16/06/2020

Khắc phục nghịch lý xây dựng trường học

Thời gian qua, việc xây dựng trường học công lập được các cấp, ngành của thành phố Hà Nội rất quan tâm. Song thực tế đang diễn ra một nghịch lý là, “nơi dư đất thì thiếu tiền, nơi có tiền thì thiếu đất”.

Khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố Hà Nội tại các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai, đều có chung tình trạng là nhu cầu mở rộng trường lớp lớn, nhưng gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất để xây dựng trường học, mặc dù nguồn ngân sách dồi dào. Vì vậy, trường học ở những địa bàn này luôn đối mặt áp lực sĩ số học sinh/lớp đông, trung bình 50-60 học sinh/lớp…

Trong khi đó, các huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức… không khó khăn về quỹ đất, nhưng nguồn ngân sách lại hạn chế. Do đó, các địa phương này vừa gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng mới trường học, vừa thiếu kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, công nhận lại các trường đạt chuẩn quốc gia.

Để giải “bài toán” trên, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, đối với khu vực nội thành, thành phố sớm thực hiện chủ trương mở rộng các trường học bằng cách nâng tầng và triển khai giải pháp an toàn trường học. Các phòng đa năng, phòng bộ môn, ban giám hiệu… nên bố trí ở tầng cao, dành những tầng phía dưới cho học sinh học tập. Ngoài ra, tại các khu đô thị mới, thành phố khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng, cần có quy định ràng buộc về tiến độ, chất lượng công trình trường học.

Đối với các huyện, do nguồn thu ít nên kế hoạch bố trí vốn cho xây dựng trường học hàng năm cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND thành phố đề nghị, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ các địa phương còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư sửa chữa, khắc phục những trường học xuống cấp để đạt trường chuẩn quốc gia.

Báo Vy/Hà Nội mới