13/07/2020

Tạo sự đột phá bằng phát triển các cực đô thị kinh tế biển

(KTVN 228) – LTS: Với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (NQ 36-NQ/TW) của Chính phủ cần tính đến bài toán kiến tạo các “Cực đô thị kinh tế biển” như một sự đột phá và quyết sách. Theo TS.KTS Lê Xuân Trường, đây còn là vấn đề của thời đại trước thực tiễn Địa – Kinh tế – Chính trị – Lịch sử Việt Nam hiện nay. Việc kiến tạo các điểm nút tập trung thu hút được các dòng chảy kinh tế văn hóa xã hội, phát huy tiềm năng mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua cực đô thị kinh tế biển là điểm khác biệt cốt lõi, là động lực mới, nâng cao sức cạnh tranh, chống lại sự tụt hậu, lạc hậu. Tuy nhiên, cần coi đó là một chiến lược mới.

Thành phố trên biển ở Dubai, UAE

Thành phố trên biển ở Dubai, UAE

N ền kinh tế đô thị Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào sự thừa kế của tiền nhân từ hàng trăm năm trước là 02 cực Hà Nội và Sài Gòn (TPHCM). 3 thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chưa thực sự phát triển để cân bằng với 2 cực lớn. Trước thực tiễn địa – kinh tế – lịch sử Việt Nam vào thời điểm này, phải chăng để tạo sự đổi mới và đột phá phát triển đất nước cần tính đến bài toán kiến tạo các “Cực đô thị kinh tế biển” thay vì mới chỉ tập trung phát triển tại 2 cực hiện hữu.

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bổ sung giá trị “mạnh về biển”, “giàu từ biển” trong chiến lược biển 2020 thêm các giá trị cốt lõi khác như “dựa vào biển”, “hướng ra biển”. Mặt khác, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 01/01/2019 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong nhận thức, thúc đẩy liên kết vùng, tầm nhìn dài hạn hơn với kỳ vọng dần dần hạn chế quy hoạch chắp vá, không đồng bộ, thiếu liên kết giữa các bộ ngành, địa phương…

Tuy vậy, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia đang bị chậm. Việc tích hợp cơ học, giải quyết các vấn đề tồn đọng đang nhiều hạn chế. Đồng thời, thiếu mô hình, giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả để hiện thực hóa. Mô hình đô thị hóa, phát triển đô thị dựa trên chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang cản trở quá trình chuyển đổi kinh tế, cung vượt trước cầu, chi phí logistics cao, không kết nối tốt với thị trường và mạng lưới giao thông, chuỗi cung ứng cung cấp dịch vụ. Đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí đất đai và nguồn lực, chất lượng đô thị không cao; Tăng trưởng chưa gắn với môi trường sinh thái, bền vững,… Tình trạng ùn tắc, nghẽn cổ chai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM là những thách thức nghiêm trọng về hiệu suất kinh tế. Việc đổi đất lấy hạ tầng, phát triển kinh tế tiêu dùng, dân cư đô thị có mật độ cao – “đô thị nén” (mỗi năm tăng thêm khoảng 200.000 dân/cực) đã tạo ra sự quá tải hạ tầng, tắc đường, úng ngập, ô nhiễm khói bụi, rác thải, chất thải,… Và cũng xuất hiện nhiều khu đô thị mới bị “treo”, bỏ hoang, lãng phí, thiếu hiệu quả. Hiện trạng phát triển đô thị và đô thị hóa tại các địa phương khác trên toàn quốc hiện còn chậm hơn, kém hơn hai thành phố lớn của Việt Nam.

Càng kết nối 2 cực Hà Nội và TPHCM bằng dự án đường sắt cao tốc, sân bay… sẽ càng gia tăng sức ép về dân số, giảm chất lượng tăng trưởng môi trường đô thị và hiện nay chưa phù hợp. Ngay từ thời phong kiến, tạo đột phá phát triển đất nước thường gắn liền, phụ thuộc vào giải pháp lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng đô thị trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ví như việc chuyển kinh đô về Hà Nội rất tốt nhưng về Huế lại bị hạn chế,… Thời nay, việc kiến tạo các điểm nút tập trung thu hút được các dòng chảy kinh tế văn hóa xã hội, phát huy tiềm năng mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua cực đô thị kinh tế mới là điểm khác biệt cốt lõi, là động lực mới, nâng cao sức cạnh tranh, chống lại sự tụt hậu, lạc hậu.

Để tăng cường phát triển đô thị tất yếu cần có chiến lược mới.

Làng chài Hạ Long,Việt Nam

Làng chài Hạ Long,Việt Nam

Xu thế hướng biển

Xu thế của thế giới là hướng ra biển, xem biển là không gian sinh tồn, xây dựng kinh tế biển, tự do hàng hải, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học biển,… theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Hầu hết các nước có biển, đầu tư vào kinh tế biển đều phát triển nhanh hơn, mạnh hơn các nước khác như Nhật Bản, Na Uy, Singapore… mà không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ (Na Uy với dân số chỉ hơn 5 triệu người nhưng là một cường quốc về kinh tế biển, đứng thứ 6 thế giới về dầu mỏ, đứng thứ 2 thế giới về khí tự nhiên, đội tàu vận tải biển, xuất khẩu hải sản). Nhiều nước như Nhật, Brasil, Australia,… muốn tạo ra sự phát triển đột phá, tạo động lực mới đã chuyển thủ đô tới nơi khác, tạo thành cực không gian mới và đặc biệt như Dubai (UAE) lại xây dựng đô thị mới ra giữa biển để tạo cực thu hút cả thế giới. Sự thịnh vượng quốc gia biểu hiện qua hình thái đô thị kinh tế biển.

Đô thị ven biển phổ biến tại Việt Nam

Đô thị ven biển phổ biến tại Việt Nam

Trước đây, dù có mong muốn nhưng với nền tảng kinh tế công nghệ thấp (cách mạng công nghiệp 1.0 – 2.0), chủ yếu khắc phục hậu quả chiến tranh,…Việt Nam cũng khó và chưa thể phát triển kinh tế biển đúng lợi thế, đúng tầm. Thế giới đã đi trước nền khoa học và công nghiệp 4.0: Trí tuệ nhân tạo (AI); xe tự lái; phân tích dữ liệu lớn (big-data) và điện toán đám mây; công nghệ in 3D; Internet vạn vật; robot; mạng xã hội, công nghệ vệ tinh,… nên Việt Nam tuy đi sau nhưng giờ lại có nhiều cơ hội nắm bắt thời thế, tiến bộ khoa học công nghệ cao, chinh phục biển, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo được các ảnh hưởng thiên tai sóng thần, vượt qua các khó khăn thách thức mà các nước khác mất hàng chục tới hàng trăm năm mới phát triển được kinh tế biển.

Việt Nam nằm tại vị trí cực Đông trên bán đảo Đông Dương, án ngữ tuyến đường sống còn kết nối khu vực Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á với nhau; Kết nối trên đất liền với các nước châu Á và kết nối hàng hải với phần còn lại của thế giới, đáng ra phải trở thành cường quốc về hệ thống logistics và hoạt động dịch vụ du lịch, kinh tế biển,… Với địa hình bờ biển dài hơn 3.260km từ Bắc xuống Nam, với 28 tỉnh thành ven biển (các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 ; hơn 3.000 hòn đảo trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa) và dân số vàng (96 triệu người),… thì việc lựa chọn phát triển kinh tế biển, tiến ra biển, lấy biển làm không gian sinh tồn đã là động lực mới, là nhiệm vụ sống còn không chỉ cho thực tại mà còn đảm bảo cho các thế hệ tương lai.

Thành phố kinh tế biển Yokohama, Nhật

Thành phố kinh tế biển Yokohama, Nhật

Cả nước hiện có 18 khu kinh tế ven biển và một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ cũng đã được lựa chọn tập trung đầu tư, có những thành tựu vượt bậc nhưng vẫn chưa tạo ra sức hút đủ lớn tạo thành cực kinh tế tương tự như Hà Nội và TPHCM. Thiếu chiến lược phát triển cực đô thị kinh tế biển đã làm cho việc đầu tư bất động sản đô thị, du lịch các khu ven biển cũng theo phong trào “chia lô bán nền”, dàn trải, “xí phần”, hiệu quả sử dụng đất thấp, thiếu cơ sở pháp lý (condotel, officetel,..) và tăng trưởng chậm. Vì vậy quy hoạch xây dựng “cực đô thị kinh tế biển” vừa phải có các điều kiện tương tự như trên, vừa phát huy tốt hơn các tiềm năng lợi thế phát triển đô thị, kinh tế biển; giảm tải cho hai cực Hà Nội và TPHCM. Đây là giải pháp tích hợp đồng bộ liên ngành, phù hợp với quy luật phát triển, hiện thực hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và là cách chọn đồng thời cả “Sơn Tinh” và “Thủy Tinh” tạo thành “Cú hích mới” mở mang, phát triển đất nước.

Tạo lập các cực kinh tế biển

Cực đô thị kinh tế biển là đô thị lớn (loại 1 trở lên) độc lập phát triển; Có hoạt động kinh tế biển – đại dương là chủ đạo; Có sức hút lớn tới các vùng xung quanh; Cân bằng hoạt động kinh tế nội tại (đáp ứng nhu cầu bên trong) với hoạt động kinh tế phát triển, xuất khẩu (đáp ứng nhu cầu bên ngoài vào); Kết nối trực tiếp với thị trường trong và ngoài nước; Có quy mô dân số lớn hơn 2 triệu người, khu vực nội thành đạt từ 1 triệu người trở lên; Đồng bộ hệ thống logistics, kết cấu hạ tầng kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường,… và có khả năng mở rộng, dự trữ phát triển.

Các cực đô thị kinh tế biển (không tính TPHCM) phải có cảng biển loại IA hoặc loại I phục vụ chủ yếu cho việc phát triển liên vùng hoặc là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nên nằm trong số các địa phương sau: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ. Các cực đô thị kinh tế biển phải giáp biển, có sân bay dân sự, sẽ thành sân bay quốc tế nên nằm tại các địa phương sau: Quảng Ninh, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Kiên Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Yên, Cà Mau,… Căn cứ vào nhiều điều kiện quy mô, nguồn lực, dân số, thị trường kinh tế xã hội, địa hình, môi trường khí hậu, hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối với Hà Nội, TPHCM và các vùng xung quanh,…

Trước mắt, từ nay đến năm 2035 đề xuất lựa chọn kiến tạo thêm 8 Cực đô thị kinh tế biển (nếu nhiều hơn sẽ phân tán nguồn lực, thiếu dân số – còn nếu ít hơn thì không tận dụng hết tiềm năng các vùng kinh tế trọng điểm hiện có) như sau: 2 cực mới tại miền Bắc là Quảng Ninh (phát triển về phía Vân Đồn) và Hải Phòng (liên kết vùng, mở rộng thêm về phía Thái Bình); 2 cực mới tại miền Trung là cực ghép Nghệ An + Hà Tĩnh và cực ghép Huế + Đà Nẵng + Quảng Nam (liên kết vùng, tạo thành một cực đủ lớn – chuỗi đô thị ven biển); 4 cực mới tại miền Nam là cực Khánh Hòa (phát triển về phía Vân Phong), cực ghép giữa Đồng Nai + Bà Rịa – Vũng Tàu (liên kết vùng tận dụng lợi thế của cả 2 tỉnh); cực ghép Cần Thơ + Hậu Giang + Sóc Trăng (liên kết vùng, chuỗi đô thị hướng ra biển) và cực cuối cùng là Kiên Giang (phát triển về phía Phú Quốc). Như vậy toàn quốc sẽ có tổng cộng 10 cực đô thị kinh tế quan hệ gắn kết, tương trợ hữu cơ với nhau là 8 cực đô thị kinh tế biển mới và hai cực hiện có Hà Nội, TPHCM.

image005

Các cực kinh tế đô thị biển Việt Nam

Mục tiêu và hành động

Đầu tư xây dựng tốt để 8 cực đô thị kinh tế biển mới này thu hút được khoảng 100.000 dân/năm/cực (số dân tăng lên toàn quốc là khoảng 1,0 triệu người/năm) thì cũng phải sau 10 năm, quy mô dân số mỗi cực mới tạm đáp ứng đủ cho các hoạt động đô thị – kinh tế biển và chỉ bằng 1/5 cực Hà Nội hoặc 1/7 TPHCM hiện nay. Như vậy, nếu không nhanh chóng quy hoạch, đầu tư nâng cấp thêm 08 cực đô thị kinh tế biển tạo điểm nút, sức thu hút mới đủ mạnh thì quá trình đô thị hóa toàn quốc sẽ tiếp tục phân tán, dàn trải và rất chậm.

Cực đô thị kinh tế biển là phương án tối ưu, cạnh tranh thu hút tăng dân số thành thị, đáp ứng nguồn nhân lực lao động chất lượng cao và giãn dân ở hai cực hiện có. Cần phân bổ lại nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, cục bộ ngành – địa phương, đầu tư manh mún trong bố trí ngân sách, ưu tiên trọng tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, logistics kết nối thị trường từ 8 cực đô thị kinh tế biển mới sang 2 cực cũ theo 3 vùng: vùng 1 từ Hà Nội tới 2 cực miền Bắc và 1 cực miền Trung là Nghệ An + Hà Tĩnh; nâng cấp năng lực hạ tầng vùng 2 là nội bộ cực Huế + Đà Nẵng + Quảng Nam; vùng 3 từ TPHCM tới 4 cực miền Nam và kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông ven biển (đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, hệ thống cảng biển, vận tải biển, sân bay quốc tế,…). Đồng thời khoanh vùng hạn chế phát triển theo kiểu “vết dầu loang”, giảm đầu tư “đô thị nén”, chú trọng nâng cao chất lượng nội đô tại Hà Nội, TPHCM và định hướng doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao, kinh tế số, tăng cường giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường đất đai,… cho các cực đô thị kinh tế biển (ví dụ: không hoặc chậm đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam mà phân bổ chuyển 1/8 của 58 tỷ USD đầu tư cho mỗi cực đô thị kinh tế biển,…).

Sử dụng hiệu quả, chủ động nguồn lực kết hợp trong nước và quốc tế để đầu tư, khai thác phát triển các cực đô thị kinh tế biển cũng là một cách chống lãng phí, đảm bảo môi trường an ninh kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong giai đoạn này, sự lựa chọn xây dựng phát triển thêm 8 cực đô thị kinh tế biển mới gắn kết với 2 cực cũ là cách tiếp cận có cơ sở khoa học, là giải pháp đột phá cần được quan tâm khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia và cần có sự quyết tâm lớn, đồng bộ, đồng lòng, đồng hành của nhiều bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Đây là cơ hội tạo lập các đô thị mới liên kết vùng thị trường, thử nghiệm các sáng tạo khởi nghiệp, công nghệ mới, phân bổ lại nguồn lực trọng tâm hơn; Giải quyết tốt các vấn đề tiêu cực đồng thời tăng tốc quá trình đô thị hóa; Kiến tạo thể chế mới, văn hóa mới tiến bộ, hiện đại. Cực đô thị kinh tế biển Việt Nam sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đa dạng bền vững, giảm lệ thuộc vào hai cực kinh tế Hà Nội, TPHCM; Tạo tiền đề trở thành cốt lõi vùng, là thủ phủ của các “bang” tương tự như ở các nước phát triển và lan tỏa nhanh ra các khu vực ven biển khác của cả nước. Với tất cả nội dung trên, cùng niềm tin Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa để Việt Nam sớm trở thành cường quốc kinh tế biển bền vững cần sớm có quyết sách tập trung mọi nguồn lực, cơ chế chính sách đầu tư xây dựng phát triển các Cực đô thị kinh tế biển./.

TS.KTS Lê Xuân Trường

Tag: cực đô thị, kinh tế biển, lê xuân trường,