08/09/2023

Tạo dựng bản sắc kiến trúc từ vật liệu truyền thống

(KTVN 245) – Giải thường Pritzker là giải thưởng quốc tế danh giá bậc nhất thế giới về kiến trúc. Không cá nhân kiến trúc sư hành nghề nào không có ước ao được nhận giải thưởng cao quý này, và cũng không có quốc gia nào không mang hi vọng có đại diện của mình được nhận giải thưởng này bởi niềm tự hào và vinh dự lớn lao mà nó mang lại.Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia rất gần gũi, không chỉ về mặt địa lý mà còn về tất cả các phương diện khác từ nền tảng văn hóa, triết học, chính trị, đến mọi lĩnh vực sâu rộng của đời sống xã hội như kinh tế, con người và lối sống.

Năm 2012, khi KTS Vương Thụ người Trung Quốc đầu tiên nhận giải thưởng Pritzker thì không chỉ giới chuyên môn Trung Quốc mà cả Việt Nam đều vô cùng mừng rỡ. Con đường dẫn đến thành công của Vương Thụ trở thành một bài học, một niềm cảm hứng và khích lệ lớn lao cho các KTS của cả hai nước trên con đường sáng tạo đồng thời tạo cho họ một niềm tin vững chắc hơn về việc có thể sánh vai với các kiến trúc sư đến từ các nền văn hóa khác (đặc biệt là từ phương Tây) của những kiến trúc sư đến từ các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong đó có Việt Nam.

Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Ninh Ba

KIẾN TRÚC SƯ VƯƠNG THỤ “NGƯỜI KẾ THỪA VĨ ĐẠI” TRUYỀN THỐNG 

KTS Vương Thụ (王澍 – Wang Shu) là công dân đầu tiên giành được giải thưởng Pritzker danh giá vào năm 2012. Vương Thụ có thể là một trong những kiến trúc sư Trung Quốc được kính trọng nhất mọi thời đại. Phong cách của ông kết hợp các vật liệu truyền thống với thiết kế hiện đại và chống lại các chuẩn mực của thực hành kiến trúc Trung Quốc hiện nay.

Trước khi giải thưởng Pritzker 2012 được công bố, ít ai ngờ một kiến trúc sư đến từ Trung Quốc sẽ là người chiến thắng, thậm chí còn ít người từng nghe nói về Vương Thụ, người hầu như không được cộng đồng quốc tế biết đến.

Khá bất thường đối với một kiến trúc sư nổi tiếng quốc tế, năm dự án lớn của ông đều có được xây dựng trong nước, nhiều dự án trong số đó nằm gần khu vực quê hương Chiết Giang của ông, gần Thượng Hải. Chính sự đồng cảm của Vương Thụ với truyền thống đã giúp ông được công nhận như vậy trong và ngoài nước, và đó chính là Giải thưởng Pritzker 2012.

Từ khi mở cửa, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ chưa từng có cùng với phong cách kiến trúc bị chi phối bởi nguyên mẫu phương Tây, các tòa nhà văn phòng và chung cư cao cấp mang dáng vóc “cồng kềnh” và “trơn tuột” hầu như không liên quan đến các cấu trúc truyền thống trước đây. Trước tình trạng những công trình kiến trúc vô cảm và khó coi này mọc lên một cách tràn lan đã như một sự thách thức với Vương Thụ, ông mong muốn đưa ra một phong cách thay thế.

Năm 1997, Vương Thụ và vợ, Lục Văn Vũ (陆文宇 – Lu Wenyu), thành lập công ty kiến trúc Amateur Architecture Studio có nghĩa là Xưởng kiến trúc nghiệp dư. Tên này là được chọn như một lời thách thức với “kiến trúc chuyên nghiệp, vô hồn” được thực hành ở Trung Quốc, thứ mà họ cho rằng đã góp phần vào việc phá hủy với quy mô lớn của nhiều khu đô thị cũ.

KTS Vương Thụ và vợ Lục Văn Vũ

Ông và vợ của mình quyết đi theo một con đường khác, khăng khăng bảo vệ quan điểm của họ cho rằng các công trình xây dựng quy mô nhỏ có thể ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người về quá khứ và truyền thống và xác định lại mối quan hệ giữa đương đại và hiện đại biến mất kiến trúc truyền thống. Tại Xưởng kiến trúc nghiệp dư, ông và vợ quan tâm đến các khái niệm về ký ức, lịch sử, vị trí, bản sắc và nghề thủ công.

Trong vòng có hai thế kỷ, các thành phố ở Trung Quốc đã được nhân lên và mở rộng trên quy mô lớn. Việc phá hủy hàng loạt cấu trúc những thành phố cổ diễn ra ở khắp mọi nơi đang để lại những “mảnh vụn“ công nghiệp và những hiện vật văn hóa rời rạc bị chôn vùi vĩnh viễn dưới những tòa nhà chọc trời mới sáng bóng. Khi các thành phố cũ của Trung Quốc đang sụp đổ và các trung tâm đô thị mới đang lan rộng, một phần của thành phố đã bị biến mất, cảnh quan cũ bị phá hủy. Vương Thụ và Lưu Văn Vũ, đã đáp lại mối quan hệ quá khứ và hiện tại này bằng cách làm việc với các vật liệu tái chế và bí quyết truyền thống. Thách thức mà Vương Thụ và vợ ông phải đối mặt là hồi sinh một nền văn minh cũ, không hoạt động và tham gia vào nền văn minh toàn cầu.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong kiến trúc của Vương Thụ là việc sử dụng các yếu tố kiến trúc có thể tái sử dụng. Ông sử dụng cả vật liệu được lấy từ các ngôi nhà truyền thống cũ như gạch ngói màu xám, tre, gỗ và cùng với các vật liệu hiện đại như bê tông cốt thép và kim loại. Cách làm này phù hợp với học thuyết của Đạo giáo với nguyên lý nhận thức rằng vạn vật đều có thể sinh ra, phát triển và biến đổi.

Trong kiến trúc của Vương Thụ các vật liệu có thể tái chế như gỗ và đất được sử dụng rộng rãi trong các tòa nhà, một số loại vật liệu đã được thử nghiệm nhiều lần, cách tổ chức và sắp xếp của chúng tập trung vào việc thể hiện sự nhận biết về dòng chảy của thời gian.

Theo cách nói của Ông,“một dự án là sự tổng hợp của vật liệu, ký ức, thời gian và tay nghề”. Các vật liệu truyền thống được các kiến trúc sư Trung Quốc lựa chọn thường nhẹ và vị trí sử dụng rất linh hoạt, nhưng đồng thời cũng kém bền hơn theo thời gian.

Kiến trúc truyền thống là sự phản ánh của một quy luật mô tả sự suy giảm của cái này sẽ hỗ trợ cái kia như thế nào, sự tồn tại mang tính xoay vần cùng với sự biến đổi và phát triển vật chất của mọi vật và sinh vật trên Trái đất. Bằng cách này, các vật liệu như gỗ và đất, hữu cơ và có thể tái chế, do đó mà được sử dụng rộng rãi trong xây dựng truyền thống.

Cụ thể một số cách tái chế vật liệu truyền thống của Vương Thụ có thể kể đến như sau:

Ngói màu xám là kỹ thuật gốm lâu đời nhất được biết đến trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Bề mặt của ngói chính là cách định vị của công trình kiến trúc nằm trong mối quan hệ giữa trời và đất. Tại Triển lãm kiến trúc hai năm một lần tại Venice năm 2006 (Venice Architecture Biennale), Vương Thụ đã vận chuyển 6.000 viên ngói truyền thống từ Trung Quốc đến Venice để sắp xếp chúng thành một “vườn ngói”. Tác phẩm này trông giống như một tấm gương phản chiếu bầu trời và bóng cây của Venice trên bề mặt các viên gạch và có thể truyền tải một cảm giác tương tự như một bức tranh sơn thủy, vì nó như vẽ một bức hoa văn về hình ảnh của nước.

Vài năm sau, trong tác phẩm đầu tiên sau giải thưởng Pritzker, Nhà khách là phần mở rộng của khuôn viên Học viện Nghệ thuật Trung Quốc (China Academy of Arts), Vương Thụ cũng sử dụng một diện tích lớn gạch. Trên thực tế, dự án này được gọi là “wa shan”, nghĩa đen là núi gạch. Dự án này không chỉ mang đến cho du khách trải nghiệm thị giác độc đáo thông qua con đường đi lên và đi xuống giữa các điểm giao cắt của bề mặt gạch mà còn tạo nên hình dạng trừu tượng của những ngọn núi.

Nhà khách Học viện Nghệ thuật Trung Quốc (China Academy of Arts)

Vật liệu tre được coi là một trong những biểu tượng quan trọng nhất ở Trung Quốc. Nó thậm chí còn được nhân cách hóa trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, thông qua một hình tương tự như cấu trúc của thân tre có phần đặc và phần rỗng. Điều này được gọi là Chính trực, 气节 (khí tiết) mang lại cho vật liệu này một ý nghĩa về đạo đức. Tại Học viện nghệ thuật Trung Quốc (China Academy of Arts), Vương Thụ đã sử dụng một lượng lớn tre làm hàng rào. Tre được cắt thành các dải rộng ba centimet, sau đó được gắn trực tiếp vào cấu trúc khung hoặc đặt nằm ngang như một phần lấp đầy hỗ trợ trong các phần thẳng đứng. Các dải tre xuất hiện trong tòa nhà này theo nhiều cách khác nhau, do đó sự tồn tại đa dạng của chúng được thể hiện. Trong khi những nan tre bên ngoài chóng phai màu vì nắng mưa thì bên trong vẫn như mới.

Đối với Vương Thụ, việc sử dụng tre là một cách khám phá thời gian. Theo cách nói của Ông, “Nếu bạn sử dụng một loại vật liệu không bền như tre, thì thời gian trôi qua sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tại Viện bảo tàng lịch sử Ninh Ba, Vương Thụ đã sử dụng tre làm ván khuôn bê tông theo một cách sáng tạo (Hình tre sử dụng tại bảo tàng Ninh Ba) Sau khi tháo ván khuôn tre, dấu vết của nó xuất hiện trên các bức tường bê tông. Ông coi cách thực hành kiến trúc này như một sự phản ánh tinh tế tự nhiên. Cách làm kiến trúc mới mẻ mà vẫn thể hiện được vật liệu và chất liệu. Chi tiết này cho thấy sự tương phản giữa ảnh và vật thực, phản ánh mối quan hệ giữa không khí và chất rắn.

Tường Ngói (瓦片强) ) là một cách xây dựng đặc biệt mà chỉ có ở những ngôi nhà truyền thống ở Ninh Ba, Chiết Giang. Đó là một sự kết hợp giữa gạch, ngói và đá, được cố định vào tường bằng xi măng để tạo ra kết cấu bề mặt phong phú với sự đa dạng của màu sắc và hoa văn, hài hòa với môi trường tự nhiên. Tường Ngói không chỉ được sử dụng để thể hiện các phương pháp và kỹ thuật xây dựng truyền thống; đó cũng là “một cách bảo tồn thời gian” như Vương Thụ giải thích. Các vật liệu được tái chế từ những ngôi làng đã từng được xây dựng ở chính địa điểm này. Ông giải thích: “Truyền thống mà tôi yêu thích ở Trung Quốc là việc sử dụng các vật liệu xây dựng thông thường và tự nhiên. Khi thời gian thay đổi, chúng được phá đi và xây dựng lại nhiều lần. Truyền thống như vậy sẽ không nên bị lãng quên”.

Bảo tàng lịch sử Ninh Ba, Trung Quốc

Để đáp ứng các yêu cầu cho việc sử dụng (chẳng hạn như không thấm nước, giữ nhiệt và năng lượng, hoặc cách nhiệt), các bức tường một lớp truyền thống bằng cỏ và đất sét được thiết kế bổ sung thêm bốn lớp mới, được gia cố bằng kết cấu bê tông bên trong. Với những vật liệu được đem trực tiếp về từ những ngôi nhà truyền thống bị tháo dỡ của địa phương, Vương Thụ đã đặt “ký ức” của thành phố này lên mặt tiền của Bảo tàng lịch sử Ninh Ba theo đúng nghĩa đen. Ông đã dám sử dụng các yếu tố “cũ” trong các tác phẩm “mới” của mình. Đây không chỉ là một sự mỉa mai với việc tách rời những thứ cổ xưa khỏi quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc ngày nay, mà còn đưa ra câu trả lời cho khái niệm “luân chuyển” của Đạo gia trong văn hóa truyền thống.

Ở Trung Quốc hiện đại, kiến trúc đất truyền thống không thể đáp ứng nhu cầu của con người cho cuộc sống hiện đại, vì vậy việc sử dụng nó đang giảm dần. Vương Thụ giải thích: Vào thời nhà Tần và nhà Hán, họ bắt đầu sử dụng phương pháp trình để xây nhà. Tại thành phố giàu có ở phía nam, Hàng Châu, bạn vẫn có thể tìm thấy một số lượng lớn “những ngôi nhà bằng đất sét”, điều này cho thấy sự tiếp nối của kiến trúc thời Tần và Hán và đó là một lời nhắc nhở quan trọng về “ký ức của thành phố”.

Kỹ thuật đắp đất, một kỹ thuật đã được chứng minh, là một sản phẩm cực kỳ hợp lý. Trong lĩnh vực này, Vương Thụ là liên tục nghiên cứu thông qua công trình kiến trúc của mình ở tại Học viện Nghệ thuật Trung Quốc, ông đã sử dụng kỹ thuật đất nện. Trong trường hợp này, để xây dựng bức tường, ông đã sử dụng đất lấy từ nền móng của chính công trình, điều này có thể thực hiện được nhờ sử dụng một quy trình đặc biệt. Vương Thụ đã cố tình chọn ván khuôn thép cho quy trình sản xuất tường đất. Ông ấy không muốn việc sử dụng đất được “ngụy trang” thành tự nhiên, vì những gì do con người tạo ra trên thực tế không còn tự nhiên nữa. Việc xây dựng bên trong khuôn thép sẽ làm cho nó rất ổn định và mạnh mẽ, đồng thời nhấn mạnh tính “nhân tạo” của công trình.

Thông qua việc cải tổ kỹ thuật xây dựng truyền thống và cách sử dụng vật liệu mới, Vương Thụ đã khám phá lại kỹ thuật trình đất hoàn toàn trong một hệ thống xây dựng hiện đại. Những tác phẩm mới của ông, cùng với những ngôi nhà đất cổ ở Hàng Châu, thể hiện sự kết nối giữa hiện đại và bản địa.

Học viện Nghệ thuật Trung Quốc (China Academy of Arts)

Có thể tóm lược lại quan điểm của Vương Thụ, điều mà đã mang lại cho ông giải thưởng danh giá nhất của giới kiến trúc sư trên toàn thế giới đó là Vương Thụ cảm thấy một xu hướng mạnh mẽ trong việc lựa chọn vật liệu truyền thống và mang tính địa phương, nhưng Ông không loại trừ sử dụng vật liệu kiến trúc được làm từ nền công nghiệp hiện đại.

Trong kiến trúc, các vật liệu truyền thống từ Trung Quốc và những vật liệu từ ngành công nghiệp hiện đại được kết hợp để tạo thành một cách thể hiện và một ngôn ngữ kiến trúc mới. Do đó, thông qua các vật liệu, ý tưởng kiến trúc của Vương Thụ và mong muốn sự quay trở lại của văn hóa truyền thống và thiên nhiên của ông được mọi người biết đến. Ông cho rằng: “Nếu truyền thống chỉ là những gì được lưu giữ trong bảo tàng, như hiện nay ở Trung Quốc, thì truyền thống đó đã thực sự chết. Tuy nhiên, truyền thống vẫn đang sống trong bàn tay con người và những người thợ thủ công. Các kiến trúc sư cần phát triển một nền kiến trúc trong đó những người thợ thủ công và các vật liệu tự nhiên mà họ sử dụng có cơ hội để cùng tồn tại cùng với công nghệ hiện đại, và ngoài ra, để quảng bá việc sử dụng nó cho mọi các năng lực sẵn có. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể nói rằng truyền thống vẫn trường tồn.”

CON ĐƯỜNG TÌM KIẾM VÀ KHAI THÁC VẬT LIỆU TRUYỀN THỐNG CỦA KTS VIỆT NAM HIỆN NAY? 

Nền kiến trúc cận đại của Việt Nam sau khi mở cửa thị trường cũng có những vấn đề tương tự của kiến trúc Trung Quốc. Từ đó cho đến nay, hầu hết các công trình kiến trúc quan trọng của đất nước mang tính biểu tượng như: Tòa nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội … đều do các tác giả người nước ngoài thiết kế. Bên cạnh đó, các đô thị thay đổi một cách nhanh chóng với quy mô chưa từng có nhưng diện mạo của chúng là hình ảnh của các công trình hoặc theo kiểu kiến trúc hiện đại quốc tế, hoặc mô phỏng lại các mô tuýp kiến trúc cổ điển phương Tây bằng cách bắt chước … Đã hơn 30 năm mà nền kiến trúc nước nhà chưa định hình được các tính riêng cho chính mình.

Đứng trước sự lấn át và gần như áp đảo của các hãng kiến trúc quốc tế vào Việt Nam với hàng loạt các tên tuổi lớn như GMP (CHLB Đức), Niken Seiken (Nhật Bản), Carlos Zapata (Hoa Kỳ), Atkins (Anh quốc) … Trong những dự án lớn, quan trọng và là biểu tượng của các thành phố lớn như: Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc Hội, Tháp Tài chính Bitexco, Landmark 81, Khách sạn JW Marrios,… giới kiến trúc sư Việt Nam đặc biệt là các KTS trẻ có rất nhiều trăn trở. Câu hỏi về “bản sắc dân tộc trong kiến trúc là gì?” trở thành ngày càng nhức nhối trong các diễn đàn của giới nghề. Đồng thời cũng là động lực mang tính tiền đề cho các tìm tòi sáng tạo của các KTS luôn muốn thoát ra khỏi sự đồng hóa quốc tế, đồng thời bằng cách đó để tự khẳng định mình và khẳng định các giá trị văn hóa-dân tộc.

Trong một nghiên cứu về các xu hướng kiến trúc hiện đại Việt Nam, có nêu một trong bốn xu hướng kiến trúc hiện đại Việt Nam gần đây đáng lưu ý đó là xu hướng: Xu hướng kiến trúc “mạch dân tộc” với các đặc điểm “theo xu hướng kiến trúc bền vững, sử dụng vật liệu địa phương”. Điều này cho thấy các KTS Việt Nam có những sự đồng điệu với tư tưởng và các thủ pháp của Vương Thụ. Chúng ta có thể điểm qua một số tác phẩm cùng với tác giả điển hình để thấy rõ điều này.

Với vật liệu tre:

Quán cà phê gió và nước

Công trình Quán cà phê Gió và Nước đã được nhận Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế năm 2008 (Internetional Architecture Awards – IAA 2008). Đây là một công trình quan trọng đánh dấu bước ngoặt của kiến trúc sư Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định tên tuổi của KTS Võ Trọng Nghĩa cùng trường phái kiến trúc Xanh mà anh được coi là người khởi xướng ở Việt Nam.

Tiếp nối là công trình Nhà cộng đồng Suối Rè giành hai giải thưởng của Mỹ là Green Good Design và IAA 2012. Đây là một công trình dấu mốc khẳng định tên tuổi của KTS Hoàng Thúc Hào cùng trường phái kiến trúc vì Cộng đồng mà anh liên tục cống hiến và theo đuổi.

Nhà cộng đồng Suối Rè

Rồi đến công trình Tổ ấm nở hoa – Blooming Bamboo home được chọn trao Giải thưởng quốc tế IAA 2014 của KTS Đoàn Thanh Hà thay cho lời tuyên ngôn về Kiến trúc vị nhân sinh mà anh dấn thân trong suốt từ đầu sự nghiệp và là nền tảng khẳng định tên tuổi của anh không chỉ trong và ngoài nước.

Tổ ấm nở hoa – Blooming Bamboo home

Nguồn cảm hứng từ các KTS đàn anh đã thành danh khi sử dụng vật liệu từ tre, nứa như đã nêu đã tạo ra một phong trào Kiến trúc tre khá mạnh mẽ ở Việt Nam. Đã có nhiều công trình kiến trúc có giá trị được tạo ra từ tre, một số công trình đã có dấu ấn lớn cả trong và nước ngoài như của KTS Võ Trọng Nghĩa ở Expo Thượng Hải 2010 và Expo Milan 2015. Bên cạnh đó, phong trào Kiến trúc Tre có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến giới sinh viên kiến trúc, trong nhiều năm qua, tỷ lệ các đồ án tốt nghiệp có nghiên cứu ứng dụng tre là khá cao.

Tuy nhiên, cho đến nay Kiến trúc tre của Việt Nam vẫn chưa tìm thấy cho mình được một tác giả đại diện để có thể vượt hơn các đại diện đến từ các nền kiến trúc ứng dụng tre có tên tuổi của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái lan hay Nhật Bản và một vài quốc gia khác.

Với vật liệu gạch/ngói nung:

Gạch nung là vật liệu truyền thống mang tính phổ biến, tuy nhiên việc sử dụng gạch đỏ trực tiếp không trát hoàn thiện thì dường như là một trào lưu mới của kiến trúc hiện đại Việt Nam. Một số công trình và tác giả đại diện cho xu hướng này có thể nhắc đến là Termitary House (Nhà Tổ Mối) của Tropical Space (KTS Trần Thị Ngụ Ngôn) lọt vào danh sách ngắn của Liên hoan kiến trúc Thế giới 2015  (World Architecture Festival Awards- WAF 2015); Nhà Hang gạch và Không gian Ngói dự Triển lãm Kiến trúc và Đô thị lưỡng niên Seoul 2021 (Seoul Biennale of Architecture and Urbanism) của KTS. Đoàn Thanh Hà. Trào lưu này có độ phủ khá lớn trên bình diện toàn Việt Nam do sự sẵn có của vật liệu, chất cảm truyền thống gần gũi và dễ thực hành. Tuy nhiên, với quy mô các công trình còn khiêm tốn, chưa tương xứng với các công trình của các bậc thầy về kiến trúc gạch danh tiếng thế giới ví dụ như KTS Mario Botta (Thụy sĩ).

Termitary House (Nhà Tổ Mối)

Với vật liệu trình đất:

Công trình tiêu biểu cho việc ứng dụng xây nhà bằng phương pháp trình đất truyền thống phải nhắc đến là Nhà cộng đồng & homestay Nậm Đăm của Văn phòng KTS 1+1>2 (KTS. Nguyễn Duy Thanh). Công trình thuộc một dự án theo mô hình nhà trình tường truyền thống của địa phương kết hợp với tạo hình cách tân nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí: tiết kiệm năng lượng, giá thành rẻ, thi công đơn giản, phù hợp với đời sống – văn hóa – xã hội của người dân bản địa. Công trình đã gợi mở một hướng đi mới cho việc sử dụng vật liệu sẵn có địa phương kết hợp công nghệ thủ công với công nghệ xây dựng.

Nhà cộng đồng và Homestay Nậm Đăm

Theo hướng này đã có một số nghiên cứu kết hợp sản xuất thực tế gạch viên bằng đất ép không nung nhằm dễ dàng cho việc vận chuyển, thi công cũng như để khắc phục các yếu điểm của tường trình. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này vẫn chưa được phổ biến ở diện rộng, đặc biệt với các công trình lớn mà có tính biểu trưng.

Với vật liệu tái chế:

Một tác giả kín tiếng nhất trong giới nghề nhưng lại rất nổi tiếng hiện nay là KTS Nguyễn Hòa Hiệp – A21 Studio. Hòa Hiệp được mệnh danh là phù thủy của vật liệu tái chế, các công trình tiêu biểu của anh có thể kể đến như: Nhà Nguyện (the Chappel) giành giải Công trình của năm tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới 2014 (WAF 2014) với khá nhiều vật liệu cũ từ các công trình trước đây của chủ đầu tư – một người kinh doanh bất động sản – đã được tận dụng.

9 Spa (Nha Trang, 2013) một công trình tận dụng lại rất nhiều vật liệu đã qua sử dụng như gạch lát, cánh cửa, gỗ và đồ gỗ cùng các vật liệu sẵn có tại địa phương. Khách sạn The Myst (TPHCM, 2017) đã sử dụng các phế liệu từ các công trình của Cảng Sài Gòn bị phá dỡ. Nhà hàng Rêu (Hội An, 2021) đã tái sử dụng các vật liệu từ các con tàu đánh cá đã hư hỏng để tạo nên một không gian nhà hàng rất riêng và đặc sắc.

Thiết kế của KTS Nguyễn Hòa Hiệp rất riêng từ triết lý hành nghề, cách tạo hình và cách sử dụng vật liệu. Việc “tái sinh” cho các vật liệu qua sử dụng trong những hình dáng hết sức mới mẻ tạo ra sức hút lớn cho người xem. Bên cạnh đó xu hướng tái sử dụng vật liệu cũng được các KTS của nước tiên tiến đang quan tâm và theo đuổi bởi tính nhân văn và tính bền vững cho môi trường sống.

Nhà hàng Rêu

Nhà Nguyện

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến việc sử dụng các vật liệu xây dựng mà đặc biệt làm từ gỗ, đồ đạc nội thất đã qua sử dụng để trang trí nội thất đã trở thành một trào lưu trong ngành thiết kế nội thất, đặc biệt ứng dụng vào các nhà hàng, đã phát triển và lan rộng mạnh mẽ kể khi chuỗi cà phê Cộng ra đời.

Tuy nhiên, việc tái sử dụng vật liệu vẫn chưa có được cơ hội để thực hiện ở cả phần vỏ kiến trúc và với quy mô lớn, phức tạp như các công trình của KTS. Vương Thụ.

THAY CHO LỜI KẾT!

Qua việc phân tích như đã trình bày, chúng ta có thể khách quan thừa nhận rằng tài năng của kiến trúc sư Việt Nam cả về nhận thức và khả năng sáng tạo không thua kém so với mặt bằng chung của kiến trúc sư thế giới.

Tuy vậy, nếu mong muốn chạm tới những ngưỡng bậc cao hơn, có thể thấy một số gợi ý cụ thể như sau:

– Lối đi khác biệt, phải bắt nguồn từ chính sự phát hiện chiều sâu nội tại của nền văn hóa truyền thống.

– Sự kiên trì theo đuổi lý tưởng riêng ở những chặng đường dài luôn đòi hỏi sự kiên định và liên tục sáng tạo.

– Nắm vững và nhận thức sâu sắc về các vấn đề công nghệ xây dựng liên quan đến kiến trúc, đòi hỏi quá trình nghiên cứu bài bản, thực nghiệm lâu dài.

Vì hành trình còn dài và nhiều thách thức, rất mong những đóng góp trên có thể hỗ trợ phần nào và có thêm cơ sở để cùng hi vọng rằng Việt Nam sẽ có một “Vương Thụ” sớm trong tương lai!

Chú thích:

1. About the Prize | The Pritzker Architecture Prize (pritzkerprize.com)
2. Wang Shu China’s Greatest Architect | Culture Trip (theculturetrip.com)
3. Texture and materiality in Wang Shu’s architecture: local context and innovation
(Konstantinos Kostopoulos CPEng)
4. Bốn xu hướng kiến trúc hiện đại Việt Nam – KTS Vũ Hiệp; Tạp chí Kiến trúc 23/5/2018

KTS Nguyễn Huy Khanh