11/09/2015

21 quy tắc để thành công trong kiến trúc/Kevin J Singh

Lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Entrepreneur Architect, Phó giáo sư Kevin J Singh trường Đại học Louisiana Tech (Hoa Kỳ) đã đưa ra 21 quan điểm ngắn gọn của mình về việc “Làm thế nào để có một đời sống hạnh phúc và thành công với nghề Kiến trúc”. Danh sách này đưa ra một số kim chỉ nam, không chỉ có ích cho sinh viên và các kiến trúc sư trẻ mà còn dành cho thế hệ kiến trúc sư “không còn trẻ nữa”, những người cần tái tập trung vào nhiều điều thật sự quan trọng.

“Dưới đây là bản biên soạn các bài giảng thực hành chuyên ngành của tôi vào cuối buổi học. Thay vì làm đề cương ôn tập, hay thi kiểm tra cuối khóa, tôi chia sẻ với sinh viên một bài thuyết trình “Lời khuyên khi bạn kết thúc việc học ở trường, và dấn thân vào làm nghề”. Tôi sẽ trình bày một loạt quan điểm bày tỏ dưới đây, đi kèm với chú thích cụ thể ngắn gọn”.

Thiết kế nhã nhặn của WRNS Studio
Ảnh © WRNS Studio

1. Hãy bước những bước đầu trên con đường nghề nghiệp của bạn

Bạn có thể bắt đầu làm Thực tập (IDP) theo giờ cho các văn phòng kiến trúc ngay sau khi tốt nghiệp trung học.

Nếu bạn hiện giờ vẫn chưa làm điều ấy, hãy đăng ký thực tập ngay và đồng thời bắt đầu học hỏi trên ghế nhà trường để lấy bằng KTS và được công nhận cấp phép hành nghề!

2. Đừng để bị cuốn vào những công ty lớn “gạo cội”

Tuổi trẻ chính là tương lai.

Các công ty cần nắm lấy những ý tưởng, năng lượng và sự nhiệt tình của những người trẻ tuổi năng động.

Hãy tinh ý đối với những việc mà thế hệ trẻ Millennial (8X – 9X) trong văn phòng đang làm.

Đảm bảo rằng bạn đang xin phỏng vấn tại một công ty đánh giá cao việc làm việc toàn thời gian, chuyên nghiệp trong việc bắt kịp xu hướng đương đại.

3. Các mối quan hệ chính là chìa khóa để thăng tiến

Hãy làm quen và tìm hiểu về mọi người trong cộng đồng Kiến trúc sư và các ngành nghề liên quan (không phân biệt độ tuổi và trình độ).

Đừng đánh giá thấp giá trị của các thành viên Hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ (và địa phương) cùng các cơ hội từ các mối quan hệ.

Ảnh © Wikimedia
Ảnh © Wikimedia

4. Đừng buồn khi khách hàng nghĩ rằng họ biết mọi thứ về Kiến trúc

Hãy kiên nhẫn.

Hãy giải thích cho họ, và đưa ra nhiều sự lựa chọn (khi bất đồng quan điểm) để khách hàng nghĩ thoáng hơn.

Phải biến mình thành chuyên gia.

Luôn nhớ rằng bạn đã được đào tạo để làm KIẾN TRÚC SƯ (chứ không phải khách hàng của bạn).

5. Đừng “qua cầu rút ván”

Giới kiến ​​trúc rất nhỏ bé.

Hành động và quyết định của bạn sẽ được ghi nhận (cả tích cực lẫn tiêu cực).

6. Hành động vì chính mình

Đó là nghề bạn chọn, và bạn chịu trách nhiệm về nó, chỉ mình bạn mà thôi.

Hãy chắc chắn rằng bạn nhận được nhiều kinh nghiệm hữu ích, có được nhiều cơ hội và việc đánh đổi như thế là xứng đáng khi bạn làm thực tập (IDP).

Nếu bạn chưa làm được điều đó, HÃY HÀNH ĐỘNG NGAY !!!

7. Tự tin nói ra ý tưởng của bạn

Những phương án tốt nhất sẽ không bao giờ được đưa vào thực hiện trong thực tế, trừ khi chúng được trình bày, bảo vệ và thực sự thu hút người nghe.

Nhiều quy trình xây dựng và chi tiết dự án trong công ty sẽ được cải thiện nếu như bạn đơn giản chỉ ra hướng giải quyết tốt hơn cho người quyết định dự án.

Sự cải tiến luôn được đánh giá cao bởi chủ đầu tư và các khách hàng.

Tất cả chúng ta đều là 'Duy nhất'. Thành công không cần thiết phải làm những điều thực tế vĩ đại. Ảnh © Zeroplus Architects
Tất cả chúng ta đều là ‘Duy nhất’. Thành công không cần thiết phải làm những điều thực tế vĩ đại. Ảnh © Zeroplus Architects

8. Thiết kế sự nghiệp và chỗ đứng cho chính mình

Tất cả chúng ta đều là ‘Duy nhất’ và nghề Kiến trúc chính là công việc ‘Độc nhất’ và có vị trí riêng.

Liên tục xem xét và trau dồi kinh nghiệm của mình khi làm việc và từ đó xác định những gì bạn thực sự muốn làm.

Hãy đưa ra quyết định nghề nghiệp đúng đắn để đạt được vị trí mong muốn.

9. Khẳng định cái tôi khác biệt

Phát triển kỹ năng và khả năng độc đáo của bản thân.

Chứng minh rằng những điều đó khiến bạn làm việc và cống hiến tốt hơn đến mức nào.

Có khả năng tự mình tận dụng những kỹ năng đó vào thực tế.

10. Đừng nhầm lẫn việc thực tập với làm việc toàn thời gian

Việc thực tập sẽ cho bạn cái nhìn tổng thể về hoạt động của công ty và của dự án thực tế.

Công việc toàn thời gian sẽ luôn đi kèm với trách nhiệm và năng suất đối với công việc (thời hạn cố định).

Làm toàn thời gian chính là việc tạo ÁP LỰC !!!

11. Công nghệ sẽ “Dẫn đầu cuộc chơi”

Bạn phải ở vị trí hàng đầu về công nghệ.

Tự giác tìm hiểu những phần mềm mới và những công ty hàng đầu đang triển khai chúng.

Tìm hiểu BIM (mô hình hóa thông tin xây dựng) và trở nên thành thạo từ khi còn chưa ra trường.

12. Tính bền vững chính là Lời kêu gọi và Cơ hội của bạn

Nếu bạn cố gắng tìm hiểu về tính bền vững khi còn chưa ra trường, bạn có thể chia sẻ kiến thức của mình với bạn bè và trở thành đồng nghiệp của họ sau này.

Đạt được vị trí dẫn đầu kiến trúc bền vững trong chính công ty mình trong tương lai.

Thậm chí khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, trở thành Hội viên Xanh của LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh).

Bạn phải chỉ dạy mọi người về tính bền vững. Ảnh © Perkins + Will
Bạn phải chỉ dạy mọi người về tính bền vững. Ảnh © Perkins + Will

13. Bạn cần trở thành nhà vô địch về Môi trường bền vững

Bạn cần phải chỉ dạy cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI về tính bền vững.

Những khách hàng trong tương lai sẽ cho bạn thấy kết quả.

14. Xây dựng kênh cộng đồng

Chỉ có 2% cộng đồng có đủ khả năng chi trả dịch vụ cho kiến trúc sư.

Vậy bạn làm gì để giúp đỡ 98% còn lại?

Để họ tham gia kênh cộng đồng của bạn.

15. Giữ vững chuyên môn

Kiến trúc sư thường không được đối xử công bằng bởi đại đa số công chúng không hề công nhận (hay thậm chí không biết) công việc của chúng ta là gì.

Vậy nên hãy Chỉ dạy – Chia sẻ – Cho họ thấy – và Chứng minh rằng chúng ta đã cải thiện thế giới như thế nào.

16. Việc học chưa hẳn đã kết thúc khi bạn ra trường

Bạn cần phải không ngừng học hỏi để đứng đầu về vật liệu, hệ thống và cả trong công nghệ.

Đừng để thế giới bỏ qua tài năng của bạn.

17. Làm người cố vấn

Hãy giúp đỡ, chỉ dạy những thế hệ sau.

Đó giống như một cách nhìn hai chiều (để bạn nhìn về phía trước, và xem lại quá khứ).

Bạn sẽ học được nhiều điều quý báu  và nhắc nhở bản thân lý do chọn làm nghề này.

18. Đừng bao giờ tỏ ra cáu kỉnh

Bạn sẽ liên tục được tiếp nguồn cảm hứng từ những thế hệ trẻ và đặc biệt là sự lạc quan và năng lượng của họ.

 

Hãy luôn là một nhân viên tích cực và lạc quan.

19. Hãy thử thay đổi điều gì đó

Thế giới có đầy rẫy các vấn đề.

Chọn một hoặc hai điều, và sửa chữa chúng.

20. Hoàn thành mục tiêu

Bạn đặt ra mục tiêu là “trở thành KTS”, vậy thì hãy tham gia thi ARE® (cuộc thi chứng chỉ hành nghề kiến trúc Hoa Kỳ) và trở thành một KTS thực thụ.

Hãy để mắt đến các giải thưởng.

21. Ý kiến cuối cùng mang tính quyết định

Công trình dễ nhất là thiết kế một khối hộp, nhưng KTS không thiết kế những khối hộp.

Kiến trúc là để phục vụ nhu cầu của con người thông qua việc thiết kế môi trường xây dựng. Và hãy đảm bảo rằng bạn sẽ tạo ra những tác phẩm tốt nhất cho người sử dụng, đồng thời đóng góp cho nền xây dựng bền vững hơn.

“Tôi hy vọng những chia sẻ này sẽ cho bạn một cơ hội nhìn lại khoảng thời gian bạn ra trường và bắt tay vào gây dựng sự nghiệp cá nhân. Nếu bạn có thể quay ngược thời gian, và tự đưa ra lời khuyên cho chính mình thời trẻ, thì bạn sẽ nói gì? Bạn có lời khuyên nào cho thế hệ kiến trúc sư trẻ kế tiếp không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong mục bình luận phía dưới”.

Kevin Singh. Ảnh © Robert BrooksKevin Singh. Ảnh © Robert Brooks

Kevin J Singh là giảng viên chuyên ngành kiến ​​trúc tại trường đào tạo thiết kế của trường Đại học Louisiana Tech. Đồng thời ông cũng là Giám đốc của Trung tâm Thiết kế Hoạt động Cộng đồng (CDAC) kể từ khi gia nhập đội ngũ giảng viên vào năm 2006. Ông hiện đang giảng dạy các khóa học trong thiết kế cộng đồng, studio và thực hành chuyên nghiệp với 4 năm kinh nghiệm.

Kevin đã từng tốt nghiệp Đại học Ball State (Cử nhân kiến trúc – B.Arch) và Đại học Auburn (Thạc sỹ  – MBC). Ông đã làm việc trong Hội đồng quản trị của Hiệp hội Thiết kế Cộng đồng (ACD) kể từ năm 2012, và hiện đang làm Thủ Quỹ Ban Chấp Hành. Gần đây, ông được vinh danh cho độ tuổi 40 và dưới 40 bởi tạp chí Thiết kế Kiến trúc & Xây dựng.

Kiều Trang – Kienviet.net
(Biên Dịch từ Archdaily)