30/11/2022

Phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn: Cơ hội và Thách thức

(KTVN) – Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc với hạn chế về địa hình phức tạp, dân cư sinh sống không tập trung. Tuy nhiên, Lạng Sơn lại sở hữu vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là nút giao lưu kinh tế với các tỉnh lân cận, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế và cửa ngõ nối Trung Quốc với các nước ASEAN qua 2 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Chính những tiềm năng sẵn có này đã tạo cho Lạng Sơn thế và lực để vươn mình bứt phá.

 

Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, nằm ở vị trí có các tuyến quốc lộ quan trọng đi qua 11 huyện, thành phố kết nối với các tỉnh thông qua nhiều tuyến quốc lộ như QL 1A (Lạng Sơn – Mũi Cà Mau), QL 1B (Lạng Sơn – Thái Nguyên), QL 3B (Lạng Sơn – Bắc Kạn), QL 4A (Lạng Sơn – Cao Bằng), QL 4B (Lạng Sơn – Quảng Ninh), QL.31 (Đình Lâp – Bắc Giang), QL.279 (Lạng Sơn – Bắc Giang – Bắc Cạn).

Năm 2019, tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng đoạn Km108+500 – km45+100 thuộc tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, hiện nay đang triển khai đoạn tuyến Cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị, sau khi được hoàn thành, đây là một động lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội và phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.

Không những thế, Lạng Sơn là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như Quảng Ninh, phía Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và cửa ngõ nối Trung Quốc với các nước ASEAN qua 2 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ.

Mặt khác, Lạng Sơn có đường sắt liên vận quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học – công nghệ với các tỉnh phía Nam Việt Nam, với Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, Châu Âu và nhiều nước khác.

Tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 01 thành phố và 10 huyện với 200 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường, 14 thị trấn và 181 xã. Trên địa bàn tỉnh có 15 đô thị (gồm 01 đô thị loại II; 01 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V), năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 23,06%. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa từng bước được nâng lên, diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, khởi sắc, nhất là trung tâm các huyện, thành phố, khu tập trung đông dân cư.

Trung tâm TP Lạng Sơn nhìn từ trên cao (Ảnh: Danh Lam)

Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn phát triển ổn định và tiếp tục tăng trưởng, có mức tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng của các nhóm ngành thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng và giảm tỷ trọng của nông – lâm – thủy sản. Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngày càng tăng, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường đáng kể.

Công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2020, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 63%, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý đạt 95%, tỷ lệ chất thải y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện được thu gom, xử lý đạt 100%.

Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công tác quản lý, đầu tư, chỉnh trang đô thị được quan tâm, bộ mặt đô thị, cửa khẩu ngày càng khang trang. Thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh vào năm 2019, định hướng giai đoạn 2026-2030 Thành phố Lạng Sơn đạt một số tiêu chí của đô thị loại I.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn đang đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm cần được cải thiện, các cơ sở công nghiệp chủ yếu tập trung lắp ráp và chế biến thô, cần thêm nhiều sản phẩm hàng hoá phong phú, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đạt như kỳ vọng, cần đẩy mạnh lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ để tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cần được quan tâm hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn. Công tác giải phóng mặt bằng, quản lý dự án đầu tư, xã hội hoá đầu tư, trước hết trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thể dục – thể thao, văn hoá cần được quan tâm hơn nữa.

Thứ tư, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các di tích lịch sử, danh thắng còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm, công tác lập, thẩm định, quản lý, rà soát, điều chỉnh quy hoạch cần được thực hiện kịp thời.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh các dự án tiến độ chậm không đáp ứng theo thời gian đã phê duyệt ban đầu.

Nhằm đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa toàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế hướng tới phát triển đô thị bền vững, ngày 6/7/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 81 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn Về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn theo hướng sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, hình thành đô thị tỉnh lỵ (loại I) là đô thị có yếu tố đặc thù rất độc đáo, có biên giới quốc gia.

Mở rộng không gian, tăng cường thu hút đầu tư và phát huy mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững với tầm nhìn dài hạn, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng thành phố Lạng Sơn với mục tiêu trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Để tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tương xứng với chức năng của đô thị tiêu biểu vùng núi phía Bắc và chức năng của đô thị loại II (sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn).

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 30%; Số lượng đô thị toàn tỉnh có 15 đô thị (gồm1 đô thị loại II; 14 đô thị loại V);

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 40%; Số lượng đô thị toàn tỉnh có 17 đô thị (gồm: phấn đấu đạt một số tiêu chí của đô thị loại I – thành phố Lạng Sơn là đô thị thông minh; 3 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V), trong đó hình thành thêm 2 đô thị loại V có đường biên giới quốc gia là thị trấn Chi Ma – Yên Khoái (huyện Lộc Bình) và thị trấn Tân Thanh (huyện Văn Lãng);

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu bằng tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các khu vực, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh; phát triển du lịch và nông lâm nghiệp; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của thành phố Lạng Sơn đến năm 2045.

Đồng thời, tập trung phát triển một số đô thị làm động lực phát triển kinh tế – xã hội của từng huyện. Trong đó trọng tâm phát triển thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị hạt nhân, tạo sức hút; hỗ trợ phát triển nhanh Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lạng Sơn quan tâm thực hiện tốt việc kết hợp phát triển đô thị gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh theo đúng chủ trương tại Kết luận số 57-KLTW ngày 16/09/2019 của Bộ Chính trị và Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ về việc kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng, để đô thị Lạng Sơn phát triển bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đặc biệt, khi quy hoạch phát triển đô thị các huyện, biên giới cần cân nhắc hạn chế tối đa việc san, lấp các hồ, đập, sông suối, đồi núi ở khu vực cửa khẩu, biên giới nhằm tạo hành lang tự nhiên có tác dụng phòng thủ trong an ninh, quốc phòng của tỉnh và của quốc gia.

Tỉnh Lạng Sơn ưu tiên đầu tư phát triển một số hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối trên địa bàn.

Về các đề án, dự án quy hoạch phát triển đô thị trọng tâm có lập đồ án quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030; lập quy hoạch chung TP Lạng Sơn và các đô thị khác; lập chương trình Phát triển đô thị thành phố Lạng Sơn, đô thị Hữu Lũng, Đô thị Lộc Bình; lập đề án điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập đơn vị hành chính các đô thị; đề án xây dựng đô thị Thông minh tỉnh Lạng Sơn; đề án nghiên cứu giải pháp phát triển không gian cây xanh, không gian công cộng, bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Cùng với đó, Lạng Sơn sẽ phát triển các dự án trọng điểm đầu tư.

Về hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội, tỉnh chú trọng đầu tư và các dự án trọng điểm như: Hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc, nghĩa trang, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ, du lịch, trụ sở cơ quan hành chính.

Từ đó, Lạng Sơn đưa ra một số giải pháp về cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn, phân bổ nguồn lực, sự tham gia phối hợp, hỗ trợ trong nước và quốc tế.

Giải pháp về nguồn vốn đối với các công trình do Trung ương quản lý, tỉnh đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành, ưu tiên đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Khai thác nguồn vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, hợp tác Nhà nước và tư nhân (PPP).

Đối với các dự án do tỉnh đầu tư, Lạng Sơn sẽ sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn tài trợ hợp pháp khác để lập quy hoạch. Sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương, bộ, ngành cho các công trình trọng điểm, phát huy nội lực địa phương cho các công trình địa phương. Đẩy mạnh việc huy động vốn từ việc khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới trong khu vực đô thị. Lập quy hoạch chi tiết các khu đô thị dọc các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới, để tạo nguồn vốn dài hạn đầu tư các công trình giao thông.

Đa dạng hóa hình thức đầu tư liên doanh, liên kết, hợp tác Nhà nước và tư nhân (PPP) để đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, trung tâm đăng kiểm, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Đối với các công trình công cộng chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Rà soát, bổ sung thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho phù hợp với các quy định hiện hành và ban hành các cơ chế ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào những dự án nâng cấp đô thị.

Giải pháp về thu hút đầu tư, tỉnh nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố và xây dựng cơ quan xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tiếp tục rà soát và xây dựng thông tin chi tiết về dự án đối với danh mục kêu gọi đầu tư để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư; Tham gia tích cực các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia; Lựa chọn dự án đầu tư thí điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bên cạnh đó, chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng; Giải pháp Nhà nước và người dân cùng làm.

Giải pháp về chính sách, tỉnh tiếp tục rà soát các quy định, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh.

Tiếp tục cụ thể hóa các chính sách về các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, môi trường đô thị,…), phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng công trình phúc lợi (nhà ở, bệnh viện, trường học, văn hoá, thể thao) cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được các cơ quan ban hành để có thể áp dụng vào tình hình thực tế.

Tỉnh Lạng Sơn đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành ưu tiên đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Khai thác nguồn vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, hợp tác Nhà nước và tư nhân (PPP)

Tiếp tục rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ, tập trung tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện để dự án sớm triển khai; Tiếp tục thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước để tiếp tục thu hút vốn đầu tư.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương.

Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo các đơn vị, các ngành với các nhà đầu tư để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương, tạo hiệu ứng lan toả và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Giải pháp về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, tỉnh sẽ phối hợp liên ngành đặc biệt là ngành xây dựng và tài nguyên môi trường để đánh giá thực trạng biến đổi khí hậu, thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…) tác động đến phát triển hệ thống đô thị của tỉnh.

Xây dựng hệ thống bản đồ phân vùng nguy cơ chịu tác động; Trong công tác quy hoạch cần nghiên cứu cụ thể các giải pháp ứng phó và đặc biệt là công tác lựa chọn đất phát triển đô thị cần tránh các khu vực có nguy cơ chịu tác động mạnh của BĐKH, thiên tai.

Xây dựng Chương trình, kế hoạch ứng phó với BĐKH, thiên tai cho toàn tỉnh và các đô thị.

Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện các nghiên cứu đề xuất các giải pháp cho các đô thị tỉnh Lạng Sơn ứng phó với BĐKH; Xây dựng hệ thống cảnh báo, quan trắc nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Chú trọng công tác ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.

Giải pháp về xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch, tỉnh lập và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị phù hợp với tình hình phát triển đô thị của tỉnh. Lập và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, các thị trấn, điểm tập trung dân cư, các khu vực có khả năng phát triển hoặc có khả năng kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư.

Ban hành quy chế quản lý theo quy hoạch, thực hiện tốt việc công bố quy hoạch xây dựng để nhân dân biết, thực hiện. Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan cho từng đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Ứng dụng, tích hợp các hình thức quản lý đô thị bằng các giải pháp quản lý đô thị thông minh.

Giải pháp về nguồn nhân lực, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án nhằm đào tạo lao động ở các trình độ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao trình độ lao động, đặc biệt là đối với người nông dân bị thu hồi đất sản xuất để giao cho dự án. Tạo các cơ chế chính sách xã hội để các doanh nghiệp tạo điều kiện về chỗ ở cho công nhân.

Thực hiện: Quang Tuyền – Thiết kế: Đức Thịnh

Ths.KTS Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Viện nhà ở và công trình công cộng (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng)