12/10/2015

Sức ép quá tải từ quá trình đô thị hóa tại Việt Nam

Những cảnh báo về hệ quả của các làn sóng di cư đối với các đô thị trên thế giới vốn không mới, nhưng lại đang hiển hiện sự bất ổn đối với các đô thị lớn ở Việt Nam.


Thực tế cho thấy, sự tập trung quá đông dân cư ở một số thành phố trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã dẫn đến tình trạng đô thị hóa quá tải ở Việt Nam, một bộ phận cư dân phải sống trong những điều kiện thấp kém.

Trong hơn hai thập niên vừa qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, đang diễn ra một quá trình di cư mạnh mẽ vào các vùng đô thị. Hầu hết nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung ở các trung tâm đô thị đã làm tăng thêm lực hút, lôi cuốn lao động nông thôn ra các thành phố lớn.

Sự tăng trưởng của vùng kinh tế phi chính thức và dịch vụ tiếp tục cung cấp thêm việc làm cho những người lao động nhập cư. Quá trình này có tác động sâu sắc đến các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tỷ trọng dân số thành thị của các thành phố lớn tăng lên rõ rệt, cho thấy, xu hướng tập trung dân cư ở các đô thị lớn ngày càng lớn.

Tuy nhiên, sự tập trung quá đông dân cư ở một số thành phố trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã dẫn đến tình trạng đô thị hóa quá tải ở Việt Nam. Cần lưu ý rằng, vẫn có một bộ phận không nhỏ dân cư đô thị không có điều kiện tiếp cận với các tiện nghi cơ bản như nhà vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh.

Thêm nữa, đô thị “phình ra” cũng kéo theo một lượng rác thải khổng lồ. Nhưng đến nay cũng mới chỉ có khoảng 60% lượng chất thải rắn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Không những thế, nhiều loại rác thải độc hại chỉ được chôn lấp vào chỗ trũng, hồ, ao trong đô thị.

Trong một thống kê khác của Bộ TN&MT cũng cho thấy, hiện nay nước thải sinh hoạt tại các đô thị hầu hết không xử lý và đổ trực tiếp xuống sông hồ, gây ra những hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại các đô thị được xử lý chỉ đạt chưa được 10% so với tổng lượng thải. Nghĩa là dù việc đô thị hoá đang xảy ra rất mạnh, nhưng phương cách sinh hoạt (chất lượng sống) vẫn một nửa là nông thôn cũ, còn tệ hơn nông thôn cũ vì tầng nước mặt hiện nay (khai thác từ giếng khoan, giếng đào, ao hồ) đã bị ô nhiễm nặng do rác thải, phân bón, thuốc trừ sâu…

Những bất ổn nảy sinh đang hiện hữu. Theo các chuyên gia về quy hoạch đô thị, đã đến lúc tạo lập những đô thị công nghiệp tốt cho người lao động để “bẻ ghi” dòng dịch cư tự phát vào các đô thị cực lớn. Nhưng đáng tiếc, thực tế hiện nay, các KCN cứ phát triển, còn các đô thị mới thì chưa có tổ chức hoàn chỉnh, chính sách và biện pháp tốt để thu hút đầu tư đồng bộ song song với phát triển công nghiệp.

Rõ ràng, nếu chừng nào các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý đô thị chưa nhận thức đầy đủ và quyết tâm hình thành các khu đô thị mới gắn liền với các khu công nghiệp, chừng đó vẫn chưa thể ngăn nổi làn sóng di dân vào Hà Nội, TP.HCM và giải quyết được các hậu quả của nó. Phải phát triển đô thị phân tán về các địa phương theo quy hoạch các khu công nghiệp, giữ dân tại chỗ – chứ không để dòng di dân tự phát liên tục đổ vào các đô thị lớn như hiện nay. Bởi lẽ, sự phồn vinh của đô thị Việt Nam – nếu nhiều người còn nghĩ vậy – thì chỉ là những hình ảnh rực rỡ trên các đường phố lớn, phần rộng hơn nhiều thuộc về nông thôn và sự nghèo nàn vẫn ngự trị ngay trong các trung tâm đô thị, đằng sau những tuyến phố lớn.v

Ngọc Lý/ Báo Xây dựng