23/07/2015

7 thiết kế sáng tạo cho các thành phố nổi bền vững trong tương lai

Do ảnh hưởng của việc quá tải dân số và các mối đe dọa của nước biển dâng, các dự án thiết kế thành phố nổi sinh thái thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp nhằm đối phó với tình trạng đó và cũng tạo ra những kỳ quan đẹp và độc đáo cho tương lai.

Dự án Thành Phố Nổi tại Trung Quốc

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc có mối quan ngại nghiêm trọng về tình trạng quá tải ở các thành phố của mình. Chính vì vậy, công ty xây dựng Trung Quốc CCCC kết hợp với AT Design Office đã tạo ra một giải pháp thành phố nổi hấp dẫn.

Dự án Thành Phố Nổi sẽ có diện tích 4 dặm vuông, cấu trúc bao gồm các module lục giác nối với nhau bằng các đường hầm dưới nước để tạo ra một mạng lưới đường xá.

Thành phố nổi dự tính được xây dựng ngoài khơi Trung Quốc với các bảo tàng, khách sạn ngầm dưới nước và công viên trò chơi. Ngoài ra, dự án sẽ được hoạt động với cơ chế tự cung tự cấp, tiết kiệm năng lượng, có hệ thống sản xuất điện và hệ thống xử lý chất thải và cũng sẽ bao gồm các trang trại thẳng đứng và trại cá để sản xuất thực phẩm của riêng mình.

Dự án Noah Ark

Nhà thiết kế Serbia Aleksandar Joksimovic và Jelena Nikolic đã ẵm danh dự trong cuộc thi thiết kế những tòa nhà chọc trời eVolo 2012 cho dự án Noah Ark, một thành phố nổi tự duy trì, bảo vệ sự sống của con người trong trường hợp xảy ra thảm họa lớn.

Dự án vận dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và thủy triều để thu thập nguồn nước mưa, cấu trúc gồm nhiều khối đất hình tròn với các lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, Noah Ark cũng bao gồm khu dân cư, văn phòng, công viên, những khu giải trí, khu rừng và bãi biển.

X SEA TY

X SEA TY là một thành phố nổi tươi tốt được thiết kế bởi X-TU, có thể lọc sạch không khí với công nghệ hấp thụ carbon. Tòa nhà lấy cảm hứng từ tổ ong sẽ được xây dựng từ bê tông xốp với những bức tường được bao phủ bởi tảo quang hợp. Những hệ thống tảo đó sẽ tạo ra năng lượng nhiên liệu sinh học để cung cấp năng lượng cho thành phố nổi tự túc này.

Harvest City

Sau khi Haiti bị ảnh hưởng bởi trận động đất tàn phá năm 2010, kiến trúc sư E. Kevin Schopfer và hãng thiết kế Tangram 3DS đã phát triển một dự án thành phố nổi sáng tạo để thúc đẩy sự phục hồi của đất nước. Dự án bao gồm các đảo nhân tạo được gọi là Harvest City và giúp chúng ta có thể dễ dàng mường tượng ra một Haiti với diện mạo mới được tạo thành từ các mô-đun nổi kết cấu chặt chẽ.

Các trung tâm của thành phố nổi sẽ được dành riêng cho chức năng đô thị như không gian văn phòng, giáo dục và công nghiệp nhẹ, trong khi các khu vực bên ngoài sẽ dành cho khu vực đất nông nghiệp.

Lilypad

Dự án Lilypad của kiến trúc sư Vincent Callebaut được thiết kế để cung cấp nơi ở cho khoảng 50.000 người bao gồm một vùng đầm phá nhân tạo ở trung tâm và ba dãy đồi để tạo ra một môi trường đa dạng cho các cư dân.

Dự án nổi tự túc được hỗ trợ với năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ khác nhau, bao gồm năng lượng mặt trời, gió và thủy triều để có thể tạo ra năng lượng riêng của nó. Đây được coi như là ngôi nhà tương lai cung cấp nơi tạm trú cho những người tị nạn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Green Float

Trước khi tạo ra các thiết kế đáng kinh ngạc cho một thành phố dưới nước với sức chứa hàng ngàn cư dân và có thể tự duy trì dựa vào năng lượng sinh thái thân thiện từ đáy biển, công ty kĩ thuật của Nhật – Shimizu Corp đã công bố kế hoạch cho Green Float, một dự án tòa nhà nổi tự túc sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.

Được thiết kế để chứa 1 triệu người, thành phố nổi bao gồm một loạt các hòn đảo được kết nối bằng các mô-đun vững chắc. Tòa nhà nổi chọc trời cao 1000m sử dụng hỗn hợp sinh thái nằm ở trung tâm của mỗi hòn đảo bao gồm khu vực dân cư, trang trại thẳng đứng, không gian thương mại, và văn phòng.

Silt Lake City

Một nhóm sinh viên kiến trúc đã thiết kế và đề xuất cho dự án Silt Lake City, một thành phố nổi với trọng tâm là kiểm soát lũ ở vùng thung lũng sông Nile. Nằm trên hồ Nasser, một trong những hồ nhân tạo lớn nhất trên thế giới, dự án sẽ phân chia thành các thành phố nhỏ bao gồm khu vực nông nghiệp, nhà ở, thương mại, và cả máy phát điện năng lượng.

Theo Xây dựng