25/05/2021

Quy hoạch sông Hồng – thời cơ hội tụ ở đôi bờ

Trong tổng thể không gian đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dòng sông Hồng như một điểm tựa để thành phố phát triển cân bằng hai bên trong tương lai. Đây là cách làm mới so với cách làm trước đây vốn coi sông Hồng như một khu vực trong quy hoạch của từng quận, huyện hoặc chỉ nghiên cứu thí điểm ở khu vực nhỏ. Cách làm này của Thành phố Hà Nội được đánh giá đảm bảo tính tổng thể, sự kết nối liên tục của sông Hồng trong không gian đô thị, như dòng chảy liên tục của sông Hồng bao đời nay đã nuôi dưỡng cả một vùng châu thổ Bắc Bộ, mà ở đó văn hóa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là nơi hội tụ.

 Ảnh: Đặng Tú

Ảnh: Đặng Tú

Bỏ lỡ tiềm năng

Dòng sông Hồng gắn liền và kết nối những giá trị đô thị đặc biệt của Thủ đô ngàn năm tuổi. Đó là cảnh quan mặt nước hồ Tây – hồ Trúc Bạch, là những làng nghề truyền thống trải dọc bên sông như làng trồng đào Nhật Tân, quất Quảng An, cá cảnh Yên Phụ, đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng. Ấy là khu phố cổ mái ngói rêu phong với lối sống gắn liền với những phố Hàng nức tiếng gần xa. Là khu phố cũ với những công trình kiến trúc kiểu châu Âu hài hòa với mảnh đất thấm đẫm tinh thần Việt. Từ Long Biên, qua Thăng Long, Chương Dương – những cây cầu soi chiếu quá khứ đến những cây cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân của đương đại. Đó là chưa kể con đường gốm sứ đặc biệt ghi dấu ấn trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến Hà Nội. Tất cả đều hòa quyện, bồi đắp nên lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Vậy nhưng, thật đáng tiếc khi Hà Nội đã từng quay lưng với dòng sông Hồng. Những “xóm liều”, những khu dân cư chen chúc, nhếch nhác hoặc chủ yếu theo hình thức chia lô, người dân tự xây ven sông ở khu vực An Dương, Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng… đã tạo thành một dải đô thị đậm đặc, lộn xộn, không chỉ thiếu thốn về hạ tầng mà còn ngăn cách thành phố với dòng sông. Những không gian đô thị lịch sử vốn đã từng hội tụ ven bờ trong quá khứ kinh kỳ – Kẻ Chợ vang bóng một thời, giờ không thể kết nối với dòng sông.

Nhìn người dân và khách du lịch hằng ngày vẫn lên cầu Long Biên chụp ảnh, hay tìm những lối nhỏ ra bãi sông để tìm về với tự nhiên…, mới thấy Hà Nội lâu nay đã lãng phí một tài nguyên tự nhiên và đang tự làm xấu đi hình ảnh vốn dĩ đầy khả năng để trở thành bộ mặt đặc sắc của đô thị như bao thành phố bên sông ở trong và ngoài nước.

Văn minh đô thị hội tụ bên những dòng sông

Có một thực tế, các thành phố lớn trên thế giới đều tập trung các công trình kiến trúc, công viên cảnh quan – cảng thị quan trọng và đẹp nhất bên các dòng sông họ coi đó chính là bộ mặt của đô thị, là lịch sử và thước đo của sự phồn vinh. Sông Seine của Paris nổi tiếng thơ mộng bởi hàng chục cây cầu mang vẻ đẹp kiến trúc cùng lịch sử riêng biệt, hòa cùng với đó là sự yên bình, phẳng lặng, in bóng những hàng cây xanh mướt cùng các công trình lịch sử ở đôi bờ. Có lẽ cũng chính vì điều đó mà hai bên bờ sông Seine của thành phố Paris đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1991. Sông Thames ở London chảy qua những làng mạc, lâu đài, thị trấn cũng như sở hữu những chiếc cầu nổi tiếng không chỉ vì đẹp như tranh vẽ mà còn có bề dày lịch sử lâu đời. Cùng với đó là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Tất cả đã khiến dòng sông này trở thành biểu tượng của xứ sương mù. Sông Mátxcơva toát lên nét bí ẩn và vẻ đẹp độc đáo. Từ một du thuyền, hay lang thang tản bộ trên bờ sông Mátxcơva, du khách đều có thể hướng mắt nhìn thấy Sparrow Hills, Nhà thờ Chúa Cứu thế, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, điện Kremlin… – những kiến trúc của thành phố Mátxcơva đẹp và vô cùng lãng mạn như tâm hồn Nga. Ở nước ta, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và nhiều đô thị khác, các dòng sông chảy qua những thành phố này đã và đang ngày một đẹp hơn nhờ việc quy hoạch và phát triển đô thị hai bên bờ. Dòng sông đã và đang trở thành tấm gương phản ánh văn minh đô thị. Những kinh nghiệm quy hoạch xây dựng hai bên sông trên thế giới rất đáng để Hà Nội nghiên cứu nhằm thực hiện khát vọng thành phố sông Hồng.

Kết nối lịch sử và đương đại

Để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng tại đô thị trung tâm, Hà Nội đã phân vùng và lập 36 phân khu đô thị. Trong đó, sông Hồng được xác lập thành một quy hoạch phân khu riêng có chiều dài 40km đi qua 13 quận, huyện và được giới hạn bởi hai tuyến đê cấp 1 bên sông, thượng lưu là cầu Hồng Hà, hạ lưu là cầu Mễ Sở – là hai cây cầu dự kiến hình thành trong tương lai.

Nhìn lại quá khứ, Hà Nội đã học được gì từ kinh nghiệm quy hoạch xây dựng hai bên sông trên thế giới? Với sông Hồng, kinh nghiệm truyền đời đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt từ thuở ấu thơ, qua truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, chính là việc trị thủy bằng đắp đê, ngăn lũ. Liệu chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Hà Lan trong việc “cứng hóa” bờ sông Hồng hay không? Kinh nghiệm của nước bạn có lẽ chỉ thích hợp với đất nước có nguồn lực và quá trình phát triển hệ thống đê ổn định từ hàng trăm năm và không có sự phức tạp về địa chất, thủy văn cùng với sự dịch chuyển của dòng chảy như sông Hồng. Mặt khác, với một khu vực phát triển từ một nền văn minh lúa nước gắn với dòng sông như ở Việt Nam thì việc “cứng hóa” bờ sông bằng các con đê chỉ bảo vệ vùng nội đồng. Vậy mạng lưới làng xã truyền thống hai bên sẽ tồn tại như thế nào trong quá trình đô thị hóa tất yếu?

Một vấn đề lớn hơn là trước các tác động của biến đổi khí hậu đối với sông Hồng thì giải pháp “cứng hóa” có phải là giải pháp “thuận thiên”? Cho dù kể từ khi hệ thống hồ chứa, đập thủy điện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng – sông Đà khiến cho nhiều năm nay Hà Nội hoàn toàn không phải còn phải báo động cấp 1 trong mùa mưa lũ. Thời tiết cực đoan hầu như không thể dự báo xa. Đô thị nước là lời giải thỏa đáng, dung hòa giữa phát triển đô thị và khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Những công trình xây dựng theo xu hướng kiến trúc xanh, trên cọc để nước có thể tràn qua, những công viên, không gian công cộng vừa tạo thành bộ mặt cảnh quan ven sông, khi đối diện với lũ cũng chính là nơi chứa lũ, hay việc đưa nước từ sông Hồng để khơi thông và làm sống lại những “dòng sông chết” như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch… Đó là những giải pháp thông minh và bền vững của quy hoạch.

Những “xóm liều”, những khu dân cư chen chúc, nhếch nhác ven sông sẽ có một ngày phải nhường chỗ cho những công trình làm nên diện mạo đô thị bên sông. Bên cạnh đó là cảnh quan của những công viên lớn, những thung lũng của hoa, những đường dạo ven bờ nơi ai ai cũng muốn dừng lại tận hưởng hơi thở của thiên nhiên ban tặng từ dòng sông. Ta hy vọng vào những Hồng Hà, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Ngọc Hồi và Mễ Sở… sẽ là những cây cầu có kiến trúc hiện đại xứng đáng với tầm vóc đô thị hiện đại. Những công trình văn hóa, giải trí lớn cần xuất hiện để Hà Nội tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô bởi hoạt động đô thị hiện đại của thành phố gắn với dòng sông mới thực sự mang đến hơi thở thời đại. Thêm vào đó, việc gắn kết hồ Tây – Cổ Loa bằng tạo lập tuyến trục không gian qua sông Hồng cũng là một trong những giải pháp kết nối không gian lịch sử bằng thủ pháp đô thị hiện đại… Có như thế, đổi mới và sáng tạo mới có cơ hội và tiềm năng thực thi hai bên bờ sông Hồng, để sông Hồng thực sự trở thành nơi hội tụ không gian cảnh quan trọng tâm của Thủ đô trong tương lai.

Sông Hồng như một dải lụa mềm mại vắt ngang đô thị trung tâm Hà Nội dự kiến phát triển. Dự định tươi đẹp về một thành phố hai bên bờ sông Hồng, thực sự là thách thức không hề nhỏ trong thực hiện quy hoạch. Những thách thức ấy đòi hỏi đổi mới cách làm, lấy sự sáng tạo làm mũi nhọn để tạo nên những đổi thay và giá trị cho hiện tại và cho mai sau. Một thành phố mới văn minh lấp lánh theo dòng chảy sông Hồng chở nặng phù sa bồi đắp cho đồng bằng châu thổ, những nhịp cầu nối đôi bờ vui, mang theo sự sống ngược xuôi, những không gian xanh thấp thoáng bên bãi bồi tự nhiên… Đó chính là hình ảnh của dòng sông kết nối lịch sử với đương đại.

Văn minh và sứ mệnh, khi ấy sẽ hội tụ ở đôi bờ./.

TS Vũ Hoài Đức

 

Tag: quy hoạch, sông Hồng,