6 quy định mới về xây dựng có hiệu lực từ tháng 5/2016
Từ ngày 1/5/2016, để phù hợp với nội dung của Luật Xây dựng năm 2014, nhiều quy định mới trong hoạt động xây dựng sẽ có hiệu lực được thể hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng; Thông tư 05/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thông tư 09/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình;…
Theo Thông tư 09/2016/TT-BXD, từ ngày 1/5/2016, thời gian bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng tối thiểu là 12 tháng.
Theo đó, một số quy định mới được chú ý như: bảo hành công trình xây dựng ít nhất 12 tháng, đơn giá nhân công xây dựng phải phù hợp với tay nghề, đơn vị nhận thầu phải chịu trách nhiệm xử lý rủi ro trong hoạt động tư vấn xây dựng bằng kinh phí của mình, công trình tham dự xét Giải thưởng Công trình chất lượng cao phải được nghiệm thu đưa vào sử dụng không quá ba năm tính đến thời điểm đăng ký xét thưởng, kinh doanh vật liệu xây dựng phải đảm bảo an toàn trong phòng cháy chữa cháy, mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2,…
Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình
Thông tư 09/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình trong đó quy định cụ thể về: các đối tượng áp dụng; nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng thi công; yêu cầu về chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao hợp đồng thi công; quản lý thực hiện hợp đồng thi công, thời gian và tiến độ thực hiện; giá hợp đồng, tạm ứng và thanh toán; bảo hiểm và bảo hành theo hợp đồng; trách nhiệm của mỗi bên khi xảy ra rủi ro và bất khả kháng… Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2016.
Theo đó, về vấn đề bảo hiểm, bảo hành công trình theo hợp đồng thi công, bên nhận thầu thi công xây dựng công trình phải bảo hành các công trình, thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Thời gian bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp 1 tối thiểu là 24 tháng; với các công trình, hạng mục công trình còn lại, ít nhất là 12 tháng.
Riêng với nhà ở, thời gian bảo hành tối thiểu là năm năm. Đối với các thiết bị, thời gian bảo hành được xác định theo hợp đồng thi công nhưng không ngắn hơn thời gian bảo hành theo quy định của nhà sản xuất và được tính từ khi nghiệm thu hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Mức bảo đảm bảo hành, tối thiểu bằng 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng đặc biệt và cấp 1; bằng 5% giá trị hợp đồng với các công trình xây dựng còn lại.
Thông tư 05/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/5/2016, thay thế cho Thông tư số 01/2015/TT-BXD quy định cụ thể nguyên tắc xác định và điều chỉnh đơn giá nhân công. Theo đó, việc xác định và điều chỉnh đơn giá nhân công phải đảm bảo các nguyên tắc: Phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc nhân công trong hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình; phù hợp với mặt bằng giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của từng địa phương, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; phù hợp với đặc điểm chi trả một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy đinh, như: BHXH, BHYT, BHTN. Đơn giá nhân công xây dựng cũng phải được điều chỉnh khi mặt bằng giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động có sự biến động.
Đơn giá nhân công trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng đã được phê duyệt trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư thì người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng theo quy định của Thông tư. Các gói thầu đã ký hợp đồng xây dựng trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư thì thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
Một số dự án đầu tư xây dựng đang áp dụng mức lương và một số khoản phụ cấp có tính đặc thù riêng do cơ quan có thẩm quyền cho phép thì tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng.
Thông tư 08/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng
Thông tư 08/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 10/3/2016, có hiệu lực từ ngày 1/5/2016, thay thế cho Thông tư số 08/2011/TT-BXD ngày 28/6/2011 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn mẫu Hợp đồng một số công việc tư vấn xây dựng.
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung của các hợp đồng tư vấn xây dựng gồm: tư vấn khảo sát xây dựng, tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, tư vấn thiết kế xây dựng công trình, tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, thuộc các dự án đầu tư xây dựng (bao gồm cả hợp đồng xây dựng giữa nhà đầu tư thực hiện dự án đối tác công tư PPP với nhà thầu thực hiện các gói thầu của dự án).
Theo quy định tại Thông tư này, khi xảy ra những rủi ro đã tính trong giá hợp đồng, bên nhận thầu phải chịu trách nhiệm bằng kinh phí của mình; đối với những rủi ro đã được mua bảo hiểm thì chi phí khắc phục hậu quả các rủi ro này do đơn vị bảo hiểm chi trả và không được tính vào giá hợp đồng. Bên nhận thầu và bên giao thầu phải bồi thường và chịu những tổn hại cho bên giao thầu đối với các hỏng hóc, mất mát và các chi phí có liên quan do lỗi của mình gây ra.
Khi một bên gặp tình trạng bất khả kháng trong quá trình thực hiện các hợp đồng tư vấn xây dựng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trong thời gian sớm nhất. Bên thông báo được miễn thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của mình trong thời gian xảy ra bất khả kháng ảnh hưởng đến công việc theo nghĩa vụ hợp đồng.
Nếu bên nhận thầu bị cản trở thực hiện nhiệm vụ của mình theo hợp đồng do bất khả kháng mà đã thông báo theo các điều khoản của hợp đồng dẫn đến chậm thực hiện công việc và phát sinh chi phí do bất khả kháng, bên nhậu thầu sẽ được kéo dài thời gian do sự chậm trễ theo quy định của hợp đồng và được thanh toán các chi phí phát sinh…
Nếu việc thực hiện các công việc của hợp đồng bị dừng do bất khả kháng đã được thông báo theo quy định của hợp đồng trong Khoảng thời gian mà tổng số ngày bị dừng lớn hơn số ngày do bất khả kháng đã được thông báo, thì một trong hai bên có quyền gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cho bên kia. Đối với trường hợp chấm dứt này, bên giao thầu sẽ phải thanh toán cho bên nhận thầu các khoản thanh toán cho bất kỳ công việc nào đã được thực hiện mà giá đã được nêu trong hợp đồng, chi phí cho thiết bị và vật tư được đặt hàng cho công trình đã được chuyển tới cho bên nhận thầu, hoặc những thứ bên nhận thầu có trách nhiệm chấp nhận giao hàng: Thiết bị và vật tư này sẽ trở thành tài sản (và là rủi ro) của bên giao thầu khi đã được bên giao thầu thanh toán, và bên nhận thầu sẽ để cho bên giao thầu sử dụng.
Thông tư 04/2016/TT-BXD quy định Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng
Thông tư 04/2016/TT-BXD ban hành ngày 10/3/2016 và có hiệu lực từ ngày 15/5/2016. Thông tư này thay thế những nội dung quy định về giải thưởng công trình chất lượng cao tại Thông tư số 12/2013/TT-BXD ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định Tổ chức giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng và Thông tư số 09/2014/TT-BXD ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều tại các thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Thông tư 04/2016/TT-BXD quy định các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng, gói thầu xây dựng được đăng ký tham dự xét thưởng các giải thưởng về Công trình xây dựng chất lượng cao và Gói thầu xây dựng chất lượng cao. Các giải thưởng này được xét thưởng hàng năm.
Các công trình được tham dự xét thưởng bao gồm: Công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật từ cấp III trở lên, được xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam; Đã được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật trong thời gian không quá 3 năm tính đến thời điểm đăng ký xét thưởng; Không vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, đấu thầu, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, an toàn phòng chống cháy, nổ và các quy định khác của pháp luật liên quan; Việc đăng ký công trình quốc phòng, an ninh tham dự Giải thưởng phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Thông tư cũng quy định rõ quyền lợi của tổ chức, cá nhân được tặng giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, tổ chức, cá nhân đoạt giải thưởng về Chất lượng công trình xây dựng sẽ được ưu tiên trong quá trình lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; được xem xét thưởng hợp đồng; được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải thông tin trên các Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Sở Xây dựng các địa phương để làm cơ sở đánh giá năng lực; được quyền sử dụng khai thác thương mại biểu trưng của giải thưởng trong kinh doanh, tiếp thị…
Nghị định số 24a/2016/NĐ-CPcủa Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, có hiệu lực từ ngày 26/5/2016
Nghị định này quy định các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bao gồm: Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hoạt động đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng; quản lý chất lượng, kinh doanh vật liệu xây dựng; chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Riêng đối với vật liệu xây dựng kim loại và vật liệu xây dựng không có nguồn gốc từ khoáng sản, Nghị định này chỉ điều chỉnh về quản lý chất lượng và kinh doanh.
Theo Nghị định này, từ ngày 26/5, cơ sở chế biến khoáng sản phải có bộ máy nhân lực được đào tạo, đủ năng lực vận hành thiết bị công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm; sử dụng thiết bị, công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc điểm chế biến của từng loại khoáng sản để nâng cao tối đa hệ số thu hồi sản phẩm khoáng sản chế biến, có mức độ phát thải đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn về môi trường.
Bộ Xây dựng sẽ công bố quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu tại trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng; UBND cấp tỉnh tổ chức công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa phương tại trang thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Xây dựng. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm công bố quy hoạch.
Nhà nước hỗ trợ đầu tư đối với các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ…
Về quy định sử dụng amiăng trắng nhóm serpentine trong sản xuất vật liệu xây dựng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng amiăng trắng nhóm serpentine làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng chỉ sử dụng amiăng trắng nhóm serpentine có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng để sản xuất vật liệu xây dựng; bảo đảm nồng độ sợi amiăng trắng nhóm serpentine trong khu vực sản xuất không vượt quá 0,1 sợi/ml không khí tính trung bình 8 giờ và không vượt quá 0,5 sợi/ml không khí tính trung bình 1 giờ; không để rách vỡ bao, rơi vãi khi vận chuyển nguyên liệu amiăng trắng nhóm serpentine; không được sử dụng amiăng trắng nhóm serpentine làm vật liệu nhồi, chèn, cách nhiệt trong công trình xây dựng khi chưa được trộn với các chất kết dính để đảm bảo sợi amiăng trắng nhóm serpentine không khuếch tán vào không khí; có các phương án xử lý phế phẩm, các vật liệu, bụi, nước thải ra từ quá trình sản xuất để sử dụng lại hoặc xử lý đảm bảo an toàn theo quy định; tuân thủ quyết định đầu tư đã được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường; phải tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nước và môi trường không khí trong cơ sở sản xuất với tần suất định kỳ 03 tháng một lần; người lao động trực tiếp tham gia quá trình sản xuất phải được trang bị bảo hộ lao động theo quy định; cơ sở sản xuất phải tổ chức theo dõi khám sức khỏe, chụp X quang định kỳ theo quy định của Bộ Y tế đối với toàn bộ cán bộ, công nhân, người lao động trong đơn vị; kết quả khám sức khỏe được lưu giữ tại cơ sở y tế và cơ sở sản xuất. Các sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng nguyên liệu là amiăng trắng nhóm serpentine phải được kiểm soát: Chỉ được sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng có sử dụng nguyên liệu là amiăng trắng nhóm serpentine khi các sản phẩm này đã được công bố hợp quy; Phải áp dụng các biện pháp cần thiết để khống chế việc phát sinh bụi amiăng trắng nhóm serpentine trong các sản phẩm vật liệu xây dựng khi thực hiện các công việc như cưa, cắt, mài, đục các sản phẩm vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng nhóm serpentine; Phải lập phương án bảo vệ môi trường trước khi tiến hành việc phá dỡ, sửa chữa, cải tạo các công trình, thiết bị công nghiệp đối với các vật liệu xây dựng có chứa amiăng trang nhóm serpentine; Phải thu gom và chuyển vào nơi quy định các phế thải vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng nhóm serpentine; các phế thải vật liệu xây dựng này không được dùng làm nguyên liệu rải đường.
Đối với hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, phải đáp ứng các yêu cầu: có đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, biển báo an toàn tại nơi kinh doanh vật liệu xây dựng đối với các vật liệu dễ cháy, có mùi, hóa chất độc hại, bụi bẩn; cửa hàng, siêu thị kinh doanh vật liệu xây dựng phải có đủ diện tích kho, bãi chứa bảo đảm cho việc bảo quản, xuất nhập các sản phẩm.
Nghị định số 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5/2016 và thay thế Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
Theo quy định mới, từ ngày 27/5, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2; diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không được quá 3m2. Tất cả nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, việc xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các công trình hạ tầng kỹ thuật trong nghĩa trang và cơ sở hỏa táng phải được xây dựng đồng bộ. Xây dựng mộ, bia mộ, nhà lưu tro cốt và các công trình trong nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng. Kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ và khoảng cách giữa các lô mộ, hàng mộ, các mộ; kích thước ô để lọ tro cốt phải tuân thủ theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quy hoạch, xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.
Phương Liên (tổng hợp)/BXD