Vai trò của nhà cao tầng trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Trong các đô thị hiện đại không thể thiếu hình ảnh của các tòa nhà cao tầng. Có thể nói các tòa nhà cao tầng và đô thị có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhiều người cho rằng nhà cao tầng có tác động tích cực về môi trường đô thị như là tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm lưu lượng giao thông và lượng khí thải carbon dioxide… Nhưng thực sự có phải vậy không? Làm sao để nhà cao tầng có thể đóng góp hiệu quả cho các thành phố bền vững hơn? Đó là những câu hỏi còn đang để ngỏ dành cho các nhà hoạch định chính sách, chủ đầu tư và các kiến trúc sư (KTS)…
Nhà cao tầng trong mô hình đô thị nén – New York – Hoa Kỳ (Nguồn Internet)
Nhà cao tầng đại diện và biểu trưng cho sức mạnh kinh tế và quyền lực của đô thị?
Theo dòng lịch sử, có nhiều ý kiến khác nhau về lý do ra đời của các tòa nhà cao tầng. Thế hệ đầu tiên của nhà cao tầng ra đời chính là do sự khan hiếm đất và giảm chi phí đất xây dựng1. Khi một số đô thị cao tầng được xây dựng với sự hấp dẫn của nó đã khiến hình thành trào lưu xây dựng công trình cao tầng tại khu vực đó.
Trước thế kỷ 20, lý do tồn tại chính của các tòa nhà cao tầng chính là thể hiện sức mạnh kinh tế và quyền lực. Sang đến thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của các lý thuyết đô thị, nhiều quan điểm về nhà cao tầng được đặt ra. Có ý tưởng cho rằng nhà cao tầng có thể là công cụ để tái tổ chức lại sử dụng đất đô thị, có thể là thành tố quan trọng để tạo nên những đô thị lý tưởng. Le Corbusier trong trào lưu kiến trúc hiện đại (Modern Movement) đã đưa ra quan điểm về đô thị theo chiều đứng (vertical city) – Nơi mà cảnh quan đô thị với các tòa nhà cao tầng sẽ giải phóng con người khỏi những đường đầy tiếng ồn và ô nhiễm của những đô thị truyền thống, góp phần tạo ra những điều kiện sống tốt hơn cho con người và xây dựng một xã hội tiến bộ hơn. Sang thế kỷ 21, nhà ở cao tầng không chỉ dừng lại ở sự phô trương mà còn có vai trò quan trọng trong việc định hình diện mạo đô thị và xu hướng phát triển bền vững cho đô thị đó. Điều này thể hiện trong các văn bản: “Tuyên bố về môi trường sống và phát triển” và “Chương trình nghị sự cho thế kỷ 21” được thông qua tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc họp tại Rio De Gianero năm 1992 với nội dung nêu ra ý tưởng coi “phát triển bền vững” như một hướng phát triển chiến lược của xã hội loài người trong tương lai.
Không gian xanh trong mạng sinh thái tích hợp
Đối với quy hoạch đô thị, nhà cao tầng là yếu tố quan trọng tạo ra sự thay đổi các thông số về vi khí hậu khác như bức xạ, nhiệt độ, chiếu sáng, tốc độ gió, hướng gió…
Trong nhiều lý thuyết đô thị đã đề cập đến mối quan hệ giữa phát triển bền vững không gian đô thị với loại hình tổ chức mô hình đô thị. Dạng nào trong hai mô hình đô thị tập trung và phi tập trung (phân tán) sẽ đáp ứng tốt nhất cho sự phát triển bền vững?
Một câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: Những bối cảnh đô thị nào sẽ tạo điều kiện cho nhà cao tầng đóng góp cho việc phát triển bền vững hơn? Dường như nhà cao tầng sẽ phát huy được nhiều hơn vai trò của mình trong mô hình đô thị tập trung. Mô hình này hướng tới việc sử dụng hợp lý không gian bên trong đô thị, giảm thiểu các vấn đề của ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông đô thị…
Tuy nhiên, các “mô hình lý tưởng” này lại không được áp dụng trong thực tiễn của quá trình phát triển đô thị trên thế giới. Để điều chỉnh được sự phát triển tự phát của hình thái đô thị thành phát triển bền vững cần phải tìm kiếm các phương pháp mới, trong đó tích lũy được các ưu điểm và khắc phục được các nhược điểm của các khái niệm nêu trên.2
Mô hình đô thị tập trung hay còn có những tên gọi khác như: Đô thị nén, Đô thị mật độ xây dựng cao, Đô thị chức năng sử dụng hỗn hợp… là một trong những hình thái sử dụng hiệu quả năng lượng của phát triển đô thị, giảm khoảng cách đi lại và phát huy tối đa các phương tiện giao thông công cộng, các phương tiện không sử dụng năng lượng. Nhiều lý thuyết đô thị cho rằng đô thị nén là một hình thái đô thị bền vững. Nhìn một cách logic có thể thấy những lợi ích của đô thị nén đối với vấn đề năng lượng, môi trường và xã hội.
Vai trò của nhà cao tầng trong thông gió đô thị
Hình mẫu lý tưởng của đô thị nén được nhiều nghiên cứu đề cập đến là nơi các tòa nhà cao tầng đa chức năng đã được áp dụng thành tiêu chuẩn. Nhà cao tầng đã có những đóng góp quan trọng cho một đô thị nén với mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cao, khoảng cách đi lại ngắn, hệ thống giao thông công cộng hiệu quả… Đô thị nén chủ yếu tập trung phát triển đô thị theo chiều dọc. Nhà cao tầng của một đô thị nén có thể tính đến con số hàng ngàn, phần lớn chiều cao hơn 150m.
Mô hình đô thị tập trung có tính hiệu quả cao thuận tiện sử dụng cho người dân với các tầng đa chức năng cho nhiều đối tượng sử dụng, giảm tắc nghẽn giao thông, dòng người đi bộ bằng sự tập trung phát triển đô thị theo chiều dọc. Theo tổng kết, phương pháp quy hoạch đô thị theo chiều dọc là một trong những hình thái đô thị hiệu quả năng lượng nhất trên thế giới.
Nhà cao tầng ảnh hưởng đến phân bố mật độ đô thị và thông gió đô thị. Việc xây dựng một ngôi nhà cao tầng trong một khu vực đô thị sẽ là một biến động lớn về mật độ xây dựng. Do đó số lượng và sự phân bố nhà cao tầng trong qui hoạch phát triển đô thị cần hết sức cẩn trọng, nếu không nó sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng đô thị – phá vỡ trạng thái cân bằng, gây ra nhiều bất ổn về môi trường, kinh tế và xã hội. Với chiều cao và diện mặt đứng lớn, nhà cao tầng sẽ che chắn ánh mặt trời tạo ra nhiều vùng bóng đổ, làm thay đổi chuyển động không khí tác động đến các vùng tiểu khí hậu đô thị.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì những tòa nhà cao tầng đang gây ra những ảnh hưởng và biến đổi bất lợi về môi trường, phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Sự đa dạng sinh học của đô thị chưa được đảm bảo với sự mất dần các hành lang cư trú tự nhiên hạn chế sự tiếp cận với thiên nhiên để nghỉ ngơi giải trí. Có thể nói nhiều thách thức về bền vững môi trường, xã hội, kinh tế đang đặt ra trong quá trình phát triển nhà cao tầng. Việc phân bố các công trình cao tầng hợp lý trong cấu trúc đô thị sẽ góp phần tạo dựng một mạng sinh thái đô thị tích hợp.
Việc tập trung số đông các nhà cao tầng theo mô hình đô thị nén cũng chính là nguyên nhân của hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Khu vực đô thị tập trung nhiều nhà cao tầng thường có nhiệt độ cao hơn đáng kể so với các khu vực đô thị thấp tầng xung quanh. Nguyên nhân chính của đảo nhiệt đô thị là sự thay đổi bề mặt sử dụng đất trong quá trình phát triển đô thị. Quá trình này sử dụng nhiều loại vật liệu có tác dụng giữ nhiệt. Nhân tố thứ hai góp phần tạo ra đảo nhiệt đô thị là lượng nhiệt thải ra do quá trình sử dụng năng lượng, mà những ngôi nhà cao tầng chính là thủ phạm. Khi các trung tâm đông dân cư phát triển, người dân có xu hướng thay đổi diện tích đất đai nhiều và ngày càng nhiều hơn nữa, gây ra sự gia tăng nhiệt độ trung bình tương ứng.3
Khác với những công trình thấp tầng qui mô nhỏ trong đô thị, nhà cao tầng với qui mô diện tích sàn sử dụng lớn tích hợp với hệ thống kỹ thuật tòa nhà sẽ là một cỗ máy phức tạp. Thiết kế và thi công nhà cao tầng đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt. Chi phí xây dựng các tòa nhà này thường rất cao, thời gian tồn tại dài… do vậy nếu phạm sai lầm sẽ rất khó sửa chữa. Chính vì vậy, bản thân nhà cao tầng là những cỗ máy khổng lồ nơi con người cư trú làm việc, do đó nó cũng tiêu tốn năng lượng khủng khiếp bởi những hệ thống kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho nó và con người sống trong nó.
- Ảnh bên: Trung tâm hành chính mới Đà Nẵng với vỏ bao che hoàn toàn bằng vật liệu kính chưa quan tâm đến đặc điểm khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam. Tòa nhà này sẽ là cỗ máy tiêu tốn năng lượng trong tương lai.(Nguồn tác giả)
Phát triển nhà cao tầng tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề về tính bền vững
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xu thế nhà cao tầng đang nở rộ tại các đô thị Việt Nam. Qui mô cũng như số tầng cao ngày càng tăng.
Công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam còn nhiều bất cập. Số lượng những khu đô thị mới đạt chuẩn còn rất hạn chế, trong khi đó lại xuất hiện nhiều dự án nhà cao tầng có tính chất ăn xổi, xây chen chất tải lên hạ tầng kỹ thuật hiện có…. Dịch vụ tiện ích trong các khu nhà ở cao tầng cũng là một vấn đề cần bàn đến. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề về cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, thoát người khi có sự cố cũng là một vấn đề nhức nhối đối với nhà ở cao tầng tại các đô thị Việt Nam trong những năm gần đây.
Bên cạnh một số ít các nhà cao tầng thành công, rất nhiều công trình được xây lên thuần túy chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến chất lượng sống, môi trường vi khí hậu, trở thành những quái thú đô thị hay cỗ máy tiêu thụ năng lượng khủng khiếp trong tương lai. Nhiều nhà cao tầng tại các đô thị Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ như sự đi lại, giao lưu trong cộng đồng, các hoạt động giải trí, thể thao… khiến cho con người sống trong đó bị có cảm giác thiếu thốn, ngột ngạt… Vấn đề vi khí hậu cho các căn hộ chưa được giải quyết tốt , khoảng cách giữa con người với thiên nhiên ngày càng xa bởi những khoảng xanh hiếm hoi dần bị lấp đẩy bởi rừng bê tông.
- Ảnh bên: Một tổ hợp nhà ở nhiều tầng thiếu bền vững tại Hà Nội (Nguồn tác giả)
Kết luận:
Cần khẳng định nhà cao tầng có mối liên hệ tương hỗ và đóng góp mật thiết cho việc phát triển các đô thị bền vững. Mô hình đô thị tập trung cùng với những giải pháp qui hoạch và phương thức quản lý phù hợp sẽ là cơ sở cho cho nhà cao tầng đóng góp cho việc phát triển bền vững
Chính quá trình chuyển đổi và phát triển bên trong đô thị nén (urban densification) là điều kiện để nhà cao tầng có cơ hội phát triển.
Nhà cao tầng là một cỗ máy khổng lồ nơi con người cư trú làm việc, do đó nó cũng tiêu tốn năng lượng khủng khiếp bởi những hệ thống kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho nó và con người sống trong nó. Chính vì vậy bản thân những tòa nhà cao tầng phải là những công trình bền vững, đóng góp cho môi trường sống tốt trong và ngoài nhà, giảm thiểu vật liệu, năng lượng và giá thành của đô thị hiện đại.
TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên – Viện Kiến trúc Nhiệt đới
Chú thích:
-
Thomas Van Leeuwen , The Skyward Trend of Thought
-
Sigfried Giedion – Space, Time and Architecture: The Growth of a New Tradition 1941
-
Wikipedia
Tài liệu tham khảo:
-
Hình thái đô thị là cơ sở cho sự phát triển bền vững của đô thị – Go Yuntszyun – Tạp chí Xây dựng công nghiệp và dân dụng Nga số 7/2012
-
Cultural Identity and Urban Change in South East Asia – Marc Askew and William S. Logan.
-
The Image of the City – Kenvin Lynch, 1960
-
Designing America – Creating Urban Identity – Joel B. Gold Steen and Cecil D. Elliott.
-
Towards a Phenomenology of Architecture – Christian Noberg Schulz, tái bản 1984.
-
Urban Regionalism – Ken Yeang, Mimar Publication.
-
Kỷ yếu Hội thảo Kiến trúc xanh – Tương lai xanh , Viện Kiến trúc nhiệt đới – 2011
-
Space, Time and Architecture: The Growth of a New Tradition – Sigfried Giedion -1941
(Theo Tạp chí Kiến trúc số 03-2016)