Triết lý phát triển về một đô thị bản sắc sông nước miền Tây
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – “Vấn đề bản sắc và kinh tế đô thị luôn đi đôi với nhau trong quy hoạch kiến trúc theo phương pháp tiên tiến, giúp kiểm soát được sự phát triển này trong khuôn khổ “phát triển – hòa nhập nhưng không hòa tan”, và không phá vỡ mà lại nâng cao bản sắc đặc trưng của các địa phương. Việc tổ chức các vùng đệm xanh cho hoạt động nông nghiệp giữa các khu đô thị lớn nhỏ, sẽ vừa là các vành đai xanh tạo ranh giới tự nhiên cho các khu đô thị, vừa giúp cải thiện chất lượng môi trường, cung ứng không gian xanh cho đô thị, vừa giúp phát triển cân bằng giữa đô thị – nông thôn và hình thành cảnh quan môi trường sinh thái..”
(Vùng ĐBSCL), bao gồm Cần Thơ – thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau), với tổng dân số trên 17 triệu người, là vùng đô thị sông nước phát triển mạnh về nông nghiệp và thủy sản, đồng thời cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất Nam Bộ khi có biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Với diện tích đất khoảng 1.409 km2 (140.895 ha) và dân số đến năm 2030 dự kiến khoảng 2 triệu người, Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; trung tâm về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – thể thao – du lịch của vùng ĐBSCL, là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông và có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng quan trọng của vùng ĐBSCL và quốc gia (TTCP 2013).
Trong tương lai, TP. Cần Thơ có thể trở thành thành phố cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, đô thị trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; Góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và có tầm ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á.
Trong tình hình đó, Cần Thơ cần một triết lý phát triển đô thị phù hợp, trong đó đặc biệt quan trọng là bản sắc đô thị phải phù hợp với giá trị và tiềm năng phát triển của địa phương.
CẦN THƠ TRONG MỐI LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN VÙNG ĐA TRUNG TÂM
Với vai trò là đô thị trung tâm của Vùng ĐBSCL, chỉ cách khoảng 170km đến TP. HCM, một đô thị trung tâm của Vùng TP. HCM với GDP cao nhất trên cả nước, Cần Thơ cần nâng cao động lực phát triển trong mối liên kết phát triển vùng đa trung tâm, bao gồm Vùng ĐBSCL và đặc biệt là với TP. HCM.
Song song với việc cải tạo nâng cấp mạng lưới hệ thống giao thông thủy kết nối vùng, cần sớm hoàn thành hệ thống giao thông hiện đại kết nối liên vùng, đặc biệt ưu tiên cho mạng đường bộ và đường cao tốc kết nối đa trung tâm theo hướng bền vững.
Trong điều kiện hạn chế về kinh phí chưa thể phát triển toàn diện các hệ thống giao thông đa dạng và hiện đại cho các đô thị Nam Bộ, nhất là khi phát triển giao thông đường thủy và đường sắt còn mang tính dàn trải và cạnh tranh chưa lành mạnh giữa các địa phương, việc ưu tiên kiện toàn trước hệ thống kết nối đường bộ và đường cao tốc sẽ khả thi và linh động nhất, và có thể là nhân tố quan trọng giúp kết nối các công trình giao thông (hàng không, đường sắt, đường biển, đường sông) với nhau để tăng hiệu suất sử dụng, giúp kết nối các trung tâm đô thị lớn nhỏ, và các tỉnh, thành trong vùng với nhau, kết nối với vùng TP.HCM và với vùng ĐBSCL, giúp phát huy vai trò, vị thế, và tiềm năng của vùng theo mô hình tập trung đa cực để trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực, trong đó TP.HCM và Cần Thơ là các đô thị hạt nhân.
Hệ thống giao thông nối kết các đô thị trong vùng sẽ gồm các đường vành đai xung quanh các thành phố lớn trọng điểm (TP. Hồ Chí Minh của Vùng đô thị HCM và Cần Thơ của Vùng ĐBSCL), các tuyến đường hướng tâm nối liền các trung tâm đô thị Nam Bộ và với hệ thống đường xuyên Á.
Hệ thống giao thông bộ kết nối cần có lộ giới đủ rộng, vừa để dự trù cho việc mở rộng thêm các làn xe trong tương lai, vừa đảm bảo không có tình trạng nhà phát triển bám theo đường. Hệ thống tạo điều kiện cho các địa phương hoạt động trong mối liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành sức mạnh thúc đây phát triển kinh tế vùng.
Hệ thống đường bộ chính này cần được xây dựng hoặc cải tạo dần theo hướng đối phó hiệu quả với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo đạt đến cao trình xây dựng phù hợp và sao cho kết nối được liên tục trong mọi tình huống để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế trong vùng, và để tạo điều kiện cho việc ứng cứu hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả khi có ngập lụt hoặc có sự cố.
Việc hoàn thành kết nối hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không giữa các đô thị Nam Bộ và với các khu kinh tế trọng điểm của phía Bắc và của các nước lân cận càng nhanh chóng hiệu quả chừng nào, phát triển đô thị cũng như phát triển kinh tế sẽ càng đạt mức cao chừng ấy, nhờ phát huy được tác động cộng hưởng từ sự cộng tác liên vùng và liên ngành của các địa phương.
TỔ CHỨC QUY HOẠCH CẦN THƠ THEO HỆ KHUNG SƯỜN SÔNG NƯỚC KÊNH RẠCH, PHỐI HỢP TỐT VỚI CÁC LOẠI HÌNH GIAO THÔNG KHÁC
Trong quá trình phát triển của Cần Thơ, mạng lưới sông nước kênh rạch luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu, do đó Cần Thơ cần được tiếp tục tổ chức quy hoạch theo hệ khung sườn sông nước kênh rạch, trong tương quan phối hợp tốt với giao thông đường bộ và hệ thống giao thông khác.
Cần ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng đường thủy và đường bộ, trong đó đô thị được tổ chức theo tuyến và cụm kết nối với nhau để tạo động lực phát triển TOD (Transit Oriented Development – Phát triển gắn kết với giao thông công cộng).
Phát triển Đô thị Gắn kết với Giao thông Công cộng (TOD – Transit Oriented Development) là phát triển các khu đa chức năng theo chiều đứng hoặc theo chiều ngang, được xây dựng trong khoảng cách đi bộ đến trạm giao thông công cộng gần đó, với mục đích tạo ra một môi trường sống bền vững, khả thi về tài chính, sống động với các chức năng phục vụ cho sinh hoạt – làm việc – vui chơi giải trí hàng ngày của người dân.
Trong điều kiện dân số tăng nhanh, và tình hình tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm giao thông ngày càng tăng cao, việc ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng là một chiến lược quan trọng hàng đầu trong vài thập niên tới. Tuy nhiên phát triển giao thông, bao gồm giao thông công cộng, phải đi đôi với phát triển quy hoạch đô thị thì dự án mới khả thi và vận hành có hiệu quả kinh tế sau này.
MỞ RỘNG CẢI TẠO ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN CẦN THƠ THEO CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ TỐT VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Việc mở rộng và cải tạo đô thị và nông thôn Cần Thơ theo chiến lược bảo vệ môi trường và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, với hai mục tiêu chính là đưa Cần Thơ nói riêng, và Vùng ĐBSCL nói chung, ra khỏi danh sách những vùng đất có nguy cơ lớn nhất trên thế giới khi nước biển dâng, và phát triển Cần Thơ theo chiến lược đô thị xanh và kiến trúc xanh.
Để đối phó với nguy cơ nước biển dâng, các khu đô thị mới tương lai nên được ưu tiên phát triển xây dựng trên vùng đất cao, các khu đô thị hiện hữu ở vùng đất thấp nên phát triển theo các giải pháp quy hoạch kiến trúc có thể ứng phó phù hợp với kịch bản nguy cơ có thể xảy ra.
Các khu đô thị lịch sử nằm trong vùng đất có nguy cơ cao về ngập lụt do nước biển dâng cần được nghiên cứu các giải pháp bảo vệ di sản phù hợp nhưng ít tốn kém.
Các vùng có nguy cơ cao về ngập lụt khi có biến đổi khí hậu thì nên phát triển thế mạnh của mình về nông – ngư nghiệp, du lịch, và các ngành kinh tế không gây ô nhiễm hơn là phát triển công nghiệp nặng, vì nguy cơ ô nhiễm có thể lan rộng đến mức không kiểm soát nổi khi có lũ lụt xảy ra là rất lớn, chi phí cải tạo sau lũ sẽ cao hơn rất nhiều lần lợi ích mà phát triển công nghiệp có thể đem lại cho vùng đất đó.
Thử thách lớn nhất trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng là tình trạng phát triển tự phát trong nhiều thập niên qua, dẫn đến nguy cơ TP.Cần Thơ, thành phố quan trọng hàng đầu của Vùng ĐBSCL, có thể sẽ biến thành một đô thị lớn nhưng rất hỗn độn, khó quản lý và phát triển hài hoà. Việc tổ chức các vùng đệm xanh cho hoạt động nông nghiệp giữa các khu đô thị lớn nhỏ, sẽ vừa là các vành đai xanh tạo ranh giới tự nhiên cho các khu đô thị, vừa giúp cải thiện chất lượng môi trường, cung ứng không gian xanh cho đô thị, vừa giúp phát triển cân bằng giữa đô thị – nông thôn và hình thành cảnh quan môi trường sinh thái.
Để phát triển Cần Thơ theo chiến lược đô thị xanh và kiến trúc xanh, không những cần thay đổi tư duy quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị, mà còn cần hướng dẫn cho người dân để cùng tham gia vào quá trình này.
Xu hướng phát triển hiện nay tại các đô thị thường là phủ kín xây dựng công trình cho những nơi nào có đất hoặc không gian mặt nước có thể phủ đất đắp nền. Có một cách tiếp cận khác bền vững và đem lại bản sắc cho đô thị tốt hơn, là bắt đầu tổ chức đô thị từ việc nghiên cứu tổ chức không gian xanh và không gian mặt nước trước, sau đó mới đặt công trình vào, giống như trong một câu nói rất chí lý của Lão Tử, “cái không gian trống trong một vật làm cho vật đó trở nên có ích”.
Không gian xanh của đô thị Việt nên được tổ chức sao cho dù sống ở nơi nào trong thành phố, người dân đều có thể đến một không gian xanh (công viên, vườn hoa, vườn trẻ, bờ sông, bờ kênh, sân thể thao, khu bảo tồn thiên nhiên…) trong khoảng cách đi bộ tối đa khoảng 15 phút. Các không gian xanh này còn cần được kết nối liên hoàn qua hệ thống sông ngòi, hồ nước, kênh rạch, các đại lộ xanh, và các tuyến đi bộ và đường xe đạp. Sự kết nối này không những cung ứng thêm một giải pháp giao thông xanh xuyên thành phố, mà còn tạo ra những kênh dẫn gió giúp giải nhiệt cho thành phố. Khi Trung tâm lịch sử được hình thành tại các đô thị, giải pháp chuyển tiếp không gian hiệu quả nhất thường là các không gian xanh đệm giữa ranh giới khu vực phố cổ và khu vực xây dựng hiện đại hoặc cao tầng. Biệt thự vườn, hồ sen, ao cá, vườn chim còn là các yếu tố không gian xanh đặc trưng đem lại cảm nhận thư giãn mà lại rất Việt Nam.
Sông, hồ, và kênh rạch là những thành phần không thể thiếu trong đô thị Việt Nam. Hình ảnh thân thương gần gũi nhất với ta là cây đa bến đò, công viên bờ sông nơi mọi người cùng tập thể dục mỗi sáng, chợ nổi, lễ hội trên sông. Sông, hồ, và kênh rạch còn mang chức năng giải nhiệt cho thành phố, và thoát nước cho đô thị.
Nên khuyến khích áp dụng các tiêu chí quy hoạch và kiến trúc xanh như LEED và LOTUS trong viiệc xây dựng và cải tạo các công trình mới tại Cần Thơ, thông qua các chương trình hướng dẫn cụ thể cho người dân và giảm thuế cho các công trình xanh.
GIA TĂNG GÍA TRỊ BẢN SẮC CẦN THƠ THÔNG QUA VIỆC BẢO VỆ DI SẢN THIÊN NHIÊN VÀ DI SẢN QUY HOẠCH KIẾN TRÚC
Trong bối cảnh Cần Thơ đang phát triển nhanh, việc bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản quy hoạch kiến trúc để giữ gìn giá trị truyền thống và phát huy bản sắc mới hòa hợp với bản sắc hiện có, dưới áp lực phát triển tự phát của kinh tế thị trường là rất quan trọng.
Đặc điểm của đô thị Cần Thơ và lân cận thường gắn kết với sông nước, kênh rạch, kiến trúc truyền thống với phong tục sinh hoạt tập quán phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương.
Các giá trị này thường bị đe dọa trước áp lực phát triển tự phát theo tư duy mét vuông và tác động tiêu cực lên môi trường sống, và cần được lưu ý bảo vệ bằng chính sách bắt buộc các dự án mới tại các vị trí nhạy cảm phải nghiên cứu tác động kinh tế xã hội và môi trường và đưa ra các giải pháp bảo vệ giá trị hiện hữu phù hợp, để đưa ra cho các hội đồng chuyên môn và người dân góp ý, trước khi dự án được phê duyệt. Các khu vực có nguy cơ bị phá hoại trong tương lai khi xảy ra kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng cần chuẩn bị giải pháp di dời hoặc đê bao bảo vệ khi cần thiết.
Trong những yếu tố góp phần nâng cao tính cạnh tranh đô thị, có yếu tố chất lượng sống của người dân đô thị mà trong đó quy hoạch và kiến trúc có vai trò rất quan trọng. Việc quy hoạch một đô thị bền vững, độc đáo, với bản sắc phù hợp với đặc thù của từng khu vực là xu hướng của các nước tiên tiến đang hướng tới.
Vấn đề bản sắc và kinh tế đô thị luôn đi đôi với nhau trong quy hoạch kiến trúc theo phương pháp tiên tiến, giúp kiểm soát được sự phát triển này trong khuôn khổ “phát triển – hòa nhập nhưng không hòa tan”, và không phá vỡ mà lại nâng cao bản sắc đặc trưng của các địa phương.
Việc phát triển nhiều cộng đồng ở và làm việc phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau nhằm đem lại hai lợi ích chiến lược, là phát triển bản sắc riêng đa dạng cho các khu vực, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế đô thị cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế đô thị.
Nhờ đó, chúng ta sẽ có thể phát triển các cộng đồng đô thị và nông thôn có bản sắc đa dạng như cộng đồng các khu dịch vụ du lịch gần các khu di tích lịch sử và thắng cảnh du lịch, cộng đồng các khu Trung tâm đa chức năng hiện đại, cộng đồng khu hành chính và khu dân cư phụ trợ, cộng đồng các khu dân cư cao cấp (các nhà lãnh đạo và chuyên gia cao cấp trong nước và nước ngoài), cộng đồng các khu làng đại học, cộng đồng các khu công nhân và cán bộ công nhân viên, cộng đồng các khu bản sắc văn hóa địa phương (như các làng vườn, làng nông nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, làng dịch vụ du lịch giáp với các tụ điểm du lịch, và làng nghề).…
Tùy vào bản sắc mỗi khu vực mà đề xuất các giải pháp Quy hoạch và Quản lý theo nhóm các cộng đồng trên cơ sở phải tuân theo các nguyên tắc an cư lạc nghiệp và mang tính đặc trưng, thì mới có thể thu hút người dân từ mọi nơi đến sinh sống, làm việc, hoặc thăm viếng và vui chơi giải trí.
HƯỚNG ĐẾN MỘT CẦN THƠ HỘI NHẤP QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ, GẮN KẾT VỚI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH, CHÍNH SÁCH VÀ CHƯƠNG TRÌNH THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TƯ NHÂN VÀ ĐẦU TƯ TỪ NƯỚC NGOÀI
Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cần hướng đến một Cần Thơ hội nhập quốc gia và quốc tế, gắn kết với kế hoạch thực hiện quy hoạch, chính sách và chương trình thu hút vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, để có thể tự thân vận động, ít lệ thuộc vào nguồn được cấp hàng năm từ ngân sách trung ương.
Xu thế “cạnh tranh đô thị” trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nói riêng là tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Đô thị có tính cạnh tranh cao sẽ thu hút vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài – FDI (Foreign Direct Investment), thu hút “chất xám” và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội với tốc độ cao.
Cho dù Vùng Đô thị TP HCM, và Vùng ĐBSCL là những nơi thu hút vốn FDI khá tốt so với cả nước, nhu cầu bổ sung thêm nguồn vốn FDI cho Cần Thơ vẫn là vấn đề cần quan tâm để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển rất lớn. Những khó khăn trở ngại chính trong việc thu hút FDI trong những năm qua là cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển, và thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ giấy tờ liên quan đến đầu tư còn chậm, chưa khuyến khích đầu tư.
Để tăng tính cạnh tranh của Cần Thơ, chúng ta cần nâng cao các thế mạnh của đô thị và nông thôn của địa phương với bản sắc sông nước miền Tây, đồng thời rút bài học kinh nghiệm quốc tế một cách chọn lọc theo hướng phát triển bền vững, và kèm theo những chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển phù hợp với nhu cầu phát triển của đô thị trong mối tương quan hội nhập quốc tế./.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM