11/08/2017

5 thành phố đắt đỏ nhất châu Á

5 trong 10 địa điểm đắt đỏ nhất thế giới dành cho người nước ngoài nằm ở châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Điều tra về Chi phí Sinh hoạt thứ 23, với nền kinh tế ổn định, Hongkong vẫn là thành phố đắt đỏ nhất trong khu vực cho người lao động nước ngoài, đứng thứ hai thế giới về chăm sóc sức khỏe, sự giàu có và tư vấn nghề nghiệp.

Mercer đã khảo sát chi phí của hơn 200 mặt hàng bao gồm nhà ở, hàng gia dụng trên 209 thành phố khắp thế giới.

Tokyo đứng thứ 3 thế giới và xếp thứ 2 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo người đứng đầu Mercer, Nathalie Constantin-Métral sự tăng trưởng của đồng Yên Nhật cùng với chi phí hàng tiêu dùng tăng cao, thị trường nhà ở năng động đã đẩy thủ đô Nhật Bản lên vị trí thứ hai.

Thành phố duy nhất trong khu vực Đông Nam Á đứng trong top 10 là Singapore, nơi có chi phí sinh hoạt đứng thứ 5 trên thế giới, tiếp theo là Seoul xếp vị trí thứ 6. Bangkok đứng vị trí 67 tăng 7 bậc so với năm ngoái, trong khi đó Jakarta và Hà Nội lần lượt xếp thứ 88 và 100.

Thượng Hải từ vị trí thứ 7 trong năm ngoái xuống vị trí thứ 8 trong năm nay. Bắc Kinh, Thiên Tân và Thâm Quyến chiếm các vị trí 11 đến 13. Zurich, Geneva, New York, Bern đã vượt lên top 10.

Chi phí sinh hoạt ở Sydney vẫn cao nhất Australia. Thành phố lớn nhất lục địa này đã tăng 17 bậc lên vị trí 25 trên toàn thế giới, trong khi Melbourne và Perth tăng lần lượt lên vị trí thứ 46 và 50.

Ở vị trí 57, Mumbai có chi phí đắt đỏ hơn Paris, Vienna và Seattle. Karachi và Bishkek là hai thành phố có chi phí thấp nhất khu vực châu Á dành cho người nước ngoài. Cùng với Bishkek, 2 thành phố có chi phí thấp nhất thế giới khác là Tunis và Skopje.

Thu Giang (theo Property Report)/BXD