16/03/2017

Quy hoạch xây dựng nông thôn: Động lực để phát triển toàn diện

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BXD về việc hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn. Đây là cơ sở thực hiện về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn cũng như hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn.


UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý quy hoạch thuộc địa giới hành chính do mình quản lý (ảnh internet)

Cần phát triển liên kết liên vùng

Việc quy hoạch xây dựng nông thôn là nội dung giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu của Đảng và Chính phủ về xây dựng tam nông: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là việc xây dựng nông nghiệp, nông thôn”. Theo đó, việc hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, hồ sơ xây dựng đồ án quy hoạch chung xây dựng xã bao gồm hai phần là thành phần bản vẽ và thuyết minh. Thành phần bản vẽ gồm có sơ đồ vị trí, mối liên hệ vùng. Trong đó, cần xác định vị trí, ranh giới lập quy hoạch (toàn bộ ranh giới hành chính của xã), thể hiện các mối quan hệ giữa xã và vùng trong huyện có liên quan về kinh tế – xã hội. Điều kiện địa hình, địa vật, các vùng có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc cảnh quan của xã; hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các vấn đề khác tác động đến phát triển xã. Thể hiện theo tỷ lệ thích hợp. Đối với bản đồ hiện trạng tổng hợp, đánh giá đất xây dựng nêu rõ việc sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại, cây xanh, nhà ở, …); hiện trạng giao thông, cấp điện và chiếu sáng, cấp nước, cao độ nền và thoát nước mưa, thoát nước bẩn; thu gom chất thải rắn, nghĩa trang, môi trường.

Hồ sơ xây dựng đồ án quy hoạch cần phải phân tích và đánh giá hiện trạng tổng hợp như: điều kiện tự nhiên, bao gồm đặc điểm địa lý, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, tài nguyên nước, rừng, biển. Các ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường và các hệ sinh thái. Dân số (số hộ dân, cơ cấu dân số, cơ cấu lao động, đặc điểm phát triển), đặc điểm về văn hóa, dân tộc và phân bố dân cư. Phát triển kinh tế trong các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; đánh giá thế mạnh, tiềm năng và các hạn chế trong phát triển kinh tế. Hiện trạng sử dụng và biến động từng loại đất (lưu ý các vấn đề về sử dụng và khai thác đất nông nghiệp; những vấn đề tồn tại trong việc sử dụng đất đai). Hiện trạng về nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ sản xuất, môi trường, các công trình di tích, danh lam, thắng cảnh du lịch.Việc thực hiện các quy hoạch có liên quan, các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn xã.

Ngoài ra, cần xác định tiềm năng, động lực và dự báo phát triển xã như dự báo quy mô dân số, lao động, số hộ cho giai đoạn quy hoạch 10 năm và phân kỳ quy hoạch 5 năm. Dự báo loại hình, động lực phát triển kinh tế chủ đạo như: kinh tế thuần nông, nông lâm kết hợp; chăn nuôi; tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ; quy mô sản xuất, sản phẩm chủ đạo, khả năng thị trường, định hướng giải quyết đầu ra. Xác định tiềm năng đất đai phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất (nông nghiệp sang phi nông nghiệp hoặc đất đô thị) phục vụ dân cư, công trình hạ tầng và sản xuất. Xác định quy mô đất xây dựng cho từng loại công trình công cộng, dịch vụ cấp xã, thôn, bản; quy mô và chỉ tiêu đất ở cho từng loại hộ gia đình như: hộ sản xuất nông nghiệp; hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp; hộ thương mại, dịch vụ trong toàn xã. Đối với quy hoạch sử dụng đất phải nêu rõ, quy hoạch các loại đất trên địa bàn xã cập nhật phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Xác định diện tích đất cho nhu cầu phát triển theo các giai đoạn 5 năm, 10 năm và các thông số kỹ thuật chính cho từng loại đất, cụ thể: đất nông nghiệp, đất xây dựng và các loại đất khác.

Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý

Để quản lý và cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng nông thôn được hiệu quả, Thông tư quy định rõ, UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý quy hoạch thuộc địa giới hành chính do mình quản lý. UBND các cấp trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 28 Nghị định 44/2015/NĐ-CP. Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Quy hoạch–Kiến trúc (đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên về tình hình lập, thực hiện theo quy hoạch xây dựng nông thôn đã được phê duyệt, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Bộ Xây dựng. Vụ Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mà nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì việc lập, thẩm định và phê duyệt thực hiện theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT- BTN&MT ngày 28/10/2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hồng Quang/Báo Xây dựng