06/11/2017

Đầu tư dự án nhà máy kính siêu mỏng tại tỉnh Ninh Bình

Về việc Cty TNHH Công nghiệp Hạ Long – CFG xin đầu tư dự án Nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao công suất 1.200 tấn/ngày tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Mới đây Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2556/BXD-VLXD gửi Văn phòng Chính phủ.


Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng sẽ đem lại hiệu quả nhiều mặt cho các công trình xây dựng.

Theo đó, Cty TNHH Công nghiệp Hạ Long – CFG là đơn vị có bề dày hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thương mại mặt hàng kính xây dựng, hiện tại Cty đang là chủ đầu tư của 3 nhà máy kính nổi tại Việt Nam với tổng công suất 2.100 tấn/ngày tương đương 146 triệu m2 QTC/năm. Với kinh nghiệm sản xuất hiện có và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới dự kiến áp dụng cho dự án và với nhu cầu kính dùng cho các dự án sản xuất điện bằng pin năng lượng mặt trời, màn hình ti vi, điện thoại ở trong nước và trên thế giới đang ngày càng tăng như hiện nay thì dự án đầu tư kính siêu mỏng do UBND tỉnh Ninh Bình trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có nhiều điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính khả thi và khả năng thành công của dự án.

Sản phẩm kính siêu mỏng chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sử dụng làm tấm pin mặt trời và màn hình ti vi, điện thoại. Đây là sản phẩm kính đặc chủng, theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì chủng loại sản phẩm này chỉ được đầu tư khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Nhằm tạo ra sản phẩm kính đặc biệt, chất lượng cao, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình về sự cần thiết chấp thuận chủ trương để Cty TNHH Công nghiệp Hạ Long – CFG đầu tư Dự án kính siêu mỏng công suất 1.200 tấn/ngày tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình với hai giai đoạn: giai đoạn một với công suất 600 tấn/ngày đi vào hoạt động trước năm 2022; giai đoạn hai với công suất 600 tấn/ngày đi vào hoạt động trước năm 2027.

Được biết hiện nay, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 3.480 tấn/ngày tương đương 243 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, trong đó kính nổi là 2.950 tấn/ngày tương đương 206 triệu m2 QTC (có 6 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2 QTC (có 2 nhà máy). Các nhà máy này hầu hết đều nằm ở các khu vực có vùng nguyên liệu, có hạ tầng kỹ thuật phát triển và phân bổ đều trên cả 3 khu vực Bắc, Trung và Nam Bộ. Tình hình sản xuất và tiêu thụ kính nội địa trong những năm gần đây đều tăng, đặc biệt trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 các nhà máy sản xuất đều phát huy hết công suất. Ngoài các nhà máy đang sản xuất, hiện tại có 6 dự án kính nổi đang đầu tư với tổng công suất 3.200 tấn/ngày tương đương 223 triệu m2 QTC/năm, trong đó có 3 dự án đầu tư sản xuất kính đặc chủng. Như vậy, khi 6 dự án trên đi vào sản xuất, tổng công suất sản xuất kính phẳng ở Việt Nam sẽ là 6.680 tấn/ngày tương đương 466 triệu m2QTC/năm.

Tuyết Hạnh/BXD