25/09/2017

“Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận”: Cần đặt trong bối cảnh tổng thể phát triển đô thị bền vững

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Hà Nội và Hồ Chí Minh là hai thành phố có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ. Hai thành phố này đều đang phải đối mặt với khó khăn do phát triển bất động sản (BĐS) nhanh nhưng hạ tầng giao thông thiếu hụt trầm trọng. Do vậy, cả hai thành phố đều đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục.

Ga_Ha_Noi
Từ đầu năm 2017, Hà Nội đã mở cuộc thi sáng kiến tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông với sự tài trợ của tập đoàn BĐS. Kết quả 6 đơn vị vào chung kết và không có đề xuất nào có tính sáng tạo đột phá. Thành phố cũng chủ động xây dựng các nhóm giải pháp khác và khẩn trương tiến hành các dự án phát triển giao thông đô thị quy mô lớn lớn .
Từ tháng 6/2017, Hà Nội đã trình Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội (ĐSĐT). Trên cơ sở Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường với tổng chiều dài là 417,8 km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn từ nay đến 2030 gần 20 tỷ USD; sau năm 2031 là hơn 20 tỷ USD. Để có 300.000 tỷ VND đầu tư, Hà Nội đề xuất sử 6.000 ha đất, bán nhà biệt thự và cổ phần hóa các DNNN. Hiện đã có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án ĐSĐT: Tập đoàn Vingroup, Xuân Thành, Cty CP Lũng Lô 5, Cty Mosmetrotroy (Liên Bang Nga), Cty Tân Hoàng Minh, Liên danh Licogi, MIK Group Việt Nam và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc.
Ngày 12/9/2017, Hà Nội công bố kế hoạch đầu tư xây dựng Cầu Đuống 2, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và Vĩnh Tuy 2. Trong đó, dự án xây dựng Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến đầu tư theo hình thức BOT, còn lại các dự án khác đều đầu tư theo hình thức BT. Hà Nội sẽ giao hàng trăm ha đất cho các nhà đầu tư để đối ứng.
Cũng trong tháng 9/2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận. Xuất xây dựng lại ga Hà Nội với chức năng là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Để thực hiện các chức năng trên, đồ án quy hoạch 9 phân vùng chức năng gồm: khu văn hóa thấp tầng; các khu tài chính cao 40-70 tầng; khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao 40-60 tầng; khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; khu ga đường sắt 40-70 tầng… Chiều cao công trình 100-200 m, xây dựng quanh khu vực hồ Linh Quang.
Hà Nội mở rộng nhanh, nhưng hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, vì vậy Thành phố tập trung nguồn lực để phát triển giao thông là tất yếu . Tuy vậy, để đô thị phát triển bền vững, không thể dốc hết nguồn lực cho giao thông – đây là điều kiện cần mà chưa đủ và ẩn chứa nhiều rủi ro. Thành phố phải cân đối nguồn lực từ tài nguyên hạn hẹp của mình cho các nhu cầu không kém quan trọng khác như giáo dục, y tế, an ninh, môi trường, không gian công cộng, cây xanh mặt nước và các cơ sở sản xuất thương mại, dịch vụ …đảm bảo cơ hội tiếp cận việc làm, cơ hội sinh kế cho hàng chục triệu cư dân tại chỗ và các cư dân giao dịch thường xuyên với Thành phố .
Chính vì vậy Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 đã đặt ra mục tiêu của Quy hoạch là : “ Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.”
Trở lại với “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận” – đây là một khu vực quy hoạch gắn liền với dự án phát triển hệ thống giao thông đường sắt quốc gia, quốc tế và đường sắt đô thị (ĐSĐT): có 2 ga ĐSĐT của 2 tuyến số 1 và 3 cùng đi qua khu vực này. Do tính phức tạp và mới mẻ của phương pháp tiếp cận lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (TOD – Transit Oriented Development ) nên JICA đã tài trợ cho nghiên cứu TOD Hà Nội, như HAIDEP (2004): Đề xuất phát triển mạng lưới ĐSĐT Hà nội; HAIMUD (2011): Lập quy hoạch định hướng TOD; và HAIMUD 2 (2015): Dự án nghiên cứu thực hiện phát triển đô thị gắn kết với ĐSĐT ở Hà Nội .
Mặc dù đã được tư vấn Nhật Bản nghiên cứu công phu hơn 10 năm, nhiều phần đã được tích hợp trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (2011) nhưng “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận” xuất hiện nhiều nội dung không dựa vào chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong Quy hoạch chung 2011, vượt qua những sở cứ khoa học / mục tiêu mà đoàn tư vấn Nhật Bản đã chỉ ra và còn bỏ qua Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng nội đô Hà Nội (2016)… do vậy đồ án đã nhận được nhiều ý kiến quan ngại của giới chuyên môn và cộng đồng xã hội.
Phát triển đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua đang gặp nhiều hạn chế, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cần được tháo gỡ sớm là chất lượng đồ án quy hoạch còn hạn chế. Do vậy, các đơn vị quản lý cần tăng cường mạnh mẽ, thúc đẩy và giám sát chặt chẽ chất lượng các đồ án quy hoạch… Một số địa phương đã trông cậy vào tư vấn quốc tế làm giải pháp cứu vãn tình thế. Thực tế kết quả thi các sáng kiến chống ùn tắc giao thông Hà Nội và “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận” cho thấy: tư vấn nước ngoài cũng không mang lại kết quả như mong đợi mà cần thiết có sự chung tay của các cơ quan quản lý chuyên môn, chuyên gia độc lập trong nước và quốc tế, cộng đồng xã hội cùng tham gia giám sát, đánh giá… thì mới hy vọng các đô thị Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng có đồ án quy hoạch chất lượng tốt, định hướng phát triển đô thị một cách bền vững.

KTS. Trần Huy Ánh – Thành viên HĐKH, BBT Tạp chí Kiến trúc Việt Nam