30/01/2018

25 chỉ tiêu cho xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2018/TT- BXD về việc quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.


Thời gian vừa qua, một số các đô thị trên cả nước đã bắt đầu có sự quan tâm, chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.

Thông tư được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng, chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ ban hành, phù hợp xu thế phát triển của các đô thị hướng tới các cam kết quốc tế.

Thông tư gồm 11 điều, quy định về các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và hướng dẫn lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo các chỉ tiêu đối với các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, loại II, loại III và loại IV và khuyến khích áp dụng đối với đô thị loại V. Thông tư áp dụng đối với các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng đô thị tăng trưởng.

Thông tư đề cập 25 chỉ tiêu cho xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, gồm 4 nhóm, bao gồm nhóm kinh tế, nhóm môi trường, nhóm xã hội và nhóm thể chế.

Trong đó, có 5 chỉ tiêu thuộc nhóm kinh tế, 10 chỉ tiêu thuộc nhóm môi trường, 5 chỉ tiêu thuộc nhóm xã hội và 5 chỉ tiêu thuộc nhóm thể chế. Mỗi chỉ tiêu được quy định cụ thể về khái niệm, phương pháp tính, kỳ công bố, cơ quan chịu trách nhiệm.

Các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được áp dụng để xây dựng các báo cáo bao gồm báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh năm cơ sở; Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh năm đánh giá; Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho giai đoạn (cùng kỳ với giai đoạn của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương); Báo cáo hàng năm chỉ áp dụng 18 chỉ tiêu có khả năng theo dõi thường xuyên, liên tục. Các báo cáo năm cơ sở và báo cáo theo giai đoạn đánh giá toàn bộ 25 chỉ tiêu.

Căn cứ kết quả của báo cáo, các địa phương sẽ có cơ sở để đề xuất các hoạt động ưu tiên; đánh giá thẩm định các kế hoạch, chương trình, dự án; đề xuất rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Thông tư cũng hướng dẫn các hoạt động ưu tiên xây dựng đô thị tăng trưởng xanh bao gồm 8 nhóm hoạt động, làm cơ sở định hướng cho các đô thị trong việc thúc đẩy xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cũng như thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho các đô thị.

Thông tư đồng thời đề xuất việc phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách để thực hiện lập báo cáo, tuy nhiên ưu tiên và khuyến khích vận động các nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ hợp pháp khác.

Ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết, trong thời gian vừa qua, một số các đô thị trên cả nước đã bắt đầu có sự quan tâm, chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.

Theo thống kê ban đầu báo cáo của 59 đô thị từ loại IV trở lên trong cả nước vào tháng 4/2015, có 24/59 đô thị đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện đô thị tăng trưởng xanh. Trong đó, có 7 đô thị đã xây dựng Nghị quyết chỉ đạo, 15 đô thị đã xây dựng kế hoạch, 6 đô thị đã có chương trình thực hiện.

Một số các đô thị đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu như thành phố Hải Phòng, Cần Thơ. Các đô thị khác đang tiến hành nghiên cứu xây dựng, gồm Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ…

Tuy nhiên, các đô thị đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Thực tế này là do một số nguyên nhân. Thứ nhất là khái niệm đô thị tăng trưởng xanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam, chưa có nhận thức chung về đô thị tăng trưởng xanh.

Thứ hai, chưa có quy định thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Thứ ba, chưa có hình mẫu thực hiện thành công mô hình xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Các đô thị tiêu biểu đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện các nỗ lực về tăng trưởng xanh cũng mới chỉ thành công bước đầu trong một số lĩnh vực riêng biệt như giao thông công cộng giảm phát thải, xanh hóa đô thị, phát triển công trình xanh…

Quan điểm phổ biến hiện nay là không có một mô hình chung có thể áp dụng cho mọi đô thị. Mỗi đô thị cần đánh giá toàn diện thực trạng phát triển để từ đó xác định định hướng, chiến lược và lộ trình thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho từng bối cảnh, đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội cụ thể của đô thị.

“Thông tư 01/2018/TT- BXD quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được ban hành, sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tình hình phát triển đô thị, từng bước góp phần thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Trần Quốc Thái nhận định.

Ngày 25/9/2012, tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 07/11/2012, tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020. Quan điểm phát triển đô thị quốc gia cũng đã xác định hướng tới nền kinh tế xanh.

Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg. Bộ Xây dựng được giao chủ trì thực hiện các hành động số 33, 54, 56, 57, 58 và tham gia thực hiện nhiều hành động khác. Xây dựng khung chính sách đô thị hóa xanh trong hành động số 33, thuộc nhóm các hành động được ưu tiên cao trong kế hoạch hành động quốc gia.

Quý Anh/BXD