14/11/2018

Ga C9 Hồ Gươm: dung hoà giữa bảo tồn và phát triển

Việt Nam không phải đất nước đầu tiên đối mặt với vấn đề nảy sinh mâu thuẫn hay đối ngược giữa nhu cầu phát triển và nhu cầu bảo tồn; và những tranh luận xung quanh ảnh hưởng của ga C9 với khu vực Hồ Gươm mà chúng ta đang bàn tới đây là một trường hợp mang tính thời sự và rất cụ thể để chúng ta xem xét và giải quyết, tỉnh táo và thận trọng nhất. Nó là một phép thử của quan điểm, tư duy, giải pháp và ra quyết định.

Đứng trên quan điểm phát triển, từ kinh nghiệm nghiên cứu về phát triển giao thông ở vô số các thành phố trên thế giới thì một thành phố có dân số tầm 3 triệu dân trở lên là cần đến giao thông công cộng để đảm bảo sự vận hành trôi chảy và lâu dài cho thành phố. Khi đi qua các khu vực lõi, các khu vực lịch sử, các hệ thống giao thông công cộng này thường nhận giải pháp ngầm, chính là để bảo tồn quỹ di sản kiến trúc đô thị trên mặt đất, nhờ vào các biện pháp kỹ thuật để tạo tunnel đi ngầm dưới lòng đất. Mặc dù khó khăn và tốn kém hơn so với giải pháp thông thường đi trên mặt đất hoặc đi nổi, nhưng cái được của nó là giữ gìn những gì đã và đang tồn tại. Về bản chất, đây chính là sự “hoà giải” giữa phát triển và bảo tồn thông qua giải pháp kỹ thuật (và tất nhiên kéo theo là tài chính).

Xét về mặt quy hoạch giao thông và thiết kế đô thị, ga tàu điện ngầm ở khu vực Hồ Gươm nhất thiết phải có, vì đây thực sự là một “tụ điểm” về văn hoá xã hội và du lịch, thường xuyên thu hút lượng người khổng lồ đến để vui chơi, thăm viếng. Một đường tàu điện ngầm với một ga lên ở khu vực này thực sự lý tưởng để giải quyết bài toán giao thông, giải phóng khu vực khỏi giao thông cơ giới, biến nó thành một thiên đường đi bộ và giải phóng cho quận Hoàn Kiếm khỏi áp lực nhu cầu không gian đỗ xe khổng lồ như hiện nay nếu người dân từ các nơi gần xa đều có thể tiếp cận Hồ Gươm mà không cần đến phương tiện cá nhân.

Việc lo lắng cho di sản Hồ Gươm là hoàn toàn đúng đắn, đáng quý, nhưng cá nhân tôi cho rằng chúng ta không nên quá phóng đại mối lo, vì bài toán giao thông ngầm với các ga trong các khu vực di sản di tích nhạy cảm như cung điện, kiến trúc trăm tuổi, đền đài v.v… rất phổ biến, và không phải là bài toán mới trên thế giới. So với nhiều thành phố di sản khác thì những nguy cơ này cho Hồ Gươm – với tư cách là 1 di sản còn ít trầm trọng và nguy kịch hơn nhiều so với các trường hợp như những đền đài lăng tẩm là các kiến trúc vật thể lâu đời rất dễ tổn thương hư hại khi có những can thiệp vật lý gần cận.

Với trường hợp ga C9, ý kiến của cá nhân tôi là chúng ta cần bình tĩnh và tiến hành một đánh giá tác động môi trường thật nghiêm cẩn để có cơ sở ra những quyết định sáng suốt.

Thứ nhất, xét về cấu tạo và kích thước phần đường tàu ngầm và ga ngầm, cần có những đánh giá độc lập trên cơ sở khoa học về vị trí và cấu tạo ga trong mối quan hệ với đặc tính kết cấu địa chất thuỷ văn hồ, cùng các yếu tố kiến trúc khác như Tháp Bút, Đền Bà Kiệu v.v… Nếu có những nguy cơ thì có những giải pháp kỹ thuật nào giúp khắc phục. Các ý kiến dựa trên những cảm quan thông thường của chúng ta như “gần quá” hay “sát quá” là không đủ cơ sở để quyết định: Sát như thế thì sao? Tại sao lại sát? Sẽ giải quyết điều này ra sao?

Tôi tin đơn vị tư vấn đến từ Nhật bản, là quốc gia có những thành tựu hàng đầu thế giới về phát triển tàu điện ngầm với khả năng phòng ngừa thảm hoạ động đất và hoả hoạn cực kỳ ưu việt; người Nhật cũng là dân tộc trân trọng di sản và có bề dày văn hoá sâu sắc, tôi tin họ có trách nhiệm khi đề xuất với chúng ta một điều gì đó. Người Nhật trọng chữ tín và thậm chí có thể hy sinh sự sống – tự tử để bảo vệ chữ tín và danh dự. Nhưng nếu vẫn có sự quan ngại, thì nên có 1 cá nhân hay 1 pháp nhân chuyên sâu về địa chất và hệ thống tàu điện ngầm – những chuyên gia/ pháp nhận độc lập, được thành phố Hà Nội đứng ra mời, cung cấp thời gian và kinh phí để họ có thể có sự đánh giá lại khoa học và độc lập.

Thứ hai, xét về vị trí và thiết kế các cửa lên của ga: các cửa lên không có yêu cầu gì phức tạp về mặt kỹ thuật, cơ bản là cầu thang bộ, có thể kèm thang cuốn (nếu có đủ diện tích) và thang máy (tối thiểu 1 thang cho người có yêu cầu đặc biệt); những yếu tố này có thể tích hợp hoặc phân tán, hoặc cả hai. Với trường hợp ga C9 trong khu vực Hồ Gươm, ngoài vấn đề kỹ thuật thì chúng ta cần cẩn trọng với các ảnh hưởng thị giác và cảnh quan trên mặt đất đối với các cửa lên này. Trong 4 cửa lên thì cửa số 1 (trước mặt trụ sở Điện lực Việt Nam) và cửa số 3 tại khu vực vườn hoa ven hồ là nhạy cảm nhất về mặt cảnh quan. Nguyên tắc chung là đưa các cửa lên xa khu vực di sản, tốt nhất là ngoài khu vực bảo vệ cấp 1, và hình thức các cửa này càng đơn giản càng tốt, càng bé càng tốt. Ở nhiều nơi nếu nhìn trên khung cảnh sẽ không thấy dấu hiệu cửa ga (cửa ga không mái) trừ những biển báo chỉ dẫn nhỏ. Có nơi người ta làm khung mái kính trong suốt, hạn chế xây lắp những kết cấu cồng kềnh, đặc, hoa mỹ, phô trương, ảnh hưởng đến sự hài hoà vốn có ở khu vực di sản. Cụ thể, với trường hợp ga C9, tôi có mấy ý kiến cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, nếu có thể bỏ cửa số 3 lên khu vực vườn hoa sát hồ thì an toàn nhất về cảnh quan và giảm lưu lượng người lên xuống quá đông. Nhưng thực sự thì thời gian qua người ở hồ Gươm vào các dịp cuối tuần đã đông không thể đông hơn, và người lên xuống một ga tàu điện ngầm không thể đông hơn như thế được nữa, nên tôi thấy vấn đề này không đáng lo. Đáng lo ở đây chỉ là vấn để cảnh quan thị giác.
  • Nếu không thể bỏ (vì yêu giao thông và di chuyển, tôi không phải chuyên gia giao thông nên không dám kết luận hồ đồ, cần bên giao thông khẳng định lại) thì nên thiết kế nó nhỏ nhất có thể, chỉ có thang bộ, không có mái, để cảnh quan gần như không ảnh hưởng.
  • Cổng số 1 (Điện lực Việt Nam) hướng thẳng ra phía hồ, có thể sẽ là cổng có đủ các tiện nghi (thang cuốn, tháng máy) vì điều kiện diện tích và khoảng cách đến di sản hợp lý, nhưng thiết kế mặt đứng (tôi xem trên báo mạng) thấy xấu quá. Chúng ta có bao nhiêu KTS giỏi, có thể tổ chức cuộc thi thiết kế nhanh cho kiến trúc cổng này.
nha_ga_c9 (1)

Nhà ga C9

Tóm lại, ý kiến của tôi là, vấn đề lo lắng cho Hồ Gươm vì những ảnh hưởng của phát triển là đúng đắn và đáng trân trọng, nhưng sự lo lắng này là để tìm ra LỜI GIẢI sáng suốt, tinh tế, vận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới để giải bài toán cụ thể của chúng ta, chứ không phải là để KHÔNG LÀM. Phải chăng chính vì sự lo lắng quan ngại đó chúng ta không thể thoát ra khỏi những tư duy cũ kỹ, nệ vào pháp lý một cách máy móc.

Không làm gì đương nhiên là phương án an toàn nhất nhưng cũng là phương án trì trệ nhất. Nếu với tư duy e ngại rồi không làm thì có lẽ thế giới này không thể có bất cứ thành tựu gì. Khoa học công nghệ trên thế giới luôn phát triển nhờ vào tư duy mở; bài toán khó làm nảy sinh lời giải mới, sáng tạo, những phát minh tuyệt vời. Nếu chúng ta vì một bài toán “hơi khó” (độ khó này không ăn thua gì với những sự khó tương tự hay khác hơn ở các nơi trên thế giới đã làm), mà dừng lại thì có lẽ chúng ta hãy an phận và đừng kỳ vọng gì vào phát triển. Vậy nên khó để chúng ta vượt qua, chứ không phải để chúng ta dừng lại. Những chuyên gia ở các ngành khác nhau cần cùng ngồi với nhau để cùng với chính quyền tìm lời giải. Sự phối hợp để phát triển chính là đây.

Với bài toán ga C9 tôi tin là có lời giải thoả đáng, dựa trên những cơ sở khoa học đáng tin cậy. Sự phát triển có trách nhiệm ở bất cứ đâu, tại bất cứ lúc nào, chưa bao giờ là KHÔNG KHÓ và bao giờ cũng cần sự phối hợp.

PGS.TS Phạm Thuý Loan/Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia – BXD