Xây dựng nhà ở vùng lũ cho ĐBSCL cần nhìn vào những thực tế gì?
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Cho dù đã có nhiều các cuộc tọa đàm, hội nghị, chương trình nghiên cứu quy hoạch tổng thể, chi tiết về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về hình mẫu nhà ở chưa có được những bài giải thỏa đáng. Hàng năm ĐBSCL phải đối mặt trên cả 2 vấn đề về nước trái ngược là lũ lụt và khô hạn. Qua đợt nóng hạn và mặn xâm nhập của năm 2015 – 2016 cho thấy, người dân ĐBSCL vẫn xem lũ lụt dễ chịu nhiều hơn là khô hạn. Vậy ĐBSCL sẽ cần những giải pháp chiến lược định cư và nhà ở nào để thích ứng với các thay đổi tự nhiên và phát triển lâu dài?
Tập quán ”sống chung với lũ” của ĐBSCL đang giảm dần?
ĐBSCL được coi là vựa lúa chính của Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực và thực phẩm, chiếm 90% gạo xuất khẩu của Việt Nam. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 10, vùng ĐBSCL nhận nước lũ từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về, gây ngập nhiều vùng trũng và vùng đất thấp, diện tích ngập nước dao động trong khoảng 12.00019.000km2 Trong đó khu vực Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là 2 vùng trũng ngập sâu nhất (1 – 4m), kéo dài nhất (2 – 3 tháng). Từ xưa, người dân
gọi giai đoạn này là “mùa nước nổi” do tốc độ nước lên chậm, cao nhất khoảng 30 – 40 cm/ngày.
Ở ĐBSCL, mưa lũ được xem như một tài nguyên lớn: làm gia tăng nguồn nước đáng kể, làm tăng lượng cá tự nhiên, lũ mang phù sa làm gia tăng độ phì nhiêu cho đất trồng trọt, rửa mặn, rửa phèn và các chất ô nhiễm trong đồng ruộng, loại bỏ chuột bọ, côn trùng và bổ cập thêm cho nước ngầm. Mùa mưa lũ đem lại nhiều sinh kế và thu nhập cho người dân ỏ đây. Do vậy, từ xưa họ thích nghi với lũ lụt như một truyền thống và hình thành tập quán “sống chung với lũ”.
Sau thập niên 1990 trở đi, khái niệm này đang giảm dần ỏ nhiều nơi của vùng ĐBSCL khi Chính quyền triển khai những công trình đê bao và thực hiện hàng loạt các dự án thoát lũ nhằm tận dụng vòng quay của đất để gia tăng sản xuất lúa và cải thiện hình ảnh vùng nông thôn. Hiện nay, ĐBSCL đã xây dựng hơn 13.000km đê bao kiểm soát lũ, hơn 900 cửa cống trung bình và lớn với trên1.000 trạm bơm. Nhiều vùng đô thị và vườn cây ăn trái cũng tìm cách xây bao tránh lũ. Người dân sống tập trung trong các vùng đê bao, gần như chuyên canh cây lúa suốt năm và hạn chế việc đối phó với lũ khiến một số sinh kế và tập quán dần bị mai một.
Nhìn lại mô hình nhà ở truyền thống tại ĐBSCL
Ở vùng ngập trung bình và sâu, như một đặc thù “sống chung với lũ” nên nhà cửa và khu dân cư có cấu trúc phải phù hợp với nhịp điệu và biến động của dòng chảy lũ của khu vực hạ lưu sông Mêkông. Ở đây, các ngôi nhà sàn được dựng theo độ cao mức nước lũ còn hiện diện ở những vùng nông thôn xa, nơi không có các hệ thống đê bao chống lũ hoặc các nơi ven sông.
Theo một nghiên cứu khảo sát năm 2016 tại ấp Hà Bảo và Vĩnh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang thì 2 ấp đều có không gian đặc trưng của vùng lũ ĐBSCL như: khu dân cư được kẹp giữa ruộng và sông, nhà được phân bố trên tuyến đê dọc theo bờ sông. Tại hai địa phương này đều có những căn nhà không bị ảnh hưởng của lũ như là vùng được bảo vệ từ kết quả của kế hoạch tái định cư cho người nghèo năm 2002, một số nơi vẫn còn nằm trong vùng bị ngập lũ. Vùng trong đê, người dân sản xuất lúa 3 vụ/năm.
Ở Hà Bảo, các nhà sàn được xây dựng theo đặc điểm lũ: chiều cao sàn nhà được xác định theo kinh nghiệm các mức đỉnh lũ lớn nhất trong quá khứ. Khoảng trống giữa các tấm sàn nhằm mục đích tăng cường thông gió và giảm sức mạnh của sóng vỗ của vùng ngập lũ. Những ngôi nhà tại ấp Hà Bảo, Vĩnh An có cột và dầm gác trên các cọc. Liên kết chúng là bu-lông hoặc chốt gỗ. Sàn gác trên dầm không bắt cố định mà chỉ gác tự nhiên để giảm áp lực sóng nhồi từ phía dưới đáy. Khi có lũ lớn, người dân có thể tháo các bu-lông để đưa sàn lên cao. Việc nâng sàn bằng ghe xuồng để bẩy lên bằng lực đầy nổi (có các thùng nhựa làm phao để trợ lực).
Vào mùa khô, không gian dưới sàn nhà được sử dụng cho các mục đích khác nhau, như là nơi nghỉ ngơi tránh nắng nóng, chăn nhốt gia cầm, nơi lưu trữ củi, máy móc nông nghiệp và ngư cụ. Trong thời kỳ lũ lụt, gia cầm được chuyển lên nhà. Các đồ đạc lưu trữ dưới sàn thường được đặt lại cao hơn. Nếu nước lũ dâng cao hơn, các hộ sẽ làm một bệ tạm thời trong nhà kho.
Mùa khô người dân di chuyển bằng phương tiện xe đạp và xe gắn máy, mùa lũ thì sử dụng ghe thuyền để đi lại. Các cầu thô sơ bằng cây được sử dụng phổ biến để đi lại trong thời gian ngập lụt. Các đoạn đi ngắn, người dân thường dùng cầu thay vì thuyền. Các cầu được xây dựng dọc theo những ngõ hẻm để kết nối với đường đê, chúng cũng được sử dụng để kết nối với các ngôi nhà gần đó và đến cửa hàng tạp hóa lân cận. Thông thường trong cùng nhóm bà con, các gia đình liên kết với nhau bằng những cây cầu kết nối. Chiều cao của cầu tạm có thể điều chỉnh lên khi mực nước lũ dâng lên. Trong mùa lũ, một cây cầu thường được điều chỉnh 2-3 lần. Mặc dù phải chịu phiền hà do phải chỉnh sửa, chiều cao cây cầu phải cao hơn mặt nước khoảng 20-50cm để giảm thiểu nguy hại khi có người tụt chân, rơi xuống nước.
Hà Bảo và Vĩnh An là điển hình của mô hình định cư và nhà ở rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội… Loại hình nhà này cần được nghiên cứu và cải tiến tốt hơn để đáp ứng cho vùng ngập lụt. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống ở cả 2 ấp đều rất khó khăn về kinh phí để nâng cấp nhà ở và cầu đường. Hai ấp Hà Bảo và Vĩnh An đang ưu tiên những quyết sách để ổn định, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Do vậy, có thể nói, ở một số vùng ngập lũ của ĐBSCL hiện nay giải bài toán xóa đói giảm nghèo cần đặc biệt được ưu tiên.
Xây dựng nhà ở cho ĐBSCL cần gì trong thực tế?
ĐBSCL đang trực tiếp chịu tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khô hạn, nhiễm mặt. ảnh hưởng lên nhiều mặt kinh tế – văn hóa – xã hội: nông nghiệp, sinh kế, hệ sinh thái. Trong khi đó, các phương án ứng phó đôi khi chỉ giải quyết được một vài việc, ví dụ như nói đến “sống chung với lũ” không chỉ là ngôi nhà mà còn liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, đi lại và cộng đồng cư dân.
Trong phạm vi bài viết này mới chỉ đề cập tới mô hình nhà ở sống chung với lũ – một vấn đề đơn lẻ nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Cũng đã có nhiều chương trình nghiên cứu về định cư và thiết kế điển hình để canh tân ngôi nhà “sống chung với lũ” nhưng hầu như không khả thi do chi phí vật liệu và xây dựng cao; chưa có chính sách hỗ trợ triển khai. Đã có những mẫu nhà thiết kế cho vùng lũ nhưng không áp dụng rộng rãi được. Một câu hỏi đang được đặt ra nghiêm túc lúc này là: Có cần tìm kiếm mô hình mẫu cho nhà ở vùng lũ ĐBSCL khi đã có những khu đê bao và vùng kiểm soát lũ? Mô hình nào cho nhà ở ĐBSCL khi truyền thống sống chung với lũ đang dần biến mất?
Sau trận lũ lớn năm 2011, nhiều khu dân cư “vượt lũ” đã hình thành bám theo các trục đường bộ, nền cao khô ráo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tại một số địa phương người dân bị tách khỏi không gian sản xuất, do đó, người dân đã bỏ hoang nhà “vượt lũ’ để tìm việc làm. Hoặc có một số dân chuyển đổi nghề nghiệp khác, không sống dựa vào trồng lúa và đánh cá mùa lũ. Và thực tế một số khu dân cư “vượt lũ” có rất
ít người ở. Câu hỏi đặt ra cho các khu định cư “vượt lũ” vẽ trong các bản đồ liệu có sức sống tồn tại? và tại sao nhiều khu dân cư “vượt lũ” không có người ở?
Giới xây dựng và kiến trúc đã cố gắng tạo dựng không gian sống bền vững cho bà con vùng lũ ĐBSCL. Tuy nhiên, điều quan tâm của cộng đồng địa phương không chỉ là nhà ở và các cơ sở hạ tầng cơ bản mà còn nhiều nội dung thiết thực hơn: đó là tương lai nông nghiệp và ngư nghiệp sẽ ra sao khi nguồn nước, nguồn cá và phù sa hàng năm đang cạn kiệt dần do biến đổi khí hậu và đe dọa từ các công trình thủy điện ở thượng nguồn. Ngoài ra, hệ sinh thái nghèo đi và môi trường sống đe dọa bởi ô nhiễm rác thải và nước thải (vốn trước đây nhờ nước lũ cuốn đi). Những thách thức mới tại ĐBSCL có lẽ đã hạn chế khả năng của giới kiến trúc – quy hoạch, thay vào đó vùng đồng bằng đang cần có một chiến lược tích hợp lâu dài đặt trong mối liên kết đa ngành – đa vùng./.
TRẦN HUY ÁNH & LÊ ANH TUẤN