27/06/2022

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Truy trách nhiệm cả người đứng đầu cơ quan đã về hưu để quy hoạch “băm nát”

Trong Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành, hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu (Hà Nội) được chỉ rõ. Đơn vị thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan như UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng và một số cơ quan quản lý địa phương đã để xảy ra các vi phạm trên.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Trao đổi với Dân trí, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đánh giá, Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã làm rõ thực trạng quy hoạch của Hà Nội nói chung và của tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu nói riêng. Đặc  biệt là “vạch mặt” từng hình thức vi phạm, nội dung vi phạm về quy hoạch, xây dựng mà lâu nay nó đã tồn tại và tồn tại ngang nhiên.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Ngọc Thành/VOV)

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, việc khắc phục  các công trình vi phạm về quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương là không thể, bởi nhiều công trình cao mấy chục tầng đã hoàn thiện, được đưa vào sử dụng.

“Tình trạng vi phạm của các công trình trên tuyến đường Lê Văn Lương sẽ tiếp tục tồn tại với thời gian, gây ra rất nhiều hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, có những hệ lụy cho đến bây giờ chưa thấy rõ”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Về phần trách nhiệm, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, Kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng mới chỉ là thanh tra chuyên ngành và là bước khởi đầu, nhưng đã xuất hiện rất nhiều vấn đề. Chính vì thế, theo ông, cần xem xét ở bình diện sâu hơn, rộng hơn thì mới đảm bảo xem xét chính xác trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan để xảy ra vi phạm.

Trong đó, ông Nhưỡng đặc biệt nhấn mạnh việc cần xem xét trách nhiệm của tất cả cơ quan, đặc biệt là trách nhiệm của những người đứng đầu các giai đoạn để xảy ra tình trạng vi phạm như Kết luận nêu.

“Có những người về hưu rồi, nhưng không phải về hưu là chúng ta không xem xét. Có thể không xem xét về mặt hành chính, nhưng phải xem xét về mặt Đảng, hình sự nếu có dấu hiệu”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt dự án 2 bên đường Lê Văn Lương vi phạm điều chỉnh quy hoạch và xây dựng (Ảnh: Trần Kháng)

Cũng theo ông Nhưỡng, chúng ta cần phải lập trách nhiệm của từng chủ thể rõ, như trách nhiệm của UBND TP Hà Nội tới đâu, của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng đến đâu, cơ quan quản lý trực tiếp địa phương, trách nhiệm của Sở, ban ngành liên quan: Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường… là các cơ quan có liên quan đến phê duyệt, quản lý dự án, quản lý đô thị, môi trường.

“Trách nhiệm của người đứng đầu thành phố là ông Chủ tịch UBND trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, và xem xét vai trò cấp ủy, Mặt trận tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp… về vấn đề này”, ông Nhưỡng nêu.

Làm rõ việc có hay không “lợi ích nhóm”?

Liên quan tới các vi phạm trong điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng… nhiều công trình trên đường Lê Văn Lương có lợi cho chủ đầu tư, dư luận đã đặt ra nghi ngờ “có lợi ích nhóm”, ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắng cho rằng, chưa ai chỉ rõ ở trong những vi phạm điều chỉnh quy hoạch, xây dựng đã nêu có “lợi ích nhóm”. Nhưng khi dư luận đặt ra, có khả năng có “lợi ích nhóm”, thì các cơ quan phải xem xét có hay không.

“Người ta đồn thổi, nếu điều chỉnh một dự án thì những người thực hiện điều chỉnh đó, hay cả những người giúp sức chạy chọt nếu có thì sẽ được phần “ăn chia”? Mình cần làm rõ có hay không? Nhưng chắc các hành vi đó cũng tinh vi, chứ không phải là chuyện bình thường, không thể làm rõ được ngay”, ông Nhưỡng phân tích và cho rằng, nếu muốn làm rõ thì cần cả một hệ thống chính trị vào cuộc, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Từ đó mới xác định được có hay không có “lợi ích nhóm”, vi phạm mức độ như thế nào, để có biện pháp xử lý triệt để.

Các dự án 2 bên đường Lê Văn Lương thường có vi phạm về quy hoạch đa số là nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng và không tính toán yếu tố hạ tầng xung quanh (Ảnh: Trần Kháng)

Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện theo quy hoạch sẽ là vấn đề hết sức hệ trọng đối với Thủ đô, nó khác hoàn toàn với các địa phương khác. Bởi Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả nước. Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, nên chúng ta phải hết sức thận trọng, làm kỹ.

“Ngoài việc thực hiện các quy định chung của pháp luật liên quan tới quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, dân số, dân cư, quốc phòng an ninh và các Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội còn có “đạo luật riêng” là Luật Thủ đô. Vậy không có lý do gì để vi phạm tồn tại, phá vỡ quy hoạch của Thủ đô”, ông Nhưỡng nêu.

Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng cho rằng, trách nhiệm trong kết luận thanh tra mới chỉ ra chung chung. Do đó, cần thiết hơn nữa là phải có chương trình giám sát nghiêm và Thanh tra Chính phủ vào cuộc, nếu có sai phạm, dấu hiệu hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra của Bộ Công an làm rõ.

Chia sẻ thêm với Dân trí, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội trước đó, ông đã có nhiều lần kiến nghị, đề xuất, đề nghị và chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc đảm bảo thanh tra, kiểm tra các công trình chung cư cao tầng, khu đô thị làm ảnh hưởng tới giao thông, áp lực hạ tầng thành phố, tuy nhiên, việc thanh tra còn chậm.

Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian tính không đảm bảo, khiến cho những thời điểm thanh tra có thể rơi vào thế “việc đã rồi”. Do đó, tác dụng của thanh tra không đi trước đón đầu được, dẫn tới luôn luôn ở tình trạng dài quá.

Việc “băm nát” quy hoạch đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường (Ảnh: Trần Kháng)

“Thanh tra là chế độ hậu kiểm nhưng phải có tính chủ động. Bởi ngay từ phê duyệt đồ án quy hoạch đã phải tiến hành thanh tra rồi và lúc đó có chấn chỉnh thì sẽ có sự thay đổi, còn bây giờ như “nước đổ đầu vịt”. Nó không có giá trị lớn”, ông Nhưỡng nói và nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng quy hoạch như “nhạc trưởng”, mà “nhạc trưởng chơi lung tung, chơi điên loạn thì các quy hoạch khác trở thành tình trạng vô chính phủ là vô cùng nguy hiểm”. Cuối cùng nạn nhân chính là xã hội, là người dân.

“Chúng ta thấy rằng, biện pháp thanh tra của các chương trình thanh tra cần thay đổi, được rút kinh nghiệm, chấn chỉnh. Đây là bài học rất lớn về công tác thanh tra chứ không đơn thuần bài học về vi phạm. Nếu để tình trạng quy hoạch như đổ bát nước xuống cát xong đi vắt lại thì không được”, ông nhấn mạnh.

Trần Kháng/Dân trí