18/10/2021

Quy hoạch khu trụ sở các bộ, ngành TW: Đề bài ‘vòng kim cô’ và lo ngại khu tập trung mới

Một đề bài quy hoạch – thiết kế đô thị quá hẹp, như “vòng kim cô” khống chế sáng tạo các nhà thiết kế. Đưa hết cơ quan bộ nghành Trung ương vào một không gian lịch sử của Hà Nội, có phải chủ trương đúng?

Cuộc thi yêu cầu ý tưởng quy hoạch, thiết kế xây dựng Khu trụ sở làm việc của các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ, hiện đại; thể hiện tính chất của cơ quan Nhà nước thân thiện, cởi mở, hướng tới phục vụ người dân; hình thành cụm công trình kiến trúc đặc sắc không chỉ của Thủ đô mà của cả nước, xứng đáng là biểu tượng cho kỷ nguyên phát triển của Việt Nam, hướng tới là một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cần có sự linh hoạt để thích ứng với yêu cầu của các Bộ, ngành khác nhau.

Thể hiện tài năng kiến trúc bằng… mỹ từ?

Thông thường một đề bài quy hoạch – thiết kế đô thị thường cần bao gồm một phạm vi trong đó đủ để người thiết kế thi thố được quan điểm của mình trong xây dựng địa điểm. Nhưng phạm vi của đề bài này, phải nói ngay là quá hẹp. Trong đó chỉ có một hành lang xanh (mà quy hoạch chung và phân khu đã xác định rồi) cộng với một lớp không gian xây dựng hai bên, nơi chia lô một cách đều đặn cho các tòa nhà văn phòng. Và trên thực tế hiện trường, khung giao thông đã được định hình,  xây xong phân nửa. Trong khu đất này, không có sự tham gia của các thành phần đô thị khác như dân cư (cho dù là nhà ở công vụ), thương mại dịch vụ, du lịch…

Như vậy có thể thấy, nhà thiết kế không còn gì để “diễn” khi thực hiện theo đề bài. Có chăng là thi nhau vẽ cái hành lang xanh thật lạ. Điều đó dẫn đến vì sao ta thấy các phương án dự thi đều “khoét rất sâu” vào đề tài  bằng mỗi việc thiết kế cảnh quan không gian xanh giữa hai dãy công trình. Song dù cho có hoa mỹ đến đâu, họ cũng không thể che dấu bản chất của không gian này: đó chỉ  là không gian mở giữa các khối văn phòng hành chính, không hơn không kém.

Thậm chí nếu nhìn vào giải pháp quy hoạch chung và phân khu tại khu vực, ta thấy có nét còn tiến bộ hơn các phương án dự thi. Một là, không gian xanh đồng thời là kênh dẫn nước, có tác dụng điều hòa thủy văn cho một khu vực trũng thấp như Hồ Tây. Một khi các khối xây dựng càng bê tông hóa nhiều, việc có được các không gian nước là giải pháp để giảm thiểu ngập đô thị. Hai là, đều ngầm hóa Nhà ga chia đôi không gian xanh dài thượt để thông suốt hành lang xanh và dùng nó để tạo điểm nhấn cho hai trục nhìn của các phố chính.

Rõ ràng đó như là một giải pháp để nhấn mạnh “tài nghệ thiết kế cảnh quan”, hơn là một cái nhìn kinh tế – văn hóa – xã hội. Thậm chí để đạt được hiệu quả ấn tượng thị giác, họ còn thi nhau “phô diễn”, cường điệu sự hoành tráng của dải không gian mở, khiến đánh mất đi cái nguyên lý cơ sở của thiết kế đô thị là phù hợp với “tỷ lệ con người”.

Tất cả cho thấy, chính  sự “chật hẹp” của đề bài đã đẩy sự “muốn thắng” của các bài dự thi đến một trạng thái cực đoan,  biến  nơi đây trở thành cuộc thi thiết kế hành lang xanh giữa hai dãy nhà văn phòng, đắp điếm thêm rất nhiều mỹ hiệu như: “dải ngân hà”, “quảng trường dân chủ”, “hóa rồng”…

Nhìn lại cách đây ít lâu, năm 2013, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Hội KTS Genoa – Italia mở cuộc thi Historical Hanoi 2013 cho các nhà quy hoạch và thiết kế đô thị. Cách ra một đề bài mở của cuộc thi  là điều ta nên học ở các nền kiến trúc có văn hóa.

Phạm vi khu vực nghiên cứu rất nhỏ, chỉ bao gồm cạnh Bắc Hồ Hoàn Kiếm và một đoạn phố Hàng Đào, cùng với lớp đô thị bao quanh, song phạm vi đề bài lại mở ra vô số cách nhìn, cách sáng tạo về hồi sinh sức sống đô thị trong một khung cảnh chồng lớp lịch sử. Diện tích khu vực tác động tuy nhỏ, nhưng người thiết kế được mở rộng hiểu biết của mình cả về chiều rộng không gian, chiều sâu lịch sử, để xây dựng được triết lý thiết kế phù hợp.

Sự đánh giá cũng không nằm trong vấn đề hình ảnh trình diễn đẹp đến mức nào, mà nằm hết trong việc bài dự thi cho thấy quan niệm thiết kế mới là đáng giá.

Phạm vi đề bài thiết kế Quảng trường Đông kinh nghĩa thục – Historical Hanoi 2013… và kết quả đa dạng của các bài dự thi

Còn vô số ví dụ khác về việc nên ra đề cho một cuộc thi kiến trúc như thế nào với tính mở đủ rộng để có thể lấy được những giá trị tinh túy của sáng tạo, thay vì nhiều “chất thợ”. Đó có lẽ là một bài học đáng quý đối với những người ra đề thi.

Tập trung các bộ ngành vào một  khu vực đã đúng chưa?

Về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc của cuộc thi tưởng không còn gì để nói, xin nói thêm chút về việc dồn hết các cơ quan Trung ương vào khu vực Tây Hồ Tây.

Khu vực đơn năng sẽ hạn chế lan tỏa: Mặc dù về thể loại công trình và không gian, Khu trụ sở làm việc các bộ ngành Trung ương có cả các công trình trụ sở hành chính, công cộng dịch vụ và không gian mở, song do sự tập trung cao độ các công sở, chức năng chủ đạo của khu này là nhà làm việc của các cơ quan hành chính.

Điều đó tựa như trở lại với  khái niệm xa xưa trong các kinh thành phong kiến: khu vực Hoàng thành, nơi đặt các cơ quan công quyền. Nhìn lại cấu trúc kinh thành phong kiến Việt Nam, Hoàng thành  thậm trí còn là nơi ở của quan lại và một ít thường dân, chứ không đơn năng như Khu trụ sở của chúng ta hiện nay. Một khu vực đơn năng có chiều dài hơn 2km như vậy, trong chuyên môn thiết kế đô thị thường được coi là  “một quái vật đô thị”.

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Trong đô thị, một cơ quan công sở lớn cỡ như một Bộ có hàng trăm nhân viên làm việc, mỗi ngày xảy ra hàng ngàn giao dịch với bên ngoài. Có nghĩa là chỉ một công trình nhà làm việc cũng đã tạo nên nguồn sống cho rất nhiều người. Nó có thể khiến một hoặc vài con phố lân cận có được sinh kế từ các cửa hàng sách, cửa hàng café, cửa hàng ăn, nhà hàng cao cấp, khách sạn, nơi tổ chức hội họp, sự kiện, cửa hàng tiện ích… Nếu nhiều công sở cùng phân bố gần nhau trong một phạm vi đô thị nhất định có xen kẽ dân cư, thì cả khu vực xã hội đô thị ấy sẽ trở nên tràn đầy sức sống. Đó là phương cách mà rất nhiều thành phố áp dụng, tức là sử dụng chính hệ thống công sở làm một động lực tạo thị.

Thế nên, việc tập trung hết một loạt trụ sở vào một khu gần như khép kín đã giảm thiểu các cơ hội tạo sinh kế đô thị, cũng đồng thời làm cho sinh hoạt của nhân viên các văn phòng ở đây trở nên gò bó. Điều duy nhất có lợi của mô hình này là sự dễ kiểm soát an ninh, theo cách cổ điển nhất – dễ rào lại thành một khu khép kín.

Chưa kể, khu vực trải dài hơn 2km các tòa nhà rất lớn này không hề sống về đêm. Cơ bản là cứ sau 5h chiều hàng ngày và đến cuối tuần, nơi đây trở nên hoang vắng, đối nghịch với cảnh nườm nượp thăm viếng trong giờ hành chính.

Xóa sổ dấu ấn bản địa: Khu vực này không lâu trước đây, là địa bàn sinh sống của cư dân  những làng hoa, làng nông nổi tiếng Hà Thành, như Xuân La, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo, Phú Thượng… với những giá trị lịch sử văn hóa đã phần nào trở thành bản sắc của Hà Nội. Không kế tiếp mạng lưới cấu trúc giao thông, thủy lợi trong quá khứ, nghĩa là gần như xóa bỏ hiện trạng.

Có thể nói rằng với khung đường mới, quy hoạch chung Hà Nội đã “dọn sạch” những dấu ấn này. Các khu chức năng mới đang được hiện thực hóa (đã, đang xây dựng) gần đây làm nốt công việc còn lại, tức là giải tỏa dân cư lâu đời hiện hữu, và thay thế bằng các khu đô thị mới cao cấp, khu văn phòng…

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Trong tương lai gần, khu dân cư còn sót lại ven hồ Tây của làng Xuân La cũ cũng sẽ bị “xóa sổ” nốt theo quy hoạch để tạo kết nối ra mặt hồ cho khu trụ sở. Giá đền bù giải phóng mặt bằng khu vực này có thể “giáng một đòn” nặng lên ngân sách. Nhiều khả năng ý đồ quy hoạch này không dễ thực hiện do khó giải phóng mặt bằng tại đây.

Điều đáng nói là, thực sự không cần thiết đưa ra các ý tưởng  “quy hoạch tẩy trắng hiện trạng” như vậy. Một địa điểm kết hợp hài hòa các yếu tố cũ – mới, nhỏ – to, dân sự – hành chính, nhân tạo – tự nhiên, mới có được sức sống bền vững và thực chất.

Thách thức giao thông nội đô: Đây là khu vực tập trung cao độ hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể. Với mức độ tập trung như vậy, một lượng chuyến đi lớn sẽ hội tụ tại Tây Hồ Tây, trong khi cấu trúc mạng giao thông nội đô Hà Nội không hề hướng tâm về địa điểm này.

Điều sẽ xảy ra là hàng triệu chuyến đi hàng ngày để đến và đi với mục đích làm việc, họp hành, xin thủ tục hành chính… liên quan đến các cơ quan nhà nước đặt trong khu vực. Với  toàn bộ hoạt động của chúng gánh nặng giao thông sẽ đặt lên hai đường: Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng. Cộng với sức tải của những khu đô thị mới đang phát triển nhanh dọc theo đường Vành đai 3, ma trận giao thông của thành phố Hà Nội  sẽ có thêm nhiều điểm nghẽn mới.

Mục đích cuộc thi: Cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc của các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, với mục tiêu: Đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan và công năng sử dụng; làm cơ sở hoàn thiện Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và công tác chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng các trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại khu vực Tây Hồ Tây.

Ths.KTS Trần Vũ