Về quản lý quy hoạch, nhận dạng và phát triển kiến trúc hiện nay
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Đối với công tác quản lý quy hoạch và phát triển kiến trúc hiện nay, công tác lý luận phê bình kiến trúc có vai trò đóng góp hiệu quả rất quan trọng. Tuy nhiên, đa phần các cuộc trao đổi thường chỉ chú trọng hình thức của những công trình có quy mô lớn, tại vị trí dễ nhìn thấy. Những công trình còn lại thường không được giới phê bình ngó tới. Chính điều đó mới là một phần nguyên nhân gây nên nỗi nhức nhối của quản lý quy hoạch đô thị. Những cuộc bàn luận cũng chưa thay đổi được gì nhiều cho việc làm mới, làm cho bản sắc kiến trúc Việt Nam được tôn vinh. Như thế có thể coi là công tác phê bình đang đi trật mục tiêu cần có?
Ba mươi năm qua cũng chính là những năm đổi mới toàn diện trong nền kinh tế nước ta. Những kết quả lớn lao của nhiều mặt trong đời sống kinh tế, xã hội là rất to lớn. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc trong lĩnh vực xây dựng đã khá rõ nét cả trong nhận thức cũng như thực tiễn đan cài cả thành tựu với hạn chế. Đó là:
1. Diện mạo đô thị đã nổi bật theo chiều hướng tích cực cả về hình thức kiến trúc, tính hiện đại, công nghệ xây dựng, tính hội nhập và đặc biệt tính tuân thủ quy định pháp luật nhà nước về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường. Đó là những công trình công cộng, những tuyến phố mới được hình thành ở những vị trí quan trọng, theo quy hoạch phát triển đô thị. Những khu đô thị mới, những khu công nghiệp, khu du lịch, nghỉ dưỡng trên cả nước thực hiện khá tốt về chất lượng công trình cũng như đồng bộ hoá kĩ thuật hạ tầng theo yêu cầu sử dụng đã góp phần cải thiện vẻ đẹp mới và tính hiện đại của thành phố.
Nhà ở của nhân dân tự xây và bộ phận nhà ở nông thôn tại một số tuyến đường mới mở, khu vực dân cư các xã, phường ngoại thành, vùng ven đô và khu vực đô thị hoá, khu dãn dân; các khu tái định cư được chính quyền giao đất làm nhà ở thì tình hình xây dựng còn phức tạp, thiếu quản lý và chưa được định hướng rõ ràng. Việc không tuân thủ các quy định trong xây dựng khá phổ biến, bộ máy quản lý của nhà nước có phần buông lỏng, thiếu hướng dẫn thực hiện. Trong khi thực thi dự án, việc xử lý vi phạm lại không nghiêm minh, không kịp thời để lại bộ mặt đô thị khá lộn xộn, không hài hoà, thiếu tính thống nhất trong tổng đô thị.
Tại khu vực nông thôn việc xây dựng khá tuỳ tiện, không có hướng dẫn định hướng cho kiến trúc trong xây dựng nhà ở nông thôn cho người dân. Vì vậy, cấu trúc làng xã đã biến dạng, kiến trúc pha tạp, đang làm mất dần bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nhận thức một thực tế và công bằng là trong thời kỳ này, tính trách nhiệm của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố chưa được phân công rõ, văn bản pháp quy triển khai định hướng chưa đi thẳng vào nội dung cụ thể, chưa đủ sâu về khía cạnh thực tiễn. Về biện pháp không khả thi, tuyên truyền phổ biến không hoạt động, năng lực cán bộ quản lí thấp, lực lượng rất mỏng, trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa rõ ràng; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, tư vấn kiến trúc và nhà thầu chưa được luật hoá. Những ý kiến của cộng đồng, các hội nghề nghiệp chưa được tiếp thu nghiêm túc. Các trường đào tạo kiến trúc sư mở rộng về số lượng, nhưng chất lượng đào tạo thấp. Công tác lý luận phê bình chưa đủ tầm, rời rạc yếu ớt. Hiện tượng lúng túng về phương pháp trong quản lý khiến cho kiến trúc giai đoạn năm 2000 đến nay phát triển còn có phần tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực. Các địa phương rất khó khăn trong phương pháp chỉ đạo định hướng cụ thể cho địa phương như thế nào, nguồn lực nào để thực hiện, trách nhiệm thuộc về ai đều không rõ. Mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ, cũng như văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, mẫu quy chế về quản lý kiến trúc đô thị, quản lý không gian cảnh quan nhưng nhiều tỉnh, thành phố không thể tổng kết đánh giá được những gì đã diễn ra đối với kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý.
2. Trong những thập niên tới, thách thức lớn về thay đổi khí hậu toàn cầu càng rõ rệt hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vì thế, phát triển kiến trúc chưa đáp ứng khả năng ứng phó với tình trạng trái đất nóng lên, thiên tai khắc nghiệt hơn, tình trạng nước biển dâng cao ở diện rộng tại 29 tỉnh vùng duyên hải và khu vực chịu ảnh hưởng trên phạm vi cả nước.
3. Tốc độ tăng dân số đô thị Việt Nam tăng nhanh, yêu cầu về xây dựng lớn, quỹ đất dành cho phát triển đô thị đang bị thu hẹp, vì thế thiết kế kiến trúc cần được đặt ra những yêu cầu mới phù hợp hơn.
4. Các khu đô thị mới, các khu ở trong đô thị hình thành rất nhanh là một hình ảnh mới cho các đô thị nhưng cũng là thách thức cho những đô thị cũ. Tại đó thiếu tính nối kết không gian, không thống nhất về hình thái kiến trúc rất cần một định hướng trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị và quy định mới trong thiết kế kiến trúc.
5. Trong thập kỷ vừa qua khoa học nhân loại đã có bước dài, kỹ thuật ứng dụng trong việc thiết kế, sử dụng không gian mới, vật liệu mới, kết cấu mới đặt ra cho công tác thiết kế, xây dựng công trình phải có quy định phù hợp nhằm tiết kiệm thời gian, tài nguyên, đất đai và thân thiện môi trường nhưng thực tế công tác quy hoạch chưa sát yêu cầu.
6. Nông thôn Việt Nam hiện tại chiếm khoảng 63% dân số cả nước, nơi lưu giữ phần lớn những giá trị văn hoá truyền thống, đang bị xáo động bởi làn sóng đô thị hoá, sự biến đổi hình thái kiến trúc nông thôn đã có những biểu hiện tiêu cực cần được hướng dẫn điều tiết cho thích hợp. Xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí do Chính phủ quy định là văn minh, tiến bộ, hiện đại. Do đó rất cần đổi mới phương pháp, nội dung trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Thiết kế kiến trúc cũng cần điều chỉnh theo phương châm, hướng đổi mới, tiêu chuẩn mới, hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị nghề truyền thống đang tiềm ẩn trong nông thôn.
7. Để công tác quy hoạch, phát triển kiến trúc bền vững đi vào thực tiễn và khả thi cần có sự tham gia, phân giao nhiệm vụ cho bộ ngành, các tỉnh, thành phố, các hội nghề nghiệp thực hiện. Cần chỉ ra nguồn lực thực hiện, Chinh phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch đảm bảo tài chính, phân bổ sử dụng kinh phí tới các chương trình thực hiện định hướng. Mặt khác, chính quyền phải duy trì việc tổ chức kiểm tra, tổng kết giai đoạn về thực hiện định hướng phát triển kiến trúc.
8. Việc xây dựng, ban hành văn bản quản lý phát triển Kiến trúc đòi hỏi có tính cấp bách. Việc thể chế hoá phát triển Kiến trúc xanh, Đô thị xanh phải đặt ra cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho các Bộ, Ngành và địa phương. Quy chế quản lý quy hoạch, cảnh quan kiến trúc là nhiệm vụ cụ thể, là giải pháp thiết thực được Chính phủ xây dựng, ban hành trong các năm gần đây nhưng chưa được cập nhật vào nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các địa phương.
9. Công tác xuất bản, ấn phẩm về kiến trúc trong và ngoài nước cũng như phổ biến chính sách pháp luật, tuyên truyền chưa tạo dựng chuyên đề: “Không gian kiến trúc và khung cảnh sống” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế cần thiết lập chương trình truyền hình về định hướng kiến trúc Việt Nam rất cần thiết để hướng dẫn dư luận, nâng cao nhận thức để người dân tự giác thực hiện theo định hướng.
10. Quy hoạch xây dựng là cơ sở để quản lý phát triển các đô thị, khu dân cư nông thôn, tạo lập môi trường sống thích hợp cho dân cư và là tiền đề hình thành và phát triển kiến trúc, cảnh quan. Do vị trí và tầm quan trọng của quy hoạch xây dựng, trong những năm qua, công tác này đã được nhà nước quan tâm đầu tư, chỉ đạo đạt kết quả khá tốt.
Cụ thể: Trong gần 30 năm, từ 1990 đến nay Việt Nam có tới 860 thành phố, thị xã và gần 30 đô thị mới đã có quy hoạch chung. Trong đó đã có nhiều đồ án quy hoạch chung đến năm 2020 đã được điều chỉnh. Quy hoạch chung 560 thị trấn về cơ bản đã và đang được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương tổ chức lập, xét duyệt. Quy hoạch chi tiết 70 khu công nghiệp, các khu chức năng chính trong đô thị đã được lập, xét duyệt để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng và quản lý đô thị.
Đối với vùng đô thị lớn, do tính chất đa ngành và liên vùng ngoài quy hoạch chung nhà nước đã cho lập quy hoạch xây dựng chuyên ngành. Hơn 9000 xã trên địa bàn cả nước cũng đang được chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng nông thôn, trong số đó nhà nước đặc biệt quan tâm ưu tiên và có chương trình riêng cho các dự án quy hoạch xây dựng các trung tâm xã, cụm xã và các khu dân cư trong vùng bị ngập lũ bị thiên tai đe doạ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang được lập, xét duyệt để cụ thể hoá Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị cả nước đến năm 2020, làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư nông thôn và chỉ đạo việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường trên toàn quốc.
11. Về phân công, phân cấp trong quản lý đô thị. Trên cơ sở hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đã được hoàn thiện. Quyền và nghĩa vụ của Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp cũng đã được xác định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung ương đã rất coi trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị. Ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã cho phép áp dụng thí điểm mô hình Kiến trúc sư Trưởng thành phố từ năm 1992 để thống nhất quản lý kiến trúc và quy hoạch trên địa bàn. Sau 10 năm hoạt động và thực nghiệm thí điểm chủ trương này có những thành công và một số quy định chức năng chưa phù hợp. Đến năm 2002 đã thay thế bằng sở Quy hoạch, kiến trúc cho 2 TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan đơn vị tư vấn chuyên môn như Viện Quy hoạch xây dựng, các công ty tư vấn xây dựng, Hội đồng kiến trúc – quy hoạch và các Hội nghề nghiệp đã thành lập và được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động để có thể tư vấn cho Nhà nước hoặc chủ đầu tư lựa chọn được những mô hình, giải pháp phát triển kiến trúc hợp lý nhất.
Tại các đô thị, vai trò của Chính quyền đô thị cũng đã được nâng cao, nhất là trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch và pháp luật, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo trật tự xây dựng trong đô thị. Hiệp hội đô thị các tỉnh lỵ đã được thành lập nhằm trao đổi các kinh nghiệm và phối hợp các hành động chung trong quản lý và phát triển đô thị.
Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực phát triển và quản lý kiến trúc, quy hoạch trong thời gian qua trước hết là do chính sách của Nhà nước đã tạo tiền đề thu hút nhiều nhân tài, vật lực vào sự nghiệp phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn. Trong đó có sự tham gia tích cực của cộng đồng, của các kiến trúc sư vào quá trình sáng tạo, kiểm soát phát triển, tạo lập môi trường sống. Sự cố gắng lớn lao của giới kiến trúc sư có vốn sống, giầu lòng yêu nghề, giữ được phẩm chất đạo đức, kiên định quan điểm sáng tạo phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng, đã đóng góp cho nước nhà những tác phẩm kiến trúc có giá trị.
12. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phát triển và quản lý kiến trúc trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém:
– Tại các đô thị, trật tự kiến trúc của toàn đô thị nói chung và từng đường phố, khu phố nói riêng chưa được thiết lập. Sự phát triển thiếu một định hướng thống nhất và sự thiếu kiểm soát chặt chẽ đã làm bộ mặt kiến trúc công trình được tạo lập riêng lẻ theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc theo sở thích riêng của người thiết kế, của người quản lý đã làm cho mỹ quan kiến trúc đô thị bị xuống cấp. Kiến trúc của từng đô thị, từng khu dân cư nhìn chung chưa có được bản sắc riêng.
– Cảnh quan đô thị là một tổng thể các công trình kiến trúc, công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiên nhiên có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo nên vẻ đẹp của kiến trúc đô thị. Song nhìn chung, việc cải tạo và xây dựng đô thị vẫn nặng về chắp vá không đồng bộ, cơ sở hạ tầng thiếu, xuống cấp, thiên nhiên bị xâm phạm, môi trường bị ô nhiễm, nên không có được tính thống nhất trong tổng thể kiến trúc.
– Tại các khu vực nông thôn, phần lớn các làng xã, đặc biệt là những làng xã ven đô đang mất dần những giá trị truyền thống. Các thị tứ, thị trấn, khu công nghiệp hình thành tự phát, bám vào hai bên trục đường chính gây cản trở giao thông. Hình thức kiến trúc tại các làng, bản vùng núi đang mất dần bản sắc riêng. Hầu hết các mẫu nhà sử dụng tại đây được du nhập từ các đô thị đồng bằng. Tình trạng xây dựng nhà ở vi phạm các hành lang an toàn giao thông, đê điều và chiếm dụng đất canh tác khá phổ biến trong khi những nghiên cứu thiết kế điển hình nhà ở nông thôn của các cơ quan tư vấn quy hoạch và kiến trúc hầu như vẫn không được dân cư tiếp nhận tự nguyện. Cảnh quan môi trường thôn quê vốn dĩ rất thuần nhị nay đang lâm vào tình trạng suy thoái về nhiều phương diện.
– Tư vấn thiết kế và sáng tác kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Cho đến 1985, hoàn cảnh kinh tế đất nước hết sức khó khăn nên ít công trình được xây dựng. Một số các công trình tuy được xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch nhưng hình thức kiến trúc thường nghèo nàn. Từ sau năm 1986, nhiều vật liệu xây dựng và công nghệ mới được áp dụng đã cho phép đổi mới trong sáng tác kiến trúc. Tuy nhiên, nhiều công trình vẫn còn chạy theo chủ nghĩa hình thức, chắp vá, phô trương chi tiết, nhái lại cái cũ. Hình thức kiến trúc nhà ở còn bị lệ thuộc quá nhiều vào sở thích của chủ đầu tư. Kiến trúc công cộng thiếu bản sắc, đặc biệt là thiếu sự tiếp thu có sáng tạo truyền thống của kiến trúc Việt Nam và các xu hướng kiến trúc thế giới. Trong những năm gần đây, hình thức kiến trúc các công trình bị lai tạp, đặc biệt là kiến trúc nhà ở và công sở. Nhìn chung, trong sáng tác kiến trúc vẫn chưa có tác phẩm lớn, đạt đỉnh cao về chất lượng tương xứng với tầm vóc và yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
– Việc bảo tồn, tôn tạo các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị còn nhiều bất cập. Công việc này trong thời gian qua tuy đã được chú ý, nhưng vẫn chưa được tiến hành thường xuyên và thiếu hệ thống, đôi khi còn bị các mục tiêu sản xuất kinh doanh lấn át nên nhiều di sản kiến trúc gắn với lịch sử và cảnh quan đã bị xuống cấp, thậm chí còn bị vi phạm nghiêm trọng, làm biến dạng hoặc mai một các giá trị văn hoá và lịch sử vốn có của các công trình theo thời gian.
Việc bảo tồn kiến trúc cổ, kiến trúc vùng miền chưa được quan tâm hoặc chưa có biện pháp hữu hiệu bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị trong điều kiện đổi mới.
– Lĩnh vực lý luận phê bình sáng tác kiến trúc thiếu định hướng, yếu lý luận và thiếu thông tin trong lĩnh vực lý luận phê bình kiến trúc đã có ảnh hưởng đến chất lượng sáng tác kiến trúc.
Đối tượng để chúng ta nhìn nhận thường là sản phẩm kiến trúc sau thiết kế, công việc thi công làm nên công trình kiến trúc hiện hữu, được định vị trong không gian. Công trình đó có thể do tổ chức cá nhân trong nước hay nước ngoài thiết kế. Đối tượng này phải là một tập hợp giá trị nghệ thuật và vật chất bao gồm: cả hồ sơ thiết kế, bản thảo ý tưởng, năng lực xây lắp, kĩ năng hoàn thiện, trang trí, trách nhiệm bảo trì….
Thế mà, lâu nay ta thường chỉ nhìn vào công trình để phán xét trình độ, tài năng hay chê bai tác giả vẽ ra nó mà không nghĩ rằng đó là kết quả bởi đồng tác giả. Trong lúc kiến trúc sư thiết kế bị phê, bị bình thì nhà thầu tưởng như vô can. Còn khi tác giả nhận giải thưởng thì tổ chức thi công đứng ngoài cuộc. Vậy nên, về đối tượng phê hay bình kiến trúc cần bàn tới là mối liên kết đầy trách nhiệm của tư vấn, nhà thầu và có trường hợp là cả chủ đầu tư xây dựng nữa.
Giá trị bản chất của kiến trúc được biểu kiến bằng giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật. Tiếc rằng, có lúc, có nơi chúng ta đánh đồng hoặc tách biệt hai giá trị này. Khi thì coi trọng hình thức để xét nét. Có khi chỉ xem đó là cái để sử dụng chẳng chú trọng hình thể. Vì thế mà bộ mặt đô thị xấu đi nhiều mà chẳng ai bắt buộc những công trình xấu cần phải biết nó đang là xấu. Mặc dù loại công trình này hoàn toàn bình đẳng, tồn tại trong không gian đô thị, thường khi lại chiếm số nhiều, có nơi tới 70 – 80%.
Đa phần các cuộc trao đổi thường chỉ chú trọng hình thức của những công trình có quy mô lớn, tại vị trí dễ nhìn thấy. Những công trình còn lại thường không được giới phê bình ngó tới. Vậy nên số đông loại này thường thoát hiểm. Nhưng chính đó mới là nỗi nhức nhối của đô thị. Những cuộc bàn luận chẳng thay đổi được gì nhiều cho việc làm mới, làm cho bản sắc kiến trúc Việt Nam được tôn vinh. Như thế có thể coi là công tác phê bình đang đi trật mục tiêu cần có?
Năng lực bình và phê đòi hỏi chuyên sâu, cần có bản lĩnh và nhất là phải được đào tạo trên cơ sở năng khiếu bẩm sinh về loại nghệ thuật khó chơi này. Thế nhưng, từ lâu nước ta chưa có ngành học, môn dạy phê bình kiến trúc. Cho nên thỉnh thoảng có bài viết về lĩnh vực này thường rơi vào tình trạng nội dung chung chung, bàn luận nhạt nhẽo, không ai nhớ tới tác giả, và không có gì để mà bàn tiếp. Vậy là rơi vào quên lãng.
Bình nghệ thuật và Nghệ thuật bình ở nước ta hình thành đã có từ rất lâu rồi. Đối với việc bình luận tác phẩm, tác giả ngày xưa nhẹ nhàng mà thâm thúy. Vì thế, nó giúp ích nhiều cho người bình và người nghe. Ngày nay, chúng ta thêm phê vào trước bình nên thường nặng nề, phản cảm. Nhiều khi người ta lợi dụng phê bình để vụ lợi cá nhân, mất hết cả tính nhân văn của việc bình phẩm.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực nghệ thuật, phê bình đi đúng lẽ đời, mục tiêu hợp đạo thì nó đóng góp lớn cho nghệ thuật của ngành đó phát triển không ngừng; và ngược lại…
(Chẳng hạn, trong văn học từ những năm từ 1936 -1945 đã để lại những ấn phẩm đỉnh cao về nghệ thuật bình phẩm. Trong đó tập “Thi nhân Việt Nam” là một thí dụ. Những tác phẩm nổi tiếng thời ấy và cả sau đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Và âm hưởng của tác phẩm đó còn mang tính thời sự. Đặc biệt, những dự báo trong đó về con người và tác phẩm đã trở thành những dự báo chính xác đến kinh ngạc).
Riêng trong sáng tác kiến trúc và công trình kiến trúc của chúng ta hầu như phê chưa thật chuẩn mà bình chưa thật minh bạch.
Nguyên do cho thực tế đó có thể bàn thêm từ những phía nhìn đa chiều (hay còn gọi là tiếp cận lập thể). Đó là nhìn từ đối tượng để phê bình; Giá trị của tác phẩm, công trình; Năng lực lí luận và thực tiễn của người bình; Văn hoá nhận thức, tiếp thu của người nghe.
Nhận thức về phê bình, tiếp thu phê bình rất cần. Nhưng phê bình không làm đủ trọng trách là hướng dư luận vào việc điều chỉnh hành vi lệch lạc trong hành nghề kiến trúc sư, trong hoạt động xây dựng, trong đầu tư. Vì thế chưa thể nói tới việc phê bình có thể thay đổi sự bất cần của một bộ phận chủ nhà lắm tiền, hoặc của nhóm những tác giả dễ quên trách nhiệm nghề nghiệp.
Phê bình hay và đúng, tiếp nhận góp ý ở mức trọng thị để tự điều chỉnh là văn hoá. Hiện thời, cái văn nhân – bản hoá về lý luận và phê bình ở ta chưa mấy được trau dồi, chưa được tôn trọng thì còn phải đợi chờ.
Khách quan hơn, công bằng hơn thì Quy hoạch, kiến trúc trong 30 năm qua đạt thành tựu lớn cả về chất lượng, số lượng, cả về hình thức và công năng, là bước phát triển vượt bậc trong cả thời kỳ đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên, những bế tắc và hạn chế vẫn còn như đã nêu. Việc nhận ra và ghi nhớ không phải để làm rõ tính tiêu cực của nó mà chủ yếu nhận dạng, phân tích nguyên do để tìm cách đi, bước đi phù hợp hơn trong những năm tiếp theo./.
TS KTS. Lê Đình Tri
Nguyên phó Vụ trưởng vụ Quy hoạch, Kiến trúc- Bộ Xây dựng
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 204