11/02/2022

Việt Nam hóa công trình xanh – Vấn đề cần đặt ra!

Ý kiến đại biểu tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” (Viện Kiến trúc Quốc gia – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh – Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam VNCC

Có hai câu chuyện tôi muốn chia sẻ, trao đổi với mong muốn CTX của chúng ta sẽ phát triển tốt hơn, thực chất và có hiệu quả thiết thực hơn.

Thứ nhất, năm 2016, tôi đã may mắn theo một đoàn được tài trợ sang Mỹ tham quan công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, CTX. Tôi được xem khá nhiều, khoảng 6-7 công trình đạt chứng chỉ LEED Platinum. Nhận thức đầu tiên của tôi là rất ngạc nhiên với những công trình này. Điển hình là Bullite Center tại Seattle, Mỹ. Đến nay công trình này vẫn được coi là CTX nhất thế giới. Tòa nhà tự cân bằng được năng lượng và nó không liên quan gì đến cây xanh. Vấn đề ở đây là tòa nhà được đưa công nghệ cao vào, đạt được tính thẩm mỹ đến từng chi tiết nhỏ. Tất cả những thiết bị được đưa vào đều là những công nghệ tốt nhất của thế giới vào thời điểm đó…

Thứ hai, năm 2020, tôi có tham gia vào Hội đồng Công trình Kiến trúc xanh, có 10 nước tham gia với khoảng hơn 20 đồ án dự thi. Việt Nam có đưa 2 đồ án vào dự thi nhưng bị chấm điểm thấp. Lý do, toàn bộ phần tính toán trong CTX của Việt Nam rất sơ sài, không có số liệu, không có bằng chứng…

Một trong hai yếu tố quan trọng trong các bài dự thi của các bên, đó là việc thuyết minh quá trình vận hành. Điều đó mới là quan trọng, chứ không phải chúng ta đưa ra một thiết kế, xây dựng gắn mác là CTX, rồi chúng ta trao giải thưởng cho nhau… Một yếu tố khác nữa là vận động, lan tỏa ý thức cộng đồng về môi trường cũng cần phải tính đến.

Phát triển CTX ở Việt Nam có nên đi theo tiêu chuẩn của những nước khác không khi mà họ đang ở những trình độ phát triển khác, trình độ công nghệ khác với chúng ta. Chúng ta vẫn có CTX nhưng theo kiểu Việt Nam. Hệ thống chứng nhận CTX thực chất cũng đã được Việt Nam hóa rồi thì khái niệm CTX cũng nên Việt Nam hóa. Cái gì nặng về phần công nghệ, phần năng lượng thì nên giảm bớt…

Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh phần thực hành, phần thực hành của chúng ta chưa tốt. Chúng ta cũng đã giảm nhẹ cái khó cho mình bằng việc đưa những chỉ tiêu năng lượng thông qua mô phỏng. Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta không đẩy mạnh những cái chúng ta có thể làm được, CTX sẽ không mang tính xã hội, mà chỉ dừng lại ở những cái mà chúng ta chấm.

Năm vừa qua, tôi tham gia rất nhiều cuộc thi, xem các bài, các cuộc đấu thầu, tư vấn. Tôi thấy nhìn chung các tư vấn, chủ đầu tư ở Việt Nam đều trình bày bản thân xây dựng CTX. Nhưng thực ra vẫn chưa đầy đủ, khi bàn đến các giải pháp cụ thể vẫn còn chung chung.

10 năm đi vào thực thi, chúng ta có Tuyên ngôn Xanh cùng nhiều giải thưởng. Bây giờ, mục tiêu lớn nhất là làm sao đưa vào thực chất. Mà đối với đô thị Việt Nam, cái thực chất chính là cái thích ứng được.
Nếu những thiếu khuyết về công nghệ, về mặt tính toán… hiện nay đang là điểm yếu thì cái bù đắp vào là chúng ta cần tạo ra được ý thức cộng đồng tốt. Ví dụ, mỗi người đều có ý thức tắt đèn khi ra ngoài, nhặt rác, đừng bừa bộn, thì đấy cũng là cái xanh rồi. Chúng ta có thể bằng những cách thức riêng để đạt được những điều mà chúng ta cần.

Vấn đề tiếp theo, liên quan đến net zero (không phát thải), tôi nghĩ cần đảm bảo tính tiện nghi, nhưng mà phải tăng công suất sản sinh năng lượng tái tạo… Về điều kiện, chúng ta có rất nhiều thuận lợi, đó là nắng. Tuy nhiên nhiệt của Việt Nam lại kém. Và vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là có năng lượng nhưng không giữ được năng lượng.

Công nghệ về năng lượng là công nghệ mang tính tiên phong, nó rất đắt đỏ. Do vậy, phải có một bài toán song hành giữa Nhà nước với người dân. Chẳng hạn, khi người dân không ở nhà, điện mặt trời trên mái phát ra. Sau đó, họ bán lại cho Nhà nước phục vụ sản xuất công nghiệp. Đến tối, họ nhận lại nguồn năng lượng đấy để sử dụng. Mỹ đã ra một chính sách mua lại điện của nhà dân. Đấy cũng chính là chính sách về năng lượng và là bài học cho chúng ta.

Trong thị trường xây dựng Việt Nam, có 5% là chung cư, 95% là nhà dân. Nếu câu chuyện năng lượng không đi vào xã hội, cái xanh vẫn sẽ chỉ nằm ở 5%. Không giải quyết được vấn đề năng lượng xã hội. Và để chủ đầu tư đạt được cam kết với toàn thế giới thì câu chuyện này phải lan tỏa trong người dân./.