14/10/2020

Xây dựng tiêu chí xã nông thôn mới đặc thù – hướng tới phát triển bền vững vùng ven đô

Là vùng giao thoa giữa nông thôn và thành thị, ven đô thành phố lớn là khu vực đầy biến động và có nhiều nét đặc trưng đô thị. Tuy nhiên, công tác quản lý phát triển khu vực này đang được thực hiện theo các quy định cho nông thôn dẫn đến nguy cơ quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, không gian cảnh quan tự nhiên bị xâm lấn. Cần điều chỉnh Bộ tiêu chí nông thôn mới để phù hợp với yêu cầu quản lý phát triển khu vực ven đô thành phố lớn đảm bảo tầm nhìn phát triển, phát huy được các cơ hội của vùng đô thị lớn, tránh sự đầu tư lãng phí và phòng ngừa các rủi ro về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Khu vực ven đô thành phố lớn ở Việt Nam là các khu vực thuộc huyện, xã nằm xung quanh đô thị lõi trung tâm thành phố lớn, có quy mô và mật độ dân cư tương đương tiêu chuẩn đô thị. Là khu vực giao thoa của nông thôn và thành thị, có mối liên hệ mật thiết với lõi đô thị, các khu vực ven đô thành phố lớn có nhiều nét đặc trưng đô thị như mật độ dân số cao, quy mô cụm dân cư lớn, có nhiều hoạt động đầu tư và sản xuất phi nông nghiệp, là khu vực có nhiều biến động, nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, phát triển đô thị. Hiện nay, do một số bất cập trong các tiêu chí nhận diện, quản lý, khu vực này đang phải đối diện với nguy cơ thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ô nhiễm môi trường, không gian cảnh quan tự nhiên bị xâm lấn…

Xây dựng bộ tiêu chí xã NTM nâng cao đảm bảo các yếu tố phi nông nghiệp đem lại giá trị du lịch, cảnh quan, dịch vụ và hạ tầng

Xây dựng bộ tiêu chí xã NTM nâng cao cần đảm bảo các yếu tố phi nông nghiệp đem lại giá trị du lịch, cảnh quan, dịch vụ và hạ tầng

Mặc dù đặc thù có nhiều đặc điểm đô thị, khu vực ven đô đang được quản lý theo hệ thống pháp luật quy định cho nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Bộ 19 tiêu chí nông thôn mới đặt ra hệ thống khung chỉ tiêu để các địa phương phấn đấu thực hiện nhằm từng bước xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường. Tuy nhiên, Bộ tiêu chí chưa phù hợp với đặc trưng phát triển mang nhiều tính đô thị của khu vực ven đô. Vì vậy, cần phải điều chỉnh Bộ tiêu chí để phù hợp với yêu cầu mới trong quản lý đô thị, đảm bảo tầm nhìn phát triển, tránh đầu tư lãng phí và phòng ngừa các rủi ro về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Cơ sở điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới vùng ven đô thành phố lớn

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 – 2020 là cơ sở để đánh giá công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn vừa qua. Bộ tiêu chí được chia thành 5 nhóm gồm 19 tiêu chí, chia thành 49 tiêu chí nhỏ thành phần.

Mỗi tiêu chí được quy định phù hợp cho mức độ phát triển khác nhau của 7 vùng trên cả nước. Trong số 49 tiêu chí thành phần, có 13 tiêu chí mang tính linh hoạt, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển của địa phương. Trong 36 tiêu chí còn lại, tiêu chí có sự phân biệt giữa các vùng miền, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ đều cao hơn các vùng khác, đây là 2 vùng có đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, có nhiều khu vực nông thôn mật độ cao mang đặc trưng đô thị.

Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020: Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020 được xây dựng dựa trên khung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Bộ tiêu chí Hà Nội được phân thành 6 nhóm, có 1 nhóm riêng cho cảnh quan – môi trường, được tách ra từ nhóm văn hóa – xã hội – môi trường và phát triển thành 75 tiêu chí chi tiết.

Đối với các tiêu chí linh hoạt, Bộ Tiêu chí NTM Hà Nội chọn mức chỉ tiêu ở ngưỡng cao, các tiêu chí bổ sung và thay đổi theo hướng: (1) thêm các yêu cầu về quy chế quản lý, sử dụng, bảo đảm sử dụng hiệu quả và bền vững các công trình; (2) bổ sung các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm tiệm cận với các tiêu chuẩn đô thị, đặc biệt là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đầu tư có tầm nhìn dài hạn tránh lãng phí; (3) Bổ sung các hoạt động thương mại mang tính đô thị; (4) với các hoạt động sản xuất nông nghiệp đang tồn tại, nâng cao tiêu chí về vệ sinh môi trường và bổ sung các tiêu chí về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; (5) Về cảnh quan và môi trường: ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn nhất hiện nay tại các vùng ven đô, bộ tiêu chí đã bổ sung nhiều nội dung để hướng tới bảo vệ môi trường; (6) Bổ sung tiêu chí về hành chính công nhằm quản lý, vận hành khu vực nông thôn nhưng có nhiều hoạt động, nhiều vấn đề phức tạp tương tự đô thị.

Khu vực nông thôn ven đô có các yếu tố đô thị xét cả về mặt pháp lý và thực tiễn. Tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, có 8 chỉ tiêu dành cho khu vực ngoại thành ngoại thị – cần so sánh để lồng ghép trong hệ thống tiêu chí nông thôn mới ven đô; có 12 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường và 24 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập quận – có thể nghiên cứu để lồng ghép một số tiêu chí (đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến công trình hạ tầng và bảo vệ môi trường) vào Bộ tiêu chí nông thôn mới ven đô để đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp và thúc đẩy quá trình phát triển của khu vực theo hướng đô thị hoá.

-Đối với khu vực dự kiến thành lập phường (liên quan đến đối tượng nghiên cứu xã nông thôn mới): có 6 tiêu chuẩn liên quan đến đất/công trình dịch vụ công cộng – các tiêu chuẩn này nếu chưa thực hiện được cũng nên chuẩn bị đất đai dự trữ cho phát triển trong tương lai; 4 chỉ tiêu liên quan đến cấp nước sạch và VSMT- các tiêu chuẩn này đều hết sức cần thiết để bảo vệ môi trường và tạo điều kiện sống tốt, vì vậy cần lồng ghép vào tiêu chí nông thôn mới ven đô để thực hiện ngay.

Đối với khu vực dự kiến thành lập quận (liên quan đến đối tượng huyện nông thôn mới): Các tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng xã hội – cần từng bước phát triển nông thôn theo tiêu chuẩn đô thị và dự trữ đất đai cần thiết cho tương lai; tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị – với tiêu chuẩn về đất giao thông cần chuẩn bị đất đai để đầu tư dần từng bước, với tiêu chuẩn cấp nước sạch cần được thực hiện ngay; Nhóm các tiêu chuẩn về môi trường: xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn, hoả táng, cây xanh công cộng nên được đưa vào quy định để thực hiện ngay đối với khu vực ven đô.

Như vậy, bộ tiêu chí nông thôn mới cho khu vực ven đô cần phản ánh được các khía cạnh sau: ven đô là khu vực có quy mô và mật độ dân cư cao như đô thị, nên sẽ phải đối mặt với các vấn đề của đô thị; thường nằm trong vùng ngoại thành, ngoại thị của đô thị lớn nên cần đáp ứng các tiêu chí đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị; là khu vực có nhiều triển vọng thành phường/quận trong tương lai, cần xem xét các tiêu chí “cứng” để đầu tư sớm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

Nguyên tắc xây dựng tiêu chí phát triển bền vững vùng ven đô

Kinh tế: Khu vực ven đô có kinh tế phát triển cao hơn mức trung bình của nông thôn với đặc thù tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao. Ngay cả những hoạt động nông nghiệp cũng chứa đựng các yếu tố phi nông nghiệp như đem lại giá trị du lịch, cảnh quan, dịch vụ và hạ tầng. Do vậy, các chỉ tiêu về kinh tế của ven đô cần phản ánh được và đồng thời là định hướng để phát triển khu vực ven đô theo hướng đô thị hóa, bao gồm các chỉ tiêu về thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm và phương thức sản xuất.

Xã hội: Tiêu chí xã hội hướng tới đảm bảo môi trường có điều kiện sống tốt bằng cách gia tăng cung cấp các dịch vụ như y tế, giáo dục, nhà ở. Tăng cường các không gian công cộng, kết nối hài hoà các khu vực phát triển mới với các làng xóm hiện hữu.

Môi trường: Do khu vực ven đô có nhiều biến động, các hoạt động xây dựng phát triển mới là nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên nên cần kiểm soát bảo vệ hệ sinh thái, khung thiên nhiên của vùng và giảm tác hại đến môi trường, bảo vệ nguồn nước. Khu vực ven đô với đặc thù mật độ cao, các hoạt động dân sinh xen lẫn các hoạt động sản xuất cả phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề) và nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), đều có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, vì vậy cần đặc biệt nâng cao các tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Hạ tầng: Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng quan trọng như giao thông, thoát nước, nghĩa trang bằng giải pháp dự trữ đất đai và từng bước đầu tư xây dựng tiệm cận tiêu chuẩn đô thị.

Đề xuất Bộ tiêu chí nông thôn mới khu vực ven đô

Trên cơ sở kế thừa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tham khảo Bộ tiêu chí nông thôn mới của các thành phố lớn, đánh giá các yêu cầu mang tính đặc thù của khu vực, đề xuất Bộ tiêu chí nông thôn mới khu vực ven đô, trong đó các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội đạt mức cao của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; bổ sung các chỉ tiêu dựa trên Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 tập trung vào nâng cao chất lượng và quy mô hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng, bảo vệ không gian tự nhiên và môi trường, nhằm định hướng phát triển khu vực theo tiêu chuẩn đô thị cụ thể như sau như hình sau:

bang tieu chi ntm-1

bang tieu chi ntm-2 bang tieu chi ntm-3

 

Trên cơ sở các đánh giá về đặc thù khu vực nông thôn ven đô, các phân tích đánh giá về những điểm không phù hợp của Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã (Quyết định 1980/QĐ-TTg), nghiên cứu Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao Hà Nội và các tỉnh khác, rà soát các chỉ tiêu phân loại đô thị tại quyết định 1210/UBTVQH16 cho khu vực ngoại thành, bài viết đã đề xuất sửa đổi Bộ tiêu chí NTM hiện hành để phù hợp với khu vực ven đô thành phố lớn nhằm quản lý phát triển khu vực ven đô hiệu quả và bền vững.

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới ven đô sửa đổi sẽ là công cụ quan trọng để quản lý lập và thực hiện quy hoạch khu vực ven đô. Với bộ tiêu chí sửa đổi, khu vực ven đô sẽ được nhận diện đúng các cơ hội và thách thức trước mắt cũng như lâu dài và đặt ra các yêu cầu cần thực hiện, trong đó ưu tiên các nội dung bảo vệ môi trường (thu gom rác thải, xử lý nước thải), tăng tiện nghi đô thị (không gian công cộng, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cấp nước) và bảo vệ không gian thoát nước tự nhiên.

ThS.KTS Nguyễn Thị Hồng Vân – Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng)