10/03/2016

Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng

Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam”.

Triển khai tích cực, đồng bộ

Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam” (Đề án 1511) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 12/10/2012. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Đề án đã được triển khai một cách tích cực, đồng bộ với sự phối hợp của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, các nội dung được bám sát mục tiêu đề ra. Bộ Xây dựng cùng với Bộ Nội vụ đã cụ thể và pháp lý hóa việc thành lập các Chi cục Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng của các địa phương.

Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thí nghiệm, kiểm định vẫn đang được Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện và hoàn thiện để ban hành. Đó là, Thông tư quy định hoạt động kiểm định xây dựng, giám định xây dựng; Các quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh hoạt động kiểm định, thí nghiệm và quan trắc công trình xây dựng; Thông tư quy định việc công bố thông tin năng lực các tổ chức thí nghiệm, kiểm định, giám định; Các quy định về đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho cá nhân, kiểm định viên; Thông tư điều chỉnh, tạo cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức tham gia hoạt động thí nghiệm, kiểm định nhằm kiểm soát chất lượng công trình xây dựng; công nhận lẫn nhau giữa các tổ chức và công nhận kết quả thí nghiệm, kiểm định hướng tới hội nhập quốc tế.

Bộ Xây dựng cùng với Bộ Nội vụ đã cụ thể và pháp lý hóa việc thành lập các Chi cục Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng của các địa phương.

Đến hết năm 2015, Đề án đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, biên soạn một số tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về thí nghiệm, kiểm định công trình xây dựng: Quy hoạch và lộ trình hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành trong công tác thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Quy trình kiểm định, đánh giá chất lượng nhằm gia cường khả năng chống bão cho các công trình dân dụng tại Việt Nam. Quy trình kiểm định, quản lý chất lượng công trình hệ thống cấp thoát nước sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh.

Ngoài ra, Bộ vẫn đang tiếp tục triển khai và hoàn thiện một số văn bản liên quan khác như: Quy hoạch, xây dựng lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc công trình xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; xây dựng quy trình kiểm tra việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác thi công và nghiệm thu các công trình xây dựng…

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp được tăng cường như việc tổ chức các hội thảo về công nghệ kiểm định và quan trắc công trình xây dựng, hội thảo quốc tế chuyên đề xoay quanh các vấn đề: kinh nghiệm trong quan trắc, kiểm định xây dựng…

Việc đào tạo và đầu tư trang thiết bị kiểm định bước đầu đã tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các Trung tâm kiểm định (hoặc các Chi cục giám định) ở các địa phương trong thời gian tới, giúp các Sở Xây dựng tại địa phương kiểm soát tốt hơn tình hình chất lượng công trình xây dựng.

Khó khăn về kinh phí

Ngày 18/9/2015, Bộ Xây dựng đã đề xuất điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí thực hiện Đề án và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đến nay, tổng kinh phí đã cấp từ ngân sách Trung ương là 147,180/465,256 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cấp cho Đề án đến hết năm 2015 mới đạt 41,6% so với kế hoạch. Theo danh sách tại Phụ lục II của Quyết định số 1511/QĐ-TTg, có 68 đơn vị được hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị thí nghiệm với tổng vốn đầu tư dự kiến là 402,756 tỷ đồng. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên mới chỉ thực hiện được 23/68 đơn vị. Năm 2015, ngân sách Trung ương tiếp tục đầu tư 59,18 tỷ đồng cho 13 đơn vị, tuy nhiên đến nay có 11/13 đơn vị được giao kế hoạch vốn. Còn 2 trung tâm thuộc các địa phương là Nam Định và Bắc Giang chưa có quyết định giao vốn. Các đơn vị thuộc Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT và các địa phương còn lại vẫn chưa được cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương. Riêng năm 2016, vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm và xây dựng cơ bản từ ngân sách Trung ương vẫn chưa được duyệt.

Đề án 1511 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến năm hết 2018, tuy nhiên, tổng kinh phí đã cấp cho Đề án còn hạn chế, vì vậy việc đạt được mục tiêu cuối cùng của Đề án là rất khó khăn và phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn được cấp trong năm nay và những năm tới.

Do vậy, để Đề án có thể triển khai đồng bộ các nội dung theo các mục tiêu đã được duyệt đến hết năm 2018 và theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ vốn năm 2016 cho Đề án và các năm tiếp theo.

Ngọc Hà/Báo Xây dựng