15/12/2015

Ứng phó biến đổi khí hậu & nước biển dâng từ quy hoạch xây dựng

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Trong các thập niên gần đây, Việt Nam luôn phải đối mặt với những tác động mạnh mẽ tiêu cực từ thiên tai, bắt nguồn từ hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD). Hiện tượng này ngày càng thể hiện rõ nét và diễn biến phức tạp tại tất cả các khu vực đô thị và nông thôn trên khắp cả nước, đặc biệt khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Với các đặc điểm tự nhiên – xã hội đặc thù, ĐBSCL luôn là một trong nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH và NBD, rất cần một chiến lược lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH và NBD ngay từ công tác quy hoạch xây dựng (QHXD), góp phần hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Bài viết tập trung vào Giải pháp quy hoạch xây dựng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH và NBD.

Khu đô thị mới trên bán đảo Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh

Khu đô thị mới trên bán đảo Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh

Đặc điểm phát triển vùng ĐBSCL
Do đặc điểm tự nhiên, dân cư phát triển chênh lệch giữa các khu vực trong vùng. Phía bắc vùng ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười có diện tích rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, các khu vực phát triển công nghiệp, đô thị tập trung nhiều ở phía Đông Bắc và Tây Nam (Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và các đô thị dọc sông Tiền, sông Hậu và các trục Quốc lộ) với hạ tầng thuận lợi kết hợp khai thác kinh tế biển. Cùng với phát triển dân cư và kinh tế, để khắc phục những bất lợi từ điều kiện tự nhiên, đáp ứng với nhu cầu phát triển, các giải pháp hạ tầng đã và đang được thực hiện một cách toàn diện, đặc biệt là hạ tầng ứng phó với bất lợi của điều kiện tự nhiên. Hàng loạt công trình thuỷ lợi ra đời như đê bao, bờ bao, các kênh vận chuyển, đóng các cửa sông (tạm thời) và tăng khả năng giữ nước…, là động lực và đòn bẩy quan trọng cho vùng ĐBSCL có cơ hội và điều kiện phát triển nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng đang ngày một khó khăn trước điều kiện tự nhiên và BĐKH như: nhu cầu về phòng chống lũ lụt và sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng, thống đê điều kiên cố làm mất đi các khu trữ nước, gây ra tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lũ lụt ở hạ lưu, cung cấp nước ngọt ngày càng khó khăn trong mùa khô, xung đột về sử dụng đất giữa thủy sản và lúa, lún đất và cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm, lũ lụt và hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng…

Không gian đô thị TP.HCM ven sông Sài Gòn

Không gian đô thị TP.HCM ven sông Sài Gòn

Tác động của BĐKH và NBD đến các vấn đề QHXD vùng ĐBSCL
Xu thế, kịch bản BĐKH và NBD vùng ĐBSCL: Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2012, đối với vùng Nam bộ (trong đó có ĐBSCL), ứng với mức theo kịch bản phát thải trung bình, nhiệt độ trung bình năm vùng đến năm 2050 tăng 0,5 -1,6 độ C và đến năm 2100 tăng 1,5 – 2,8 độ C. Lượng mưa trung bình năm đến 2050 tăng 2 – 4% và năm 2100 tăng 4 – 8%. Đáng lưu ý lượng mưa trong các tháng mùa khô và đầu mùa mưa (từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau) giảm 2,3 – 7,9% vào năm 2050, giảm 4,3 – 15,1% vào năm 2100. Như vậy, tuy lượng mưa cả năm có xu thế tăng nhưng lượng mưa đầu mùa giảm là nguy cơ thiếu hụt nước, khiến nhu cầu nước lấy từ sông kênh lớn hơn. Lượng mưa ngày lớn nhất cũng có xu hướng giảm khoảng từ 20 đến 40%.
Mực nước trung bình biển Đông vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 23 – 27cm vào năm 2050 và tăng 59 – 75cm vào năm 2100. Mực nước trung bình biển Tây tiếp tục tăng thêm 19 – 22cm vào năm 2050 và 62 – 82cm vào năm 2100. Tuy nhiên, cần lưu ý là mực nước đỉnh triều có xu thế tăng cao hơn so với mực nước chân triều (khoảng 1,1-1,2 lần trong 50 năm qua). Đối với thuỷ triều phía biển Tây ĐBSCL, xu thế có phần ngược lại, chân triều tăng nhiều hơn so với đỉnh triều.
Tác động của BĐKH và NBD đến phát triển đô thị trong vùng: Tác động BĐKH và NBD đối với vùng ĐBSCL có liên quan mật thiết đến BĐKH vùng thượng lưu sông Mê Kông. Theo Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và NBD, dưới tác động của BĐKH và NBD, ngập lụt và xâm nhập mặn sẽ là 2 tác động lớn nhất, chi phối các tác động khác đến vùng ĐBSCL.
Kịch bản biến đổi dòng chảy đến Kratie theo các nguồn khác nhau (%)
Xâm nhập mặn: Ứng với kịch bản dòng chảy kiệt thượng lưu giảm 15%, đối với ranh mặn cao nhất, độ mặn 4 g/l, trên sông Tiền qua TP. Mỹ Tho 17 km (cao hơn hiện nay 20 km) và trên sông Hậu ngang TP. Cần Thơ (cao hơn hiện nay 15 km). Nguồn nước các đô thị bị nhiễm mặn, ngoài các đô thị Bến Lức, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, có thêm Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Ngập lụt: Kết quả mô phỏng thuỷ lực cho thấy, đến năm 2050 do lũ thượng lưu tăng 15%, mực nước lũ tuỳ từng vùng có thể tăng 30 – 40cm. Do mực NBD, mực nước trong đồng bằng có thể tăng 12 – 17 cm. Tổng hợp tác động bởi 2 yếu tố trên, mực nước ở ĐBSCL có thể gia tăng từ 50 – 60 cm. Điều này dẫn đến ngoài các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh thường xuyên ảnh hưởng bởi ngập lũ hiện nay, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên bị ngập trên 1,0m, nghiêm trọng nhất là Cần Thơ và Vĩnh Long. Trong mùa lũ, việc thoát nước của các đô thị càng khó khăn hơn, đặc biệt các đô thị như Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau có thể phải nhờ đến sự hỗ trợ của tiêu động lực. Thời gian ngập (xét với mức ngập >0,5 m) kéo dài từ 2 – 5 tháng hiện nay sẽ tăng lên 5 – 7 tháng 5.

Giải pháp QHXD ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH và NBD
Đánh giá các giải pháp đã và đang thực hiện: Để ứng phó với BĐKH, Chính phủ, các Bộ, Ngành và các địa phương đã có những chương trình, quy hoạch nhằm ứng phó với BĐKH như Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 (QĐ số 1581/QĐ-TTg ngày 09/10/2009); Quy hoạch cấp nước, thoát nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL năm 2020; Quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và NBD (QĐ số 1397/QĐ-TTg ngày 25.09/2012); Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009), Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (Quyết định 1151/QĐ-TTg ngày 26/08/2008) v.v… Các quy hoạch này đã và đang góp phần nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH trong vùng. Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL triển khai trong 10 năm qua 2 giai đoạn đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì một số giải pháp ứng phó thiên tai trở nên kém hiệu quả trong điều kiện BĐKH và NBD. Hệ thống đê điều kiên cố đã làm mất đi các khu trữ nước, gây ra tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lũ lụt ở hạ lưu. Giải pháp cấp nước vùng (Cần Thơ và An Giang) mặc dù giảm thiểu rủi ro xâm nhập mặn nhưng vấn đề kết nối mạng lưới tới các đô thị không phải dễ dàng. Về thoát nước, hiện nay một số đô thị cũng đã xây dựng hệ thống thoát nước bằng trạm bơm, kết hợp van một chiều cùng với hệ thống đê bao, kè chắn (ví dụ như Bạc Liêu) nhưng cũng mang tính chất tình thế và chưa chắc đảm bảo an toàn trong tương lai nếu gặp phải các sự cố như vỡ đê hay nước lũ, triều và mực NBD quá cao kết hợp với mưa lớn… Vì vậy, cần phải có các giải pháp tổng hợp (kết hợp giữa giải pháp công trình và giải pháp phi công trình, tận dụng các giá trị của tự nhiên), đa ngành, đa lĩnh vực và có tham gia của các bên liên quan từ cấp vùng đến chi tiết tại đô thị nơi trực tiếp bị ảnh hưởng.
Giải pháp QHXD thích ứng với BĐKH và NBD
Chiến lược thích ứng
– Quy hoạch xây dựng ĐBSCL gắn liền với ứng phó thiên tai và BĐKH trong đó chống ngập lụt là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến chiến lược thích ứng. QHXD cần lựa chọn chiến lược sống chung với lũ, đảm bảo xây dựng các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả, lâu dài và “không hối tiếc” trong điều kiện BĐKH.
– Quản lý tổng hợp hệ thống sông Mê Kông. Hợp tác với các nước trong lưu vực sông Mê Kông để cùng chia sẻ lợi ích chung của sông Cửu Long trong việc phát triển cả lưu vực để giảm thiểu lũ lụt và hạn hán.
– Phát triển kinh tế trong một quy hoạch tổng thể. Cần tính toán lại, xây dựng một quy hoạch tổng thể, gắn phát triển của các ngành kinh tế với không gian của vùng, phù hợp với điều kiện tự nhiên môi trường của từng khu vực.
Phân vùng phát triển phù hợp: Cần nghiên cứu sự phân vùng phát triển trong mối quan hệ với tác động của sự thay đổi thiên tai, đặc biệt là tác động qua lại giữa lũ lụt và xâm nhập mặn, giữa thượng nguồn và hạ nguồn, giữa các vùng chịu tác động khác nhau: ven biển (biển Đông và biển Tây) – trung tâm đồng bằng – thượng lưu (giáp biên giới Việt Nam – Campuchia), giữa chính sách quốc gia và sự phát triển cả lưu vực, giữa tác động hiện tại và nguy cơ từ BĐKH và NBD trong tương lai. Để thích ứng với thiên tai và BĐKH, NBD, việc phân vùng phát triển cần dựa trên 2 nhiệm vụ chiến lược:
– Phát triển kinh tế trên cơ sở dòng chảy kiệt sông Mê Kông và xâm nhập mặn vì đây được coi là giới hạn về nguồn nước cho vùng. Quản lý dòng chảy kiệt được xem là chiến lược quan trọng nhất đối với sự phát triển của ĐBSCL.
– Bảo vệ con người và tài sản trên cơ sở kiểm soát lũ ở vùng ngập lụt và NBD, tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL, đồng thời lợi dụng tối đa nguồn lợi từ lũ.
Vì vậy cần thay đổi cách phân vùng phát triển dựa trên sự thay đổi tác động của tự nhiên và chức năng phát triển, gồm 3 vùng:
– Vùng trên đồng bằng (tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười), Lũ gia tăng, là vùng giảm lũ cho toàn ĐBSCL.
– Vùng giữa đồng bằng (giữa sông Tiền, sông Hậu và Cần Thơ là hạt nhân). Chịu tác động của thoát lũ nhanh từ vùng trên, là vùng đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh cần được bảo vệ.
– Vùng ven biển (Bán đảo Cà Mau, dải ven biển Đông và biển Tây) chịu tác động nước biển dâng, là vùng phát triển kinh tế biển.
Lựa chọn mô hình phát triển vùng: Do tác động của BĐKH, các yếu tố tạo vùng có thể bị tác động ở mức độ khác nhau. Với những cực đoạn về lũ và hạn – mặn ngày càng thường xuyên, các biện pháp ứng phó khác nhau tại mỗi tiểu vùng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố của mô hình phát triển vùng, vùng giáp biên giới chịu ảnh hưởng của lũ, vùng giáp biển đông chịu tác động của mặn, vùng trung tâm đồng bằng chịu ảnh hưởng của cả 2 yếu tố. Sự phân hóa về tác động của BĐKH làm mất đi sự đồng nhất vốn có của vùng. Trung tâm vùng hiện nay là Cần Thơ đứng trước nguy cơ vừa chịu tác động của lũ thoát ngày càng nhanh từ thượng lưu, vừa chịu ảnh hưởng NBD sẽ ngập ngày càng trầm trọng. Khi dòng chảy cạn kiệt, hệ thống giao thông thủy vốn là thế mạnh của trục trung tâm là yếu tố hạ tầng bị ảnh hưởng lớn nhất, từ đó ảnh hưởng đến trục trung tâm dọc sông Tiền và sông Hậu. Một mặt các cực phát triển đô thị giáp biên giới phía Tây chịu tác động của lũ, mặt khác các cực phát triển phía Đông giáp biển chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn và NBD. Vì vậy, trong nghiên cứu mô hình phát triển vùng cần quan tâm chi tiết đến tác động trên diện rộng của BĐKH và NBD. Theo đó, vùng phát triển theo mô hình bán tập trung, thay vì tập trung, chỉ phát triển tập trung ở những cực đô thị an toàn. Ngoài ra cần chuyển dần sang phát triển các hành lang theo trục ngang dọc quốc lộ thay vì các trục dọc sông hiện nay.
Cấu trúc không gian và phân vùng chức năng: Trong điều kiện BĐKH và NBD, cấu trúc không gian vùng cần tính đến sự suy giảm dòng chảy kiệt có thể ảnh hưởng lớn đến các hành lang đường thủy và mức độ khai thác các cảng đường sông. Do đó cấu trúc không gian cần dựa trên mạng lưới đường bộ, vốn đã phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây. Sự hình thành các tuyến đê biển theo Quyết định số 667/QĐ-TTg kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển có thể tạo ra một hành lang ven biển mới gắn với kinh tế biển. Ngoài ra các đô thị hạt nhân trong tiểu vùng trung tâm giữa sông Tiền – sông Hậu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng dưới tác động của lũ, đặc biệt là thành phố Cần Thơ, dưới tác động kép từ lũ thượng nguồn và triều cường – NBD từ phía biển. Do đó nên phát triển theo cấu trúc bán tập trung, phân tán và dành không gian cho nước nhiều hơn. Việc phân vùng chức năng cũng cần thực hiện lại theo chức năng phù hợp hơn, gồm 3 vùng: vùng giảm lũ (vùng trên), vùng phát triển (vùng giữa), vùng thích nghi (ven biển).
Hạ tầng kỹ thuật vùng: Hai vấn đề lớn nhất quy hoạch hạ tầng vùng phải giải quyết là ngập lụt (do lũ, NBD) và hạn hán – xâm nhập mặn.
Thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn: Giữ nước ngọt trong đồng bằng bởi các công trình ngăn sông quy mô vừa như thiết lập hệ thống cống đầu kênh, nạo sông, kênh và rạch, thiết lập hồ chứa nước… Ngoài ra, cần biến một số đầm lầy, ao hồ… thành hồ chứa nước ngọt, khuyến khích việc tích trữ nước mưa trong các thùng hoặc bể xây. Nghiên cứu áp dụng đập ngầm cửa sông.
Thích ứng với ngập lũ và triều: Thiết lập đê biển theo Quyết định số 667/QĐ-TTg, kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển; chuyển nước giảm lũ bằng hướng thoát lũ ra biển Tây, sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền, tận dụng khả năng trữ lũ, chậm lũ của sông, hồ, kênh…; sử dụng đê bao với quy mô nhỏ, đê mềm, cao trình và tuyến phù hợp; nâng cấp cơ sở hạ tầng dân cư, kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung. Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL.
Giải pháp về QHĐT
Mô hình phát triển đô thị: Các ý tưởng quy hoạch đô thị trong vùng ĐBSCL cần xuất phát từ yếu tố nước trong đô thị.
– Đối với các đô thị vùng thượng lưu ĐBSCL (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười), mô hình phát triển đô thị theo nguyên tắc thích ứng với lũ. Các đô thị hạn chế phát triển tập trung, dành không gian chứa nước và chuyển nước kết nối với hồ chứa.
– Đối với các đô thị trung tâm ĐBSCL, là các đô thị thường xuyên chịu tác động kép của lũ và NBD, triều cường. Do đó một mặt dành không gian giữ nước tạm thời, mặt khác cần kiểm soát ngập lụt phát triển tập trung với đê bao, cống kiểm soát lũ, triều.

– Đối với các đô thị ven biển, chịu tác động của NBD, triều cường, xâm nhập mặn. Đô thị phát triển phi tập trung, gắn với không gian mở dựa trên khung thiên nhiên (rừng ngập mặn, sông nước…).
Hình thái và cấu trúc đô thị: Để ứng phó rủi ro, các đô thị ĐBSCL nên có cấu trúc phân tán, đảm bảo cho đô thị thực hiện được các chiến lược linh hoạt và giảm thiểu rủi ro. Cấu trúc cơ bản định hình đô thị là hệ thống không gian mở dựa trên khung thiên nhiên đặc trưng của vùng là sông nước, kênh rạch, các vùng trồng cây ăn quả… Các đô thị phát triển theo chuỗi dọc sông cần xen kẽ cảnh quan, hạ tầng cơ sở nhằm tạo các trung tâm chức năng khác nhau. Các đô thị đa trung tâm phát triển mật độ cao ở những khu vực an toàn, xen kẽ bằng các không gian mở như công viên, hồ điều hòa.
Phân khu chức năng và chiến lược sử dụng đất: Việc phân khu chức năng đô thị phải giải quyết tốt mạng lưới không gian mở của đô thị. Các không gian mở là các giải pháp phi công trình để ứng phó với tác động của BĐKH. Mạng lưới nước giải quyết các vấn đề về thoát nước và kết hợp với việc sử dụng nước cho hoạt động giải trí và tạo vẻ đẹp cảnh quan. Các yếu tố trong hệ thống dẫn nước là các kênh nước mưa và các dải đất thấp sinh thái, “các khu linh hoạt” là không gian bên sông, mạng lưới làm sạch nước thải phân cấp và chuỗi lưu vực trữ nước bề mặt.
Không gian kiến trúc, cảnh quan: Có sự đan xen giữa xây dựng và không gian cho nước. Các mô hình ở thích hợp với vùng sông nước, thấp tầng, có thể sử dụng các mô hình nhà nổi, nhà trên sông…
Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị: Hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung cần được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên môi trường, kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình.
Kiến tạo địa hình là công cụ thiết kế chính để định hướng đô thị hóa và duy trì sự cân bằng giữa đào và đắp. Nền xây dựng đô thị cần được cân bằng đào đắp trong cùng khu vực theo nguyên tắc việc đắp cao một khu vực để thích ứng với mực nước thì cần phải tạo một không gian chứa nước tương ứng tại khu vực khác.
Sử dụng hồ điều hòa thích ứng với lũ, triều, mưa và có thể cấp nước, tạo cảnh quan. Đối với các đô thị ven biển, khi nguồn nước ngọt hạn chế, trong tương lai hồ điều hòa sẽ có thêm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đối với các đô thị thượng lưu, hồ điều hòa cần có qui mô lớn hơn làm nhiệm vụ trữ nước cho sản xuất trong mùa khô, mùa mưa hồ ngăn nước tràn vào các vùng đô thị.

Kết luận
Trước những tác động ngày một cực đoan, khó lường của diễn biến thiên tai và BĐKH tại ĐBSCL và các khu khác trên cả nước, việc soát xem xét lại các QHXD đặt ra hết sức cấp bách, đảm bảo các giải pháp được thực hiện là hợp lý. Việc thích ứng với BĐKH mà trọng tâm là lũ lụt và NBD cần được kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, phù hợp với đặc trưng tác động của từng tiểu vùng. Công tác ứng phó cũng cần được thực hiện ở tất cả các cấp độ, từ quản lý tổng hợp trên phạm vi lưu vực đến cấp vùng và trong mỗi đô thị, khu dân cư, từ chiến lược sử dụng không gian lãnh thổ đến sử dụng đất đai, thiết kế hạ tầng kỹ thuật hợp lý./.

PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường
Th.S. Nguyễn Huy Dũng