Sử dụng kính tiết kiệm trong các công trình xây dựng: Cần giải pháp đồng bộ
Trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng đã thực hiện nhiều khảo sát, đánh giá tình hình sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tìm kiếm những giải pháp nâng cao tính bền vững, hiệu quả kinh tế cho công trình xây dựng mới.
Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường có rất nhiều ưu điểm như giảm trọng tải móng, cách âm cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng (TKNL). Gạch đất nung tác động lớn đến môi trường, gây ô nhiễm nhiệt. Vì vậy sử dụng các vật liệu thích hợp góp phần TKNL cho công trình sẽ là giải pháp tất yếu.
Bề mặt kính trong các công trình xây dựng không chỉ thụ động TKNL tức là chỉ ngăn nhiệt từ ngoài vào trong mà giảm thiểu truyền tải nhiệt ra ngoài, kính còn có khả năng chủ động thu năng lượng chuyển hóa thành dạng năng lượng phục vụ sinh hoạt của tòa nhà. Sử dụng kính TKNL phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.
Xét về ngắn hạn thì phương án kính Low-e phủ mềm cho hiệu quả tài chính là tốt nhất, tuy nhiên về lâu dài, phương án sử dụng kính Low-e phủ mềm cao cấp sẽ là phương án tiết kiệm chi phí nhiều nhất nhưng rất ít được xem xét sử dụng. Phương án sử dụng kính trắng, giá rẻ luôn luôn là phương án đắt nhất, đáng tiếc là hiện nay phương án này được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt với các tòa nhà công sở.
KTS Trần Công Đức – Cty GNP đánh giá: “Kính Low-e ở thị trường Việt Nam còn rất mới mẻ, tuy nhiên với kinh nghiệm của các kiến trúc sư nước ngoài hiện đã có nhiều công trình được áp dụng. Trên cơ sở đó việc áp dụng những vật liệu mới vào công trình xây dựng phải bắt nguồn từ các kiến trúc sư, bên cạnh đó rất cần sự ủng hộ từ các chủ đầu tư. Tuy nhiên để đưa sản phẩm TKNL này vào ứng dụng thực tế cần một tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các tòa nhà cao tầng (từ 15 – 20 tầng)”.
Theo KTS Trần Thành Vũ (chuyên gia năng lượng Viện Kiến trúc nhiệt đới, ĐH Kiến trúc Hà Nội): Nhiệt bức xạ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới hiệu năng sử dụng nhiệt công trình, tuy nhiên các loại kính có khả năng cản bức xạ loại tốt đều là kính có thêm lớp phủ mềm và rất đắt. Những loại kính này chưa phổ biến ở Việt Nam do giá thành quá cao. Tuy nhiên khi sử dụng những dạng kính này sẽ làm giảm đáng kể năng lượng bức xạ nhiệt đi vào bên trong công trình và làm giảm tải tính toán trên hệ thống điều hòa, việc này trong tính toán điều hòa tại Việt Nam hầu như chưa được quan tâm, xác định rõ và chính xác sự liên quan giữa các thành phần bên trong công trình sẽ đem lại các khuyến cáo đầu tư hiệu quả hơn. Mỗi loại kính sẽ có những tham số kỹ thuật riêng và ảnh hưởng tới chi phí đầu tư hệ thống điều hòa cũng như là chi phí vận hành công trình hàng năm.
Ông Phạm Huy Phong – Trưởng ban cố vấn kỹ thuật Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết, tham khảo các công trình từ nhiều nước trên thế giới, để xây dựng những tòa nhà, công trình TKNL, chi phí xây dựng có thể tăng từ 10 – 30% nhưng có thể mang đến mức tiết kiệm khoảng trên 20% chi phí năng lượng so với các công trình không áp dụng các giải pháp TKNL. “Tuổi thọ của một công trình rất lớn, do đó các công trình áp dụng các giải pháp TKNL về lâu về dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí vận hành sau này”.
Hiện Cty Kính nổi Viglacera (KCN Dĩ An, Bình Dương) đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất với phôi kính tốt nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn châu Âu EN572-2:2004 với công suất thiết kế đến 420 tấn thủy tinh/ngày tương đương với 23 triệu m2 kính QTC/năm. Tháng 10/2015, Viglacera đã triển khai đầu tư giai đoạn 1 của dự án “Dây chuyền sản xuất kính TKNL” do Tập đoàn Von Ardenne (CHLB Ðức) – Tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị và công nghệ. Đây là dự án tạo ra bước ngoặt đột phá trong ngành công nghệ được xuất hiện lần đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Để thích hợp với khí hậu của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới, Viglacera cũng đã lựa chọn công nghệ phủ mềm với cả hai loại kính là Solar Control và Low-e cho “Dây chuyền sản xuất kính TKNL” của mình.
Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng cho các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn như “Nhà ở cao tầng – hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Nhà văn phòng – hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”… Tuy nhiên, chưa có những hướng dẫn đồng bộ cũng như những chế tài cụ thể đối với việc TKNL trong những công trình xây dựng. Chính vì thế, thay vì phải áp dụng các quy chuẩn bắt buộc về TKNL trong xây dựng các tòa nhà thì hiện nay chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, do đó các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình TKNL”… Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho các giải pháp đồng bộ nhằm áp dụng đưa các sản phẩm kính TKNL vào phổ biến tại các công trình xây dựng lớn.
Lê Mỹ/Báo Xây dựng