10/02/2023

Quy hoạch tỉnh – Động lực để Hà Nam vươn mình bứt phá

(KTVN) – Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương, tỉnh Hà Nam cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Đầu năm 2023, phóng viên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức để cùng hiểu rõ hơn về bức tranh toàn cảnh trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, công nghiệp, nhà ở xã hội… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Toàn cảnh TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trên cao

PV: Thưa Ông, Quy hoạch tỉnh là một nhiệm vụ rất quan trọng và đòi hỏi thời gian cấp bách, trước những thách thức như vậy thì Hà Nam đã có những chính sách như thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh, đảm bảo phát huy được hiệu quả trong quản lý cũng như phát triển kinh tế xã hội của toàn tỉnh?

Ông Nguyễn Anh Chức: Hà Nam xác định vấn đề Quy hoạch tỉnh đặc biệt quan trọng vì trong Quy hoạch tỉnh bao hàm tất cả nội dung định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung, tích hợp các quy hoạch ngành lĩnh vực.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để lập Quy hoạch tỉnh gồm các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia đầu ngành, các sở ban ngành. Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có chức năng, có sản phẩm cụ thể, uy tín để thực hiện quy hoạch.

Ngay từ giai đoạn đầu lập quy hoạch, tỉnh đã có những chỉ đạo, cho ý kiến bao hàm trên tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các ngành, các địa bàn dựa trên thế mạnh của địa phương để lập quy hoạch.

Trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo và UBND tỉnh thường xuyên báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đồng thời, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã phối hợp với tỉnh tổ chức, chủ trì Hội thảo khoa học để lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, sau khi có ý kiến tỉnh tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án lập Quy hoạch tỉnh. Song song với đó, Quy hoạch tỉnh phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch khác.

Có thể nói, Quy hoạch tỉnh Hà Nam vừa mang tính kết nối, tiếp nối những quy hoạch trước đã có, đồng thời kế thừa và có những bước đột phá, trong đó có quy hoạch khu công nghệ cao làm động lực, dẫn dắt ngành công nghiệp công nghệ cao và áp dụng khoa học kỹ thuật cho phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức trao đổi với phóng viên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

PV: Được biết, Hà Nam định hướng xây dựng TP Phủ Lý lên đô thị loại I và đến năm 2035 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy hiện nay công tác chuẩn bị đã được tỉnh triển khai như thế nào? Thưa Ông.

Ông Nguyễn Anh Chức: Thời gian qua, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn ban hành Nghị quyết về chuyên đề phát triển đô thị Phủ Lý, tại nhiệm kỳ này đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển đô thị Phủ Lý, Nghị quyết số 16 của Ban Thường vụ và TP Phủ Lý cũng đang xây dựng đề án để nâng cấp đô thị đối chiếu với Nghị quyết 1210 của Chính phủ về các chỉ tiêu. Hiện nay, TP Phủ Lý đang tập trung mở rộng, phát triển không gian đô thị, thu hút dân số và lao động. Hy vong với sự quyết tâm của TP Phủ Lý và tỉnh Hà Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Đối với quy hoạch tỉnh, Hà Nam đang xây dựng theo hướng phấn đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiên nay TP Phủ Lý đang là đô thị loại II, Thị xã Duy Tiên là đô thị loại IV, huyện Kim Bảng đang trình đề án là đô thị loại IV báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định. Sau khi huyên Kim Bảng được công nhận đô thị loại IV sẽ tiếp tục chỉ đạo huyện lập đề án nâng cấp lên thị xã trong tương lai. Đối với các huyện còn lại, tỉnh đang chỉ đạo các huyện xây dựng các để án thành lập đô thị loại V.

PV: Ngoài công tác phát triển đô thị, tỉnh Hà Nam luôn xác định phát triển công nghiệp là mũi nhọn, thời gian tới Hà Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại địa phương?

Ông Nguyễn Anh Chức: Trong quá trình phát triển, Hà Nam luôn định hướng thu hút đầu tư công nghiệp, chế biến, chế tạo là lĩnh vực hàng đầu và Hà Nam có 10 cam kết đối với nhà đầu tư, quá trình triển khai tỉnh đã thực hiện nghiêm túc cam kết. Hiện nay, trên địa bàn có 08 khu công nghiệp, trong đó 07 khu công nghiệp cơ bản đã lấp đầy, còn lại 01 khu công nghiệp đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý bổ sung 04 khu công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm các Khu công nghiệp như: Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I, Châu Giang I.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nam  triển khai nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác.

Đặc biệt, Hà Nam luôn chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính để đồng hành, phối hợp cùng nhà đầu tư và được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. Thứ nhất, khi xúc tiến đầu tư, tỉnh hỗ trợ giới thiệu về địa điểm, cơ chế ưu đãi theo quy định của nhà nước. Thứ hai, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động, khi thực hiện các thủ tục đầu tư như đất đai, quy hoạch, xây dựng, PCCC… chúng tôi luôn thực hiện đúng quy định, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục.

Một góc Đô thị Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

PV: Với những ưu đãi trong thu hút đầu tư như vậy, thời gian tới dự báo Hà Nam sẽ có tốc độ gia tăng dân số khá lớn khi đồng loạt phát triển những khu công nghiệp. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, không thể không nhắc đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây. Vậy tại Hà Nam, công tác “an sinh xã hội” này đã được triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Chức: Đối với lĩnh vực phát triển đô thị, tỉnh đã ban hành Nghị quyết riêng trong cả nhiệm kỳ với định hướng đô thị song hành với các khu công nghiệp để đảm bảo nơi ở, nơi làm việc cho đội ngũ chuyên gia, công nhân, người lao động. Chương trình phát triển đô thị theo đúng chương trình được phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất đai, có kế hoạch và theo đúng quy hoạch. Phát triển các khu công nghiệp song song với phát triển các khu đô thị, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Nghị định 35/2022 của Chính phủ khi quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải quy hoạch các khu nhà ở công nhân. Vì vậy, chúng tôi đang đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng trong các khu công nghiệp triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân.

Cụ thể như Viglacera, HUD đang triển khai xây dựng, tỉnh đang đôn đốc những dự án khác tại các Khu công nghiệp như Thanh Liêm, Đồng Văn III, Thái Hà để xây dựng khu nhà ở công nhân. Địa bàn có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực nhà ở xã hội như Alpha Nam, Taseco, Nam Thành Công… nhằm hưởng ứng theo Đề án hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Đối với xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tại Hà Nam, chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc theo quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng. Đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp trong hạ tầng đấu nối như giao thông, điện nước… đến khu vực vị trí xây dựng nhà ở xã hội, hỗ trợ thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi lựa chọn, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng…

Trân trọng cảm ơn Ông!

Việt Khoa – Vũ Bích (thực hiện)