tuyến (các quận, huyện). Đầu tư phương tiện xe bus (Các quận, huyện). Xây dựng trạm dừng và nhà chờ xe bus.
Nhóm dự án về hạ tầng kỹ thuật khác: Các dự án hạ tầng kỹ thuật khác có phạm vi phục vụ cấp đô thị như cấp nước, thoát nước, cấp điện, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang cũng cần được quan tâm, bố trí xây dựng song song, có điều kiện đáp ứng nhu cầu phát triển của toàn thành phố, khắc phục các chỉ tiêu còn thiếu, yếu theo tiêu chuẩn đô thị. Điển hình là một số dự án như: dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất các nhà máy nước Cần Thơ, Trà Nóc, xây dựng mới nhà máy nước Ô Môn 2, Thốt Nốt 2 cùng các tuyến ống truyền tải và phân phối; Đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống thoát nước mưa theo từng lưu vực, khắc phục vấn đề ngập úng do hệ thống cũ, triều cường, biến đổi khí hậu; Đầu tư xây dựng hệ thống đường ống và trạm xử lý nước thải đô thị theo từng lưu vực; Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn cho thành phố tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường các đô thị, khu/cụm công nghiệp; Hệ thống điện cao thế, trung thế, lưới điện hạ thế và chiếu sáng đường chính, ngõ hẻm khu vực đô thị lõi; hệ thống công viên cây xanh (công viên thành phố và hệ thống cây xanh mặt nước không gian mở,cây xanh trên các tuyến phố chính…) nhằm tăng không gian xanh cho đô thị, cải thiện cảnh quan, vi khí hậu, từng bước khắc phục chỉ tiêu mật độ cây xanh đô thị còn thấp; Xây dựng bổ sung các nhà tang lễ, nghĩa trang tập trung thành phố đáp ứng nhu cầu an táng của nhân dân; cùng với đó các dự án phát triển thành phố liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu cũng cần nghiên cứu triển khai trong giai đoạn ngắn hạn (hợp phần về Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường và hợp phần về Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu).
Nhóm dự án về hạ tầng xã hội: Cùng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, việc đầu tư nhóm dự án về hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa -TDTT, thương mại – dịch vụ cũng tác động tích cực đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội: Cải tạo các trường cao đẳng, nâng cấp các trường cao đẳng đủ điều kiện lên đại học, xây dựng mới các trường trung cấp nghề theo từng đô thị tùy thuộc thế mạnh phát triển, bổ sung các đại học chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cao trong quá trình phát triển; Nâng cấp, mở rộng và xây mới hệ thống bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (kêu gọi đầu tư xã hội hóa)… giảm tải áp lực cho hệ thống y tế hiện hữu, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại địa phương; Thực hiện định hướng trở thành trung tâm giáo dục, y tế cấp Vùng; Cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình văn hóa – TDTT tại thành phố (nhà văn hóa thanh niên thành phố, nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, hạ tầng khu liên hợp thể thao…); Phát triển hệ thống các trung tâm thương mại – dịch vụ, khách sạn cao cấp, các dự án du lịch sinh thái khai thác tiềm năng, thế mạnh của trung tâm vùng ĐBSCL…

KẾT LUẬN
Trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh, để phát triển đô thị Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL cần có những định hướng khoa học và lộ trình thực hiện khoa học và hợp lý. Trong đó, phát triển hệ thống hạ tầng khung liên vùng và nội thị là cơ sở cần thiết và cần được thực hiện đi trước một bước. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện đồng bộ thêm các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, huy động nguồn vốn, phân bổ nguồn lực trên cơ sở đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư mới như mô hình BOT, PPP; Kiểm soát chặt việc đầu tư và sử dụng nguồn vốn cũng như có các chính sách đảm bảo và thúc đẩy việc đầu tư phát triển đô thị theo đúng lộ trình đã định./.

PGS. TS. Lưu Đức Hải
Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng – Tổng hội Xây dựng Việt Nam

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM