Thái Nguyên sẽ xóa bỏ gạch nung vào năm 2017
Đó là khẳng định của ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên khi nói về tiến độ “xóa” các cơ sở sản xuất gạch nung thuộc diện phải chấm dứt hoạt động theo quy định trên địa bàn.
Dây chuyền sản xuất gạch tiên tiến mới được Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường đầu tư.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện nay nhóm vật liệu xây trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bao gồm: Vật liệu xây nung và vật liệu xây không nung với sản lượng khoảng 700 triệu viên/năm, trong đó gạch nung khoảng 420 triệu viên/năm, gạch không nung khoảng 280 triệu viên/năm.
Vật liệu xây nung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được sản xuất bằng công nghệ lò tuynel, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; lò đứng liên tục, lò đứng thủ công cải tiến và còn một số lò đứng thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, vật liệu không nung được sản xuất bằng công nghệ ép thủy lực hỗn hợp bê tông và hỗn hợp bê tông bọt.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010, Chỉ thị số 10/2012/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản triển khai và chỉ đạo thực hiện việc tang cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, ngày 24/01/2013, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND phê duyệt lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, ngày 26/02/2013, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Cũng dịp này, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất gạch đất sét thủ công và tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay cơ bản tỉnh Thái Nguyên đã xóa bỏ được hết các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên số lượng các cơ sở sản xuất gạch lò thủ công, thủ công cải tiến đang hoạt động tại các khu vực khác vẫn còn tồn tại khá nhiều…
“Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch nung thuộc diện phải chấm dứt hoạt động theo quy định”- ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết.
Theo ông Khánh, bên cạnh những thuận lợi như chính quyền các địa phương cơ bản chấp hành tốt chỉ đạo của UBND tỉnh và sở Xây dựng, nhiều nhà đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung… thì tại Thái Nguyên vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch nung.
Cụ thể là trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khá nhiều khu vực tập trung các cơ sở sản xuất gạch thủ công truyền thống với mô hình làng nghề, dân cư xung quanh khu vực sản xuất cũng chính là gia đình các chủ cơ sở và người lao động; việc chuyển đổi nghề cho các chủ cơ sở và người lao động tại các khu vực này nhằm hạn chế, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, do thói quen sử dụng gạch đất sét nung của hầu hết người dân còn phổ biến dẫn đến nhu cầu thị trường về sản phẩm này còn rất cao, do đó các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công vẫn cố tìm cách tồn tại.
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn hiện rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, làm cho các cơ sở này thường trong tình trạng sản xuất cầm chừng khiến các nhà đầu tư có ý định đầu tư sản xuất gạch không nung buộc phải cân nhắc thăm dò, theo dõi thị trường.
Từ thực tế các thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không nung trên địa bàn, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên đề xuất Bộ Xây dựng và Chính phủ: Bổ sung chế tài xử lý các cơ sở không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung thủ công; bổ sung chế tài xử lý các trường hợp không chấp hành quy định sử dụng vật liệu xây không nung vào công trình xây dựng tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung cơ chế hỗ trợ về khoa học, công nghệ, cơ chế khuyến công cho các cơ sở đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung có công suất lớn, công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, giá thành sản phẩm hợp lý.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cần hoàn thiện, ban hành đầy đủ định mức dự toán cho khối lượng xây bằng vật liệu xây không nung để tạo thuận lợi cho việc áp dụng khi lập hồ sơ thiết kế, dự toán công trình.
Nguyễn Thành/Báo Xây dựng