04/01/2024

Quy hoạch hệ thống không gian xanh và cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn

(KTVN 247) – Trong những năm gần đây trào lưu du lịch, khám phá gắn với tư tưởng văn hóa “trở về với thiên nhiên” ngày càng phát triển trên thế giới. Tại các miền quê nông thôn Việt Nam có nhiều kiểu dạng địa hình (sông hồ, đồng ruộng) cùng các điều kiện khí hậu khác nhau đã tạo nên những hình ảnh vùng quê độc đáo, các khu vực cảnh quan nông thôn trong một hệ không gian xanh phong phú. Cùng với đó là các giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của nhiều dân tộc còn được bảo lưu. Chính vì vậy, nông thôn có thể hội tụ nhiều tài nguyên du lịch để phát triển loại hình du lịch nông thôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

MỞ ĐẦU

Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân hiện đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ đã khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Trong những năm gần đây trào lưu du lịch, khám phá gắn với tư tưởng văn hóa “trở về với thiên nhiên” ngày càng phát triển trên thế giới. Việt Nam với nhiều kiểu dạng địa hình, sông hồ, đồng ruộng, cùng điều kiện khí hậu khác nhau đã tạo nên hệ thống không gian xanh, cảnh quan độc đáo và phong phú. Nông thôn Việt Nam là nơi sinh sống của người nông dân trong hệ thống không gian xanh, nông thôn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa giàu bản sắc có sức thu hút du khách trong và ngoài nước. Nông thôn Việt Nam là nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch để phát triển du lịch, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.

Ở nông thôn, hệ thống không gian xanh và cảnh quan có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn. Hệ thống không gian xanh, cảnh quan không chỉ là điều kiện để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững mà còn là tiềm năng để phát triển du lịch. Do đó, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới ngoài nhiệm vụ tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đảm bảo đời sống người dân, giữ gìn truyền thống văn hóa; bảo đảm vệ sinh môi trường cần chú trọng hơn nữa đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị không gian xanh, cảnh quan nhằm phát triển du lịch nông thôn.

Hiện nay, thuật ngữ không gian xanh, cảnh quan đã được sử dụng nhiều trong nghiên cứu chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc, tuy nhiên quy định pháp luật về các nội dung này còn chưa đầy đủ. Hệ thống không gian xanh tuy đã được đưa vào Quy chuẩn quốc gia 01:2019/BXD và 01:2021/BXD nhưng các quy định kỹ thuật cụ thể còn chưa được thể hiện rõ, các yêu cầu về tổ chức hệ thống không gian xanh và thiết kế cảnh quan trong thành phần hồ sơ các đồ án quy hoạch xây dựng nói chung và quy hoạch xây dựng nông thôn nói riêng còn mờ nhạt. Điều đó đã dẫn tới chất lượng của các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn chưa bao quát đầy đủ và có tính hệ thống trong việc bảo vệ giữ gìn bộ khung không gian tự nhiên gắn với hệ thống không gian xanh, cảnh quan nông thôn, làm hạn chế khả năng bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch nông thôn.

YÊU CẦU VÀ NHIỆM VỤ CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN BỀN VỮNG TRONG CÔNG TÁC QUY HOẠCH NTM

Trong hội nghị về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeriro (1992), Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đã đề ra khái niệm “Du lịch bền vững là sự phát triển toàn diện về các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, đồng thời quan tâm đến người dân bản địa, bảo tồn các nguồn tài nguyên và có kế hoạch quản lý nguồn tài nguyên một cách hợp lý. Phát triển du lịch bền vững cũng cần duy trì được các giá trị văn hóa, sự đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái, đồng thời góp phần hỗ trợ cho cuộc sống của con người”.

Do đó, phát triển du lịch nông thôn bền vững sẽ gắn với 03 hợp phần cơ bản như sau:

Thân thiện môi trường: tác động thấp đến nguồn lợi tự nhiên, giảm thiểu rủi ro đến môi trường, phát triển có lợi cho môi trường

Gần gũi về xã hội và văn hoá: không gây hại đến các cấu trúc xã hội hiện hữu tại các điểm dân cư nông thôn, phát triển tôn trọng văn hoá truyền thống và cộng đồng địa phương, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành tour, và quản lý chính quyền)

Phát triển kinh tế: phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn cũng như các bên liên quan, tạo ra những thu nhập công bằng và mang lợi ích cho người dân và du khách, đảm bảo hài hoà trong phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Tại Việt Nam, ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với quan điểm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM. Trong đó, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền.

Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Các nhiệm vụ được gắn với công tác quy hoạch nông thôn bao gồm: (1) Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. (2) Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.

Với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, các yêu cầu trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn sẽ bao gồm: (1) Nghiên cứu các mô hình tổ chức không gian nông thôn gắn với các loại hình du lịch nông thôn; (2) Bảo vệ, phát triển hệ thống không gian xanh, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn, (3) Bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng; (4) Thiết lập hệ thống công trình hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch, (5) Giải pháp trong bảo tồn, phục dựng và phát triển không gian các làng nghề sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống, hoạt động nông nghiệp, biểu diễn văn hóa, thể thao; (6) Hỗ trợ không gian, kết cấu hạ tầng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền.

HỆ THỐNG KHÔNG GIAN XANH VÀ CẢNH QUAN TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN

Không gian xanh được định nghĩa là toàn bộ không gian trống được phủ xanh bởi cây xanh và mặt nước thoáng, có đặc điểm sinh khối riêng, không phụ thuộc vào chế độ sở hữu, có nguốn gốc từ hệ sinh thái tự nhiên, hoặc bán tự nhiên chuyển đổi thành không gian đô thị, nông thôn, có cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và kỹ thuật phù hợp; được phân bố theo các cấp không gian đô thị, nông thôn trong một hệ thống lãnh thổ xác định, trong đó diễn ra các hoạt động thường xuyên của các loài sinh vật và con người. Không gian xanh giữ vai trò vừa là lá phổi vừa là kết cấu hạ tầng xanh của đô thị, khu dân cư nông thôn.

Mối quan hệ của không gian xanh với phát triển du lịch, nông nghiệp – nông thôn bền vững

Hệ thống không gian xanh luôn là một bộ phận quan trọng cấu thành cơ cấu quy hoạch trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã và các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn. Vai trò của hệ thống không gian xanh bao gồm: tạo lập nên bộ khung bảo vệ thiên nhiên đảm bảo phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững; tạo sự khác biệt, là môi trường cho các hoạt động kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và các hoạt động xã hội của người dân nông thôn và du khách; tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng có sức quyến rũ đặc biệt tạo nên bản sắc riêng cho các vùng nông thôn; mang lại lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, nhân văn ở nông thôn; góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu.

Hệ thống không gian xanh nông thôn bao gồm không gian xanh nhân tạo, không gian xanh bán tự nhiên và không gian xanh tự nhiên. Hệ thống không gian xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển du lịch nông thôn.

Hệ thống không gian xanh nhân tạo góp phần tạo nên bản sắc làng quê độc đáo, hấp dẫn, phục vụ các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch lễ hội, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng…

Hệ thống không gian xanh bán tự nhiên cùng với địa hình, mặt nước, cây xanh, khí hậu sẽ tạo nên các giá trị cảnh quan đặc sắc riêng hấp dẫn du khách gắn với các hoạt động du lịch thiên nhiên, trải nghiệm, du lịch giáo dục, du lịch thể thao, giải trí…

Hệ thống không gian xanh tự nhiên gắn với các hoạt động du lịch thiên nhiên, trải nghiệm khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch khoa học, du lịch thể thao, giải trí…

Sơ đồ tổ chức các loại hình du lịch nông thôn gắn với hệ thống không gian xanh

Cảnh quan là một phần không gian lãnh thổ được hình thành bởi sự kết hợp giữa các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên và yếu tố văn hoá do con người tạo dựng. Cảnh quan bao gồm cảnh quan tự nhiên do thiên nhiên tạo lập và cảnh quan nhân tạo do con người tạo lập trong quá trình tổ chức các hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội. Dưới góc độ cảnh quan thì cảnh quan nông thôn được kết hợp bởi các yếu tố cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo với các đặc trưng của núi, đồi, sông, hồ, ao, biển, rừng cây, đồng ruộng, các thảm thực vật và xóm làng, đền, đình chùa,… Cảnh quan nông thôn phản ánh tổng hợp cuộc sống của người dân và khu vực sống của họ và tạo lên bản sắc. Cảnh quan, cư dân với đời sống của họ hình thành nên nét đặc trưng riêng, là bức tranh toàn cảnh về các vùng quê nông thôn.

Trong một bức tranh về cảnh quan nông thôn, có hình ảnh rộng lớn của cảnh quan tự nhiên làm phông nền, có dòng sông, dòng suối, hồ nước, có cánh đồng, làng mạc, cây cỏ và có con người làm chủ thể. Ở đó có sự giao hoà giữa các thành tố của hệ thống không gian xanh và các thành tố của cảnh quan nông thôn. Hệ thống không gian xanh nông thôn và cảnh quan nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, phát triển hệ thống không gian xanh nông thôn cũng nhằm mục đích bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan nông thôn.

Dưới góc độ của công tác quy hoạch NTM với nhiệm vụ phát triển du lịch thì phát triển hệ thống không gian xanh cần phải được gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu thiết kế cảnh quan nông nghiệp, nông thôn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KHÔNG GIAN XANH VỚI BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ CẢNH QUAN NÔNG THÔN NHẰM PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Không gian xanh bán tự nhiên tại Mù Cang Chải (Yên Bái)

Điều tra khảo sát, kiểm kê quỹ không gian xanh và lập hồ sơ về hệ thống không gian xanh

Trong giai đoạn hiện nay, cần sớm có những điều tra khảo sát, kiểm kê quỹ không gian xanh và lập hồ sơ về hệ thống không gian xanh.

Cần phân loại hệ thống không gian xanh theo các cấp tỉnh, huyện, xã và theo các khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn, các điểm du lịch, các khu du lịch và các khu chức năng khác.

Cùng với việc giám sát bảo vệ sẽ xây dựng định hướng phát triển hệ thống không gian xanh, quy hoạch hệ thống không gian xanh và quản lý hệ thống không gian xanh.

Yêu cầu trong quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ thống không gian xanh và cảnh quan nông thôn nhằm phát triển du lịch

Đối với hệ thống không gian xanh tự nhiên, cảnh quan tự nhiên

Tập trung bảo vệ và gìn giữ tuyệt đối hệ thống không gian xanh tự nhiên, cảnh quan tự nhiên tại các khu vực bảo tồn tự nhiên, khu danh thắng, các khu vực du lịch sinh thái, dọc các hệ thống sông, suối, đầm, hồ theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên, đất đai và môi trường.

Đối với hệ thống không gian xanh, cảnh quan bán tự nhiên

Bảo tồn đất nông, lâm, ngư nghiệp; tăng cường khả năng phục hồi tái tạo đất đai gắn với phát triển cây xanh.

Đối với các khu vực rừng sản xuất, vườn cây, đồng ruộng… cần có giải pháp quy hoạch và thiết kế cảnh quan phù hợp, phong phú để tạo dựng cảnh quan nông lâm nghiệp độc đáo, hấp dẫn du khách.

Hạn chế tối đa xây dựng công trình, đối với các công trình được phép xây dựng phải đảm bảo đúng quy định về kiến trúc phù hợp với cảnh quan khu vực.

Hạn chế tối đa đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi, các công trình có khả năng gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan sinh thái. Đối với một số dự án hiện có ô nhiễm cần có biện pháp khắc phục, đảm bảo tốt quy định về khu cây xanh cách ly và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đến hết thời hạn thuê đất có biện pháp thu hồi và khôi phục lại không gian xanh nhằm phục vụ du lịch.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp gắn liền với quy hoạch nông trang mới, quy hoạch cảnh quan nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp gắn liền với các hoạt động du lịch sinh thái, nhân văn.

Đối với không gian xanh nhân tạo trong các thị trấn, các điểm dân cư nông thôn

Đối với các khu vực bản, làng, thôn xóm, hệ thống không gian xanh và cảnh quan nhân tạo cần được quy hoạch, thiết kế và quản lý chặt chẽ để tạo nên các khu vực có cảnh quan hấp dẫn có giá trị cao, đậm đà bản sắc văn hóa

Đối với các khu vực di tích lịch sử văn hoá có giải pháp khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản, có các giải pháp thiết kế cảnh quan, cây xanh phù hợp.

Đảm bảo được thực hiện đầy đủ, đúng và vượt các chỉ tiêu hiện hành về cây xanh đô thị, cây xanh khu dân cư nông thôn.

Có giải pháp huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các hành lang xanh, các khu vực công viên, vườn hoa tạo nên hệ thống không gian xanh phong phú hấp dẫn.

Đẩy mạnh phát triển đầu tư không gian xanh theo các dự án, tập trung nghiên cứu về cảnh quan tại các đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng và các khu chức năng khác để tạo nên giá trị bản sắc riêng biệt.

Đầu tư phát triển các thể loại công viên chuyên môn đặc sắc hấp dẫn khách du lịch.

Giải pháp quy hoạch hệ thống không gian xanh, cảnh quan nông thôn

Quy hoạch hệ thống không gian xanh là cơ sở để quản lý bảo vệ và phát triển hệ thống không gian xanh, cảnh quan nông thôn với các nhiệm vụ chính: 

Thiết lập một hệ thống không gian xanh đồng bộ, liên hoàn, liên tục từ không gian xanh tự nhiên, không gian xanh bán tự nhiên đến không gian xanh nhân tạo; từ hệ thống không gian xanh cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện đến các điểm dân cư, khu dân cư đô thị nông thôn.

Bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị hệ thống không gian xanh, cảnh quan tự nhiên, bán tự nhiên cùng các tài nguyên du lịch nhằm phát triển nông nghiệp, đa dạng hoá các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Hạn chế tối đa các tác động làm thay đổi địa hình và các điều kiện tự nhiên khác.

Quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng phục vụ các loại không gian xanh, cảnh quan bán nhân tạo để hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến gắn với phát triển du lịch, phát huy lợi thế cạnh tranh và các nhu cầu thị trường.

Xác định các chỉ tiêu cơ bản như: mật độ sử dụng các thửa đất, lô đất; tỷ lệ độ che phủ xanh để kiểm soát sự phát triển không gian xanh hạn chế do các tổ chức, cá nhân tự quản trong các dự án du lịch.

Kiểm soát chặt chẽ các phương án thiết kế cảnh quan nhằm đảm bảo yếu tố bản sắc địa phương.

Bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc, cảnh quan bản địa, các công trình xây dựng mới phải phù hợp với cảnh quan, bản sắc địa phương, phù hợp nhu cầu sử dụng của người dân và du khách.

Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý phát triển nhằm huy động các nguồn lực phát triển hệ thống không gian xanh, cảnh quan gắn với du lịch nông nghiệp – nông thôn bền vững.

Nội dung quy hoạch hệ thống không gian xanh, cảnh quan có thể được nghiên cứu, thể hiện trong các loại đồ án quy hoạch sau:

(1) Lồng ghép nội dung quy hoạch hệ thống không gian xanh, cảnh quan trong các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn, các dự án đầu tư phát triển.

Quy hoạch hệ thống không gian xanh có thể được lồng ghép, tích hợp trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn, trong đó các nội dung quy hoạch không gian xanh, cảnh quan cần phải được gắn bó chặt chẽ với nội dung quy hoạch phát triển du lịch. Các nội dung cụ thể về quy hoạch hệ thống không gian xanh, thiết kế cảnh quan nông thôn nhằm phát triển du lịch trên địa bàn các huyện sẽ gắn bó chặt chẽ với các thể loại đồ án quy hoạch xây dựng cấp huyện bao gồm: đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; đồ án quy hoạch chung xây dựng thị trấn, xã; đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư, trung tâm xã và khu chức năng nông thôn; đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực chức năng như di tích lịch sử văn hoá, làng nghề,…

Sơ đồ cấu trúc phát triển không gian vùng huyện:huyện Lạng Giang và huyện Yên Thuỷ

Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã, thị trấn. Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn theo hướng bền vững, định hình kiến trúc nông thôn có tính đặc thù của các địa phương.

Sơ đồ cấu trúc phát triển không gian và phương án cơ cấu quy hoạch ĐTM Kon Thup, tỉnh Gia Lai

(2) Lập đồ án riêng về quy hoạch hệ thống không gian xanh, cảnh quan nông thôn.

Đối với các huyện, xã và các điểm dân cư nông thôn có nhiệm vụ phát triển du lịch có thể được phép lập đồ án quy hoạch hệ thống không gian xanh, cảnh quan riêng và phải được các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch.

Đồ án quy hoạch, thiết kế không gian xanh, cảnh quan cần tích hợp đầy đủ các nội dung theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, di sản văn hoá, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng xã,… Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thiết kế cho các khu vực bảo vệ, khai thác, phát triển không gian xanh, cảnh quan gắn bó với phát triển du lịch.

Nội dung quy hoạch không gian xanh, cảnh quan cần được thể hiện cụ thể về mục tiêu, nhiệm vụ cùng các yêu cầu, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp với quy định pháp luật để phục vụ tốt cho công tác quản lý phát triển, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng trên địa bàn thị trấn, xã nông thôn.

KẾT LUẬN

Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nông thôn mới bền vững là một chủ chương đúng đắn của Nhà nước ta, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới.

Nông thôn Việt Nam là nơi có truyền thống văn hoá lâu đời gắn với những giá trị lịch sử, cảnh quan phong phú. Để phát triển du lịch nông thôn cần có những nghiên cứu sâu về mô hình phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, tổ chức dân cư nông thôn và phát triển hệ thống không gian xanh, cảnh quan. Thông qua đó không chỉ giúp cho công tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch đạt hiệu quả mà còn phát triển đa dạng hoá các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch và phát huy tối đa các lợi thế cạnh tranh của các địa phương.

Để nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn, thiết kế cảnh quan, kiến trúc nông thôn nhằm phát triển du lịch và đảm bảo cho công tác quản lý phát triển, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng hệ thống không gian xanh và cảnh quan nông thôn, cần sớm hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về quy hoạch không gian xanh, thiết kế cảnh quan trong hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn. Các nội dung quy hoạch hệ thống không gian xanh, thiết kế cảnh quan cần được tích hợp trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng thị trấn, xã và các đồ án quy hoạch xây dựng khác, qua đó sẽ góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn, phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa và đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lương Tiến Dũng (2017) Quản lý hệ thống không gian xanh các đô thị du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, lấy đô thi Ninh Bình làm ví dụ, Luận án Tiến sĩ.
  2. Lương Tiến Dũng (2023), Quy hoạch tỉnh Bắc Giang với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, Tham luận hội thảo khoa học “Kiến trúc và Quy hoạch nông thôn Bắc Giang góp phần phát triển bền vững” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ tỉnh Bắc Giang tổ chức, tháng 7 năm 2023.
  3. Lương Tiến Dũng (2023), Tổ chức hệ thống không gian xanh huyện Lạng Giang hướng tới đô thị xanh, Tham luận hội thảo khoa học “Phát triển và xây dựng đô thị xanh tại huyện Lạng Giang” do UBND huyện Lạng Giang và Hiệp hội KHKT tỉnh Bắc Giang tổ chức, tháng 7 năm 2023.
  4. Lương Tiến Dũng (2023), Quy hoạch xây dựng nông thôn theo hướng sinh thái đáp ứng tiêu chí NTM nâng cao tại huyện Lạng Giang; Tham luận hội thảo khoa học “Xây dựng nông thôn sinh thái trên địa bàn huyện Lạng Giang” do UBND huyện Lạng Giang và Hiệp hội KHKT tỉnh Bắc Giang tổ chức, tháng 8 năm 2023.
  5. Lã Thị Kim Ngân (2023), Nông thôn sinh thái gắn với đô thị hoá ở Lạng Giang; Tham luận hội thảo khoa học “Phát triển và xây dựng đô thị xanh tại huyện Lạng Giang” do UBND huyện Lạng Giang và Hiệp hội KHKT tỉnh Bắc Giang tổ chức, tháng 8 năm 2023.
  6. Lương Tiến Dũng (2023), Dự thảo báo cáo quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Thuỷ đến năm 2040.
  7. Lương Tiến Dũng (2023), Báo cáo quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Kon Thụp huyện Măng Yang, tỉnh Gia Lai đến năm 2040.
  8. Đồ án tốt nghiệp Quy hoạch hệ thống không gian xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, do nhóm sinh viên Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Văn Thức, Nguyễn Ngọc Thanh, lớp 12Q2 thực hiện. (6/2017). Đồ án đã đạt điểm xuất sắc, đạt giải ba giải thưởng Kiến trúc xanh và giải ba cho đồ án Tốt nghiệp xuất sắc của Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam năm 2017

TS.KTS Lương Tiến Dũng – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội