Tìm lời giải cho phát triển đô thị xanh
Phát triển đô thị xanh là một xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề ô nhiễm môi trường, phát triển thiếu bền vững vẫn còn nhiều nhức nhối. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn thiếu một cái nhìn tổng thể về tăng trưởng xanh (TTX), do đó công việc trước mắt còn rất nhiều chông gai.
“Xanh hóa” đô thị
Tính đến cuối năm 2015, nước ta có khoảng 787 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 23,7% năm 1999 lên 35,7% năm 2015 và trung bình một tháng có thêm một đô thị. Mặc dù tổng diện tích đất tự nhiên của các đô thị hiện chiếm hơn 10% diện tích cả nước, nhưng những đóng góp của khu vực này lại rất lớn, hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc, trong đó, năm thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 50% GDP cả nước. Số lượng đô thị tăng nhanh, nhưng chất lượng đô thị chưa bảo đảm, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, xuống cấp nhanh dẫn đến những hậu quả về kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải ô nhiễm môi trường… Nhiều đô thị đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thiếu các nguồn lực và cơ chế, chính sách ứng phó với xu thế đô thị hóa.
Đứng trước những thách thức nêu trên, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về TTX và kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 – 2020. Nhằm cụ thể hóa các kế hoạch này, Bộ Xây dựng đã khẩn trương phối hợp các bên liên quan xây dựng kế hoạch hành động của ngành xây dựng về TTX, theo đó, với mục tiêu tới năm 2030 sẽ có 50% số đô thị lớn đạt tiêu chuẩn đô thị xanh. Những mục tiêu cụ thể đã được đặt ra và vẫn còn “một núi” công việc cần giải quyết.
Trước hết là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng với những sản phẩm thân thiện môi trường, phấn đấu đến năm 2020 giảm phát thải khí nhà kính, giảm gây hiệu ứng nhà kính từ 8 đến 10% so với năm 2010 và đến năm 2030, mỗi năm giảm phát thải khí nhà kính từ 1,5 đến 2%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 đến 1,5%; giá trị sản phẩm công nghiệp xanh trong GDP chiếm 42 – 45%; tỷ lệ cơ sở sản xuất VLXD đạt tiêu chuẩn môi trường là 80%. Đồng thời, đến năm 2030 bảo đảm tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định là 60%, tỷ lệ tương ứng đối với đô thị loại IV và V là 40%, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý phải đạt tiêu chuẩn. Tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể cải tạo chung cư cũ trong đô thị, kết hợp xây dựng các không gian nhằm nâng cao chất lượng nhà ở, bảo đảm an toàn cho người sống trong các chung cư và phát triển cảnh quan môi trường chung quanh, theo hướng TTX…
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất và áp dụng vật liệu xanh. Mặt khác, nguồn lực dành cho các công tác này còn hạn hẹp, chủ yếu huy động từ ngân sách và các quỹ nước ngoài. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào từng dự án, chứ chưa có hẳn một xu thế phát triển đồng bộ.
Chính sách và tư duy mới
Đón đầu xu thế, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cho phát triển xanh. Tại một số thành phố lớn của nước ta như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện những khu đô thị mới được xây dựng với định hướng là đô thị sinh thái, trong đó, chú trọng tăng diện tích công viên, cây xanh, mặt nước, tổ chức không gian công cộng tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là những bước tiếp cận “dễ nhận thấy” nhất, chứ chưa đủ. Đô thị xanh phải đạt được nhiều tiêu chí, trong đó phải có không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Đồng thời, khâu quy hoạch đã phải lồng ghép với việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo không gian mở cho đô thị, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, bảo đảm các khu vực chức năng của đô thị thỏa mãn tiêu chí về chất lượng môi trường.
Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, cần phải đổi mới tư duy quy hoạch đô thị từ tư duy chinh phục thiên nhiên sang xu thế thích ứng với thiên nhiên. Có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng đô thị nhờ phát huy lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên. Khung cấu trúc cảnh quan này sẽ là giới hạn cho việc phát triển các công trình xây dựng và là nền tảng để đề xuất giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc áp dụng các giải pháp hạ tầng như: công viên, hồ điều hòa, làm sạch nước bằng quá trình sinh học, mở rộng không gian chứa nước… sẽ góp phần tạo ra nhiều không gian xanh cho đô thị.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái cho rằng, bên cạnh chú trọng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan, để đô thị Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cần tập trung giải quyết các vấn đề về kinh tế đô thị, tạo việc làm ổn định cho người dân đô thị, nhất là những người thu nhập thấp, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị cần phát huy được lợi thế so sánh đặc trưng của mỗi địa phương. Bộ Xây dựng đang tập trung soạn thảo ban hành kế hoạch hành động TTX ngành xây dựng trong năm 2016, trong đó tập trung giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong những ngành sản xuất chính với hai kịch bản có và không có hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, xúc tiến các lĩnh vực hợp tác có triển vọng gồm: xây dựng khung chiến lược và lộ trình phát triển đô thị TTX; xác định các chỉ số giám sát và thực hiện xây dựng đô thị TTX; chuẩn bị hướng dẫn và các bài học kinh nghiệm thực tế thành công nhất về đô thị TTX; đào tạo và nâng cao năng lực; ưu tiên đầu tư dự án phát triển đô thị sinh thái, bình đẳng… Nếu làm được những điều này, sự phát triển đô thị sẽ cân bằng và bền vững, tạo dựng môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Theo Nhân dân điện tử