19/11/2022

Quận Cầu Giấy hướng tới tương lai đô thị giáo dục – công nghệ hiện đại

(KTVN) – Sau 25 năm thành lập và phát triển, từ 1 vùng đất ven nội đô, hạ tầng kém phát triển, đến nay quận Cầu Giấy một trong những trung tâm thương mạivăn hoátài chínhgiáo dụcy tế của Thủ đô Hà Nội và hướng tới trở thành đô thị giáo dục  – công nghệ hiện đại.

Quận Cầu Giấy – một trong những trung tâm thương mại – văn hoá – tài chính – giáo dục – y tế của Thủ đô Hà Nội

Kinh tế phát triển nhanh nhưng cần những định hướng mới

Trước đây, Cầu Giấy là một phần của huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1961, Hà Nội mở rộng địa giới, bỏ các quận lập ra 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành, tại khu vực Cầu Giấy có thể phân ra thành mấy vùng dân cư cổ gồmvùng: Kẻ Bưởi (Nghĩa Đô); vùng Kẻ Vòng (Dịch Vọng, Mai Dịch); vùng Kẻ Cót-Giấy (Quan Hoa, Yên Hòa); vùng Giàn Kính Chủ (Trung Hòa).

Quận Cầu Giấy được thành lập ngày 22/11/1996 theo Nghị định 74-CP của Chính Phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/9/1997. Có vị trí : Đông giáp quận Đống Đa và quận Ba Đình, phía Tây giáp hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, phía Nam giáp quận Thanh Xuân và phía Bắc giáp quận Tây Hồ.

Khi mới thành lập quận Cầu Giấy có 7 đơn vị hành chính, diện tích đất tự nhiên của Quận là 1.210,07ha, với 82,9 nghìn người.

Năm 2005, điều chỉnh địa giới hành chính phường Quan Hoa và Dịch Vọng, thành lập mới phường Dịch Vọng Hậu, chính thức hoạt động ngày 01/4/2005. Quận có 8 phường gồm Dịch Vọng, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Trung Hòa, Yên Hòa, Dịch Vọng Hậu. Năm 2020 dân số của quận là hơn 292 nghìn người.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, kinh tế của quận phát triển nhanh và khá toàn diện, tạo được sự chuyển dịch quan trọng về cơ cấu theo đúng định hướng từ “công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp” nay chuyển sang “dịch vụ – thương mại và công nghiệp – xây dựng”.

Về kinh tế, nếu năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 29,1 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8,45 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa luân chuyển và dịch vụ đạt 120,53 tỷ đồng thì đến năm 2021, mặc dù trải qua thời kỳ dịch bệnh kéo dài, diện rộng gây khó khăn mọi mặt, song giá trị sản xuất đạt khoảng 192.340 tỷ đồng (năm 2020 là 167.904 tỷ đồng), trong đó giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 75.011 tỷ đồng (năm 2020 là 58.943 tỷ đồng), giá trị sản xuất thương mại dịch vụ là 117.329 tỷ đồng (năm 2020 là 108.961 tỷ đồng).

Thu ngân sách quận năm 2020 là 7.133 tỷ đồng, đạt 105,74% dự toán. Tương ứng năm 2021 là 9,278 tỷ đồng, đạt 135,35% dự toán.

Có thể thấy, tỷ trọng nguồn thu trong thu ngân sách vẫn chủ yếu từ các nguồn truyền thống như sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ. Trước những thách thức mới khi thương mại dịch vụ bão hòa , xây dựng công nghiệp thô sơ từng bước suy giảm, quận Cầu Giấy cần đặt ra mục tiêu phát triển theo định hướng mới.

Hạ tầng đầu tư đồng bộ nhưng đang đối mặt với những thách thức mới

Với các dự án hạ tầng đô thị đã giúp cho diện mạo quận Cầu Giấy ngày càng đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại

Khi mới thành lập, quận Cầu Giấy còn mang nhiều dáng dấp của vùng nông thôn với diện tích nông nghiệp lớn, hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, chưa có quy hoạch. Trình độ năng lực quản lý đô thị còn thấp và không đồng đều nhưng đến nay Cầu Giấy đã có nhiều cải thiện trong phát triển đô thị chung trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Giống như hầu hết các làng ven đô Hà Nội, quận Cầu Giấy xưa đều có đường làng, ngõ xóm chưa được kiên cố hóa. Sau 25 năm, Cầu Giấy đã có hệ thống giao thông, công viên cây xanh xây dựng đồng bộ như: đường Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Huyên, Võ Chí Công…Quận Cầu Giấy với lợi thế nằm ở trục hành lang giao thông vành đai của Thủ đô, kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc của nước ta. Đặc biệt, chạy qua quận Cầu Giấy có đường vành đai 3 kết nối cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài.., tạo nên những lợi thế kéo theo hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hài hoà.

Tuy vậy, trong quá trình mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (năm 2008), quận Cầu Giấy thay đổi vị trí từ một quận ven đô nay kẹt giữa trung tâm Hà Nội mới và các quận Tây Hà Nội mới hình thành: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông…trở thành nơi trung chuyển giữa trong và ngoài trung tâm Hà Nội mở rộng nên những trục đường giao thông lớn thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường xuyên tâm và vành đai 2, 3. Quận Cầu Giấy được hình thành giai đoạn đầu quá trình phát triển mở rộng Hà Nội, khi chất lượng quy hoạch còn hạn chế nên hậu quả về những bất ổn trong quy hoạch hạ tầng cũng xuất hiện: úng ngập cục bộ kéo dài khi mưa lớn. Việc cống hóa các kênh mương thủy lợi để làm cống ngầm, đường giao thông làm cho tốc độ thoát nước chậm. Việc san lấp tràn lan các hồ, ao đã hạn chế các không gian trữ nước; việc bê tông hóa bề mặt cũng làm giảm khả năng tự thấm, suy giảm năng lực thoát nước cũng như ô nhiễm nước thải (do thiếu nước đổ vào sông Tô Lịch). Mạng lưới giao thông trong quận và kết nối ra bên ngoài quá tập trung cho xe cơ giới dẫn đến thiếu hụt đường đi an toàn cho người đi bộ và xe đạp. Đặc biệt thiếu chỗ đỗ xe, dẫn đến xe đỗ tràn lan vỉa hè lòng đường, không gian công cộng…đang là thách thức lớn giao thông động và tĩnh trên địa bàn – đó cũng là điểm hạn chế làm giảm sức hấp dẫn đô thị thương mại dịch vụ.

Có 04 đường lớn từ trung tâm Hà Nội theo hướng Đông – Tây chạy ngang qua địa phận Cầu Giấy có đường Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Mễ Trì , Trần Duy Hưng. Có 05 đường dọc theo hướng Bắc Nam: Vành đai 3, Trần Thái Tông, vành đai 2,5 và vành đai 2 (đường Láng) men theo 2 bờ sông Tô Lịch; tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội chạy trên đường Xuân Thủy; tuyến BRT chạy trên đường Lê Văn Lương…Hiện các con đường lớn và nhỏ trong quận đều có phương tiện di chuyển mật độ cao, một phần bị chiếm dụng đỗ xe tự phát. Sông Tô Lịch chạy dọc địa bàn quận Cầu Giấy khoảng 05km hiện đang bị ô nhiễm, chức năng thoát nước suy giảm…

Để khắc phục các tồn tại, biến “nguy thành cơ”, quận Cầu Giấy cần chủ động phối hợp với sở ngành để kiểm soát việc đỗ xe tự phát, giải phóng lòng đường vỉa hè, tăng thu ngân sách địa phương và gia tăng lưu thoát vận tải. Bên cạnh đó, từng bước hình thành mạng lưới đi bộ, làn đường cho xe đạp an toàn lưu thông, tạo dựng hình ảnh địa phương có mạng lưới giao thông thông minh an toàn. Sông Tô Lịch được thu gom xử lý nước thải đúng cách sẽ tạo nên một trục cảnh quan đặc sắc và hình thành tuyến giao thông thủy độc đáo . Quận cần các sáng kiến kết nối các khu dân cư, trường học, bệnh viện với các tuyến đường sắt đô thị, BRT đã và đang hình thành trên địa bàn bằng các hành lang đi bộ , xe đạp an toàn kết hợp với bus điện…sẽ tạo nên một thế mạnh tổng thể của một quận trung tâm phát triển giao thông, đi lại thuận tiện và thân thiện, đồng thời tạo thành một công viên sinh thái cảnh quan cây xanh mặt nước có quy mô gần 100 ha chạy dọc và đan xen trên địa bàn.

Các dự án hạ tầng đô thị là một phần không tách rời các dự án cải thiện, nâng cấp các khu dân cư tập trung, khu tập thể cũ để tự tạo nguồn nội lực đầu tư tại chỗ, bền vững, hài hòa.

Quận Cầu Giấy với thế mạnh hình thành đô thị giáo dục – công nghệ

Trường Hà Nội – Amsterdam đi vào hoạt động từ 2010. Bên cạnh đó là hàng chục trường Đại học, trong đó có những trường Đại học lớn, tầm quốc gia như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Quy hoạch Giáo dục quận Cầu Giấy giai đoạn 2010-2020
(TG thực hiện 2008-2009)

Năm 2010, Quận Cầu Giấy đã tập trung rà soát quỹ đất dành cho giáo dục đào tạo, khắc phục những yếu kém sai sót của bản Quy hoạch mạng lưới giáo dục, đào tạo do Sở Kiến trúc Quy hoạch chủ trì thực hiện 2003… Từ đó đã từng bước xây dựng địa phương đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu. Đến nay, toàn quận có 35 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 27 trường công lập. Với tổng số hàng trăm trường học từ cấp mầm non đến THPT, quận Cầu Giấy là địa phương có hệ thống giáo dục dày đặc nhất Hà Nội với đủ loại mô hình: công lập, bán công, dân lập, trong nước và quốc tế. Nhiều trường có vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục Hà Nội, đặc biệt có trường chuyên. Cầu Giấy là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế, trong đó có trụ sở của tập đoàn công nghệ số như FPT, VNPT, Viettel, MobifoneCMC, Cung Trí Thức… và cả khu công nghiệp phần mềm với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các công ty truyền thông, trụ sở các hãng thông tấn truyền hình.

Cầu Giấy cũng là nơi có nhiều cơ sở y tế, bệnh viện như Bệnh viện E, Viện 198 Bộ Công an, Viện Huyết học truyền máu Trung ương… vừa là nơi khám chữa bệnh vừa là trung tâm nghiên cứu y sinh học chuyên sâu, tạo thành một hệ sinh thái giáo dục – công nghệ – y sinh học trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Trong định hướng phát triển địa phương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân quận Cầu giấy đã nhận diện những thách thức và cơ hội địa phương để từng bước chuyển mình: từ một địa bàn nông nghiệp chuyển sang xây dựng – dịch vụ – thương mại nay hướng tầm nhìn phấn đấu trở thành đô thị giáo dục – công nghệ – sinh thái trong bức tranh tổng thể phát triển chung của Thủ đô.

Quận Cầu Giấy xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường

Trong thời gian tới, bên cạnh những chương trình, dự án lớn canh tân đô thị, nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, thoát nước, công viên, cây xanh, sân chơi công cộng…Quận ủy – UBND quận Cầu Giấy đã có những chương trình hợp tác với các tập đoàn công nghệ để xây dựng, chuyển giao, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ công chức và cộng đồng xã hội, nhằm từng bước xây dựng cộng đồng công dân Cầu Giấy không ngừng học hỏi, học tập suốt đời, nắm vững khoa học công nghệ trong một đô thị vừa giàu bản sắc truyền thống nhưng sẵn sàng bước tới tương lai.

Trần Huy Ánh (Ủy viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam),

Vũ Trung Kiên (Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy)