09/08/2017

Quy hoạch phát triển TP HCM: Thách thức và thực tế triển khai

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – TPHCM với quy mô dân số trong tương lai gần khoảng 10 triệu dân sẽ phải đối diện với nhiều thách thức – giải quyết “các căn bệnh đô thị”. Dù trong đồ án Quy hoạch chung (QHC) xây dựng TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, phát triển đô thị về hướng Nam và Tây Bắc. Thế nhưng, trong những năm gần đây lại phát triển mạnh về phía Đông và Tây Tây Nam, thu hút hàng triệu người dân đến sinh sống với mức gia tăng dân số mạnh, vượt xa các khu vực thuộc hướng phát triển còn lại của thành phố. Sự phát triển đô thị “nghịch hướng” quy hoạch đang đặt ra vấn đề trong tương lai: TPHCM nên ưu tiên trước tiên phát triển về hướng nào? Trong khi tiến ra biển- đa trung tâm là một trong những hướng phát triển chính đã được hoạch định rõ việc xây dựng một đô thị hướng biển cũng như triển khai mô hình quy hoạch và quản lý đô thị đa trung tâm trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng là một thách thức không nhỏ.

Nhà cao tầng phát triển dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh khu vực phía Đông TPHCM

Nhà cao tầng phát triển dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh khu vực phía Đông TPHCM

Định hướng Quy hoạch TPHCM hướng biển và đa trung tâm – thực tế triển khai
Ngày nay các vùng đô thị trải rộng là hiện tượng trên toàn thế giới, mặc dù có tốc độ quy mô khác nhau. Các vùng đô thị có 10 triệu dân trở lên có cấu trúc khác biệt so với các thành phố có vài triệu dân. Để đạt được các cải tiến song song về năng suất và chất lượng cuộc sống đô thị, các thành phố sẽ phải giải “quyết 8 thách thức”: Tính cạnh tranh; Dân số tăng nhanh; Giảm nghèo đô thị; Ô nhiễm môi trường; Biến đổi khí hậu (BĐKH); Ùn tắc giao thông; Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa phát triển đô thị và nông thôn ngọại thành; Bất cập trong quản lý đô thị.
TPHCM với khoảng 10 triệu dân là thành phố cực lớn / siêu thành phố. Do vậy TP sẽ phải đối diện với nhiều thách thức – bất ổn, đặc biệt là 8 thách thức nêu trên. Để khắc phục các thách thức bất ổn nêu trên phải dựa vào “giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị”. Đối với đô thị cực lớn thì giải pháp hàng đầu là “mô hình phát triển không gian phân tán” hoặc “hình thái đô thị phân tán”. TPHCM cũng không phải là ngoại lệ. Quy hoạch TPHCM tới năm 2025 cũng có mô hình phát triển không gian “tập trung – đa cực” với trung tâm chính mở rộng thành “cụm trung tâm thống nhất lớn hơn” và 4 trung tâm khu vực.
Trong đó, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và bốn cực phát triển.
Hành lang phát triển hướng chính phía Đông là tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội với trọng tâm là phát triển các khu đô thị mới. Trong khi hành lang phát triển hướng chính phía Nam là tuyến Nguyễn Hữu Thọ với việc phát huy thế mạnh đặc thù sông nước.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm Quận 1, Quận 3 và một phần Quận 4, Quận Bình Thạnh (930ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737ha).Về phân vùng phát triển, vùng đô thị sẽ gồm 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới, trị trấn thuộc huyện, các khu đô thị mới phát triển. Vùng phát triển công nghiệp là các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Dọc sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai và khu ngập mặn Cần Giờ sẽ là vùng phát triển sinh thái, du lịch, là khu vực bảo tồn và cấm xây dựng. Còn lại vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái sẽ được phát triển tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ triển khai thực hiện 2 trung tâm khu vực: hướng chính Nam ra biển Đông, và hướng Tây – Tây Bắc, còn hướng chính Đông dù đã có tuyến metro số 1 cửa ngõ ra miền Đông và 1 hướng Tây- Tây Nam là cửa ngõ từ miền Tây lại chưa bắt đầu do vậy chưa căn bản khắc phục được những bất ổn, các thách thức, các vấn đề đô thị và các căn bệnh đô thị.
Dù không nằm trong những hướng chính mà TPHCM đã xác định để phát triển nhưng đây là địa bàn có vị trí rất thuận lợi và dễ dàng trong việc tiếp cận với Bình Dương, Tây Ninh, Long An cũng như các tỉnh khác của miền Đông và miền Tây nên khu vực phía Tây – Tây Bắc vẫn có sức bật rất tốt nhờ ưu điểm hạ tầng tốt, gần trung tâm, thuận lợi cho cảng biển… nên vẫn thu hút được nhà đầu tư phát triển dự án và nhiều cư dân đến sinh sống (hiện tượng sốt đất trong giai đoạn vừa qua có thể là một ví dụ điển hình cho vấn đề này). Sự phát triển của khu vực này cũng đang trở thành động lực phát triển kéo các khu vực tỉnh lân cận như Long An phát triển theo, với sự hình thành của các khu công nghiệp, khu dân cư…
Do vậy TPHCM cần có “kế hoạch” để thực hiện “chiến lược phát triển đô thị” theo quy hoạch phát triển không gian đô thị “đa cực”/ “đa trung tâm” để “tích tụ dân cư” hợp lý, trong đó “ưu tiên” các trung tâm đô thị khu vực còn lại như: khu đô thị cao Q9, khu đô thị Tân Tạo – Tân Kiên Bình Chánh và “đột phá” phát triển khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm bờ Đông với 4 cầu và một hầm kết nối với bờ Tây sông Sài Gòn từ đó hình thành “cụm trung tâm thống nhất lớn hơn” nhằm giải quyết căn bản các bất ổn và thách thức của một “TP cực lớn” hướng đến mục tiêu TP trở thành thành phố quốc tế là một “trung tâm hàng đầu của khu vực Đông Nam Á” theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 đã được phê duyệt

Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 đã được phê duyệt

Phát triển đô thị hướng biển có là hướng đi đúng?
TPHCM phát triển đô thị hướng ra biển (phía Đông và Nam) là định hướng đúng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, việc phát triển hướng biển sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra mạnh mẽ. Phần lớn khu vực phía Nam TP có cao độ bằng 0 (bằng mực nước biển), khi mực nước biển dâng cao hay mưa lớn đều tác động trực tiếp đến khu vực này. Phát triển cao tầng ở phía Nam TPHCM cũng đồng nghĩa với việc thay đổi hướng thoát nước và hạn chế chảy thoát nước vốn có của đô thị cũng như dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng. Đây là một thách thức lớn cho sự an toàn của vùng đô thị Nam Sài Gòn (bao gồm cả khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng như khu vực lân cận ở phía Nam vốn có nền đất thấp bằng mực nước biển.
Tuy vậy, phát triển vùng trũng phía Nam cũng mang lại những ưu thế riêng để TPHCM biến nguy cơ thành cơ hội. Trong chiến lược phát triển, TPHCM đã tính đến điều này và chia ra từng vùng để quy hoạch chiều cao đất xây dựng. Khi đó, khu đô thị mới sẽ được xây dựng trên phần cao độ được thiết kế an toàn; còn đối với phần đô thị hiện hữu là bài toán chống ngập đang được giải quyết với giải pháp đê bao ngăn triều, cống…
Với đô thị TPHCM vấn đề mấu chốt chính ở đây là trong từng thời điểm phải xác định được hướng nào cần ưu tiên phát triển trước (theo nguyên lý, vùng nào thuận lợi sẽ phát triển trước); Nếu không sẽ mất chủ động trong quản lý (tập trung đầu tư vào khu vực chưa cần đầu tư, đầu tư tràn lan… kém hiệu quả kinh tế). Hướng Đông là địa bàn có rất nhiều tiềm năng phát triển. Cơ sở khoa học và pháp lý cho sự phát triển của khu vực này đã được xác lập. Vấn đề còn lại là chính quyền TP cần có những chính sách và giải pháp phù hợp để khai thông các tiềm năng.
Theo đó, về đặc điểm tự nhiên, khu vực phía Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, có địa hình khá phong phú so với các khu vực khác và ít chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vùng cao nằm ở Đông Bắc quận 9 và Thủ Đức có độ cao trung bình 10-25m so với mực nước biển. Vùng thấp nằm giáp với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có cao độ trung bình 1m và có cảnh quan sông nước rất đặc trưng (ngoài sông Sài Gòn và Đồng Nai còn có sông Tắc, Rạch Chiếc, rạch Ông Nhiêu…). Theo quy hoạch vùng TPHCM, khu vực phía Đông thành phố sẽ được kết nối với đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch, Dầu Giây (Đồng Nai); Long Hải, Vũng Tàu… (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngoài ra, hướng này có quy mô đất lớn, địa hình cao, nền đất cứng… rất thuận lợi phát triển các khu đô thị. Hơn nữa, trong khu vực hướng Đông cũng có nhiều dự án công trình giao thông lớn như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép, Thị Vải…
Theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM, khu vực phía Đông đang xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, khu đại học quốc gia, khu công viên lịch sử văn hóa các dân tộc, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc… Hiện một số công trình giao thông trọng điểm kết nối khu vực này với trung tâm TPHCM đã được đầu tư, như: Đại lộ Đông Tây – Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, đường vành đai phía Đông (cầu Phú Mỹ nối Nguyễn Văn Linh qua quận 2, quận 9), tuyến metro số 1… Trong tương lai gần, giao thông khu vực phía Đông sẽ rất thuận lợi cho đầu tư và phát triển đô thị.
Tuy nhiên, ngoại trừ một số tuyến đường chính, nút giao thông lớn và vài dự án nhỏ, cục bộ, về cơ bản hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội của khu vực này vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa tạo kết nối tốt với các đô thị xung quanh; quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, đầu tư dàn trải, chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan còn hạn chế, còn tình trạng phát triển tự phát… Vì vậy, để phía Đông trở thành khu vực phát triển chủ đạo của đô thị – xây dựng nơi đây thành vùng đô thị hóa mạnh mẽ, theo hướng hiện đại, đa chức năng và đóng vai trò trung tâm dịch vụ cho sự phát triển của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch khu vực này theo hướng quy hoạch phân khu (không giới hạn địa giới hành chính); Đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông kết nối; Xây dựng kế hoạch phát triển đô thị có sự phối hợp đa ngành; Tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án thương mại, dịch vụ cùng với các dự án phát triển đô thị quy mô lớn…
Phát triển TP.HCM là đô thị đa trung tâm theo quy hoạch được duyệt, giải pháp cho căn bệnh đô thị
Để khắc phục được các vấn đề đô thị, phát triển không đồng đều hoặc phát triển không sát theo thực tế, khai thác có hiệu quả động lực phát triển đô thị, ứng phó có hiệu quả bệnh đầu to hay các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng… cần một chương trình hành động cụ thể và bài bản, trong đó quan trọng nhất là thực hiện được mô hình đô thị đa trung tâm cho TP.HCM theo điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt.
Xây dựng kế hoạch chiến lược thực hiện: Chiến lược phát triển đô thị TPHCM đa trung tâm.
Kế hoạch hóa đô thị là tổng thể phương pháp mà tổ chức chính quyền sử dụng để kiểm soát tổng thể không gian đô thị, cách sử dụng không gian đô thị và xa hơn là phát triển không gian đô thị. Đó là một công cụ để thiết lập trật tự đô thị quản lý phát triển về mặt không gian cũng như trật tự xã hội trong các thành phố. Cở sở của kế hoạch hóa đô thị chính là các “Chiến lược phát triển đô thị”.
Với TPHCM, kế hoạch chiến lược theo Nghị định số 11/2003/NĐ-CP của Chính phủ về “Quản lý đầu tư và phát triển đô thị”, cần tập trung “triển khai mô hình phát triển không gian đa trung tâm” theo quy hoạch, “giải quyết các thách thức” chủ yếu như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, BĐKH v.v.. hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, do TP chưa có “Chiến lược phát triển đô thị” nên việc phát triển “thành phố đa trung tâm” theo quy hoạch đã triển khai khá chậm chạm nên chưa góp phần giải quyết được các thách thức đô thị và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển TP. Hiện thành phố cũng chưa xác định đơn vị nào lập “Chiến lược phát triển đô thị”? Do vậy, cần kiến nghị TP giao cho Quy hoạch kiến trúc chủ trì với sự tham gia của Sở Kế hoạch đầu tư để lập “Chiến lược phát triển đô thị” để làm căn cứ cho lập “kế hoạch chiến lược” thực hiện quy hoạch đô thị.
Để triển khai “Mô hình phát triển không gian đa trung tâm”, trên thực tế ở TPHCM mới chỉ đang triển khai trung tâm khu vực “đô thị vệ tinhTây Bắc Củ Chi”, mặc dù đây chỉ là “hướng phụ Tây – Tây Bắc ” nhưng có thể do quỹ đất có nhiều, nền đất tốt, mặc dù tuyến metro số 2 mới chỉ đến An Sương, nếu muốn tới khu đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi thì trước mắt cần một tuyến BRT từ An Sương đến Tây Bắc Củ Chi. Tuy nhiên đô thị Tây Bắc Củ chi gần như chưa có dự án lớn nào được triển khai xây dựng. Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh lại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi để quy hoạch khả thi hơn.

Cư dân và các nhà đầu tư chuyển dịch về khu vực phía Tây TPHCM sôi động

Cư dân và các nhà đầu tư chuyển dịch về khu vực phía Tây TPHCM sôi động

Phát triển “trung tâm khu vực”, hướng đi và giải pháp
Tiếp đến là TPHCM cũng đã đang triển khai trung tâm khu vực “đô thị cảng Hiệp Phước”, đây là “hướng chính Nam”, tuy khu vực này quỹ đất cũng có nhiều nhưng nền đất lại yếu, song lại hướng ra biển Đông, ra cảng Hiệp Phước, tuy nhiên tuyến metro số 4 chưa biết đến thời gian nào mới xây dựng.Trên thực tế đô thị cảng Hiệp Phước mới khởi động nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp để làm cơ sở cho việc phát triển hệ thống cảng biển ở đây. Tuy nhiên, hiệu quả của việc nạo vét này không như kỳ vọng nên các dự án xây dựng mới chỉ bắt đầu ở khu công nghiệp Hiệp Phước.
Khu vực hướng Đông, quy mô đất đai rất lớn, địa hình cao ráo, nền đất cứng và độ dốc thoai thoải, có tuyến metro số 1 đang được xây dựng, lại kết nối với tổng thể chung của “vùng TPHCM”, nên rất thuận lợi. Để hình thành và phát triển, trung tâm khu vực, “khu đô thị côngnghệ cao Q9” lại chưa được hình thành.
Còn về “hướng phụ Tây – Tây Nam”, tuy địa chất thủy văn không thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật đô thị có hạn nhưng lại là cửa ngõ từ miền Tây vào TP nên tình trạng xây dựng trái phép đang rộ lên, do vậy cần thiết xây dựng sớm trung tâm khu vực “khu đô thị Tân Tạo – Tân Kiên” để định hướng phát triển cho khu vực này, cho dù tuyến metro số 3 cũng chưa xây dựng.
Phát triển các “trung tâm khu vực” mới nêu trên phải dựa vào khung sườn giao thông công cộng theo cách tiếp cận “thành phố nén” (compact city), cấu trúc đô thị được tập trung vào các diện tích không quá lớn với mật độ dân cư cao, hoạt động kinh tế tập trung, là “khu đô thị phức hợp” dựa vào hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, nhất là metro.
Theo Gs. Frank Schwarter: “Các đô thị kiểu như TPHCM là đô thị có cấu trúc đô thị hạ tầng phức tạp, nhiều kênh rạch nên gặp không ít khó khăn để lồng ghép bảo vệ môi trường với phát triển đô thị vào dự án. Do vậy phát triển đô thị tại những nơi như vậy phải tính đến đô thị nén. Tức là TPHCM phát triển theo chiều cao, chiều thẳng đứng với những tòa nhà chung cư cao tầng chứ không nên dàn trải theo chiều ngang với những chung cư năm bảy tầng hay trên 10 tầng như hiện nay, yếu tố nén ở đây không phải nói đến tất cả các khu vực đô thị TPHCM, mà chỉ nén ở mức độ vừa phải, thay vì tòa nhà chọc trời. Đó cũng là cách để tiết kiệm qũy đất vốn đã không đủ đáp ứng nhu cầu nhà ở của cư dân TPHCM hiện nay”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xác định ranh giới trung tâm đô thị các khu vực còn lại nêu trên, lập quy hoạch chung, chi tiết và thiết kế đô thị để có cơ sở thực hiện. Các yếu tố thiết kế đô thị có thể bao gồm: các khu vực cảnh quan đặc biệt, các khu vực bảo tồn, các mảng cây xanh, các cửa ngõ vào thành phố, các đường phố biểu trưng gắn với đầu mối giao thông. Chính các trung tâm khu vực mới này là cơ hội để phát triển các dự án bất động sản như các trung tâm thương mại, giải trí, cao ốc văn phòng, khu phức hợp, khách sạn, nhà cao cấp, biệt thự v.v..
CẦN TIẾN HÀNH “TÁI CẤU TRÚC ĐÔ THỊ’ ĐỂ TRỞ THÀNH “TP ĐA TRUNG TÂM”
Cần thực hiện “Chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị”. Cụ thể, một mặt tiếp tục triển khai các khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và khu đô thị cảng Hiệp Phước, mặt khác “ưu tiên phát triển” trung tâm khu vực phía Đông “khu đô thị công nghệ cao” Quận 9 là cửa ngõ ra “vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, vùng đô thị TP HCM, và trung tâm khu vực phiá Tây – Tây Nam “khu đô thị Tân Tạo – Tân Kiên” huyện Bình Chánh là cửa ngõ ra vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long để hình thành “mô hình thành phố đa trung tâm”, kết nối với vận tải công cộng có sức chở lớn như metro nhằm giảm ùn tắc giao thông vì đây là tiêu chí hàng đầu của một đô thị kiểu mẫu (Model City) , tương tự như Singapore thành phố số 1 của Đông Nam Á. Cần hạn chế tối đa đầu tư vào các “đô thị nhỏ, lẻ” theo kiểu “lan tỏa” tràn lan kéo theo quá tải về cơ sở hạ tầng nhất là giao thông và môi trường hướng đến thành phố sống tốt.
Phát triển thành phố “đa trung tâm” với những giải pháp chính: Thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ TP lần thứ X, xây dựng “Chương trình đột phá vể chỉnh trang và phát triển đô thị” dựa trên căn bản “Quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị” của “quy hoạch TP đa trung tâm”, một thành phần của chiến lược phát triển TP, với nội dung chính như tóm lược sau:
– Tập trung di dời tái bố trí toàn bộ nhà ở trên kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư xuống cấp, gắn với chương trình chỉnh trang đô thị tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành công tác di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang hai bên bờ kênh rạch. Cùng với đó di dời tháo dỡ và xây dựng mới chung cư cũ trước năm 1975, thành phố xác định đến năm 2020, thực hiện cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới 50% số lượng chung cư hư hỏng trong số 474 chung cư.
– Quy hoạch xây dựng phát triển các khu đô thị vệ tinh đồng bộ, văn minh hiện đại, qua đó tổ chức lại cuộc sống các khu dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng diện tích mảng xanh, cây xanh tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian cảnh quan kiến trúc, cảnh quan xung quanh, phù hợp với sự phát triển của đô thị đặc biệt. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển Khu đô thị mới Nam thành phố. Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Kiến nghị sớm đầu tư vào các trung tâm khu vực như: khu đô thị công nghệ cao Q9, kết nối với Đông Nam Bộ và trung tâm khu vực, khu đô thị Tân Tạo – Tân kiên kết nối với Đồng Bằng Sông Cửu Long để sớm hình thành “hình thái đô thị đa trung tâm” theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…
– Phối hợp với các bộ ngành Trung ương và các địa phương liên quan tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, đường sắt đô thị, phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển đường sông./.

Nguyễn Đăng Sơn
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thi & Phát triển hạ tầng