22/07/2020

Quy hoạch hai bờ sông Hồng: Bảo đảm phát triển bền vững

Hà Nội rất chủ động trong các phương án phát triển đô thị đôi bờ sông Hồng nhưng vẫn vướng mắc do chưa có quy hoạch thoát lũ và đê điều. Giải pháp nào để phù hợp với kế hoạch phát triển bền vững, cân bằng đất và nước?

Công viên bãi giữa  sông hai mùa lũ cạn tại Chiết Giang  (Trung Quốc) và đề xuất khu dân cư hai mùa lũ cạn ngoài đê sông Hồng Hà Nội

Công viên bãi giữa sông hai mùa lũ cạn tại Chiết Giang (Trung Quốc) và đề xuất khu dân cư hai mùa lũ cạn ngoài đê sông Hồng Hà Nội

Chờ một chiến lược mới 
Năm 2016, Bộ NN&PTNT đã lập, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Nhằm bảo đảm an toàn thoát lũ, Quy hoạch chỉ ra cần di dời 855.993 người đang định cư trên diện tích 12.504ha trong các bãi sông và chỉ cho phép xây dựng dưới 15% diện tích bãi sông tại Tàm Xá – Xuân Canh, Long Biên – Cự Khối (Hà Nội); có thể nghiên cứu xây dựng tại 132 tuyến đê, tổng diện tích 32.629ha. Tổng dự toán gần 113.000 tỷ đồng. Ngoài vốn ngân sách còn xã hội hóa, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi sông hoặc đầu tư PPP (sử dụng đất vùng bãi sông) – có thể hiểu là tiền đầu tư thu từ tiền bán diện tích dành cho thoát nước. Câu hỏi đặt ra là, giảm diện tích thoát lũ thì sao gọi là an toàn thoát lũ? Thực tế hành lang thoát lũ, chậm lũ đã được các chuyên gia thủy lợi của Pháp định ra từ 1905 và được củng cố, duy trì trong suốt 100 năm, từng bước suy giảm. Cụ thể, tại tỉnh Hà Tây (trước khi sáp nhập vào Hà Nội 2008), lãnh đạo tỉnh này đã giao hàng chục ngàn hecta đất nằm trong hành lang thoát lũ cho các chủ đầu tư nghiên cứu bất động sản.
Năm 2020, Hà Nội cũng như cả nước chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục, Đồng bằng sông Cửu Long khô hạn nặng, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, nhiều vùng trồng trọt nhiễm mặn. Tại Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, nguồn nước tưới thiếu và ô nhiễm nặng (Bắc Ninh, Hà Nam…). Nguy cơ thiếu nước và nhiễm mặn không còn xa, trong khi sản xuất nông nghiệp tiêu dùng nước lại hiệu quả thấp. Do đó, không chỉ Hà Nội mà cả xã hội đang chờ một chiến lược mới cho sông Hồng và cả nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, sử dụng đất và nước hiệu quả, an toàn.
Mặt cắt giải pháp thành phố ngoài đê và công viên Bãi Giữa sông Hồng hai mùa lũ cạn

Mặt cắt giải pháp thành phố ngoài đê và công viên Bãi Giữa sông Hồng hai mùa lũ cạn

Khoanh vùng thử nghiệm
Tháng 7/2020, Hà Nội đã chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị sông Hồng. Do phạm vi ảnh hưởng lớn và mối liên quan trong cả chuỗi hoạt động kinh tế, xã hội, tính phức tạp do tương tác tới nhiều lĩnh vực, trong khi nhiều bên vẫn tồn tại hạn chế năng lực, đùn đẩy trách nhiệm, Hà Nội sẽ phải có những giải pháp rất chủ động, sáng tạo mới hy vọng phá băng sự trì trệ các dự án phát triển liên quan. Sông Hồng có 510km chảy qua đất Việt, đoạn qua Hà Nội dài hơn 120km. Để kích hoạt, khởi động, Hà Nội nên tập trung trọng điểm, chọn một đoạn ngắn (1 – 2km) qua các quận trung tâm để thực nghiệm. Và có thể tham khảo giải pháp của nhóm CitySolution (bao gồm các chuyên gia đô thị Việt Nam và quốc tế) đề xuất như: Khoanh vùng an toàn, tạo nên một đơn vị tự chủ cân bằng sinh thái, bảo đảm cả 3 yếu tố phát triển bền vững là đô thị, nông thôn và môi trường. Bảo đảm an toàn 3 mức nước từ +10 : +11m đến +14 m, bảo vệ bởi 3 lớp đê bê tông. Toàn bộ cư dân sẽ tái định cư tại chỗ trên tầng sàn cao +20m so với mặt biển.
Khu vực bãi giữa sông Hồng cây cối đã phát triển tốt có thể trở thành công viên mới rộng 50ha, lớn hơn cả công viên Thống Nhất (40ha) lại nằm giữa hàng trăm hecta mặt nước sông Hồng. Mùa cạn, nơi đây sẽ là công viên an toàn cho mọi người, mùa lũ là thao trường huấn luyện cứu hộ cứu nạn của dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện. Dự án tạo ra tài sản công trị giá hàng tỷ USD, tăng tính năng động cho nền kinh tế địa phương mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Giải pháp này đáp ứng yêu cầu cốt yếu của quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, không chỉ chu kỳ 300 – 500 năm mà có thể 700 – 1.000 năm, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan tới mức cao nhất.
Giải pháp này đã được một số TP ven sông Trung Quốc thực hiện như: Bãi giữa làm vườn hoa mùa cạn, mùa nước lên vẫn có cầu đi dạo an toàn. Sáng tạo mới là tổ chức khu dân cư ngoài đê sông Hồng đặt trên cao. Toàn bộ không gian mặt đất được giải phóng, tăng thêm 50 – 80ha không gian thoát nước mùa lũ, không gian công cộng mùa cạn, tổ chức giao thông đa phương tiện bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.
Hà Nội đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu đất chôn rác, do vậy có thể lấy ngay vị trí này để thực nghiệm mô hình phát triển đô thị không rác thải. Dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân đã bước đầu thành công, từ một nơi vứt rác tự phát nay cộng đồng dân cư đã chủ động phân loại, tái chế rác thải tạo nên các không gian nghệ thuật hấp dẫn.
Tại khu vực bờ sông hiện nay, toàn bộ nước thải không chảy vào cống TP mà đổ thẳng ra sông Hồng, Hà Nội nên khoanh vùng từng ô công trình để thu gom xử lý nước thải, loại bỏ nguồn gây ô nhiễm cho nước sông. Cư dân TP sẽ liên kết với bà con ngoại thành để hợp tác sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất thực phẩm sạch. Hy vọng, từ bài học nhỏ sẽ nhân rộng ra quy mô lớn hơn, cho Hà Nội và cả lưu vực sông Hồng.
Trần Huy Ánh/Kinh tế Đô thị