Thực thi quy hoạch “VÊNH” quy hoạch: Nhiều hệ quả bất cập
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Trong quá trình phát triển đô thị, để đảm bảo tính đồng bộ, bền vững, quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được là một phạm trù thống nhất, không thể tách rời nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tại nhiều đô thị lớn , công tác quy hoạch và thực thi quy hoạch còn nhiều xung đột, đôi khi là cả trái ngược. Rất cần một sự đổi mới ở cả 3 khâu lập quy hoạch, thực thi quy hoạch và quản lý sau quy hoạch để có thể đảm bảo quy hoạch và thực thi quy hoạch thống nhất và bài bản.
Còn nhiều xung đột & trái ngược
Trên thực tế phát triển đô thị, trong một số trường hợp cụ thể, việc thực thi quy hoạch đúng với các định hướng lại không được tôn trọng. Hàng loạt lý do được viện dẫn để xin điều chỉnh “cục bộ” và không tuân thủ theo quy hoạch đã để lại những hệ lụy xấu cho đô thị. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là từ nhiều lý do bao gồm: công tác lập quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; thực thi quy hoạch chưa đồng bộ hoặc bị điều chỉnh khác so với quy hoạch được duyệt và cuối cùng đến từ việc giám sát thực hiện quy hoạch.
Về công tác lập quy hoạch:
Dù đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phủ kín quy hoạch phục vụ công tác phát triển và quản lý đô thị nhưng thời gian qua, tại không ít đô thị, hiệu quả của công tác quy hoạch đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị trong nhiều trường hợp chưa nổi bật, thậm chí nếu có đề xuất định hướng phát triển thì thiếu bền vững. Nhiều đô thị đã lồng ghép được bài toán quy hoạch trong bài toán tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội của đô thị nhưng vẫn “yếu ớt” khi xây dựng kế hoạch phát triển dựa trên các kịch bản đã được xác lập trong các đồ án – đề án quy hoạch. Những kế hoạch phát triển đô thị được xây dựng theo cách làm này tạo nên các “mảnh ghép xôi đỗ” trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị dẫn đến tình trạng quy hoạch cấp dưới phá vỡ quy hoạch cấp trên, tạo nên các bất cập và khó khăn cho chính đô thị.
Công tác dự báo và xây dựng kế hoạch phát triển đô thị còn thường xuyên bị chi phối dẫn đến sự điều chỉnh liên tục làm suy giảm hiệu quả của công tác quy hoạch, ảnh hưởng đến đến bài toán phát triển kinh tế đô thị.
Về thực hiện triển khai quy hoạch:
Đây là khâu chính cần kiểm soát tốt hơn vì thường xuyên gây ra các mốc bất cập cho quá trình phát triển đô thị, cụ thể là hiện tượng thực thi sai quy hoạch, sai so với quy hoạch, và điều chỉnh cục bộ.
Theo quy định trình tự luật định, Hệ thống đồ án quy hoạch hiện nay gồm: (1) Quy hoạch chung (có các tầm nhìn, định hướng phát triển lớn về không gian trong thời gian từ 10 – 30 năm, chu kỳ điều chỉnh 5 năm)với các quy định khung trong đó đề ra các mục tiêu lớn cho toàn đô thị trên cơ sở các dự báo về nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong khoảng thời gian dài như trên. (2) Quy hoạch phân khu quy định các định hướng kết nối không gian và hạ tầng khung với tầm nhìn trong khoảng thời gian 5 -10 năm) là cơ sở cho quy hoạch chi tiết và triển khai kêu gọi dự án đầu tư; (3) Quy hoạch chi tiết quy định (thường do đơn vị chủ đầu tư dự án lập) đề cập hầu hết các chỉ tiêu thực tế của dự án như mật độ, chiều cao, hệ số sử dụng đất.
Quy định trình tự là vậy nhưng trong nhiều trường hợp, vì các lý do khách quan và chủ quan nên đã có thời điểm, vì còn thiếu quy hoạch phân khu nên quy hoạch chung được sử dụng để kêu gọi các dự án đầu tư, gây nên các xung đột về hạ tầng, phá vỡ về cấu trúc quy hoạch sử dụng đất vốn có.
Bên cạnh đó, do các điều chỉnh mục tiêu “cục bộ” mà lại xảy ra tình trạng các quy hoạch cấp dưới phá vỡ quy hoạch cấp trên do điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Ví dụ như tại nhiều đô thị đang xảy ra tình trạng đầu tư lớn vào phát triển nhà ở tại các đô thị lớn nhưng không theo quy hoạch, không được kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến tình trạng đầu tư theo phong trào; tạo ra “bong bóng” bất động sản.
Về giám sát thực thi quy hoạch và điều chỉnh cục bộ.
Quy hoạch còn mang nặng mô hình quyết định “Từ trên xuống – Top Down”, tiếng nói trong lập và đặc biệt giám sát thực thi quy hoạch của người dân, cộng đồng, chuyên gia khoa học nhiều khi còn bị xem nhẹ, hoặc có nhưng chỉ là hình thức dẫn đến các bất cập.
Với cách tổ chức Top Down, dẫn đến tình trạng thực thi quy hoạch tạo ra lợi ích cho một số chủ đầu tư dự án được hưởng, nhưng các tác động tiêu cực cho đô thị, ngân sách công, hệ thống hạ tầng đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân về lâu dài lại khá nặng nề. Ví dụ điển hình là trường hợp Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo báo chí phản ánh, dù ban đầu được quy hoạch khá đồng bộ, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu vực này đã bị “băm nát,”. Trên khu đất HH rộng chừng 3ha đã mọc lên tới 12 tòa nhà cao tầng của chủ đầu tư Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) với mật độ xây dựng lên tới 50%, phá vỡ hoàn toàn cảnh quan kiến trúc toàn khu vực. Cùng đó, khu đất VP6 cũng của Tập đoàn Mường Thanh được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía Bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3 nhưng lại biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, chắn một góc bán đảo Linh Đàm. Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch cũng thường xuyên diễn ra nhưng điều chỉnh quá mức như ở Linh Đàm gây ảnh hưởng rất xấu và sẽ tạo tiền lệ không tốt.
Tháo gỡ nút “vênh”
Để tháo gỡ nút thắt trên, cần xây dựng một quy trình đồng bộ bao gồm từ khâu lập quy hoạch, thực thi quy hoạch và giám sát thực thi quy hoạch.
Về công tác lập quy hoạch
Theo định nghĩa tại Luật Quy hoạch đô thị (Luật số 30/2009/QH12), Quy hoạch đô thị là “Việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị…”. Trên cơ sở các mục tiêu trên, cùng với rà soát kiểm tra số liệu đầu vào, cần đảm bảo công tác quy hoạch đạt chất lượng theo yêu cầu đặt ra. Đánh giá chung, công tác lập quy hoạch đô thị hiện nay dù còn một số vướng mắc nhưng cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu đặt ra đối với việc phủ kín quy hoạch và có đủ quy hoạch để phục vụ công tác phát triển đô thị nông thôn. Chính vì vậy, mục tiêu đặt ra hiện nay là tăng chất lượng quy hoạch để sát với các yêu cầu thực tiễn trong đó với quy hoạch chung cần đặt ra là đảm bảo công tác đánh giá hiện trạng chính xác và khoa học.
Quy hoạch đô thị đã thực sự góp phần tạo ra 70% nguồn lực trong phát triển KT-XH của đất nước. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kể cả khu vực nông thôn từng bước theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc…Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành QHĐT vẫn tiếp tục rà soát những tồn tại để có các giải pháp đổi mới khắc phục có hiệu quả.
Đổi mới phương pháp lập QHĐT theo hướng tiếp cận đa ngành, đảm bảo được sự tích hợp các đồ án quy hoạch ngành vào đồ án QHĐT bằng việc xây dựng bộ công cụ chuyển hóa nội dung của quy hoạch ngành vào QHĐT. Xây dựng được bộ công cụ đánh giá hiện trạng, dự báo phát triển mang tính toàn diện. Đảm bảo được tính thiết thực trong việc tham gia của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với QHĐT. Phương pháp tiếp cận theo hướng “Quy hoạch linh hoạt”, “Quy hoạch hành động”, “Quy hoạch mềm” nhằm làm rõ những nội dung cần phải thực hiện, lộ trình thực hiện, ứng phó hiệu quả với các biến động về kinh tế – xã hội, khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.
Đổi mới về quy trình, nội dung trên cơ sở rút ngắn quy trình theo hướng giảm bớt loại quy hoạch đô thị bằng cách tích hợp tối đa các cấp độ lập quy hoạch đô thị. Hoặc xây dựng quy trình 2 bước như một số nước phát triển: Quy hoạch chiến lược và quy hoạch hành động. Nội dung QHĐT phải đảm bảo tính chiến lược, có tầm nhìn nhưng cũng phải sát nhu cầu, năng lực thật sự của đô thị, tránh dàn trải. Xác định được rõ nguồn lực thật sự theo quan điểm thị trường, dựa trên lợi ích của dân, hài hòa lợi ích của người dân – nhà đầu tư và Nhà nước.
Xây dựng lộ trình thẩm định phê duyệt bằng hồ sơ mềm kết hợp chuẩn hóa số lượng hồ sơ các loại đồ án và được quản lý bằng phần mềm theo hướng hiện đại.
Đổi mới về sản phẩm quy hoạch trên cơ sở đảm bảo đủ linh hoạt để có thể đáp ứng các thay đổi của thực tiễn, tránh tình trạng thường xuyên điều chỉnh, giảm thiểu thời gian lập quy hoạch. Sản phẩm của QHĐT cần rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ bản vẽ, hướng tới trở thành những bản đồ hoặc sơ đồ định hướng (có tích hợp đa ngành) và những kèm theo đó là những thuyết minh thay vì đưa ra những bản vẽ thiết kế cụ thể chi tiết nhưng không có tính thực tiễn cao.
Đảm bảo sự linh hoạt cho các nhà quản lý khi ra quyết định đầu tư xây dựng theo quy hoạch hệ thống HTKT đô thị. Nâng cao hiệu quả sử dụng thông qua ứng dụng công nghệ GIS trong lập và quản lý theo quy hoạch hệ thống HTKT đô thị. Cần xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu không gian (SDI) để lưu trữ, công khai và phục vụ cho chính công tác lập quy hoạch trên cơ sở ứng dụng công nghệ GIS.
Về quy trình phê duyệt và thực thi quy hoạch
Trước hết cần xây dựng một hệ thống quy hoạch cần mở và linh hoạt. Trình tự tuân thủ theo các bước từ Quy hoạch chung; Quy hoạch phân khu; Quy hoạch chi tiết, TKĐT sau đó mới đến các công tác khảo sát, thiết kế trong một số trường hợp khiến cho khâu chuẩn bị đầu tư kéo dài. Một hệ thống quy hoạch đô thị mở hơn, linh hoạt hơn tạo điều kiện cho quy hoạch cấp dưới triển khai mà không phá vỡ quy hoạch cấp trên là một yêu cầu cần thiết lúc này, tránh các tư duy áp đặt từ trên xuống, tạo hành lang tối đa cho các Ngành, các địa phương chủ động triển khai các quy hoạch thuộc lãnh thổ hoặc ngành quản lý.
Thực hiện phân quyền quản lý quy hoạch chặt chẽ, đổi mới về phân cấp, phân quyền cho các địa phương xuống tận cấp quận, huyện chủ động trong tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đảm bảo được tính đặc thù khác nhau của mỗi địa phương.
Đề xuất Quy trình lập Quy hoạch và thực thi quy hoạch cần có sự tham gia của các bên. Cùng với chính quyền, đơn vị tư vấn thực hiện, người dân, các nhà đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách cần tham gia và đóng vai trò nhiều hơn trong phát triển đô thị. Cũng cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò của các nhà khoa học, các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, các nhà đầu tư trong các công đoạn lập và thực thi sau quy hoạch.
Về công tác thực thi quy hoạch:
Xây dựng hệ thống quản lý, phối hợp đa chiều trong công tác quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch. Phân cấp mạnh cho các địa phương đủ điều kiện để triển khai thẩm định, phê duyệt quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện phương thức phối hợp làm việc trực tiếp và thường xuyên hàng tháng với tất cả quận, huyện, thị xã…đem lại hiệu quả thiết thực như giải quyết kịp thời các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch theo đúng các kế hoạch, tháo gỡ mọi vướng mắc về trình tự, thủ tục, liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc.
Điều chỉnh kịp thời các cơ chế chính sách. Trong nhiều giai đoạn, các cơ chế chính sách không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của xã hội, cũng như thực tiễn của cuộc sống. Do vậy, trên cơ sở tổng hợp thường xuyên các vướng mắc tồn tại, khó khăn trong việc thực thi quy hoạch mà ban hành các quyết định mới hay bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, nhằm kịp thời có được bộ khung pháp lý, tạo được môi trường đầu tư thông thoáng và hiệu quả, vẫn đảm bảo được các đặc điểm khác biệt về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội, trong quá trình thực thi quy hoạch
Trên thực tế, cần phải xem xét vai trò của chính quyền địa phương. Cần quản lý phát triển đô thị một cách “công khai – minh bạch” và có trách nhiệm giải trình.
Xây dựng quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch. Bên cạnh công tác lập quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, gấp rút xây dựng quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch. Quy chế quản lý này bao gồm các quy định cụ thể về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và trách nhiệm của các cấp chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồ án quy hoạch. Quy chế là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng ra các quyết định về quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ… Với chức năng như vậy, quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch sẽ là một trong những giải pháp khả thi để xử lý các bất cập còn tồn tại trong việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch tại các đô thị, là căn cứ lớn nhất để cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân xây, sửa nhà cửa. Các nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện đồ án quy hoạch, quy chế quản lý đồ án quy hoạch còn giúp minh bạch hóa công tác cung cấp thông tin quy hoạch kiến trúc liên quan đến quản lý đô thị.
Về giám sát thực thi quy hoạch:
Đẩy mạnh giám sát thực thi quy hoạch có sự tham gia của các bên. Thông thường, rất khó cân đối lợi ích của các bên khi họ có những mối quan tâm và lợi ích riêng rất khác nhau, đôi khi trái ngược, và ngay trong nội bộ mỗi bên cũng đã gồm nhiều thành phần. Giữa vô số khác biệt đó, chính quyền có vai trò quan trọng và phù hợp nhất để mời các bên nói trên cùng nhau bàn thảo, tham vấn, lập các đề xuất, ra quyết định và cam kết cùng thực thi quy hoạch (riêng khâu ra quyết định thì vai trò của chính quyền là lớn nhất).
Việc ra quyết định thực hiện quy hoạch thiếu bình đẳng của các bên sẽ đẫn đến kém hiệu quả kiểm soát được chất lượng quy hoạch điều chỉnh. Đây cũng chính là lý do để cần phải hoàn thiện thể chế để hệ thống luật về phát triển đô thị cũng như quy hoạch đô thị, tạo ra công cụ quản lý rõ ràng việc thực hiện quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch.
Để tận dụng tối đa nguồn lực và “tai mắt” từ người dân, nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới đang áp dụng cơ chế phát huy nguồn lực cộng đồng (crowd sourcing), tức là xây dựng một nền tảng (platform) công nghệ để thu thập thông tin phản ánh từ người dân về tình trạng đô thị ở nơi họ sinh sống hoặc đi qua. Hiện nay để bắt kịp các xu hướng mới về ứng dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch và quản lý đô thị, điển hình như TP HCM với tầm nhìn hướng tới “đô thị thông minh” (smart city).
Tăng cường kiểm soát sau quy hoạch. Một mặt phân cấp giao nhiệm vụ để các chính quyền địa phương cần rà soát, theo dõi công tác công bố công khai quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch minh bạch, rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp, lập quy định, quy chế quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng, rà soát điều chỉnh quy hoạch không khả thi theo quy định…; Thực hiện cắm và bàn giao ranh mốc lại cho các quận, huyện và sở ngành chuyên môn để các đơn vị này thực hiện và quản lý. Tổ chức kiểm tra thực hiện theo quy hoạch lâu dài và xuyên suốt đã được duyệt.
Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc
Từ sau năm 1978, Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, đổi mới nền kinh tế theo nền kinh tế thị trường XHCN kiểu Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đặc biệt coi trọng công tác Quy hoạch đô thị thông qua việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị năm 1990. Quy hoạch đô thị được duyệt đã trở thành văn bản pháp luật để quản lý quá trình quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Quy hoạch được duyệt được đặt trong gian triển lãm tại trung tâm của thành phố, công bố công khai để nhân dân tiện theo dõi quản lý, giám sát. Để thực hiện tốt quá trình quản lý phát triển đô thị, Trung Quốc đã có các đổi mới bao gồm:
Lập Quy hoạch đô thị,
Quy hoạch đô thị tại Trung Quốc được lập theo 03 loại đồ án (Quy hoạch Tổng thể đô thị, Quy hoạch chi tiết hạn chế và Quy hoạch chi tiết xây dựng). Quy hoạch tổng thể đô thị do Quốc vụ viện phê duyệt, Quy hoạch chi tiết hạn chế và Quy hoạch chi tiết xây dựng do Chính quyền tỉnh, thành phố phê duyệt. Quy hoạch tổng thể đô thị lập căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – Xã hội (hoặc Chiến lược phát triển KTXH theo kỳ kế hoạch 5 năm), Quy hoạch sử dụng đất đai và Quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia. Quy hoạch lập sau phải căn cứ và thống nhất với Quy hoạch được lập trước và Quy hoạch đã được duyệt gần nhất. Quy hoạch đô thị phải tính đến chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo quỹ đất nông nghiệp, quỹ đất cây xanh sinh thái đô thị.
Việc lập và quản lý quy hoạch đô thị so với trước đây có thay đổi đáng kể, trên quan điểm quy hoạch đô thị gắn với khai thác, phát huy lợi thế so sánh của một số khu vực, thu hút đầu tư các Khu khai phát, khu kinh tế, các khu công nghiệp, các dự án trọng điểm…. để phát triển kinh tế. Trung Quốc áp dụng đa dạng mô hình quản lý, chế độ quản lý, có nhiều chính sách tập trung thu hút nguồn lực, tập trung giải quyết từng mục tiêu lớn, làm động lực phát triển lôi kéo các vùng chậm phát triển; Trong quá trình triển khai, luôn luôn đổi mới, tìm tòi, điều chỉnh cách làm để phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Tạo cơ chế mở cho phép mỗi địa phương có cách làm riêng.
Quy hoạch đã đánh giá và đề cập toàn diện các vấn đề bao gồm: Mục tiêu, bố cục không gian, phát triển không gian ngầm (xây dựng hạ tầng, giao thông, ga ra, kho tàng….), phát triển ngành nghề, giao thông tổng hợp, đảm bảo năng lượng và an ninh đô thị, môi trường sinh thái cảnh quan, phong cách diện mạo lịch sử văn hóa, phát triển nhà ở, phát triển xã hội và khoa học giáo dục. Thực hiện quy hoạch nhất thể hóa đô thị – nông thôn, chuyển đổi ngành nghề mới, lấy việc thúc đẩy phát triển toàn diện con người làm hạt nhân, hình thành hệ thống tạo mới đô thị thích ứng với thời đại thông tin và kinh tế trí thức.
Xây dựng định hướng Quy hoạch sinh thái đô thị thành quy định pháp luật, đảm bảo phát triển đô thị, hạn chế việc sử dụng tài nguyên đất đai, giới hạn việc tăng đất xây dựng, giảm khí các bô níc, cải tạo đất đai và tăng đất cây xanh theo các giai đoạn quy hoạch phát triển, đảm bảo an toàn sinh thái, bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ các dòng chảy tự nhiên, phát triển đô thị bền vững, trong đó lấy hành lang các sông, kênh nước, dọc các trục đường lớn, các công viên, vườn hoa lớn, các hồ nước, các vùng đất nông nghiệp làm chủ đạo; kết hợp với các vườn hoa cây xanh các khu ở.
Trong mỗi thành phố, mỗi khu vực, coi trọng việc nghiên cứu lựa chọn, hoạch định, quy hoạch, xây dựng, các cơ chế chính sách tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các Đặc khu kinh tế, các khu khai phát, các khu công nghiệp, các cảng biển nước sâu, các khu trung tâm thương mại lớn (CBD), các đầu mối giao thông tổng hợp, công trình trọng điểm…để phát huy lợi thế so sánh, coi đây là những đầu tàu, tạo động lực, tạo đà thúc đẩy phát triển thành phố, phát triển các vùng lân cận và khu vực chậm phát triển….
Trong quy hoạch phát triển mỗi đô thị đều coi hệ thống các di tích lịch sử văn hóa là một nguồn tài nguyên đặc biệt, phải được bảo vệ khai thác và phát huy giá trị, tạo thành một nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, phát triển kinh tế.
Về Quy hoạch xây dựng, phát triển nhà ở, thực hiện nhiều cuộc cải cách về nhà ở đô thị, bằng nhiều hình thức, thực hiện thí điểm rồi nhân diện rộng… thông qua việc vận hành tốt thị trường tài chính, thị trường đất đai, thị trường nhà ở, giải quyết nhà ở xã hội, đa dạng hóa loại hình nhà ở, huy động nhiều nguồn vốn, giải quyết tốt việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội cho các khu ở.
Quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải – rác thải và môi trường…), đặc biệt tại các thành phố phát triển phía Đông Nam, coi giao thông là lĩnh vực đột phá để phát triển. Đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông, đa dạng loại hình giao thông: Đường hàng không, tàu đệm từ trường, đường sắt (cao tốc, thường…), tàu điện ngầm, đường thủy, đường bộ cao tốc….; kết nối thống nhất liên hoàn tạo thành các đầu mối giao thông lớn, gắn đầu mối giao thông với các trung tâm thương mại CBD, tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại…; gắn kết thống nhất giao thông trên mặt đất với giao thông ngầm, quản lý và sử dụng không gian ngầm rất hiệu quả. Tập trung các nguồn lực, các chính sách thu hút nguồn vốn, đầu tư hệ thống các công trình đầu mối giao thông trọng điểm, các cầu vượt, các bãi xe công cộng…, phát triển, phát huy hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, giảm sử dụng xe cá nhân.
Đẩy mạnh hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý đô thị
Công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai của thành phố do một cơ quan thống nhất quản lý. Tổ chức lại mô hình các cơ quan quản lý quy hoạch và quản lý đất đai, quản lý môi trường thành một; nhằm gắn kết chặt chẽ Quy hoạch đất đai – Quy hoạch đô thị – Quy hoạch cảnh quan môi trường (mô hình nhập các cơ quan quản lý đất đai với cơ quan quản lý quy hoạch). Trong quá trình phát triển, thường có sự đánh giá, điều chỉnh Quy hoạch đô thị theo Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm theo từng kỳ kế hoạch (trong kỳ không điều chỉnh quy hoạch).
Coi việc phát triển khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, tin học… là điều kiện tiên quyết trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý đô thị; Đồng thời cũng sử dụng đa dạng các nguồn lực sẵn có; chủ động trong quy hoạch, thiết kế, công nghệ, kỹ thuật, vật liệu, thiết bị, phương tiện xây dựng…; Ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý hệ thống giao thông, ứng dụng việc quản lý tài chính tiền tệ để quản lý đô thị, quản lý giao thông, quản lý đất đai, môi trường (Thượng Hải coi hệ thống thông tin liên lạc như một hệ thống giao thông đặc biệt của Thành phố; Quản lý giao thông qua hệ thống camera, quản lý tài khoản, phân quản lý đô thị thành hệ thống mạng – nút – điểm, tại mỗi điểm có nhân viên thường xuyên theo dõi quản lý);./.
Ts.Kts Lê Xuân Hùng
Khoa Quy Hoạch, Đại học Kiến trúc Hà Nội
Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm đồ án quy hoạch, đề tài NCKH, dự án SNKT, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thiết kế điển hình và dự án đầu tư xây dựng công trình kiến trúc – Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia, 2013
Lưu Đức Cường & Cao Sỹ Niêm. Thực trạng công tác lập quy hoạch đô thị tại Việt Nam & đề xuất một số định hướng đổi mới. Tạp chí Quy hoạch xây dựng số 82. 2016.
Nguyễn Đăng Sơn. 2006. Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị. Nhà xuất bản Xây dựng.
UN-HABITAT. 2009. Global Report on Human Settlement: Planning Sustainable Cities. Earthscan, London.
Nguyễn Mạnh Tuấn, 2012 – Một số kinh nghiệm công tác Quy hoạch, quản lý đô thị Trung Quốc.