05/06/2023

Tương lai Hồng Hà – Hà Nội trong Quy hoạch Thủ đô

Hà Nội là vùng đất nằm phía trong các dòng sông, tương lai của Hà Nội gắn bó với Hồng Hà và những dòng sông mà Hồng Hà cấp nước vào đó: sông Đáy, Nhuệ, Đuống… Làm thế nào để Hồng Hà luôn đủ nước sạch nuôi sống cả vùng đất mà nó bao bọc bao năm qua.

Giao đất hành lang thoát lũ: một ngày bắng mấy mươi năm

Cách đây gần 150 năm, thực dân Pháp xác định Hà Nội là thủ đô của toàn xứ Đông Dương, nằm trung tâm châu thổ sông Hồng – Thái Bình, nơi triển khai những dự án quy mô lớn phục vụ chương trình khai thác thuộc địa. Các kỹ sư Địa lý – Thủy lợi Pháp đã khảo sát, tập hợp tư liệu từ năm 1886 đến 1926. Năm 1905, Nha Địa dư Đông Dương hoàn tất Bản đồ địa hình/thủy hệ làm cơ sở để Nha Công chính thiết kế, thi công từng phần hệ thống đê điều từ năm 1917 đến 1922. Sau 1926 thì thi công quy mô.

Trước năm 1885, nước ta đã đắp 22 triệu m3 đê. Trong 56 năm (1985-1941) đã đắp thêm 305 triệu m3. Từ sau năm 1941, việc đắp đê suy giảm, giai đoạn 1954-1980, chỉ đắp thêm 10 triệu m3. [1]

Năm 1926, đê quanh Hà Nội chưa được đắp cao, nước lớn uy hiếp nội thành, vỡ đê Lâm Du, hàng chục tỷ m3 nước tràn ngập vùng rộng lớn. Năm 1937, đập Đáy hoàn thành để điều tiết nước vào hành lang thoát lũ sông Đáy – vốn hình thành lâu đời, lại được xác định trong thiết kế thoát lũ cho Hà Nội trong suốt thế kỷ 20. Sau khi đập Thủy điện Hòa Bình, Sơn La đi vào hoạt động từ năm 1996, Hà Nội không còn lũ lớn và nhiều ý kiến cho rằng hành lang thoát lũ không còn cần thiết, tuy đây chỉ là những đề xuất phi chính thức, nhưng việc phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn thì chính thức khởi động từ 2005 và thực hiện với tốc độ cao trong 18 năm gần đây (2005-2003).

Trong 3 năm (2005-2008) Hà Tây giao hàng chục ngàn Ha đất đô thị vào hành lang thoát lũ sông Hồng được hình thành trong hàng ngàn năm. Ví dụ trong 1 tháng phê duyệt quy hoạch từ tỷ lệ 1/5000 tới 1/2000 để giao đầu tư “Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên” vào hồ đầu nguồn rộng 1.624 ha. Nguồn Hanoidata & City Solution

Trước khi sáp nhập vào Hà Nội thì Hà Tây là tỉnh thuần nông, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn đã phê duyệt quy hoạch, giao đất cho hàng trăm dự án vào hành lang thoát lũ có quy mô hàng chục ngàn Ha (tương diện tích nội thành Hà Nội)

Sau khi sáp nhập toàn bộ Hà Tây vào Hà Nội mở rộng, Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội tới 2030 (gọi tắt là QH1259) trong đó có rà soát các dự án trong hành lang thoát lũ và vẽ màu xanh vào QH1259, gọi tên là Hành lang Xanh Hà Nội – tuy vậy, hơn 10 năm qua (2011-2023) hầu như không có hoạt động cụ thể nào nhằm hiện thực hóa tại lưu vực sông Tích, Đáy, Nhuệ mà còn dự kiến phát triển đô thị trong hành lang sông Hồng, tại những bãi đất mới nổi lên do mặt nước sông Hồng thu hẹp, nguồn nước giảm dần trong 30 năm qua (1993-2023).

Hành lang thoát lũ được vẽ thành Hành lang Xanh trong QH1259 – nhiều nội dung trong bản quy hoạch này không thực hiện. Nguồn: IRD; Hanoidata & City Solution ST&BT

QH1259 được bàn thảo rộng rãi và triển lãm công khai, nhưng hồ sơ Quy hoạch thiếu các bản vẽ phân tích hiện trạng kinh tế xã hội, mật độ dân cư, sự gia tăng dân số trong 10 năm biến động Hà Tây đô thị hóa tự phát (1999-2009) dẫn đến những biến đổi hoạt động nông, công nghiệp hay diện tích trồng hoa màu tại các xã phường.

Hành lang thoát lũ và hành lang sông Hồng được vẽ trên nền bản đồ dân cư, gia tăng dân số 1999-2019 và đất giao dự án. Bản đồ được trích từ cuốn sách Hà Nội, vùng đô thị tương lai, chấm dứt hoà nhập làng xóm trong đô thị” (IRD -NXB Thế Giới 2018) (bản đồ được trích dẫn ngắn cho mục đích ví dụ và minh họa). [2]

Hành lang thoát lũ và hành lang sông Hồng được vẽ trên nền bản đồ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp Hà Nội 2009. Bản đồ được trích từ cuốn sách Hà Nội, vùng đô thị tương lai, chấm dứt hoà nhập làng xóm trong đô thị” (IRD -NXB Thế Giới 2018) (bản đồ được trích dẫn ngắn cho mục đích ví dụ và minh họa). [2]

Bên trái: Hành lang thoát lũ và hành lang sông Hồng được vẽ trên nền bản đồ làng nghề Hà Nội 2003. Bản đồ được trích từ cuốn sách Hà Nội, vùng đô thị tương lai, chấm dứt hoà nhập làng xóm trong đô thị” (IRD -NXB Thế Giới 2018) (bản đồ được trích dẫn ngắn cho mục đích ví dụ và minh họa). [2] – Bên phải: Bản đồ tỉnh Cầu Đơ 1905. Nguồn: Hanoidata & City Solution ST&BT

Bản đồ tỉnh Cầu Đơ do Nha Địa dư Đông Dương thực hiện năm 1905, viết tên hàng trăm ngôi làng có lịch sử ngàn năm, trăm năm nhưng đã bị xóa nhòa gấp gáp bởi những quyết định hành chính vội vã, kèm theo những bản vẽ sơ sài, để nhanh chóng  giao đất làm dự án bất động sản.

Địa danh tỉnh Cầu Đơ là vùng đất nằm giữa sông Hồng và sông Đấy, nơi có hàng trăm làng quê Bắc Bộ đặc sắc, vùng nông nghiệp trù phú được nuôi dưỡng bởi phù sa màu mỡ do hai con sông bồi đắp, nơi có hàng triệu nông dân cần cù, thợ thủ công tài khéo tạo thành một chuỗi làng sản vật phong phú, giàu có về di sản văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và cả di sản định cư, kết cấu cộng đồng. Nơi vùng quê đậm sâu tình yêu đất nước mới sinh ra bao thế hệ con người nhân hậu kiên cường, đã viết nên những trang sử hào hùng dựng nước và giữ nước Việt ta, lịch sử ngàn năm thấm đẫm ấy mà chỉ sau vài năm liệu ai đó nỡ đành lòng lãng quên, phai nhạt?

Mới năm trước, cơn đại dịch COVID lần nữa khẳng định vai trò trọng yếu của miền quê là hậu phương vững mạnh, khi kinh tế toàn cầu suy thoái, hàng ngàn cơ sở dịch vụ, gia công hàng xuất khẩu trong nước suy yếu thì vùng quê là nơi mở rộng vòng tay đón con em mình vượt qua khó khăn bằng những sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Để lập trình tương lai thích ứng – khả thi, rất cần những thông tin bản đồ có giá trị chứ không chỉ là những bức hình lòe loẹt, vẽ ra viển cảnh viển vông, ảo tưởng.

Tương lai Hà Nội gắn liền với tương lai Hồng Hà

Mùa hè 2023 bắt đầu bằng những đợt nắng nóng kéo dài. Hiện tương El Nino đã hiện rõ nguy cơ Việt Nam sớm thiếu hụt nguồn nước. Trong 2 năm 2022-2023, lượng mưa trung bình rất ít so với nhiều năm trước. Tại miền Bắc, mưa tập trung ở Đông Bắc và ven biển, không ở phía Tây – nơi cấp nước chính cho các hồ chứa lớn.

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan được nhắc đến trong nhiều chương trình nghị sự tại Việt nam. Tại lễ công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) “Việt Nam – hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” (vào tháng 5/2019), Bộ trưởng Bộ TN&MT đã cho biết: “Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu… nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng chúng ta là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng: Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước… [3]

Sông Nhuệ, Đáy ô nhiễm sau 12 năm thực hiện đề án bảo vệ môi trường. Bản đồ thủy hệ sông Nhuệ Đáy nôi dung sơ sài, thông tin nghèo nàn. Nguồn: Hanoidata & City Solution

Nhận ra giá trị của nước nhưng ngành TN&MT, Hà Nội và các tỉnh liên quan chưa có hành động cụ thể nào, thậm chí còn tùy tiện đề xuất dùng tài nguyên nước sạch sông Hồng để thau rửa, hòa loãng nước bẩn sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy. Còn các con sông này ngày càng ô nhiễm hơn sau 12 năm (2008-2020) thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy”.

Đề án liên quan đến các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy, do Bộ TN&MT là thường trực Ủy ban để vận hành Đề án. Lập Quy hoạch môi trường nhưng sau 4 năm (2008-2012) mới xây dựng nhiệm vụ mà chưa lập xong Quy hoạch. Không có bản đồ tác chiến nên 12 năm “chiến đấu” với nạn ô nhiễm không rõ lộ trình cụ thể, giải pháp vẫn rất mơ hồ, nên đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng mà không đạt kết quả tương xứng, không chỉ riêng sông Nhuệ – Đáy, các Ủy ban tương tự tại sông Cầu, Mã, Cả, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng – Thái Bình đã có từ 17 năm qua (2006-2023) chưa có Ủy ban nào thông báo kết quả đẩy lùi nguy cơ khô hạn, ô nhiễm và chống úng ngập đô thị ven sông hiệu quả. Rất quan ngại là cho đến hôm nay, trong các diễn đàn bảo vệ nguồn nước sông Hồng, vẫn chỉ là các đề xuất lạc hậu, kêu gọi hợp tác không hiệu quả, mô hình quản lý không ràng buộc trách nhiệm và lợi ích rõ ràng.

Pháp đã ban hành “Đạo luật về nước” năm 1964, mở đường lập ra 6 Công ty cho 6 lưu vực thủy văn lớn của Pháp ( Adour-Garonne, Loire-Bretagne, Rhône-Méditerranée, Rhin-Meuser, Seine – Normandie). Các công ty này thu tiền của các cơ sở dùng nước hoặc gây ô nhiễm nước, và ngược lại tài trợ cho những cơ sở tiết kiệm nước, những cơ sở phải chuyển nước từ xa hoặc cho việc thực hiện lọc sạch nước. Ngân sách tổng cộng của 6 công ty trên cao gấp 4 lần ngân sách của Bộ Môi trường Pháp. [4]

Ý tưởng đưa nước sông Hồng vào sâu trong dự án đô thị 1997 đã thay đổi mặt nước bằng mặt đất trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng 2022 và hiện trạng 2023 vẫn là bãi bồi ngoài đê

“Quy hoạch Hà Nội mở rộng: Tái định hướng Hà Nội – một đô thị thế kỷ 21 bên sông Hồng” nghiên cứu của GS.TS.KTS Kelly Shannon đến từ KU Leuven (2009), đề xuất mở rộng không gian mặt nước, vùng bán ngập trên cơ sở phục hồi hành lang thoát lũ, bảo tồn hành lang Sông Hồng với mạng lưới kết nối kênh dẫn, hồ chứa đa năng… có tính nhân văn cao, bền vững và khả thi ngay cả khi Hà Nội đã phát triển theo vết dầu loang (bản đồ Google Night 2022)

Nhiều thành phố giàu có đã xây dựng đô thị sát mặt sông và không ngừng tiến hóa bằng cách tạo ra nhiều không gian xanh gần mặt nước hơn. Hà Nội đã phát triển đô thị theo cách san lấp hồ ao ruộng trũng, chia cắt hành lang thoát lũ, nhưng cũng nhận ra giá trị của mặt nước trong đô thị. Nhiều đô thị sang trọng đã đưa mặt nước vào sâu các khu bất động sản đắt tiền, lợi nhuận cao.

Hồng Hà xanh/đủ nước sạch sẽ làm giàu cho Hà Nội hào hoa

Năm 1997, Deawoo bỏ ra khoảng 3 triệu USD để lập Dự án Thành phố Mới (Hanoi New Town), họ thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới như Bechtel, SOM, Rem Koolhaas (OMA) thực hiện. Quy mô 8.000ha, tổng đầu tư 40 tỷ USD. Do bất ổn tài chính châu Á (1998-1999) dự án này bỏ dở và biến hình thành các dự án BĐS phân tán. Dự án đưa ra cách tiếp cận mới mẻ khi đưa mặt nước sông Hồng đi sâu vào các không gian thuộc huyện Đông Anh, phóng đại tầm quan trọng của không gian xanh… tương xứng với tầm nhìn đưa Hà Nội thành trung tâm của địa cầu trong thế kỷ 21”, sánh tầm với Seoul, Thượng Hải, Los Angeles hay Paris [5]. Bỏ qua quảng cáo hoa mỹ của các nhà buôn BĐS, chúng ta dễ nhận thấy khi mở rộng mặt nước sẽ nâng cao giá trị của không gian đô thị hiện đại.

Bản vẽ quảng cáo cho thành phố mới Bắc sông Hồng (Hanoi New Town) do Deawoo đề xuất 1997 gợi ý về mô hình đô thị mật độ xây dựng cao bên cạnh việc mở rộng không gian mặt nước cho đô thị và vùng nông nghiệp, du lịch đồng quê mang lại những giá trị mới

Sau 20 năm lập quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội với những bài học thành công và thất bại, Hà Nội đang triển khai lập Quy hoạch Thủ đô và Điểu chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Đây là thời điểm quan trọng để Hà Nội loại bỏ những thiếu sót và bổ sung những nội dung tích cực trong kích bản phát triển mới. Cơ hội lớn là Hà Nội nhận diện được vai trò trọng yếu của tương lai sông Hồng trong tương lai Hà Nội, trong bối cảnh Hà Nội đẩy nhanh chuyển đổi các huyện ven sông thành quận (Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức  sẽ tăng thêm nhiều quỹ đất ở để bà con đang nằm ngoài đê có thể di dời vào trong, an toàn và có giá trị cao hơn. Nếu biết kết hợp phát triển các làng xóm mới bên cạnh các mặt nước mới hình thành với kinh tế nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch cảnh quan đặc sắc… Hà Nội sẽ trơ thành thành phố bên sông với nhiều mặt nước và cây xanh.

Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng Khoa học tạp chí Kiến trúc VN, Viện Kiến trúc Quốc gia-BXD.

Nguồn trích dẫn:

1. http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/14588/dau-an-cua-nguoi-phap-o-chau-tho-song-hong.html

2. Fanchette, C.Musil, P. Moustier, Nguyễn Thị Tân Lộc, Lê Văn Hùng, Đào Thế Anh, Nguyễn Xuân Hoàn, M.Paschier “Hà Nội, vùng đô thị tương lai, chấm dứt hoà nhập làng xóm trong đô thị” (IRD -NXB Thế Giới 2018).

3. http://www.kttvqg.gov.vn/tin-tuc-tai-nguyen-nuoc-va-moi-truong-114/bo-truong-tran-hong-ha–wb-da-chi-ra-nhung-thuc-trang-dang-bao-dong-cua-tai-nguyen-nuoc-viet-nam-3330.html

4. “Môi trường sinh thái”, Jacqué Vernier, NXB Thế giới 2002

5. “Dự án quy hoạch Hà Nội: những bất ổn trong việc chuyển sang quy hoạch theo cơ chế thị trường” Laurent Pandolfi- sách “Chu kỳ của những đổi thay” NXB KH&KT 2003.