07/02/2022

Việt Nam bước vào cuộc đua Net Zero Carbon năm 2050 như thế nào?

Ý kiến đại biểu tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” (Viện Kiến trúc Quốc gia – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

ThS.KTS Trần Thành Vũ – Edeec & ISSER

Để có một góc nhìn so sánh, Việt Nam đã có quy định sử dụng năng lượng hiệu quả từ năm 2005 (QCXDVN 09:2005), tới nay đã có 2 lần điều chỉnh bổ sung (QCVN 09:2013/BXD, QCVN 09:2017/BXD). Nhưng troang thực tế, quy chuẩn này được sử dụng như tiêu chuẩn tự nguyện, sự thẩm tra hồ sơ thiết kế và nghiệm thu sau xây dựng hầu như dành riêng cho QCVN 09 hầu như không tồn tại.

Có thể đánh giá về năng lượng công trình ở Việt Nam gần như tương đương với Pháp năm 1974 – Như vậy thì việc tiến tới trung hoà carbon năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội Nghị toàn cầu COP 26 tháng 11/2021 sẽ còn rất nhiều bộn bề công việc cần thực hiện.

Phát triển CTX – Vấn đề cốt lõi phải là sử dụng năng lượng hiệu quả, tiện nghi nhiệt. Điều quan trọng lúc này là nếu bắt tay thực hiện từ thời điểm này thì chúng ta chỉ còn 30 năm (so sánh với Pháp, họ đã thực hiện quyết liệt từ gần 60 năm với mục tiêu Net Zero Carbon năm 2050). Cho nên đây là cuộc đua không hề đơn giản với điều kiện hiện tại của Việt Nam.

04 trụ cột quan trọng của ngành bất động sản để chúng ta có thể nhanh chóng bắt kịp thế giới về tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững và đảm bảo cam kết giảm phát thải là: Chính sách, Con người, Nhà đầu tư và Kỹ thuật (vật liệu, thiết bị, công nghệ…).

Phát triển và thúc đẩy song hành 04 yếu tố trên sẽ góp phần đưa ngành bất động sản về đúng với con đường cần đi của nó: Xanh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Tiến tới trung hoà Carbon theo đúng cam kết của Chính phủ vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu giảm sử dụng năng lượng, tiến tới Zero Carbon trong ngành Xây dựng, cần có sự tham gia của nhiều lĩnh vực, trong đó khoa học đóng vai trò chìa khoá, chính sách với vai trò tiên quyết để thúc đẩy (cả tự nguyện và bắt buộc), các ưu đãi tài chính xanh, ưu đãi thuế phí từ ngân hàng, Bộ Tài chính đóng vai trò chất xúc tác, các ưu đãi mật độ xây dựng, tầng cao, thủ tục từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng cũng đóng vai trò thúc đẩy quan trọng cho sự phát triển công trình hiệu quả năng lượng.

Hiện nay, nhu cầu về CTX tại Việt Nam đang tăng lên, đặc biệt là tại khu vực miền Nam. Đây là dấu hiệu rất tích cực cho sự phát triển bền vững. Song song với đó, cũng còn không ít trường hợp CTX mang tính truyền thông, làm thương hiệu nhiều hơn là thực chất hướng tới môi trường hay sự phát triễn bền vững.

Nhưng, bất kể thế nào, nhu cầu xanh hơn, bền vững hơn là có thực, vấn đề tiếp theo là chúng ta sẽ hiện thực hoá như thế nào để tăng cao được tính hiệu quả về kinh tế, môi trường, đồng thời tăng cường nội lực đất nước… tránh việc tiền phải chuyển ra nước ngoài để thuê chất xám, để trả tiền thẩm định xanh… Việc này sớm muộn cũng sẽ dẫn tới phụ thuộc và khi họ rời đi, mọi thứ lại về như cũ. Những vấn đề đó cũng là một dạng lãng phí không đáng có cần được khắc phục sớm trong thời kỳ tiến tới zero energy./.