23/11/2016

Tập trung phát triển đô thị đồng bộ, bền vững

Phát triển đô thị được coi là động lực, hạt nhân để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương. Tuy nhiên nhìn nhận nghiêm túc, công tác phát triển đô thị đang đứng trước thách thức lớn, nhất là vấn đề về quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội. Để giảm thiểu và tập trung phát triển đô thị đồng bộ, bền vững, Bộ Xây dựng đang tiếp thu lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.


Cần sớm sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị. (Ảnh: TL)

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển đô thị đã có sự tác động mạnh mẽ đến hệ thống đô thị cả nước. Phát triển đô thị được trở thành động lực, hạt nhân để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương. Tuy nhiên nhìn nhận nghiêm túc, công tác phát triển đô thị đang đứng trước thách thức lớn, nhất là vấn đề về quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội… Nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác phát triển đô thị: Phát triển chưa có tầm nhìn; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được quan tâm, thiếu tính kết nối…

Chính vì vậy, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM vấn nạn tắc đường, lụt lội; quy mô tăng dân số tăng đã trở thành vấn đề áp lực.

Thực tế này cũng được nhiều đại biểu quốc hội phê phán trong phiên thảo luận về dự án Luật Quy hoạch tại Hội trường Quốc hội vào sáng ngày 21/11 mới đây. Nhiều đại biểu cho rằng, bộ mặt đô thị nước ta nhìn chung mỗi nơi một vẻ, chắp vá, “lai căng” và không có bản sắc, dấu ấn riêng.

Nhìn nhận từ nhiều quốc gia phát triển, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phùng Đức Tiến chia sẻ: Tại nhiều nước trên thế giới, quy hoạch đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ và in đậm bản sắc văn hóa riêng, trong khi ở nước ta mỗi địa phương quy hoạch một kiểu. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn quy chuẩn áp dụng thống nhất cho hoạt động quy hoạch chung.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch phát triển đô thị, hiện Bộ Xây dựng cũng đang tiếp thu lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Theo đó, để hạn chế được những bất cập trong việc quản lý, phát triển đô thị cần xác định khu vực phát triển đô thị để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực từ đó phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đồng bộ và bền vững. Dự thảo sửa đổi lần này quy định rõ, UBND cấp tỉnh phải lập khu vực phát triển đô thị đối với khu vực dự kiến tập trung đầu tư có một hoặc nhiều dự án với tổng quy mô dân số tương đương đô thị loại IV trở lên.

Phạm vi ranh giới khu vực phát triển đô thị được xác định trên cơ sở phân vùng quản lý không gian của quy hoạch chung, ranh giới các quy hoạch phân khu được duyệt, ranh giới quản lý hành chính nhà nước theo lãnh thổ, điều kiện tự nhiên và nhu cầu đầu tư phát triển đô thị của từng khu vực.

Việc điều chỉnh khu vực phát triển đô thị đã được phê duyệt sẽ được thực hiện trên cơ sở xem xét đánh giá quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, tình hình phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu phát triển đô thị của địa phương.

Ngoài ra, sau khi có ý kiến thống nhất từ Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định các khu vực phát triển đô thị như các đô thị loại I, loại đặc biệt; Khu vực phát triển đô thị nhằm hình thành một đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại IV trở lên theo quy hoạch đã được phê duyệt và khu vực phát triển đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh – quốc phòng.

Trong quá trình tiếp thu lấy ý kiến cho dự thảo nghị định, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng: Qua 2 năm thực hiện, có thể thấy các quy định của Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị đã thực sự phát huy tính hiệu quả trong quá trình phát triển đô thị, đảm bảo việc quy hoạch có kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư tràn lan lãng phí như trước đây. Tuy nhiên, để phù hợp thực tế, chúng ta cần sớm sửa đổi, hoàn thiện các hệ thống cơ sở pháp lý có liên quan để giúp các địa phương có cơ sở vững chắc hơn trong việc xây dựng các chương trình phát triển đô thị; hình thành các khu vực phát triển đô thị, đặc biệt là việc kiểm soát công tác đầu tư các dự án đô thị mới…

Thành Luân/Báo Xây dựng