04/01/2023

Xây dựng thành phố Hà Giang – Trung tâm logistics các sản phẩm văn hoá

(KTVN 241) – HÀ GIANG VỚI THIÊN NHIÊN HÙNG VỸ

Bất kể ai đã từng đến với Hà Giang khi trở về đều có nhiều kỉ niệm đẹp, những ký ức về các địa danh có cảnh quan sông núi kỳ vĩ, hoang sơ như Cổng Trời, Núi Đôi Quản Bạ, công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên Đá chạy qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, sông Nho Quế với hẻm Tu Sản, con đường Hạnh phúc trên đèo Mã Pì Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, đường dốc Thẩm Mã ngoằn ngoèo, Cột cờ Lũng Cú – cực Bắc của Tổ quốc, các thửa ruộng bậc thang khi đổ nước tháng 5 hay khi lúa chín vàng tháng 9-10 ở Hoàng Su Phì, xen lẫn trong các rừng thông như ở Yên Minh, những triền hoa tam giác mạch hồng phớt, cải vàng trắng tươi, xuyến chi tim tím, những triền mây bất chợt bốc lên, luồn len lỏi giữa các ngọn núi…, hay sắc màu của 22 dân tộc qua các hoạt động (phiên chợ Đồng Văn, Mèo Vạc, trồng cây lanh, dệt thổ cẩm, các lễ hội cấp sắc, cũng rừng Hồ Thầu, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc với chợ tình Khau Vai …) và những ngôi nhà tường trình đất, mái ngói âm dương nằm rải rác (Dinh nhà Vương – Sà Phìn, ngôi nhà quay phim “chuyện của Pao” – Sủng Là) hoặc tập trung như ở Thiên Hương, Ma Lé (Đồng Văn), phố Cáo…

Sủng Là

Bên cạnh đó là những địa danh gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1988 như đền tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh trên điểm cao 468 (Vị Xuyên), Lũng Cú… Đặc biệt, ẩm thực Hà Giang với cháo Ấu tẩu và mèn mén đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020-2021); Mật ong Bạc hà và chè Shan tuyết Hoàng Su Phì lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020-2021)… là những sản phẩm chuyên biệt của Hà Giang.

THÀNH PHỐ HÀ GIANG VỚI TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN?

Nhưng nếu có hỏi về thành phố Hà Giang, chắc mọi người cũng chỉ nhớ đến một địa điểm rất nhỏ và cũng dừng rất nhanh – Cột mốc Km số 0 của Hà Giang như một điểm đi qua – điểm dừng chân – điểm trượt cho cả hành trình dài đến tham quan, khám phá tỉnh Hà Giang ở những địa danh như trên nêu mà thôi.

Cảnh quan

Thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế của Tỉnh với tổng diện tích 135km2 và quy mô dân số gần 100.000 người. Tuy là thành phố nhưng đô thị vùng cao này vẫn có cảnh sắc đặc thù riêng biệt Sông – Núi: Cả thành phố nằm trong một thung lũng với các dãy núi vây quanh và được dòng sông Lô uốn mình, len lỏi chia đô thị làm hai phần: các phường Minh Khai, Trần Phú tọa lạc dưới chân núi Mỏ Neo bên bờ Đông với chủ yếu là các khu dân cư và phường Nguyễn Trãi, Quảng trường 26/3 nằm dưới chân núi Cấm Sơn phía Tây lại chủ yếu là các công trình trụ sở hành chính, chính trị, công trình công cộng, dịch vụ, thương mại… quy mô lớn của Tỉnh, Thành phố.
Tuy con sông Lô là một trong hai chủ thể, cảnh quan chính tạo nên diện mạo của đô thị nhưng hiện tại việc khai thác dòng sông vẫn hoàn toàn tự nhiên, thậm chí là nơi thoát nước thải của các công trình hai bên sông. Mọi việc nhìn thấy được vẫn chỉ dừng ở việc xây cầu nối hai bờ, kè và làm đường dạo ven sông chứ chưa thực sự tạo cảnh quan cây xanh, mặt đứng công trình quay vào sông. Những ngọn núi vây hợp xung quanh thành phố Hà Giang cũng vậy, mới chỉ khai thác ở mức độ tối thiểu như cột thông tin.

Du lịch

Hà Giang là một thành phố buồn, lặng về đêm dù cháo Ấu Tẩu nổi tiếng được bán thâu đêm suốt sáng dọc tuyến quốc lộ 2 chạy qua thành phố, nhưng cũng không thể níu kéo du khách ở lại, nghỉ lại, thăm thú, khám phá thành phố. Thành phố bị trượt qua trong cả hành trình của mỗi du khách đến với tỉnh Hà Giang.
Minh chứng về sự buồn tẻ của thành phố này là những con số thống kê nơi cư trú của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang ngày 14/9/2021: 14 cơ sở lưu trú được xếp hạng sao trên tổng số 38 cơ sở lưu trú của tỉnh Hà Giang, trong đó, gồm: 2 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao và 8 khách sạn 1 sao… mới thấy nhu cầu thật chưa kích thích sự phát triển hệ thống dịch vụ du lịch – một trong bảy mũi nhọn phát triển của thành phố Hà Giang, mặc dù du lịch Hà Giang phát triển nhanh, mạnh nhất là trong mấy năm gần đây.

Bên cạnh đó, việc các dự án đầu tư vẫn đa phần là vào lĩnh vực xây dựng nhà ở, các khu đô thị mới nếu không kiểm soát tốt phong cách kiến trúc lại sẽ làm cho diện mạo, bộ mặt thành phố Hà Giang thuyên giảm bản sắc địa phương.

Vậy phải nhìn nhận Hà Giang ngày hôm qua và cho đến tận ngày hôm nay đã không là điểm đến, điểm du lịch khám phá văn hóa Hà Giang của du khách. Trong khi tiềm năng thì không phải là vậy.

Hà Giang về đêm

Giao thông

Có thể nhận thấy ngay là không một địa bàn nào trong tổng số 11 đơn vị hành chính của Hà Giang có được cơ sở hạ tầng như thành phố Hà Giang: Địa hình bằng phẳng, đầu mối của các tuyến giao thông đi tất cả 10 đơn vị hành chính còn lại và chỉ cách cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy 23km.

Giao thông nội tỉnh, theo hướng Nam – Bắc theo tuyến quốc lộ số 2 nối quốc lộ 4C (con đường Hạnh phúc) theo hướng Bắc và Đông Bắc được coi là “con đường tơ lụa” – là tuyến xương sống qua các địa danh chính, đặc thù của Hà Giang như phần đầu đã nêu. Theo hướng Đông – Tây từ thị xã Tân Quang theo tỉnh lộ 177 về phía Tây đi các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Theo hướng Đông Bắc theo quốc lộ 34 lên Bắc Mê, Du Già. Việc giao thông chia nhánh, không liên hệ này cũng tạo ra các hướng du lịch khác nhau, khám phá nhiều cung bậc cảm xúc.

Tuyến đường từ Hà Nội qua Tuyên Quang đến thành phố có chất lượng tốt và thời gian lưu thông ngắn. Đây là lợi thế của thành phố Hà Giang trong việc lựa chọn loại hình du lịch phù hợp, mà du lịch cuối tuần, chủ đề “khám phá văn hóa – ẩm thực các dân tộc Hà Giang” là một ví dụ như cách làm thành công của Hải Phòng năm vừa qua, kích thích cả sự hoạt động phát triển của tuyến xe lửa Gia Lâm – Hải Phòng. Loại hình du lịch 02 ngày cuối tuần này chỉ phù hợp với thành phố Hà Giang, chứ không thể áp dụng đối với các tuyến khác của Hà Giang vì bắt đầu từ thành phố đến các tuyến, điểm tham quan khác đã trở nên khó khăn hơn, tốn thời gian lưu thông hơn rất nhiều lần, chưa kể ảnh hưởng bởi sương mù, sạt lở mùa mưa bão… và như thế phải tiêu tốn thêm thời gian mới đủ tái tạo sức khỏe du khách.

Như vậy, Hà Giang không chỉ dừng ở hợp tác, liên kết tuyến du lịch giữa 6 tỉnh biên giới phía Bắc như vừa qua, mà còn là liên kết, trao đổi khách giữa Hà Nội – Hà Giang và các tỉnh lân cận.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ GIANG

Hấp dẫn khách đến, nghỉ lại, thăm thú và tiêu xài tại thành phố Hà Giang là câu chuyện của tổng thể các công tác khác liên quan:

Giải pháp với cảnh quan

Nếu coi dòng sông Lô là chủ thể thì hiện đang thiếu vắng những không gian trống, lõng xanh để kết nối từ quốc lộ 2, các khu dân cư ra phía bờ sông, những dịch vụ ngắm cảnh, trèo thuyền… đồng thời xử lý bề mặt công trình kiến trúc quay mặt ra bờ sông hay nắn chỉnh dòng sông tạo cảnh quan và thích ứng việc tiêu thoát lũ. Dọc 2 bên sông là đường đi dạo, là phố đi bộ, kích thích sự phát triển kinh tế đêm, kết hợp các hoạt động của không gian quảng trường 26/3 và cột mốc Km số 0 của Hà Giang.
Đối với các dãy núi xung quanh thành phố cần được quan tâm trong việc chủng loại cây xanh, ánh sáng cảnh quan trở thành phông nền cho thành phố, đồng thời tăng cường các chức năng nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị hướng tới đô thị loại 2 như tâm linh, tín ngưỡng, ngắm cảnh chiêm ngưỡng toàn thành phố Hà Giang, các công trình dịch vụ văn hóa phục vụ không chỉ cư dân mà du khách địa phương, thậm chí là xây dựng mô hình làng văn hóa, các loại hình kiến trúc tiêu biểu truyền thống, trung tâm ẩm thực của hơn 20 dân tộc có mặt trên tỉnh Hà Giang, tạo thành điểm du lịch thu hút du khách và phát triển kinh tế ngày – đêm. Thậm chí, những cao độ có cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành lại trở thành những bất động sản nghỉ dưỡng lý thú.

Cách làm của thành phố Lạng Sơn tổ chức các chợ phiên, giao lưu văn hóa của các dân tộc vào mỗi ngày 12 âm lịch cũng đáng để thành phố Hà Giang tham khảo.

Thành phố Hà Giang ven sông Lô

Giải pháp với giao thông

Với tính chất trung tâm và đầu mối về giao thông nên thành phố Hà Giang cũng thuận tiện trở thành đô thị trung chuyển hàng hoá, tập kết và trung chuyển đến các huyện trong tỉnh, các tỉnh lân cận và đặc biệt là xuất khẩu.

Là đầu mối từ thành phố Hà Giang đi các huyện khác khó khăn, vất vả hơn nên các phương tiện cá nhân sẽ được tập trung tại thành phố, trung chuyển sang các loại hình xe công cộng, thân thiện môi trường sẽ tạo nên hình ảnh đẹp về cảnh quan, tăng cường chất lượng về dịch vụ, tăng công ăn việc làm và nguồn thu ngân sách và giảm thiểu tối đa ách tắc giao thông, an toàn sử dụng.

Hướng tới việc nâng cấp xây dựng thành phố Hà Giang thành đô thị loại 2 cũng tốt nhưng để thành phố Hà Giang phát triển bản sắc, khác biệt dựa trên yếu tố đặc trưng, tiêu biểu không đâu có được thì là cách phát triển văn minh, bền vững. Đó cũng là sự đột phá trong cách nghĩ để thể hiện trong đồ án quy hoạch tỉnh Hà Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Tỉnh đang triển khai.

Khi đó, đến với thành phố Hà Giang là du khách có đủ những sản phẩm đại diện của các dân tộc để chiêm ngưỡng, thưởng thức. Và khi đó, thành phố Hà Giang sẽ như các huyện cao nguyên Đồng Văn: thực sự sống được bằng ngành du lịch – một trong những mũi nhọn phát triển bền vững từ nguồn VĂN HÓA – tài nguyên vô hạn của tỉnh cực Bắc Việt Nam. Và thành phố Hà Giang trở thành điểm đến của văn hoá đặc thù – điểm tựa vững chắc cho thành phố phát triển bền vững, bản sắc chuyên biệt./.

KTS Nguyễn Phú Đức