14/08/2023

Nhìn lại sau 10 năm thực hiện chiến lược Phát triển KT-XH Hà Nội 2012-2022 – Bài 2: Quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô 20 năm qua và 10 năm tới

Ngày 4/8, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Toạ đàm, lấy ý kiến phương án phát triển của giáo dục Hà Nội, cách thức tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2012-2030, đây là dịp nhìn lại Quy hoạch và thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới trường học đã qua vài kỳ vọng những đổi mới trong thời gian tới.

Trường học nhà trẻ ở đâu trong bản Quy hoạch Hà Nội (*)

Đó là tên bài viết của tác giả đăng vào năm 2010, khi ấy Hà Nội rộn ràng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nơi nơi dự định làm ra 1000 bài thơ, bài hát, cái trống, cái chiêng, cái đèn lồng để nhân dịp Đại lễ này sẽ thắp sáng trời Thăng Long, ca múa ngâm nga đón mừng; Có cả sáng kiến sắn ra nhiều nghìn m2 đất, bỏ ra nhiều tỷ đồng để làm cổng chào các cửa ô. Cùng thời gian này, các nhà thầu vẽ Quy hoạch chung Hà Nội công bố phim đồ họa “Great Hanoi”  giới thiệu tương lai Hà Nội vĩ đại có quy mô diện tích lớn tầm thế giới: mở đầu là từ trên trời cao con rồng uốn lượn bay tới đất Thăng Long, phía dưới là những cánh buồm lướt xuống sông Hồng hướng về trung tâm Hà Nội với rừng cao ốc mọc lên tua tủa, đường sắt đô thị dọc ngang, xa lộ xe cộ như mắc cửi… nhưng không ai biết thiên hà ấy làm hết bao nhiêu tiền và tiền đâu để xây nên cái Hà Nội vĩ đại ấy. Nhìn quanh phố, làng Hà Nội lúc ấy nơi đâu cũng thấy thiếu trường học, nhà trẻ. Có nơi 50-70 cháu/lớp; Có nơi các cháu không có sân chơi phải xếp hàng chào cờ và chơi ngoài vỉa hè, lòng đường. Tác giả đã gửi gắm ước ao “Hướng tới 1000 năm Thăng Long, giá như trên 500 xã phường Hà Nội có phương án định vị trên bản vẽ 1000 trường học nhà trẻ mới, thì hàng triệu mầm non đất nước vinh dự sống ở Thủ Đô có thêm niềm vui được nhân lên 1000 lần.” (*) Giấc mơ về Thành phố vĩ đại mà chỉ cần bản đồ Quy hoạch đánh dấu nơi nào đó sẽ xây trường cũng không có, đến hôm nay (2023) vẫn chưa có.

Trích bài trình bày Quy hoạch 1259 ngày 4/3/2010, có 168 hình ảnh, có 2 bản đồ đánh dấu các trường Đại học mà không có 4 cấp trường: Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT

Năm 2003, Viện Quy hoạch Xây Dựng – Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (do ông Đào Ngọc Nghiêm làm giám đốc) đã lập, trình “Quy hoạch mạng lưới trường học thủ đô Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” và được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 05/2003/QĐ-UB. Quy hoạch căn cứ vào số dân hiện trạng quá thấp nên đề xuất thiếu đất xây trường… Đất thừa ra không xây trường, cấp cho các tổ chức cá nhân khai thác bất động sản tràn lan, có cả hàng chục, hàng trăm dự án để hoang hàng chục năm không sử dụng. Nhiều khu đô thị xây nhà bán, không xây trường, nên Hà Nội thiếu hàng trăm trường học, hàng ngàn phòng học. Nội thành thiếu, đến cả vùng quê xa, bà con nông dân cũng phải bốc thăm mới có chỗ học trường mầm non công lập; Thiếu trường học trầm trọng nhất là 6 quận cận trung tâm, nơi có nhiều bất động sản thương mại, chung cư cao tầng dày đặc nhất.

Sau 20 năm Quy hoạch trường học (2003-2023). Dân số đô thị tăng gấp đôi (2,3 triệu lên 4,6 triệu) nhưng đất đô thị tăng từ 12 lần – trong đó có không ít đô thị không người và rất nhiều đô thị không có trường học; đặc biệt 6 quận cận trung tâm: Đống Đa, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai thiếu 50% đất xây trường học.(**)

 Hà Nội không thể trở nên Thông Minh – Sáng Tạo nếu thiếu nhà trẻ, trường học

Ngày 4/8/2023, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Toạ đàm, lấy ý kiến về phương án phát triển của giáo dục và nguyên tắc, cách thức tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2012-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tọa đàm do Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội tổ chức. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì buổi làm việc. Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định công tác đánh giá thực trạng ngành Giáo dục Thủ đô hiện nay phải được thực hiện trung thực, thẳng thắn, khách quan, khoa học và sáng tạo. Toàn bộ số liệu phải được cập nhật đến năm 2022 và có so sánh với Thủ đô một quốc gia có nền giáo dục tương đồng để đặt mục tiêu hướng đến, xây dựng kế hoạch thực hiện. Các kịch bản phát triển đưa ra cần đánh giá hiệu quả cụ thể, tránh nêu chung chung, thiếu những phân tích xác đáng, thuyết phục…

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có vai trò quan trọng trong Quy hoạch Tổng thể Quốc gia và đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ cho Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đố (Điều chỉnh QHC1259) do vậy công tác chuẩn bị dữ liệu đầu vào là tối quan trọng. Thực tế đã chỉ ra sự thiếu hụt trường học Thủ đô trong 20 năm qua có nguyên nhân chính do tư liệu đầu vào sai sót, do vậy rất cần quan tâm ngay từ khâu tập hợp dữ liệu, yêu cầu sự chính xác, đầy đủ và tổ chức, trình bày dữ liệu một cách khoa học, mạch lạc có khả năng tham chiếu cao, nhằm loại bỏ các thông tin đầu vào chủ quan, suy diễn tùy tiện thậm chí làm sai lạc vì nhiều lý do.

Để đóng góp thiết thực nội dung phát triển giáo dục trong Quy hoạch Thủ đô, chúng tôi giới thiệu Nội dung Giáo dục phổ thông, Cao đẳng, Đại học và sau Đại học trong “Tập bản đồ quốc gia của Nhật Bản” xuất bản năm 1977 và năm 1990, do Bộ Đất đai, Giao thông xây dựng và Du lịch (MLIT-Japan) công bố. Nội dung giáo dục Nhật Bản xuất bản năm 1997 có 3 trang, Trang 1: thông tin chung về số lượng các trường Phổ thông và Đại học; số lượng học sinh phổ thông; số lượng sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học và sau Đại học; Kèm theo thông tin tổng hợp là 8 biểu đồ, đồ thị diễn họa các thông tin. Trang 2 là bản đồ vị trí các trường Cao đẳng Đại học trên toàn lãnh thổ Nhật bản tỷ lệ1/2.500.000. Trang 3 là Bản đồ phân bố các trường Phổ thông, Đại học số lượng học sinh sinh viên trên toàn Nhật Bản, tỷ lệ 1/5.000.000. Năm 1990 có nội dung tương tự, cập nhật thông tin mới và có thêm 3 bản đồ vị trí các thư viện, bảo tàng, hội trường công trên toàn Nhật Bản tỷ lệ 1/5.000.000.

Từ năm 2015, nhiều đoàn Việt Nam đã tới Nhật bản để tham quan học hỏi kinh nghiệm Quy hoạch và đã được giới thiệu tư liệu “tích hợp đa ngành” trong “Tập bản đồ quốc gia của Nhật Bản”: kích thước A2 gồm 351 trang, 276 bản đồ chuyên đề và mô tả 15 lĩnh vực khác nhau như: thiên nhiên, phát triển và bảo tồn, xã hội và văn hóa… được biên tập và ấn loát theo quy trình nghiêm cẩn, đề cập tới tất cả các khía cạnh kinh tế xã hội Nhật Bản do các chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực tham gia biên soạn dưới sự chỉ đạo của Chính phủ .

Bài học Nhật Bản giúp chúng ta tham khảo cách tập hợp và trình bày tư liệu; cách thể hiện bản đồ, biểu đồ, đồ thị, màu sắc, hình thức để tổ chức thông tin dữ liệu từ quy mô Quốc gia tới các địa phương theo quy chuẩn thống nhất: vừa theo trật tự toán học, vừa đạt yếu tố thị giác chuyên nghiệp. Với nguồn lực đã được đầu tư xứng đáng, tiến hành trong môi trường công kỹ nghệ phát triển cao, Hà Nội cần thiết và có thể đảm nhiệm vị trí tiên phong công tác này.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng

Nguồn ảnh minh họa: Hanoidata & Citýolution ST-BT

(*) https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/-35389/truong-hoc-nha-tre-o-dau-trong-ban-quy-hoach-hn

(**) Bản đồ QHC 1259 có đủ chữ ký xác nhận của liên danh tư vấn. Số liệu dân cư, diện tích đất đô thị 2003 của JICA, số liệu dân cư 2023 của HUPI; Diện tích đô thị bằng phương pháp số hóa hình học ( geometry digitization ) nền Google Earth at Nigth 2020;

Dữ liệu QH trường học: https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/quyet-dinh-05-2003-qd-ub-uy-ban-nhan-dan-tp-ha-noi-26875-d2.html