22/02/2024

Tu bổ, tôn tạo Đền Thượng, Đền Trung: Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, kiến trúc xứ Đoài

(KTVN 248) – Đền Thượng, đền Trung, tọa lạc tại hệ thống núi Ba Vì, núi Tản, là 02 công trình nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng) – vị thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của nhân dân ta, có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới tác động của môi trường, qua thời gian, một số hạng mục công trình tại di tích đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Đảm nhận vai trò nghiên cứu, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công dự án tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia, Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch nông thôn (trực thuộc Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng) đã triển khai thiết kế quy hoạch, thiết kế trùng tu hay thiết kế mới toàn bộ hạng mục của các công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, cụ thể như đền Bảo Hà (hay còn gọi là đền Ông Hoàng Bảy tại Lào Cai) và mới đây là đền Thượng và đền Trung (tại Ba Vì, Hà Nội). Qua đó, đảm bảo di tích giữ nguyên được giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, tăng khả năng chống đỡ lại tác động của thời gian.

Ths.KTS Nguyễn Thành Công – Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch nông thôn cho biết, việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền Thượng, đền Trung có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ lâu dài và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của đền trong tình trạng xuống cấp; giúp làm sống lại các hoạt động văn hoá phi vật thể gắn liền với không gian di tích của 02 ngôi đền linh thiêng này. Từ đó, lấy việc bảo tồn di tích làm nền tảng, gắn với công tác phát triển du lịch làm động lực, để tạo điều kiện cho việc phát huy và bảo tồn di tích bền vững.

“Đền Trung và đền Thượng là 02 di tích có giá trị về lịch sử văn hoá, là niềm tự hào của người dân địa phương. Giá trị này cần được đề cao và tôn vinh xứng đáng thông qua các hoạt động tham quan, lễ hội. Do đó, việc duy tu, chăm sóc các công trình trong di tích và bảo trì hệ thống kỹ thuật cần được thực hiện thường xuyên, hàng năm”, Ths.KTS Nguyễn Thành Công nhấn mạnh thêm.

TU BỔ, TÔN TẠO NHẰM PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỀN TRUNG 

Đền Trung hay còn gọi là đền Ba Dân nằm trên độ cao xấp xỉ 600m, thuộc địa phận xã Minh Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đền được xây dựng từ triều Lý, đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại.

Nằm ở sườn núi, trên một cánh rừng tương đối bằng phẳng, cửa đền Trung nhìn về hướng Tây, đối diện là núi Chàng Rể, phía dưới là dòng sông Đà như một dải lụa trắng vắt ngang, lại càng tôn lên vẻ linh thiêng hùng vĩ. Bên tả có suối Đền, bên hữu có suối Tiên, cả hai suối ấy lấy nước từ núi Tản đổ xuống khe sâu hợp thành suối Cái. Từ đền Trung phóng tầm mắt sang bên kia sông Đà là núi Lưỡi Hái, chân núi là đất xã Trung Nghĩa (thuộc tỉnh Phú Thọ), nơi có đền Lăng Xương thờ thân mẫu của Đức Thánh Tản.

Với quy mô, diện tích khu di tích là 11.500m2 (trong đó, diện tích khu vực xây dựng các công trình khoảng 24%, diện tích đất giao thông và sân 44%, đất sân vườn khoảng 32%).

Đền Trung có kiến trúc kiểu chữ Tam (三), phỏng quẻ Càn trong Kinh dịch, biểu tượng của sự bền vững. Hậu cung của đền đặt ba pho tượng Tam vị Đức Trung đẳng. Chính giữa là tượng thờ Tản Viên – Sơn Tinh, hai bên là tượng Cao Sơn đại vương và Quý Minh đại vương. Trong cung, gian giữa bài trí tượng bốn vị quan ở tư thế đứng, mũ áo cân đai chỉnh tề, đứng hai bên đối diện nhau, biểu thị bốn vị đại thần trấn ở bốn cung Đông – Tây – Nam – Bắc. Trước Trung cung là nhà tiền tế năm gian còn lưu dấu tích bài thơ chữ Hán vịnh cảnh đền Trung. Nằm ở bên phải đền Trung còn có dãy nhà ba gian gọi là đền Lang hay đền Lang Mẫu, bên trong đặt ngai thờ bà Mai Thị. Trước đền Lang là một ngôi điện thờ Phật.

Dưới chân đền từ hướng hai cột đồng trụ trông ra là một ngôi đền nhỏ thờ Thái Bạch Thần Tinh, một vị tiên trên trời đã ban tặng cho Thánh Tản Viên – Sơn Tinh chiếc gậy thần để cứu nhân độ thế. Đây là ngôi đền có quy mô lớn, hoành tráng tạo thành một quần thể di tích liên quan đến sự tích Thánh Tản Viên – Sơn Tinh. Đền Trung là ngôi đền có một vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì.

Năm 2008, đền Trung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia với những giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu của dân tộc. Tuy nhiên, qua hàng trăm năm, nhiều công trình thuộc di tích đã xuống cấp trầm trọng, quy mô di tích không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng và khách thập phương đến lễ và chiêm bái.

Nhằm khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống yêu nước và bảo vệ tổ quốc cho các thế hệ trẻ Việt Nam, đồng thời làm sống lại các hoạt động văn hoá phi vật thể gắn liền với không gian di tích đền Trung nói riêng và huyện Ba Vì nói chung, đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân trong vùng và khách thập phương, ngày 27/3/2023, HĐND huyện Ba Vì đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Trung.

Thông qua khảo sát hiện trạng di tích, đại diện Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch nông thôn cho biết, một số công trình tại đền cần có quy hoạch, thiết kế phù hợp, trong đó: hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan sân vườn từ cổng Nghi môn ngoại đến sân bê tông phía trước cổng tam quan nội hiện trạng cần được nghiên cứu thiết kế bài bản để đạt được các yếu tố thị giác trong suốt tuyến bậc thang và diện mạo của khu di tích; cần bổ sung xây dựng gác chuông, gác trống và 01 khối nhà dịch vụ, nhà bếp để phục vụ đầy đủ cho người dân và du khách thập phương trong dịp ngày lễ hội.
Ngoài ra, nhiều hạng mục tại đền cũng đang xuống cấp và không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Theo đó, các hạng mục cần tu bổ, tôn tạo, xây dựng mới gồm: khu nhà dịch vụ; gác chuông, gác trống; nhà bếp; bia dẫn tích và hạ tầng kỹ thuật (xây dựng mới lan can đá nối từ cổng Nghi môn ngoại lên sân; đường dạo nhỏ kết nối đến trụ đá hiện trạng; bể chứa nước sinh hoạt; lan can đá khu vực sân nhà dịch vụ và nhà bếp; lát đá khu vực sân nhà dịch vụ và nhà bếp; ốp đá hệ thống bồn cây hiện có và xây mới trong khu vực sân đền; thay thế nền gạch đỏ sân phía trước cổng tam quan nội và sân nội tự bằng đá xanh lát kiểu chữ Công 工); hệ thống kỹ thuật cần bổ sung hệ thống điện chiếu sáng toàn bộ khu vực sân vườn cảnh quan và phòng chống mối mọt, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.

Với những giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc cũng như hiện trạng của di tích, việc đầu tư, tu tạo đền Trung là cần thiết, nhằm làm tăng tuổi thọ và trả lại giá trị, vẻ đẹp cảnh quan chung cho di tích, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng và khách thập phương đến lễ và chiêm bái di tích. Qua đó, giữ lại một di sản văn hoá của địa phương, làm cho di tích thực sự phát huy hết các giá trị trong đời sống xã hội.

BẢO TỒN, TÔN TẠO GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC, KHÔNG GIAN VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG ĐỀN THƯỢNG 

Nằm ở sườn Tây của hệ thống núi Ba Vì, huyện Ba Vì, gần đỉnh núi Tản, với độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, đền Thượng được biết đến là một ngôi đền linh thiêng, với vị trí thiên nhiên tuyệt đẹp và kiến trúc độc đáo.

Theo các tư liệu lịch sử, đền Thượng được xây dựng từ thời An Dương Vương. Trong thư tịch cổ như “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi và “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, đến thời Lý Nhân Tông, đền Thượng đã được xây cất với quy mô lớn và tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh đã lan rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đền chính có mặt bằng hình chữ đinh (丁), phần tường phía sau của hậu cung là vách núi. Nằm bên trái đền chính, thấp hơn sân đền chính 1,05m là sân nghỉ. Sân có hình dáng tự nhiên, các bậc xuống sân được xếp bằng các khối đá lớn tạo sự mềm mại, hòa nhập với thiên nhiên xung quanh.

Nằm sát bên phải đền chính có bố trí giếng thu nước từ vách đá chảy ra. Đây là nguồn nước mang ý nghĩa tâm linh, quanh năm suốt tháng không bao giờ ngừng chảy. Hệ thống kè khu vực đền chính được làm bằng vách bê tông cốt thép mác 200, gồm 2 lớp; đường bậc chính từ Nghi môn được điều chỉnh dịch lệch về hướng Đông-Nam.

Trải qua hàng ngàn năm cùng bao thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của môi trường tự nhiên, công trình đã bị hư hại và đã được bảo tồn, tôn tạo ở các triều đại. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đền Thượng đã bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng cũ. Đến năm 1993, bằng sự đóng góp của người dân, đền Thượng được xây dựng lại tại lưng núi Tản Viên, thuộc xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, thuộc khuôn viên rừng Quốc gia Ba Vì.

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần ngày càng cao của người dân, ngày 24/1/2022, HĐND huyện Ba Vì đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Thượng.

Trong quá trình khảo sát công trình, Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch nông thôn nhận thấy, nhiều công trình tại đền bị xuống cấp trầm trọng. Trong đó, khu vực nhà sắp lễ sử dụng vật liệu không phù hợp với kiến trúc tổng thể của cả khu di tích, không an toàn trong mùa mưa bão. Mặt ngoài nhà thủ từ xuất hiện hiện tượng rêu mốc, ẩm vì nền nhà thấp hơn so với cốt đường và các bậc đi lại, không đảm bảo công năng sử dụng, công năng phục vụ cho các chấp tác làm việc tại đền. Nhà bếp có kết cấu chịu lực tường hậu rạn nứt không đảm bảo an toàn; hình thức kiến trúc không phù hợp với kiến trúc tổng thể toàn bộ khu di tích; công năng sử dụng chật chội, ẩm thấp, tạm bợ không đảm bảo diện tích sử dụng, không đảm bảo về công năng phục vụ. Vị trí gia công thô và các dây chuyền khu bếp không đảm bảo phục vụ cho người dân trong vùng và du khách. Hình thức kiến trúc mái bằng nhà vệ sinh không phù hợp với kiến trúc tổng thể của cả khu di tích; trang thiết bị đã xuống cấp không đảm bảo nhu cầu sử dụng trong dịp lễ hội.

Từ thực trạng trên, đại diện Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch nông thôn cho biết, việc tu bổ tôn tạo đền được dựa trên cơ sở những kiến trúc gốc hiện còn và theo nguyên tắc: tôn trọng các yếu tố cấu thành di tích gốc; bảo tồn nguyên trạng về quy mô kiến trúc và gìn giữ tối đa các yếu tố có giá trị của các hạng mục kiến trúc hiện tồn, gắn với quần thể rừng quốc gia Ba Vì, quy hoạch di tích, cụm di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh tại huyện Ba Vì; loại bỏ các thành phần mới xuất hiện làm ảnh hưởng di tích; giữ nguyên các kiến trúc gốc hiện có như: nhà Đại Bái, Hậu cung; tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình xuống cấp (nhà sắp lễ, nhà khách, nhà thủ từ và một số hạng mục phụ trợ).

Đặc biệt, đối với vật liệu sử dụng để tu bổ tôn tạo các hạng mục của di tích đền Thượng, cần ưu tiên sử dụng những vật liệu truyền thống, thường được sử dụng trong các công trình đền đình cổ như: gỗ lim, đá thanh, đá ong, đất nung, sơn ta, mật mía, giấy bản, gạch vồ, gạch bát, gạch gốm hoa chanh, ngói mũi hài và vữa đắp truyền thống…

Bên cạnh đó, các hạng mục hạ giải tháo dỡ như: nhà sắp lễ, khu vực nhà vệ sinh, nhà thủ từ, nhà bếp, nhà tạm; tháo dỡ mái, phần kiến trúc tạm khu nhà ăn đến cốt nền; tháo dỡ phần bậc, cầu thang lối xuống nhà vệ sinh; lan can sắt xuống lầu hóa vàng trên đỉnh Cửu Trùng Thiên và lan can xây bê tông hiện trạng.

LỜI KẾT

Qua dự án tu bổ, tôn tạo đền Trung và đền Thượng có thể thấy, mỗi di tích đều mang một đời sống văn hóa, phản ánh một quá trình lịch sử hình thành riêng, qua đó, cần có những cách thức bảo tồn, trùng tu khác nhau. Đặc biệt, yếu tố gốc được coi là hồn cốt của di tích, vì vậy, công tác bảo tồn phải gắn với giữ gìn tối đa yếu tố gốc.

Tất cả những hạng mục công trình tu bổ, tôn tạo được kết hợp một cách hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc truyền thống tại khu di tích, tạo nên một tổng thể không gian đền Trung và đền Thượng cổ kính, trang trọng và linh thiêng, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nghiên cứu, tham quan, du lịch, của người dân địa phương và các vùng lân cận; góp phần bảo tồn, gìn giữ lâu dài một di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc biệt còn giữ được cho đến ngày hôm nay nơi đất thiêng xứ Đoài./.

Bình An