Vì một nền kiến trúc phục vụ cộng đồng
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Chủ đề của Hội Kiến trúc sư Việt Nam chọn để đưa ra thảo luận trong Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2016 năm nay là “kiến trúc vì cộng đồng”. Đây là một vấn đề đang được giới nghề rất quan tâm, đặc biệt là các kiến trúc sư trẻ, các sinh viên đang theo học ngành kiến trúc bởi tính thời sự, tính nhân văn và tính sáng tạo mà các công trình kiến trúc phục vụ cộng động đã được các kiến trúc sư Việt Nam đem đi dự giải thưởng Quốc tế đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Trong môi trường hành nghề hiện nay, khái niệm Kiến trúc cộng đồng hay cao hơn là Kiến trúc vì cộng đồng đang là một khái niệm khá mới mẻ, do đó cho đến nay chưa có một định nghĩa hay một hệ thống lý luận chính thức cụ thể nào. Vì vậy, bản thân giới nghề đang có những sự hiểu khác nhau đối với thể loại công trình này. Trong quá trình trao đổi chuyên môn, đã xuất hiện những nhu cầu làm rõ khái niệm cũng như các vấn đề liên quan và cả những tranh luận về mặt quan điểm, nhất là từ các bạn sinh viên những người đang cần có định hướng và chỉ dẫn rõ ràng từ Hội KTSVN.
Với mong muốn được góp phần làm sáng tỏ những khái niệm này đồng thời đóng góp một số ý kiến xin được mạnh dạn trao đổi như sau:
Trước tiên, về việc định nghĩa “kiến trúc vì công đồng” là gì? Thuật ngữ này nên hiểu theo ý nghĩa rộng lớn: kiến trúc vì công đồng bao gồm mọi hoạt động về kiến trúc – quy hoạch có tác động đến một cộng đồng (theo định nghĩa của Wikipedia: một cộng đồng là một thể thống nhất các đối tượng sống trong cùng một môi trường) không chỉ là một số công trình kiến trúc phục vụ cộng đồng.
Ở nghĩa hẹp, về bản chất công trình kiến trúc phục vụ cộng đồng (KTCĐ) là một loại hình của công trình kiến trúc công cộng mà thường được gọi tắt là kiến trúc công cộng (KTCC). Điểm khác biệt cơ bản với các thể loại công trình kiến trúc công cộng khác là ở chỗ chủ thể sử dụng công trình không được, không cần, hay không thể xác định rõ ràng như các loại hình kiến trúc công cộng khác (nhà hát vì đến đấy để nghe hát – đối tượng phục vụ là những có nhu cầu thưởng thức âm nhạc v.v.. ). Như vậy có thể hiểu kiến trúc cộng đồng theo 2 cách:
Cách thứ 1: Là loại hình kiến trúc nằm ngoài các loại hình công trình kiến trúc công cộng đã được liệt kê trước đây, không giành cho một mục đích cụ thể nào, tức là bất cứ việc gì.
Cách thứ 2: Là loại hình kiến trúc không phục vụ cho một đối tượng cụ thể nào, tức là bất cứ ai.
Từ cả hai cách hiểu trên, chúng ta sẽ khái quát được là “kiến trúc cộng đồng là một loại hình kiến trúc công cộng đa năng và phục vụ đa dạng các loại đối tượng tuỳ theo mục đích sử dụng của nhóm đối tượng trong một thời gian nhất định, được xây dựng với mục đích phi lợi nhuận và được sử dụng một cách miễn phí”. Trong thức tế của bất cứ lĩnh vực nào bao giờ cũng tồn tại những khoảng trống, và nếu hiểu theo cách này thì kiến trúc cộng đồng là loại hình kiến trúc lấp đầy các khoảng trống mà các loại hình kiến trúc công cộng bỏ lại.
Và ở đâu cũng vậy, loại hình kiến trúc này luôn cần thiết cho cộng đồng dân cư tại địa điểm đó khi các chưa có đủ các loại hình kiến trúc công cộng khác, hay nói cách khác, KTCĐ bù đắp tạm thời sự thiếu vắng hay chưa đầy đủ của các loại KTCC khác tại địa phương đó. Vấn đề là ai phát hiện ra sự thiếu vắng? và ai tài trợ tài chính cho việc xây dựng công trình?
Tôi muốn nhấn mạnh tính “tạm thời” vì sau này công trình đó tuy được xây dựng với mục đích trên, nhưng sau này được sử dụng vào một mục đích cụ thể nhất định hoặc phục vụ một đối tượng nhất định nào thì nó tự chuyển hoá vào loại hình công trình KTCC đó, và mất đi tính “cộng đồng” ban đầu của nó.
Thứ hai, đây là một sự phát triển đúng hướng, một xu hướng phù hợp với xu hướng chung mang tính toàn cầu. Những năm gần đây, các hoạt động kiến trúc vì cộng đồng hiện nay diễn ra khác sôi động trên cả nước, được sự chú ý của giới các KTS trẻ, đã có rất nhiều KTS đã tham gia thiết kế – xây dựng và có các công trình cụ thể cho các cộng đồng dân cư. Rất nhiều tác giả xuất hiện với thể loại công trình này có thể kể ra đây như: KTS. Hoàng Thúc Hào, KTS. Nguyễn Duy Thanh (1+1>2) KTS. Lê Lương Ngọc (V-Architecture), KTS. Đoàn Thanh Hà (H&P), KTS. Nguyễn Hoà Hiệp (A21 studio)… và rất nhiều các công trình đã đem đi dự thi và đạt rất nhiều giải thưởng Quốc tế. Đây là những tấm gương và là những khích lệ rất lớn đối với giới kiến trúc sư trẻ Việt Nam trên con đường tìm tòi sáng tạo, khẳng định và đưa vị trí của nền Kiến trúc Việt Nam.
Trên thế giới, bất cứ đâu cũng đều có việc này, đặc biệt tại những quốc gia chưa hoặc đang phát triển còn khó khăn về kinh tế. Các sáng kiến để có thể tạo ra các công trình phục vụ công đồng với giá thành rẻ luôn có sự tham gia của các cá nhân và tổ chức từ thiện, mang tính chất phi lợi nhuận.
Thứ ba: Các vấn đề được xã hội quan tâm đang tác động tốt và ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc vì cộng đồng (do biến đổi khí hậu; nhà ở tái định cư, nông thôn mới, nhà ở xã hội; Các dự án bất động sản, hạ tầng xã hội, công nghiệp, di dời chuyển đổi…). Theo cá nhân tôi, các yếu tố ảnh hưởng nêu trên đang có tác động tích cực cho kiến trúc cộng đồng. Những tác động xấu đến xã hội.
– Môi trường sống, đến sức khoẻ và đời sống tinh thần của con người, từ các yếu tố tự nhiên, từ tự nhiên nhưng có nguồn gốc từ con người, đến các yếu tố do con người trực tiếp tạo ra đã tạo ra những đòi hỏi của cộng đồng cho những vấn đề cần được giải quyết. Trong đó sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết thông qua các giải pháp về kiến trúc – quy hoạch mà chủ thể chính là giới KTS. Tuy không mong muốn, nhưng rõ ràng rằng, càng nhiều vần đề bất cập, càng là cơ hội cho kiến trúc vì cộng đồng phát triển mạnh mẽ.
Cuối cùng, về những vấn đề tiềm ẩn: hiện đang có một số vấn đề đang tồn tại và có thể có tác động không tốt đối với sự định hướng chung cho giới KTS trẻ, sinh viên, cụ thể như sau:
– Các công trình giành cho cộng đồng do tính chất sử dụng công cộng, được đầu tư đa phần từ các nguồn vốn từ thiện, nên quá trình vận hành, duy trì, bảo hành bảo trì gặp khó khăn về nguồn kinh phí. Cần được tính toán một cách bài bản ngay từ các giai đoạn ban đầu để tránh xuống cấp sau một thời gian sử dụng và nguy cơ trở thành lãng phí.
Do tính chất công trình mang ý nghĩa nhân văn, với chủ thể sử dụng chưa rõ, nên quá trình đề xuất không có các ý kiến phản biện hoặc giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, các KTS được tự do bay bổng sáng tác – đây cũng là lý do thể loại công trình này được các KTS trẻ thích thú nhất là các KTS chưa thành danh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, KTS trẻ vì tự chủ được “xin” nguồn vốn, nhưng còn thiếu bề dày kinh nghiệm sẽ rơi vào trường hợi “tự tung tự tác”
Tài trợ từ các tổ chức từ thiện nhưng không có bộ phận quản lý chuyên môn. Việc “tự tác” cũng có thể tạo ra một công trình kiến trúc không đẹp và thiếu tiện dụng.
– Một số trường hợp KTS tự bỏ tiền túi hoặc kêu gọi thêm sự hỗ trợ khác để xây dựng các công trình cộng đồng, song hành với công tác thiện nguyện là mục tiêu cho việc thực tế hoá công trình theo phong cách sáng tác của cá nhân mình (tránh khó khăn trong việc nhận được sự đồng thuận của các chủ đầu tư cho các sáng tác theo phong cách mới). Tuy nhiên, việc này làm sai lệch ý nghĩa nhân văn của “vì cộng đồng” mà đâu đó có thể là “vì bản thân”. Các KTS nếu không tự kiểm soát tốt bản thân sẽ tạo ra sự phản tác dụng, kiến trúc vì cộng đồng mất đi sự trong sáng trong mắt những người thụ hưởng và dư luận xã hội.
– Các công trình kiến trúc cộng đồng trong một số trường hợp còn mang tính tự phát, sự cần thiết phải đầu tư không có sự xem xét, phê duyệt chặt chẽ (do nguồn vốn thiện nguyện: tự thân – tài trợ) nên sau này nếu không được khai thác sử dụng hiệu quả, khi để hoang hoá, tựu chung cũng sẽ tạo ra sự lãng phí xã hội do chưa lường đến các vấn đề liên quan sau này đối với xã hội./.
Ths. KTS. Nguyễn Huy Khanh
Phó TGĐ công ty Tư vấn xây dựng dân dụng Việt Nam (VNCC)