01/04/2017

“Tích hợp là chuyện của tương lai”

Việc tích hợp quy hoạch xây dựng (quy hoạch không gian) vào quy hoạch tổng thể là xu hướng tất yếu. Khẳng định điều này, song trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, một số chuyên gia cũng lưu ý, đó là câu chuyện của tương lai, khi chúng ta đạt đến trình độ phát triển cao hơn và đã thực hiện được cơ bản những hệ thống khung quốc gia và các vùng ổn định. Để thực hiện được việc tích hợp theo tinh thần của dự thảo Luật Quy hoạch, cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể, lường hết hệ lụy và thậm chí, phải tiến hành thực nghiệm trước…

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông: Cần thời gian và lộ trình cụ thể

Trước hết, phải khẳng định rằng 2 hệ thống quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể là khác nhau và trên thực tế, 2 hệ thống này luôn song hành. Cụ thể, quy hoạch tổng thể (quy hoạch phi vật thể) có vai trò đặc biệt quan trọng, tập trung vào mục đích định hướng phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và địa phương. Còn quy hoạch xây dựng (quy hoạch vật thể) lại có mục đích là cụ thể hóa trong không gian xây dựng các định hướng phát triển kinh tế – xã hội đã được xác định trong quy hoạch tổng thể. Và không gian xây dựng – chính là môi trường sống của con người, dù ở đâu (đô thị hay nông thôn), không gian ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng mà còn phải đẹp, nghĩa là có giá trị văn hóa – giá trị phi vật thể.

Cần nói thêm rằng, thuật ngữ “quy hoạch xây dựng” đang được sử dụng rộng rãi từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới (1986). Trước đó, và ở nhiều nước, thuật ngữ này được sử dụng phổ biến là “quy hoạch không gian” (không phải là quy hoạch xây dựng) để phân biệt với “quy hoạch kinh tế – xã hội”. Quy hoạch không gian lại được chia làm nhiều cấp: Quy hoạch (không gian) vùng; quy hoạch (không gian) chung hay quy hoạch (không gian) chi tiết cho đô thị hoặc nông thôn. Theo tôi, dùng thuật ngữ quy hoạch không gian chuẩn hơn là quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng hay quy hoạch không gian mang tính kỹ thuật và nghệ thuật, khác với quy hoạch tổng thể và các quy hoạch ngành khác chủ yếu thiên về kinh tế và kỹ thuật. Vì thế, vai trò của kiến trúc sư có những điểm khác với kỹ sư. Đây cũng là những vấn đề cần lưu ý. Ví dụ, chúng ta đã và đang xây dựng các con đường, cầu vượt trong các đô thị hoàn toàn giống nhau và đậm chất kỹ thuật. Đáng ra, con đường, cây cầu trong đô thị là công trình xây dựng không chỉ thỏa mãn nhu cầu đi lại mà chắc chắn phải là một công trình có giá trị thẩm mỹ, nét độc đáo khác nhau. Do vậy, việc đạt được yêu cầu kỹ thuật và thỏa mãn nhu cầu sử dụng của các công trình kỹ thuật trong đô thị là chưa đủ. Các công trình ấy chỉ hoàn thiện khi thỏa mãn cả giá trị nghệ thuật. Và nữa, nếu thực sự coi trọng quy hoạch không gian với lao động của các kiến trúc sư thì những con đường, cây cầu ấy chắc chắn sẽ thực sự trở thành biểu tượng, làm tăng vẻ đẹp của đô thị và góp phần định vị hình ảnh cũng như thương hiệu của từng đô thị.

Còn về chuyện có tích hợp quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) vào quy hoạch tổng thể như dự thảo Luật Quy hoạch để phát huy hiệu quả hay không, tôi cho rằng chắc chắn điều này đòi hỏi sự thay đổi rất lớn trong cấu trúc tổ chức các cơ quan có liên quan hiện nay. Giữa mong muốn (bằng ý chí) và sự thích ứng trong thực tế (bằng năng lực) của hệ thống hiện vẫn còn nhiều bất cập và sẽ không dễ vượt qua. Theo tôi, việc tích hợp quy hoạch xây dựng (quy hoạch không gian) vào quy hoạch tổng thể là cần thiết nhưng đó là câu chuyện của tương lai, cần có thời gian và lộ trình cụ thể.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Đỗ Tú Lan: Phải lường hết hệ quả

Thực tế xã hội cần một khung thể chế đối với Quy hoạch nhằm định hướng cho các quy hoạch ngành và quy hoạch các cấp có một khung thống nhất trình tự và liên kết, chứ không phải sản phẩm của Luật Quy hoạch là một loại quy hoạch thay thế toàn bộ các quy hoạch hiện hành liên quan đến rất nhiều luật.

Việc đưa ra một quy hoạch tích hợp cũng có thể là hợp lý để đạt mục tiêu đồng bộ. Tuy nhiên việc ghép tất cả các bản quy hoạch thiết kế cho một vùng hay một tỉnh với đầy đủ nội dung cần thiết như hiện nay vào một bản vẽ là không thể, hoặc chỉ có thể rất sơ sài. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch không dùng được hoặc quy hoạch như một “nồi lẩu thập cẩm”.

Bản chất của Luật Quy hoạch phải là một thể chế khung, điều tiết việc kết nối quy hoạch của các ngành các cấp, chứ không phải là cho ra đời một quy hoạch tổng thể theo kiểu “một cái nồi to để đổ hết các loại vào” cho thống nhất.

Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều rất cần có ít nhất 2 hệ thống công cụ. Một là, định hướng chiến lược tổng thể và ngành (có thể là nghị quyết, cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển…) được thể hiện bằng văn bản hoặc một loại hình quy hoạch. Hai là, quy hoạch vật thể không gian, là hệ thống quy hoạch các cấp để thể hiện các cơ sở vật chất đáp ứng các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Các quốc gia đã phát triển có thể tích hợp các công cụ gọn hơn do họ đã thực hiện được cơ bản những hệ thống khung quốc gia và các vùng ổn định, phát triển. Việt Nam rất cần tham khảo kinh nghiệm của các nước để có cách làm khoa học và từng bước phát triển. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rằng, hệ thống luật pháp của nước ta cũng mới chỉ được tập trung xây dựng hơn chục năm nay. Việc quy hoạch vùng lãnh thổ và đô thị, nông thôn cũng mới được tập trung thực hiện gần đây, thậm chí, chưa phủ kín được các khu vực.

Liên quan đến việc quản lý thực hiện quy hoạch, về nguyên tắc, cần có sự phân cấp, phân quyền, mở rộng hợp tác và phối hợp quản lý. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật, hầu hết việc quản lý lại đang có xu hướng đi ngược với nguyên tắc này. Về lý thuyết có vẻ như việc đưa ra một loại quy hoạch để có thể thay thế các quy hoạch chuyên ngành ở cấp vùng và tỉnh nhằm giảm tối đa số lượng loại quy hoạch là hợp lý. Nhưng thực tế, việc xây dựng một quy hoạch tổng hợp như vậy là quá phức tạp, đặc biệt nếu đầy đủ các thiết kế có tính kỹ thuật của các ngành hiện nay là rất khó khăn đối với một số tỉnh khi trình độ quản lý các vùng miền còn chênh lệch. Hơn nữa, cách lập một quy hoạch có tính tổng hợp như dự thảo Luật thì phải có cơ quan quản lý tổng hợp có đầy đủ trình độ và năng lực ở các cấp. Việc thiết lập thêm bộ máy trong hệ thống cũng dẫn đến sự phức tạp cồng kềnh.

Vì những lý do trên, việc hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch trình QH xem xét, thông qua phải được cân nhắc hết sức thận trọng, lường hết những hệ quả, tránh tư duy áp đặt chủ quan, thậm chí nên có những thực nghiệm, đề án thí điểm trước khi ban hành luật.

Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng, TS. KTS Tô Văn Hùng: Phân định rõ chức năng để tránh ôm đồm

Hiện nay đang có quá nhiều luật gắn với công tác quy hoạch đô thị; có nhiều loại hình quy hoạch nhưng quan trọng nhất vẫn là quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch sử dụng đất. Thực tế cho thấy, còn quá nhiều bất cập khi triển khai thực hiện các loại quy hoạch này, nhất là tính hệ thống của các quy hoạch này như thế nào thì hầu như không được quan tâm.

Công tác lập quy hoạch của chúng ta hiện đã bộc lộ quá nhiều bất cập; vẫn còn bị chi phối bởi tư duy “bao cấp” thể hiện qua phương pháp quy hoạch kiểu phân khu chức năng, quy hoạch tổng thể đô thị, phân cấp, phân tầng một cách máy móc. Không thể nói rằng cách làm này là sai, không có giá trị. Nhưng có lẽ, nó chỉ phù hợp với bối cảnh trước đây, khi Nhà nước phải đứng ra lo từ cơm ăn, áo mặc đến chuyện học hành, vui chơi giải trí… của người dân. Trong điều kiện hiện nay, nhiều thành phần kinh tế cùng chung tay chăm lo phát triển kinh tế – xã hội; người dân có quyền lựa chọn dịch vụ nào phù hợp cho mình. Vì thế, quy hoạch cũng cần phải thay đổi.

Việc xây dựng, ban hành một đạo luật về quy hoạch có tính bao quát là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần xác định rõ đối tượng của luật này là gì để tránh ôm đồm. Luật Quy hoạch cần chú trọng tính chiến lược, xem xét ở tầm vĩ mô trong mối quan hệ tương hỗ đa chiều, đa ngành, đa cấp. Bên cạnh đó, vẫn cần thiết tồn tại Luật Quy hoạch đô thị song cũng phải điều chỉnh để phù hợp với Luật Quy hoạch chiến lược này. Và dĩ nhiên, nói đến chiến lược thì phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, còn nói đến quy hoạch đô thị thì phải thuộc Bộ Xây Dựng. Chỉ cần phân định rõ ràng, rành mạch như vậy thì sẽ có sự thống nhất trong quan điểm. Ngoài ra, việc xây dựng lại hệ thống các khái niệm liên quan công tác quy hoạch là rất cần thiết và phải được nghiên cứu một cách đầy đủ nhất, trên cơ sở đó sẽ biên soạn giáo trình phục vụ giảng dạy theo tư duy quy hoạch mới, cập nhật khái niệm mới để phù hợp với xu thế.

V. Thủy – A. Nhiên ghi
Theo Báo Đại biểu nhân dân