23/01/2018

Tòa nhà làm thay đổi đường chân trời của Hong Kong

Gần 30 năm sau khi khánh thành, tòa nhà Bank of China vẫn là một trong những công trình biểu tượng và gây tranh cãi nhất trên đường chân trời đầy nhà cao tầng của Hong Kong.

Hầu như không có tòa nhà nào nổi bật và dễ nhận thấy trên đường chân trời nổi tiếng của Hong Kong bằng tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China, tòa nhà cao nhất trong hình). Khánh thành vào năm 1989 và được xây dựng trong một giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa mạnh mẽ như hiện nay, sau gần 30 năm, tòa nhà Bank of China giờ lại trở thành biểu tượng cho sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Hong Kong. Ảnh: Sygma/Getty Images.

Năm 1982, Ngân hàng Trung Quốc đã yêu cầu kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa I.M. Pei thiết kế tòa nhà trụ sở cho ngân hàng này ở Hong Kong, nhưng phải đến năm 1985 công trình mới được khởi công. Ảnh: Bloomberg/Getty Images.

Mảnh đất dùng để xây dựng tòa nhà Bank of China nằm ngay điểm giao của trung tâm tài chính và trung tâm hành chính của Hong Kong. Dù vậy, mảnh đất có địa chỉ số 1 đường Garden Road từng là nơi đặt Murray House, trụ sở của Hải quân Hoàng gia Anh tại Hong Kong và nổi tiếng với di sản khủng khiếp khi nó từng được sử dụng là nhà tù và nơi hành quyết tù nhân trong thời Nhật Bản chiếm đóng Hong Kong từ năm 1941-1945. Ảnh: LightRocket/Getty Images.

Ngoài ra, 3 mặt của khu đất này đều là những xa lộ dốc với giao thông dày đặc, đồng nghĩa sẽ không có lối vào cho người đi bộ. Nó còn là một khu đất với hình thang hơi kỳ cục và không bằng phẳng. Tất cả những yếu tố trên, cả địa hình lẫn lịch sử, đã gây chậm trễ cho việc khởi công. Ảnh: AFP/Getty Images.

Một thách thức mà kiến trúc sư Pei phải đối mặt thời điểm bấy giờ là sự so sánh không thể tránh khỏi với tòa nhà của HSBC, cũng đang được xây dựng khi đó. Với một khoản tiền khổng lồ được đổ vào đó, HSBC đơn giản đã yêu cầu kiến trúc sư Norman Foster “hãy tạo ra tòa nhà ngân hàng xuất sắc nhất thế giới”. Ảnh: Bloomberg/Getty Images .

Tòa nhà đang xây của HSBC khi ấy là tòa nhà đắt nhất thế giới, với kinh phí xây dựng 668 triệu USD với tỷ giá của năm 1985, trong khi kinh phí dành cho tòa nhà Bank of China, được công bố trước khi Pei bắt đầu thiết kế, chỉ là 130 triệu USD. Đó đã là một số tiền lớn, trong bối cảnh Trung Quốc của thập niên 1980 không phải là cường quốc kinh tế như Trung Quốc ngày hôm nay. Ảnh: AFP/Getty Images.

Dù vậy, Pei để ý rằng tòa nhà này nằm ngoài đường bay của máy bay và sẽ không bị giới hạn chiều cao như tất cả những tòa nhà nằm về phía bắc của nó. “Một tòa nhà cao sẽ cho phép chúng tôi nhìn xuống những tòa nhà danh giá bậc nhất Hong Kong, với một góc nhìn toàn cảnh ra bến cảng và bán đảo Cửu Long”, ông nói vào năm 2000. Ảnh: Bloomberg/Getty Images.

Bản thiết kế ban đầu của tòa nhà ngay lập tức gây tranh cãi. Lời chỉ trích phổ biến nhất là từ các thầy phong thủy của thành phố và chúng kéo dài đến tận ngày nay. Hình dáng tháp nhọn của tòa nhà được miêu tả như một con dao chuẩn bị đâm vào các tòa nhà xung quanh. Đến ngày nay, nhiều người vẫn gọi nó là “con dao dựng đứng”. Ảnh: Shutterstock.

Bị chỉ trích nặng nề nhất là các mảng chéo như chữ X ở mặt trước tòa nhà. Trong văn hóa Trung Hoa, “X” là ký hiệu dùng để gạch đi tên của một người sẽ bị hành quyết và được coi là biểu tượng của cái chết. Chữ X trên bề mặt tòa nhà được xem là một điềm gở cho Hong Kong. Pei không muốn làm mếch lòng công chúng, sau khi tham vấn, ông đã điều chỉnh để các phần nằm ngang trong cấu trúc bề mặt tòa nhà được làm bằng chất liệu khó thấy đối với mắt thường và chỉ những cấu trúc dọc và chéo được nhìn thấy. Ảnh: AFP/Getty Images.

Ngân hàng Trung Quốc chính thức chuyển vào làm việc tài tòa tháp này vào năm 1991. Kiến trúc sư nổi tiếng kiêm nhà phê bình Peter Blake đã gọi đây là “tòa nhà sáng tạo nhất được xây dựng tính đến lúc này”. Ảnh: AFP/Getty Images.

Gần 30 năm sau khi được hoàn tất, tòa nhà Bank of China vẫn là một trong những công trình nổi bật nhất bên bến cảng Victoria và trở thành một trong những biểu tượng của thành phố. Trong lúc đó, Trung Quốc đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sức mạnh kinh tế của đại lục đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết tại Hong Kong. Ảnh: AFP/Getty Images.

Theo Phương Thảo/Zing.vn